NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Chuyện của 30 năm trước: ĐI DỰ KỶ NIỆM 10 NĂM NGÀY THÀNH LẬP THƯ VIỆN KẾT NGHĨA HẢI PHÚ

       Lời người viết: Trong suốt những năm tháng công tác, cũng như nhiều người khác tôi có khá nhiều những kỷ niệm, dấu ấn vui buồn. Một trong những kỷ niệm ấy đã được viết lại và cơ quan chủ quản đã in thành sách cùng nhiều tác giả khác dưới tiêu đề: "Những kỷ niệm khó quên"- Tập hồi ký Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Văn hóa Thông tin (28/6/1945 - 28/6/2005). Sách do Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương xuất bản, 2005.
        Nay tôi đưa lại trên trang Blog này để hồi nhớ lại những sự việc xưa:

        Cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1985, Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh Hải Hưng nhận được giấy mời của Thư viện Hải Phú (Thị xã Tuy Hoà - tỉnh Phú Khánh) mời dự lễ kỉ niệm 10 năm thành lập thư viện kết nghĩa Phú Yên - Hải Dương. Ban Chủ nhiệm Thư viện cử tôi - Phó Chủ nhiệm Thư viện vào dự lễ kỷ niệm này.
        Với tôi, sau chuyến đi Thanh Hoá năm 1978 đây là chuyến đi dài nhất được thực hiện tới lúc đó. Năm 1985, là thời điểm mà cả nước đang còn rất khó khăn, việc thực hiện "Giá - Lương - Tiền" mới chỉ bắt đầu, lương tháng tôi được lĩnh vỏn vẹn có tám mươi lăm đồng (85đ 00). Với gia đình tôi, đây quả là chuyến đi ngàn dặm khiến cả nhà lo lắng. Vợ tôi lặng lẽ nhét vào túi tôi một trăm đồng, như thế tôi cầm đi hai phần ba tiền lương của cả nhà. Cộng với tiền tạm ứng Bác Dương Văn Lập - Kế toán Sở ứng cho 1 tháng lương, vốn liếng "xuyên Việt" của tôi ngót nghét 200 đồng.



        Thời đó, đường sắt Thống nhất đi lại còn vất vả lắm. Hành trình toàn tuyến lên đến 72 giờ. Và nếu không nhờ có người thân sinh sống ở Hà Nội, chắc tôi khó có thể có được tấm vé trị giá ba mươi sáu đồng bạc (36đ 00) để lên tầu Thống nhất bắt đầu chuyến đi ba ngày để vào dự lễ kỷ niệm kịp với dự kiến. Chặng đường vào bao nỗi lo toan, bụng bảo dạ "khắc đi, khắc đến" chỉ biết rằng điểm phải xuống tàu là Thị xã Tuy Hoà. Qua Thanh Hoá rồi Nghệ An, Quảng Bình...dấu vết của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại năm nào của đế quốc Mỹ vẫn còn với những hố bom san sát chưa được san lấp hết. Càng vào trong, qua Thừa thiên Huế, Quảng Nam Đà Nẵng, Nghĩa Bình...dọc hai bên đường tầu rải rác những túp nhà nhỏ bé, cái ốp ván, mái tôn, cái sơ sài vài tấm ghi đường băng sân bay ghép lại ken với lá dừa, cỏ lác. Những căn cứ quân sự, sân bay cũ của Mỹ Nguỵ rải rác, kể cả căn cứ Chu Lai ...tuy không còn nguyên vẹn nhưng bóng người lớn, trẻ con vai khoác bao bố (bao lá dứa, bao gai, bao tải...) chân đất áo buông, tay cầm thuốn sắt đi kiếm sắt phế liệu trong hàng đống những chiến cụ đổ nát, hoen rỉ hoặc phơi lộ trên mặt đất hoặc chìm lấp trong cát trắng, đất bãi ven sông...Tàu chạy chậm rì, có đoạn dừng lại hàng tiếng bất kể đêm ngày trên các ga lẻ không nhìn rõ tên ga để tránh các đoàn tàu địa phương, tàu hàng và tàu ngược.  Phần tôi, nằm trên tàu không biết đến nơi sẽ là đêm hay ngày. May mắn cho tôi, do một yếu tố nào đó trên đường, chậm do tránh tàu hoặc chờ đường...tàu đến Thị xã Tuy Hoà lúc hơn sáu giờ tối ngày thứ ba của chuyến đi. Trên sân ga, ngoài tôi chỉ có đôi ba hành khách xuống tàu. Khi đó, ga Tuy Hoà còn rất nhỏ bé, một dạng ga lẻ cỡ ga Cẩm Giàng nhưng nhà cửa thì cũ kỹ kiểu trước năm 1954. Không có người ra đón, vì quả thật có phương tiện liên lạc gì để báo ngày giờ tàu đến như bây giờ đâu. Trời xâm xẩm tối, mà sáng mai lễ kỷ niệm đã bắt đầu rồi. Ra khỏi cửa, phía trước nhà ga nóc nhà thờ Thị xã Tuy Hoà in bóng trên nền trời còn le lói ánh chiều. Không có phương tiện nào khác, tôi bắt một chiếc Honda 67 nhờ chở giùm tới Thư viện. Người chạy xe thấy tôi nói giọng Bắc, lặng lẽ "Dạ" và đưa đi.
        Thư viện Hải Phú toạ lạc trên đường Trần Hưng Đạo, con đường lớn nhất thị xã khi đó. Vào những năm 1975- 1985, đất nước chưa có điều kiện cải tạo cơ sở hạ tầng các thị xã, thị tứ. Đường phố Tuy Hoà chỉ rải đá cấp phối. Đường Một nằm phía ngoài thì được rải nhựa từ thời Mỹ nguỵ, phía trong này sang thì rải đá dăm, còn rất nhiều đường nhánh chỉ có cát hoặc đất núi. Đèn đường đã bật sáng, nhưng ánh sáng chỉ mờ mờ và cũng vài ba cây cột điện mới có một bóng sợi tóc công suất nhỏ cỡ 60 - 75 W chi đó. Cửa thư viện vẫn đang mở và phía trong le lói ánh đèn cũng chẳng sáng hơn bên ngoài là bao. Lấp ló chạy qua chạy lại vài bóng người. Qua thềm sảnh, Tôi bước vào tận bên trong thấy một thanh niên đang còn trên thang mắc khẩu hiệu "Chào mừng đại biểu về dự kỷ niệm 10 năm thành lập thư viện Hải Phú". Thấy tôi tay mang túi sắc thể thao bước vào, cậu ta xuống thang nhìn người lạ dò hỏi. Tôi chỉ vừa kịp nói: "Tôi ở ngoài Hải Hưng mới vào...." đã thấy khuôn mặt mới quen rạng hẳn lên. Cậu ta tự giới thiệu: "Em là Nhơn, học trò thày Nhã đây. Mong các Anh mãi, tới giờ Anh vào được là mừng rồi". Rồi tay quàng ngang tôi, cậu đẩy tôi tiến sâu vào bên trong miệng la lớn: "Anh Lợi! Anh Lợi! đại biểu Hải Hưng vào nè!". Người thanh niên đang hí húi bên chiếc bàn kê trên bục quay ngay lại, ào tới bắt tay tôi. Có lẽ đến lúc đó, tôi mới thấm hết cái nỗi vui của việc mình đã đi được đến nơi. Lợi trạc tuổi tôi, cao ráo đẹp trai trông dáng thư sinh. Về sau này tôi mới biết Anh trưởng thành từ phong trào thanh niên học sinh, tham gia hoạt động nội đô từ rất sớm. Nhỏ nhẹ, đôi mắt cười cười vui vẻ Anh hỏi thăm tôi về chuyến đi và rất thật thà nói ngay: "Tôi không phải là dân chuyên nghiệp, làm thư viện tay ngang thôi, công việc thư viện chủ yếu do cậu Nhơn làm". Rồi rất chủ động, Anh cho tôi biết sơ qua về tình hình thư viện, cán bộ nhân viên cả biết nghề lẫn chưa biết mới có 4 người. Về chương trình Lễ kỉ niệm ngày mai, Anh mong tôi có lời phát biểu thay mặt cho Thư viện Hải Hưng kết nghĩa. Tôi nhận lời - vì sao có thể chối được - và hứa ngay trong đêm nay sẽ hoàn thành bài nói. Miệng nói vậy, song cũng chưa biết mình sẽ nói gì vào ngày mai. Tỏ ý muốn tôi nghỉ ngơi sớm cho đỡ mệt, Anh đưa tôi đi ăn rồi thanh minh: "Thị xã có cơ sở Nhà khách Uỷ ban Thị, nhưng giờ này đăng ký thì muộn rồi, ăn xong tôi đưa Anh qua một nhà nghỉ tư nhân vậy".
        Tối đó, khoảng tám giờ rưỡi thì tôi được đưa đến chỗ nghỉ. Trước khi ra làm nốt công việc chuẩn bị ở thư viện, Anh dúi vào tay tôi: "Anh xài tạm mấy cây đèn cầy (nến) này, ba mươi phút nữa Thị xã sẽ cúp điện. Ở đây điện lưới chưa có, chạy máy dầu (máy phát điện Diezen) chỉ đến 21 giờ là cắt điện".  Tranh thủ tắm táp "tẩy trần" sau chuyến đi vậy mà khi xong xuôi, nhà nghỉ đã chẳng còn chút ánh sáng điện nào, bà chủ treo ngoài hành lang chiếc đèn hơi (đốt bằng đất đèn) và cả nhà nghỉ chỉ duy nhất có phòng khách là treo chiếc măng - sông thể hiện sự sang trọng của chốn nghỉ ngơi mất tiền. Trong phòng, người phục vụ đặt cho khách một chiếc đèn "hột vịt" (đèn dầu) ánh sáng vàng ệch đủ để khách đi lại không đụng đồ vật. Tôi châm hai cây nến, đặt bút giấy sẵn sàng rồi ngồi đó, ngẫm ngợi về điều mình sẽ nói ngày mai. Không phải quá thiếu ý tứ để nói trong những dịp như thế này, nhưng có quá nhiều điều để nói nên không biết bắt đầu từ đâu. Trong ánh nến nhập nhoạng, chợt tôi như thấy mình và anh chị em cán bộ thư viện những ngày sơ tán Thanh Tùng (Thanh Miện) kho tàng tạm bợ, sách vở gói ghém nhưng sách cho kho kết nghĩa vẫn nhập đều. Chị Oanh, chị Anh, cô Lành, cô Lan suốt ngày lúi húi đăng ký dán nhãn. Cứ cuối buổi, trong cái Thiêu Hương bé nhỏ cạnh Đình Đông, các chị các cô lại phải thắp đèn dầu mới đủ sáng cho công việc cặm cụi không biết đến tháng ngày của nghề thư viện. Rồi cả cho đến khi trở về cơ quan cuối năm 1973, sau kết thúc ném bom miền Bắc nhờ Hiệp định Pa ri, trong cái hào hứng của công cuộc chuẩn bị trận quyết chiến cuối cùng, để có chuyến hàng 500 cuốn đầu tiên được gói ghém đưa vào cùng phông màn, âm thanh, chiếu sáng theo đường Trường Sơn (tuyến đường 559); toàn thể anh chị em thư viện, từ lãnh đạo đến nhân viên quần quật đêm ngày nào bó sách, nào đóng hòm, lập sổ sách, mô tả và viết phích mục lục...Năm 1975, ngày chiến thắng 30 tháng 4 trong cái vui say ngợp trời của những ngày hoà bình, thống nhất non sông chúng tôi lại xoay trần đánh vật với 10.000 bản sách đã tích tụ nhiều năm cho kho kết nghĩa, song chưa làm hết kỹ thuật sách. Chi bộ cơ quan, Anh Công Sơn, Anh Hữu Nhã - Chủ nhiệm và phó Chủ nhiệm thư viện lúc đó động viên anh chị em làm đêm làm ngày để sớm hoàn chỉnh kỹ thuật kho tàng, giá sách, tủ mục lục...chờ ngày chuyển đi Phú Yên. Mọi người lao vào công việc với tinh thần "Mỗi người làm việc bằng hai", tuỳ khả năng, sức lực, trình độ chuyên môn đánh vật với khối lượng công việc đồ sộ với ước muốn Thư viện kết nghĩa chỉ cần dỡ hàng là phục vụ được ngay. Chợt nhớ khi chập tối, sau cái vui hàn huyên gặp gỡ, cậu Nhơn còn kéo tôi bằng được đến bên mấy chiếc tủ mục lục tay kéo nhẹ mấy ngăn tủ một cách cẩn thận như cầm đồ dễ vỡ, miệng nhỏ nhẹ: "Anh xem, Em gắng giữ những thứ này thật cẩn thận, công sức và tấm lòng của mấy Anh ở đó cả mà". Trước mắt tôi, những tấm phích của hơn mười năm trước nằm đó, giấy vừa xấu vừa thô, dày cộp với hai mặt trắng- nâu vàng mang trên mình đủ kiểu chữ. Đây là chữ Anh Tân, Anh Xương này. Kia là chữ Anh Thịnh, Anh Hữu Nhã, Anh Chiến, Anh Biên. Chữ xấu mà "vừa đọc vừa đoán" là chữ cậu Việt và Anh Đình Nhã. Chữ chị Oanh, chị Anh và mấy cô Lành, Lan, Thành, Hải, Ngà, Chút... nét mềm con gái. Còn kia là chữ tôi, cái đứng cái nghiêng...Công sức lao động của hàng năm trời, tỉ mẩn như cái kiến con ong....Cứ vậy, dòng hồi tưởng năm tháng tràn về, tôi cầm bút viết liền một mạch. Xong việc, chiếc đồng hồ Lido ngoài phòng khách ngân nga bốn tiếng chuông. Tôi ngả lưng thiếp đi trong tâm trạng giãn ra sau cả chuyến đi cực dài và hài lòng với những điều mình chuẩn bị cho ngày mai.
        Quãng bảy giờ, Nhơn đến đón tôi đi ăn sáng rồi về thư viện. Tám giờ, hội trường đã đông chật người. Nhơn nói nhỏ bên tai: "Các Chú các Anh đại diện các cơ quan đoàn thể và bạn đọc cả đấy". Một Anh trong phòng Văn hoá Thị xã giới thiệu đại biểu, tôi chưa quen nghe tiếng Nam Trung bộ nên tiếng được tiếng mất. Lợi lên đọc báo cáo 10 năm phát triển thư viện Hải Phú, đặc biệt nhấn mạnh đến vốn sách ban đầu của thư viện Hải Hưng xây dựng cho kho kết nghĩa. Kết thúc báo cáo tổng kết, Lợi mời tôi thay mặt thư viện Hải Hưng lên phát biểu, cả hội trường sôi động hẳn lên. Có lẽ vì đây là năm đầu tiên, các cơ quan ban ngành và bạn đọc thị xã Tuy Hoà dự tổng kết thư viện thấy có đại biểu thư viện miền Bắc kết nghĩa. Khi tôi chuẩn bị lên phát biểu, từ ngoài cửa vào thấy có tiếng chào hỏi ran lên, chỗ Anh, chỗ chú rổn rảng. Người vừa vào có dáng nhanh nhẹn, da nâu săn chắc, tóc nhuốm sợi bạc. Lợi định chạy lên giới thiệu khi tôi vừa đến bục thì Ông khua tay ý bảo thôi, để tôi phát biểu đã. Từ trên bục nhìn xuống hội trường đông đặc người, tôi hơi chùng xuống. Dù đã là Phó chủ nhiệm thư viện tỉnh, cũng đã tiếp xúc với các hội nghị đông người, song chưa ở đâu, khi nào tôi đứng giữa không khí chờ đợi và tình cảm đến vậy. Mọi ánh mắt dồn lên, hội trường im phắc. Người đàn ông mới đến được mời ngồi bên cạnh chỗ tôi trên dãy bàn đầu tiên, mắt lấp loáng kính nhìn lên miệng hé cười khích lệ.
         "Kính thưa các đồng chí lãnh đạo địa phương, các bạn đồng nghiệp! Thưa các cô bác và tòan thể bạn đọc thư viện Hải Phú kết nghĩa kính mến!..." Tôi bắt đầu bài nói của mình với khởi đầu có đôi chút e dè rồi tình cảm khi đêm tràn tới, tôi bỏ cả bài viết rỉ rả kể về sự hình thành, phát triển của thư viện Hải Hưng, những cố gắng vượt khó trong và sau chiến tranh phá hoại cho một kho sách kết nghĩa, tình cảm của cán bộ nhân viên thư viện Hải Hưng dồn cho từng cuốn sách, tấm phích để kho sách có thể vượt cả ngàn cây số đến với bà con cô bác Tuy Hoà...Tôi hy vọng về sự phát triển của Thư viện Hải Phú non trẻ, cam kết về một mối quan hệ đồng nghiệp lâu dài với quê hương kết nghĩa, mong muốn có ngày được đón đại biểu thư viện Hải Phú ra thăm miền Bắc....
        Kết thúc bài nói trong tiếng vỗ tay thật dài của khán phòng, tôi bước về chỗ ngồi. Người đàn ông mới tới đứng dậy, ôm tôi thật lâu giọng nghèn nghẹn: "Mình là Bảy Tính, Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Phú Khánh. Mừng vì cậu đã vào và cám ơn bài nói tình cảm của cậu". Sau đó Ông còn lên phát biểu, và tôi nhớ rất rõ rằng Ông nhắc các cơ quan địa phương, đặc biệt ngành Văn hoá thị xã và Thư viện Hải Phú không được sao nhãng quan hệ kết nghĩa trong kháng chiến, bảo vệ và giữ gìn thật tốt vốn sách ban đầu được thư viện Hải Hưng tổ chức và chuẩn bị trước ngày giải phóng rồi đưa vào cho Phú Yên.
        ……
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: