NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Chuyện của 30 năm trước: ĐI DỰ KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY THÀNH LẬP THƯ VIỆN KẾT NGHĨA HẢI PHÚ - (BÀI ĐĂNG TIẾP KỲ TRƯỚC)

(Tiếp theo)
          ……
          Sau buổi lễ kỷ niệm, UBND thị xã Tuy Hoà, ngành văn hoá và thư viện Hải Phú tổ chức chiêu đãi tại nhà khách thị uỷ. Lợi xếp tôi ngồi cùng bàn với Anh Bảy Tính cùng các đồng chí lãnh đạo Thị uỷ, Uỷ ban và Phòng văn hoá thị xã. Đang ăn, anh Bảy gọi "Năm, mày qua đây tao dặn này". Người đàn ông được gọi sáp đến, anh Bảy giới thiệu với tôi: "Đây là Năm Quang, quyền trưởng phòng văn hoá thị xã Tuy Hoà. Hoạt động văn hoá dữ lắm đó" Quay sang Anh Năm, người có dáng thấp đậm, tóc cũng nhuốm bạc, tuổi cỡ xấp xỉ năm mươi, Anh Bảy dặn: "Chăm sóc thằng nhỏ cho kỹ, chuyển nó qua nhà khách Con gà vàng. Giữ chơi vài hôm cho nó lại sức, rồi bảo thằng Tư khi vô Nha Trang họp đưa nó về chỗ tao". Anh Quang dạ dạ rồi vỗ nhẹ vai tôi: "Chú em khỏi lo đi, anh Quang mà chăm thì khỏi khụ khựa gì hết". Bữa đó, tôi không biết đã phải chạm ly với bao nhiêu người, cũng may tiệc chỉ dùng La de (Bia lên men) và không phải dô trăm phần trăm như bây giờ nên chịu được. Người mà Anh Bảy kêu tên "thằng Tư" chính là Anh Nguyễn Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Tuy Hoà lúc đó.



          Sau bữa đó, anh Năm Quang chuyển tôi qua ở bên Khách sạn Con gà vàng (Trên nóc ngôi nhà này có biểu tượng con gà mái đẻ trứng vàng, vốn là ngân hàng Nông - Lương - Thương tín của chính quyền Nguỵ trước đây. Sau năm 1989, ngôi nhà này lại trả lại cho Ngân hàng công thương Phú Yên sử dụng). Chỗ ở đẹp, nhiều tiện nghi, phục vụ cả ăn nghỉ. Anh Quang đe Lợi: "Bây giờ thằng Ba (anh gọi tôi theo thứ bậc trong nhà như vậy) là khách của Phòng, làm việc gì mấy đứa bây phải báo qua tao nghe hông!". Tôi dành mấy buổi cùng Lợi và Nhơn xem xét, góp ý cho tổ chức nghiệp vụ, hình thức và phương pháp phục vụ người đọc. Riêng Nhơn, cậu ta lại rất hăng say với công tác địa chí. "Cái say này là từ thày Nhã"- Cậu tâm sự vậy. Anh Năm thì chạy xe đưa tôi đi thăm thú các nơi, qua cả nhà ...Anh Tư Sơn, chủ tịch UBND thị xã rủ Anh đi uống cà phê sáng (cách gọi đầy đủ của bữa lót dạ). Có hôm, tôi lọ mọ một mình trèo lên trên đỉnh núi Nhạn nhìn toàn cảnh thị xã Tuy Hoà. Trải dài trước mắt, con sông Ba dưới chân cầu Đà Rằng đưa nước từ đất liền ra biển, tạo lên một doi đất mà sau này, Nhơn giải thích tôi hay rằng dân gian từng gọi doi đất này là ngọn bảo kiếm giữ cho đất lành chống trả kẻ thù từ ngoài khơi xa xâm nhập. Dưới chân núi Nhạn, nhà cửa của dân lấp ló trong màu xanh tán dừa và cây xanh hai bên đường. Ngoài một vài công sở nguỵ còn lại và một vài nhà lầu của người kinh doanh buôn bán trước giải phóng, đa phần là nhà một tầng, số nhà mái ngói ít hơn nhiều so với mái tôn, mái lá. Đỉnh núi Nhạn khi đó chưa được chăm sóc để làm du lịch như bây giờ. Ngọn tháp Nhạn - tháp Chăm độc đáo của cư dân Phú Yên cổ trông cũ kỹ và cây dại mọc phủ trông hoang phế. Kế bên tháp Nhạn là một tổ hợp phát điện - thông tin liên lạc quân sự của Nguỵ bỏ không như một phế tích, máy móc bị phá dỡ, thất thoát chẳng còn gì. Để bảo vệ cao điểm này, chính quyền nguỵ còn xây một tháp canh với nhiều lỗ châu mai hướng về bốn phía trông hết sức đe doạ. Tôi đánh bạo mò vào bên trong, chẳng có gì ngoài vài đám dơi bám đeo trên tường. Tại một góc xa của tháp, tôi còn nhặt được 4 vỏ đạn AR15 lăn lóc, vỏ đồng xạm nâu lẫn vết rỉ xanh đem về như một kỉ niệm của chuyến thám hiểm núi Nhạn. Sau này, vào năm 2001, có dịp quay trở lại nơi này, trên đỉnh núi Nhạn ngoài cột anten của Truyền hình Phú Yên và các công trình phụ trợ, các dấu tích ngày nào chỉ còn di tích tháp Chàm đã được tu bổ tôn tạo phục vụ du lịch.
          Sau ba ngày được Anh Năm chăm sóc, một chiều nọ, Lợi đến đón tôi qua nhà chơi, nhậu một chút gọi là để vừa biết nhà, gia cảnh vừa để chia tay tôi để ngày mốt tôi vào Nha Trang cùng xe Anh Tư Sơn. Nhà Lợi khiêm tốn nép trong một ngõ nhỏ. Giới thiệu "bà xã" với tôi, Lợi còn đùa rằng "bọn tôi cùng tuổi nên dễ bảo nhau lắm". Nhìn cô vợ, tôi đoán  chị thuộc "tip" người miệng nói tay làm, mọi sự đảm lược toát lên từ khuôn mặt đoan trang đôn hậu, dễ gần. Nhà làm hàng may mặc nhỏ, hai đứa trẻ con anh chị trạc tuổi đám nhóc nhà tôi, cũng "một nữ, một gái". Bữa đó, lần đầu tiên tôi được biết đến vị bánh xèo nam Trung bộ. Cay, nóng và dùng với thật nhiều rau và nước chấm khéo pha. 
          Bữa tôi đi, trước khi xe của UBND thị xã đến đón, Lợi và Nhơn ra khách sạn với tôi từ rất sớm, cỡ năm giờ năm rưỡi gì đó. Chia tay bịn rịn và hẹn ngày gặp lại, tôi lên xe qua đón Anh Tư Sơn rồi chạy vô Nha Trang. Dọc đường đi, anh Tư và hai cán bộ văn phòng chuyện liên hồi, hỏi về nhà cửa, gia đình, quê quán, về Hà Nội.... Lên đến đỉnh Đèo Cả, anh Tư Sơn cho dừng xe nghỉ một chút rồi kéo tôi ra nhìn tấm bia ghi dấu tích nhà Nguyễn định danh đỉnh đèo. Những khối núi non hùng vĩ, nhiều khoảng phơi lộ sắc gan gà Granit giữa màu xanh ngút ngàn cây rừng nguyên sinh cùng lổn nhổn đá lăn đây đó tạo cho núi đèo Nam trung bộ vẻ hùng vĩ hoành tráng. Thiên nhiên đất nước ta quả là sơn thuỷ hữu tình, biển đó núi đó như quấn quyện lấy nhau trước mắt.
          Sau hơn hai giờ xe chạy (từ Thị xã Tuy Hoà về Nha Trang dài 120 km), thị xã Nha Trang nhộn nhịp hối hả đón chúng tôi. Tới cửa sở VHTT, tôi chia tay với anh Tư Sơn và mọi người cùng đi. Anh Sơn còn nhắc anh cán bộ văn phòng UB đưa tôi lên tận phòng Anh Bùi Tân (Bảy Tính), Giám đốc Sở "Để báo cáo Anh Bảy thằng Tư hoàn thành việc ảnh giao", Anh nói vậy. Vào phòng Giám đốc, Anh Bảy đã ở sẵn đó vui vẻ, gần gũi. Tôi nghĩ bụng chắc Anh Tư điện trước cho Anh Bảy rồi. Gọi cô giúp việc văn phòng Sở xuống lấy nước mời khách, Anh hỏi han tôi về những ngày nghỉ vừa qua ở thị xã Tuy Hoà, rủ rỉ tiết lộ: "Bà xã mình cùng sắp nhỏ trông nhà bên đó, năm tới mới chuyển qua đây được". Ngồi được một lúc, tôi thấy anh Hoàng Lý bước vô. Anh Bảy chỉ anh Lý nói: "Thằng này đang phụ trách thư viện tỉnh. Có mỗi mình nó nên chưa tổ chức được ban lãnh đạo". Rồi ngay sau đó, Anh quay sang lớn giọng: "Mày coi, anh em người ta từ mãi tại Hải Hưng vào tận thị xã Tuy Hoà dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập thư viện kết nghĩa. Mày nói tao nghe cơn cớ chi mà đây với đó không sang được, hả?". Thấy Anh Lý lí nhí gãi tai giãi bày quá tội, tôi nói đỡ: "Xin Anh Bảy bớt giận, Anh Lý và tôi vốn học cùng khoá bên Đại học văn hoá. Hơn 10 năm rồi anh em mới được gặp nhau. Tuy không sang được, nhưng anh Lý có cử cán bộ nghiệp vụ sang, sau buổi lễ tôi có được tiếp xúc trực tiếp với cô ấy." Khuôn mặt Anh Bảy giãn ra: "Vậy hả? Thế là đồng môn, đồng khoá đấy. Lý này, nhân dịp các Anh ngoài Hải Hưng vào, mấy đứa tổ chức trao đổi kinh nghiệm với nhau nghe. Ngoài đó, lĩnh vực này được nhà nước xây dựng từ sau năm tư (1954) lại còn dành nhiều công sức tiền của để giúp mình xây dựng thư viện như vầy là anh em nhiều kiến thức, kinh nghiệm lắm. Thằng Ba là khách của Sở, để Sở lo. Mấy đứa lo việc khác, xong việc nhớ báo cáo Sở đó." Quay sang tôi, Anh nhỏ nhẹ: "Chú Em cứ nghỉ ngơi vài bữa cho đỡ mệt, đi chơi đi xem Nha Trang, tắm táp cho khoẻ, đừng để về nhà ốm thêm (gầy đi) bọn tao ngại lắm đó". Anh còn hóm hỉnh nói thêm: "Lũ con gái trong này dữ lắm đó, đi chơi tối đừng có lớ xớ mà mất đường về, nghe!" Tôi cám ơn sự chăm sóc của Anh Bảy và nhân thể xin phép chỉ ở lại đôi ba ngày nữa vì đi thế này là quá dài rồi, sợ gia đình vợ con và cơ quan mong. Anh tủm tỉm: "Cứ biết vầy đã".
          Cán bộ văn phòng Sở đưa tôi sang chỗ nghỉ, Anh Lý cũng xin phép về. Sở bố trí tôi ở nhà khách tỉnh uỷ số 2 Yecsin đối diện với cổng bên cuả Bảo tàng tỉnh cho gần thư viện (Thư viện ở 42 Trần Phú kế bên, đường Trần Phú và Yecsin kết thành ngã ba, đối diện với bờ biển). Sắp xếp ăn ở xong, tôi đi bộ ra bờ biển. Biển xanh ngắt, ngút mắt. Cát trắng loá trong nắng vàng, gần giữa trưa mà lũ trẻ vẫn ngụp lặn dưới nước. Thị xã Nha Trang (khi đó Nha Trang chưa lên thành phố) nhỏ nhắn, xinh xẻo với nhiều biệt thự ven bờ biển. Phía trong phố xá cũng không rộng rãi to tát nếu so với thị xã Hải Dương, song nhiều đường phố hơn. Thành phố uốn theo bờ biển gần chục cây số. Về địa dư, thành phố như một thung lũng ven bờ với phần lưng dựa vào vùng núi đá Ba dan. Gió, nắng chan hoà, thừa thãi. Dân cư hồi đó chưa nhiều và tập trung chủ yếu quanh khu buôn bán Chợ Đầm. Toàn bộ nhà cửa ven biển, vốn trước đây là các cơ quan hành chính, quân sự và nghỉ dưỡng của Mỹ, các cơ quan tuỳ viên nước ngoài và sĩ quan nguỵ nay được bố trí cho các cơ quan nhà nước. Tôi đi dọc phố biển, thấy nhiều đơn vị quân đội, nhiều cơ quan cấp Bộ, ngành toạ lạc trong các biệt thự và công sở. Dân cư đi lại ít và thưa thoáng tạo nên cảm giác tĩnh lặng, nghiêm cẩn khác nhiều với một Nha Trang du lịch sôi động bây giờ. Bờ biển lúc đó còn được canh phòng cẩn mật lắm, mấy chị khách sạn kể đêm đêm bộ đội, quân cảnh và cảnh sát đi tuần suốt mà có bữa cũng bắt được cả đám những người có ý định xuống bãi thuê thuyền vượt biên.
          Cuối buổi chiều đầu tiên ở Nha Trang, sau khi tắm táp tráng nước ngọt trong Toilet bước ra, tôi bối rối nhận ra mình có khách. Đó là một người đàn ông trông dáng trẻ hơn Anh Bảy, người thấp đậm, trắng trẻo. Khuôn mặt vuông vức, tóc cắt ngắn. Trên gương mặt dáng trí thức nổi bật hẳn lên đôi mắt tinh anh, hóm hỉnh lấp sau cặp hính trắng. Tôi vội xin phép thay đồ rồi pha nước, vị khách niềm nở chào: "Tôi được Anh Bảy phôn cho biết anh từ Hải Dương vô dự lễ với Thư viện Hải Phú nên qua thăm". Rồi chẳng để tôi hỏi nhiều, ông cứ tuồn tuột kể mới chỉ ra Bắc được có đôi lần, cũng có lần ghé thăm Hải Dương . Hải Dương mình ngày xưa nhiều anh em cán bộ khu Năm ra tập kết và làm việc lắm. Gia đình ông có người nhà từng sống mấy năm liền ở nông trường Quý Cao, sản xuất làm nông, có anh em học tập ở trường miền Nam Hải Phòng, Đông Triều...Tôi cũng kể ông nghe về Hải Dương bây giờ, về những con phố mang tên kết nghĩa như Tuy An, Đồng Xuân, Tuy Hoà, Sơn Hoà, chợ Phú Yên; cả chuyện thời còn đi học cấp hai, cùng học sinh trong trường được đón Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu, nhà thơ Thanh Hải...tại sân vận động thị xã năm 1961. Miên man, tôi còn kể cả tên bạn bè là học sinh miền Nam học cùng trường, cùng khoá đại học những năm 1967 - 1972, có cả cô bạn quê Nha Trang này mà nay không biết có công tác ở đây hay không. Ông lắng nghe tôi nói, đôi khi chen vào hỏi về gia đình, vợ con, công việc. Khoảng cách như gần lại. Bất chợt, ông nhìn đồng hồ rồi tỏ ý muốn ra về. Trên đường tiễn ông xuống tầng trệt, tôi nghĩ bụng chắc ông cũng là cán bộ tập kết ở Hải Dương hồi nào. Lề đường, một chiêc xe du lịch màu đen trờ tới. Bắt tay tôi, ông nói: "Chiều mai bọn tôi mời Anh dùng cơm, có cả Anh Bảy cùng dự. Tôi là Văn Công, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Phú Khánh". Tôi cuống cả người, chỉ biết xin lỗi đã vụng về vì không biết trước Anh ghé thăm. Anh xua tay như nói không hề gì, đừng khách sáo. Trước khi lên xe, Anh còn dặn: "Mai Anh Bảy sẽ qua đón Anh. Chịu khó chờ nghe!" Chiếc xe nhẹ lướt đi, tôi đứng đó bên lề đường không biết chiều mai mình phải làm gì. Từ khi ra trường với hơn mười năm công tác đến giờ, chưa có lúc nào tôi được tiếp cận các lãnh đạo cấp tỉnh cỡ này chứ chưa nói đến việc ngồi chuyện phiếm và rồi lại có hẹn dùng cơm như thế.
          Sáng hôm sau, Anh Lý bố trí tôi gặp gỡ với anh chị em Thư viện tỉnh Phú Khánh. Cơ quan thư viện chỉ có 9 người. Anh Lý được Sở giao phụ trách thư viện. Số đông là cán bộ trung, sơ cấp. Cả đơn vị có 3 người đã tốt nghiệp đại học nhưng cũng chỉ có Anh Lý là chuyên ngành thư viện. Cuộc trao đổi vui vẻ quanh những công việc về nghề nghiệp. Thư viện tỉnh Phú Khánh vào thời điểm đó mới có 17.000 cuốn sách (trong số đó, có 10.000 cuốn do thư viện tỉnh Bắc Thái (Thái Nguyên kết nghĩa với Khánh Hoà) đem vào cùng thời điểm Hải Hưng đưa sách vào Phú Yên). Cơ sở vật chất ngoài một ngôi nhà của một thương nhân Pháp (cùng kiểu với ngôi nhà Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương bây giờ, nhưng một tầng và nhiều phòng ở, tiền sảnh có một sân khiêu vũ nay được dùng làm phòng đọc) toạ lạc trên khu đất 10.000 m2. Bên kia đường là bãi biển. Toàn bộ kho tàng được tổ chức kiểu các thư viện đại học lúc bấy giờ, nghĩa là sách xếp trên giá theo số đăng ký cá biệt, phân loại theo bảng BBK của LBCHXHCN Xô viết (Anh Lý vốn là cán bộ thư viện Đại học Bách khoa Hà Nội, khi học với tôi là do ĐHBK cử đi học). Cơ ngơi vậy, cán bộ vậy, so với tổ chức nghiệp vụ và vốn sách của thư viện Hải Phú, thư viện tỉnh Phú Khánh chỉ hơn về cấp hành chính chứ về nghề nghiệp không thể nói là hơn được, dù cán bộ của Hải Phú ít hơn, song nề nếp nghề nghiệp lại chặt chẽ, đầy đủ hơn. Tôi trao đổi hết sức thẳng thắn với các bạn đồng nghiệp về các vấn đề nghề nghiệp, mục tiêu hướng tới của Thư viện Hải Hưng đang làm, nhất là về việc phát triển thư viện cơ sở huyện xã và việc tổ chức phục vụ bạn đọc ngoài thư viện bằng các trạm sách tại các trung tâm như: Trại giống lúa Điền Nhi (Tứ Lộc), Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch (Kim Môn), sách tiếng Nga ở Nhà máy nhiệt điện Phả Lại (Chí Linh), sách KHKT ở Trường trung học nông nghiệp Tô Hiệu (Khoái Châu)...Hết buổi làm việc, tôi cẩn thận kéo riêng Anh Lý ra hỏi về việc Anh Văn Công mời dùng cơm. Anh Lý cười nói: "Thế là nhất Ông rồi, tôi vừa được Anh Bảy lệnh chiều nay qua đó với Ông cho có bạn đấy. Các ổng có lòng, mình có bụng chớ có khách sáo. Mà này, Văn Công chỉ là hiệu danh thôi, ổng là nhà thơ đó. Tên Ổng trùng với tên cậu - ổng tên là Cao Xuân Thiêm, dân gốc Nghệ ".
          …..
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: