NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)
       Bãi khách đầu tiên tiểu đoàn thằng Đán gặp trên đường vào mặt trận không ghê gớm như nó tưởng. Chỉ là một bãi đất rộng với nhiều hàng cây thưa gốc giữa rừng già, cỡ gần bằng cái sân vận động thị xã quê nó. Giữa các hàng cây, dấu vết của dây buộc võng cái cũ cái mới chồng siết lên thân cây. Đâu đó giữa đám cây rừng, những chiếc cáng thương chạy qua chạy lại. Có một trạm thương dã chiến ở gần đâu đây. Bóng những chiếc áo blu màu xanh lá phấp phới. Không chỉ có nam giới, mà còn nhiều, khá nhiều những cô gái tải thương, y tá da xanh tái, mắt đen láy lúc nào cũng như cười giữa lấp loáng cây lá. Cánh lính trẻ hoạt bát hẳn. Anh nào anh ấy, không ai bảo ai lén vuốt tóc vuốt tai miệng chỉ chực sẵn sàng mở nụ cười thật tươi khi thoáng thấy những bóng hồng như vậy lướt qua. Lệnh của tiểu đoàn trưởng: "Toàn thể tiểu đoàn đóng quân nghỉ lại tại trạm khách. Từ giờ đến chiều tối, các đơn vị cắt cử chiến sĩ cảnh giới, đề phòng máy bay địch oanh kích và sẵn sàng chiến đấu. Phía trước là tiền phương. Cảnh giác có thể có thám báo địch đột nhập khu vực. Tuyệt đối không được di chuyển tự do giữa các đơn vị, ghi nhớ quy định "đi không dấu, nấu không khói". Tọa độ gần đây có bệnh viện dã chiến, không được ồn ào, gây xáo trộn ảnh hưởng đến đơn vị bạn".
       Đám lính chưng hửng. Đành nuốt hy vọng "đánh đáo lưỡi" với các o "y tế cấp tá" bên bìa rừng. Họ lẳng lặng chuẩn bị tăng võng, đơn vị nuôi quân đào hào khoét hố làm bếp Hoàng Cầm. Buông tấm thân mệt mỏi xuống chiếc võng giữa cây rừng ẩm ướt, thằng Đán ngó suông lên trời. Mây đen ậng nước, vài bữa nghỉ lại dù có duỗi gân cốt, song chưa chắc đã khỏe mạnh gì với thời tiết này.
       - Đồng chí Tiệm, đồng chí Đán!
       - Có! Thưa có!
       - Đêm nay, hai đồng chí được miễn gác. Chuẩn bị kỹ quân trang quân dụng vũ khí. Mỗi đồng chí nhận từ bên hỏa lực hai cơ số đạn. Sáng sớm mai, gặp đại trưởng nhận nhiệm vụ.
       - Rõ! Thưa rõ!
       Không biết nhiệm vụ là gì, nhưng cái đói, cái mệt cũng đến lúc được giải tỏa. Bữa ăn đầu tiên trên chặng nghỉ dọc đường hành quân vất vả sao ngon thế. Vẫn bát sắt cơm lèn chặt chan nước canh rau rừng, ruốc thịt lợn hộp và "ca la thầu" như mọi bữa, nhưng cái ngon như nhân lên gấp đôi. Ăn uống xong, tiểu đội sinh hoạt tư tưởng, nghe thông báo tình hình chiến sự và nhắc nhở kỷ luật chiến trường. Tiếng chát chúa của bom đạn chiến trận ở ngay đâu đó thôi phía bên kia cánh rừng. Giữa các hàng tăng võng, tiếng sột soạt giấy bút, tiếng thì thào to nhỏ. Các chiến sĩ, người dở giấy bút ra viết thư, người thì viết nhật ký. Viết thế thôi, chứ cánh lính thừa hiểu rằng, thư họ gửi đi sẽ âm thầm nằm đợi thật lâu ở đâu đó trên đường quân bưu. Có đến tay người thân cũng cỡ hàng vài ba tháng, thậm chí cả nửa năm. Quân lệnh không cho phép thư từ viết về mặt trận, tuyến đường, địa chỉ đóng quân. Mọi danh tính đơn vị chỉ còn là dãy ký hiệu dài những con số và chữ cái khó hiểu. Địa chỉ hòm thư thay đổi liên tu, chưa kịp thuộc đã thay đổi không biết đằng nào mà lần. Thằng Đán chẳng có việc gì để làm. Từ bé, nó có viết thư cho ai bao giờ. Còn nhật ký ư? việc đó thật quá xa xỉ với cái đầu ít chữ của gã.
        Trời hửng sáng từ lúc nào không biết nữa. Cùng với Chu Tiệm tiểu đội phó tiểu đội 3, thằng Đán tới lán đại đội nhận nhiệm vụ.
       - Các đồng chí qua bên chỉ huy trạm, nhận phân công công tác hôm nay với giao liên. Kiểm tra lại vũ khí, quân trang. Công việc, thời gian ra sao và bao giờ kết thúc nhiệm vụ sẽ tùy thuộc sự điều hành của trạm khách.
       Hai chiến sĩ sang đến lán binh trạm trưởng đã thấy lố nhố người của các tiểu đội, trung đội bạn ở đó. Nhiệm vụ của họ không mấy khó khăn. Giao liên sẽ hướng dẫn các chiến sĩ tới kho quân lương cách trạm nửa ngày đường để nhận lương thực, thuốc men dự phòng cho các đơn vị cùng đóng quân tại bãi khách. Một tốp chiến sĩ, bao gồm cả các y tá của bệnh viện dã chiến  được phiên chế thành nhóm công tác riêng. Số còn lại chia thành ba nhóm. Thằng Đán và cậu Tiệm cùng một nhóm bốn chiến sĩ nữa đi một toán. Công việc cụ thể của họ là nhận gạo dự phòng cho trung đội hậu cần. Mỗi người có nhiệm vụ chuyển về bốn chục ký gạo. Ngay sau khi phân công, mọi người lên đường theo hướng dẫn của giao liên. Hàng một, tổ sáu người im lặng lên đường.
       Bỏ lại đằng sau cánh rừng rậm rạp, các chiến sĩ đã rời khỏi bãi khách được bốn tiếng đồng hồ. Trận mưa hồi đêm vừa dứt để lại một bầu trời xám đặc hơi nước. Mặt trời ở đâu đó giữa những khối mây màu chì thi thoảng để lọt ra vài tia nắng yếu ớt. Không gian se lạnh nhưng ngột ngạt. Bước chân của các chiến sĩ đặt lên bãi lau lác sũng ướt, quần áo giày tất ướt nhèm. Đến giữa trưa, cái oi nồng từ vạt rừng sũng nước bốc lên khiến cho đám chiến sĩ càng thêm mệt mỏi. Trưởng nhóm phát hiệu lệnh, mọi người dừng nghỉ, giở lương khô ra ăn. Theo chỉ dẫn của binh trạm, đường đến kho quân lương còn đi tiếp khoảng hai tiếng đồng hồ nữa. Vượt qua ngọn núi trước mặt kia, họ sẽ tới nơi.
       - Tiệm này, trước khi vào bộ đội, cậu ở đâu.
       - Tớ đang học năm thứ ba Đại học nông nghiệp I. Khóa tớ đi khá đông, cả trường cỡ vài trăm sinh viên. Phần lớn là sinh viên năm thứ ba. Năm thứ tư cũng có, nhưng chỉ nhận người có đơn tình nguyện nhập ngũ, được lọc chọn một cách khắt khe. Ấy vậy nhưng bên quân đội cũng chỉ lấy sinh viên năm thứ tư của hai khoa cơ khí và nông hóa, dược thú y đi thôi. Bọn cơ khí sau khi nhập ngũ đều phiên chế bổ sung vào các đơn vị xe tăng, thiết giáp, quân giới hoặc vận tải quân sự. Bọn nông hóa, hóa dược thú y được đưa vào các đơn vị khí tài, hóa học và một phần vào các đơn vị quân y dược. Riêng đám năm thứ tư này được công nhận tốt nghiệp đặc cách, và được Bộ quốc phòng sử dụng ngay có hàm bậc hẳn hoi. Cuộc chiến tranh này, bọn Mỹ Ngụy đã sử dụng đến chất độc hóa học rồi, cần người thuộc các chuyên ngành này tham gia.
       - Thế nghĩ thế nào mà cậu lại đi học nông nghiệp. Nghề nông thì có cái quái gì đáng học cao đến thế đâu.
       - Cậu đúng là "mít đặc". Nghề nào mà chả cần có học thức, học càng cao càng tốt chứ sao. Hồi đầu mới vào, bọn này "u tì quốc" lắm, tưởng vào nông nghiệp là sẽ được ăn no đẫy diều. Ăn có hơn ở nhà thật, mười sáu ký đấy. Nhưng làm thì chí chết. Mỗi năm hai tháng lao động tự túc lương thực. Nhà trường có hàng chục hec - ta đất ruộng, chuồng trại. Mỗi học kỳ dành một tháng vừa học vừa làm. Cũng cày cấy, gặt hái, vãi phân, phun thuốc. Cứ là tám tiếng một ngày. Có đứa dân thành phố, vào học nông nghiệp tưởng ngon, chỉ đến năm thứ ba đã cầm cày giỏi như thợ cày lão nông chi điền..
       - Khiếp thế cơ á? Ngày trước, học hết cấp hai trường làng, tớ không thi chuyển cấp được, cũng tay vặt, tay diệt sau đít trâu mãi. Thế hóa ra đi học đại học như cậu cũng chỉ có thế thôi à.
       - Cái thằng này, đầu óc vớ vẩn. Để đi cày như cậu thì học ngay ở làng cũng xong. Đây này, học xong, bọn tớ là kỹ sư. Kỹ sư biết chưa?! Thế cậu không biết cái nhà ông Lương Định Của còn là nhà nông học đấy à, nhà bác học về nông nghiệp đấy. Không học sao được như vậy, học hơn bốn năm trời để thành "thợ cày đại học" thì nhà nước đào tạo đại học làm cái quái gì? Nói chuyện với cậu chán chết.
       Thằng Đán nín thít. Học lên đến cấp ba chưa bao giờ là ước mơ của gã. Còn học đại học, quả là chuyện "trên trời" thật. Nó nhìn thằng Tiệm thèm muốn. Ở người thanh niên này, mọi sự đều toát lên sự mạnh mẽ, học vấn. Khuôn mặt vuông vắn, mũi cao, trán rộng. Da ngăm ngăm đậm chất phong trần. Đôi lông mày rậm nằm vắt ngang, xanh rậm đầu hơi giao nhau khiến gốc mũi của cậu ta trông như thấp hẳn xuống. Cánh mũi nở rộng, thơ thới. Đôi môi dày vừa phải, lúc nào cũng mủm mỉm, vành môi phải nói là khá đẹp đối với một thằng đàn ông. Hàm răng chắc khỏe, đều đặn trắng bốc, chiếc cằm đầy đặn với vết chẻ đôi mờ mờ khiến nụ cười lúc nào cũng cởi mở dễ mến.
       - Hồi mới nhập học, bọn tớ chỉ được ở Trâu Quỳ có "nhõn" ba tuần. Quê tớ ở Thạch Thất, Hà Tây. Cách trường có vài chục cây số mà chưa kịp đáo về thăm bố mẹ lần nào thì đã bị "bốc" đi. Trường có cơ sở sơ tán ở tận mãi trên Cao Bằng, mật danh là khu "Chiến thắng". Sinh viên năm thứ nhất phải lên đó học. Năm thứ hai, thứ ba chuyển về Hành Lạc, Tiền Tiến, Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên. Năm thứ tư học nốt khoa học chuyên ngành, thực tập cuối khóa và chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp ở Trâu Quỳ rồi thi tốt nghiệp. Toàn bộ thời gian đào tạo cỡ hơn bốn năm. Cơ sở Cao Bằng cách Hà Nội gần bốn trăm cây số, giáp biên giới với Trung Quốc. Hết đường về nhà. Ô tô chở bọn tớ phải mất ba ngày, ngày đi đêm nghỉ nhờ nhà dân mới tới nơi. Vượt qua cả thị xã Cao Bằng. Khi đó là tháng mười năm sáu mươi bảy, trời đầu đông se lạnh. Tớ nhớ nhất tiếng bom oanh tạc cuối cùng được nghe thấy là bữa xe vừa đổ dốc chực xuống cầu Bằng Giang. Ba chiếc "Ep Bốn" ở đâu không biết ào tới quất xuống cầu một chùm bom. Không biết đám giặc lái Mỹ định đánh mấy chiếc xe chở sinh viên bọn mình hay đánh cầu. Chỉ biết có một nhịp giữa cầu văng xuống sông ngay trước mắt bọn tớ, lúc đang "mắt lợn mắt quạ" nháo nhào tóa xuống hào giao thông ven đường. May mà đoàn xe ba chiếc chở bọn mình không bị dính bom. Nằm bên cầu gần nửa ngày lại quay ra, tìm đường qua ngầm vượt sông do công binh làm dự phòng khi cầu bị oanh tạc. Đêm gần sáng bọn mình mới tới nơi. Bản Nà Pheo, xã Quảng Hòa là nơi khoa Cây lương thực bọn tớ đóng quân, cách thị trấn Quảng Uyên mười cây số. Nhà lá, vách nứa như ở quê, giường sạp tre hai dãy. Lớp học lưng chừng dốc núi. Sáng lên lớp, chiều tối cũng lên lớp tự học, tự nghiên cứu. Năm thứ nhất bọn tớ học khoa học cơ bản. Rồi nào học chính trị, sinh hoạt đoàn thanh niên, học tập quân sự. Chủ nhật nghỉ học thì đi lên rừng chặt củi cho nhà bếp. Mỗi định suất một khối. Ngày thường, bất kể mưa nắng các lớp luân phiên cắt cử người đi chăn bò. Khoa bọn tớ nuôi gần bảy chục con, mỗi ngày đến tổ nào, tổ đó phân công bốn đứa, cả trai lẫn gái dắt bò lên núi. Không có thời gian mà nhớ nhà nữa. Mùa đông rét tái người. Có thằng chịu rét không nổi, lên giảng đường với cả một chiếc màn một quấn quanh người mà tay viết cóng lóng ngóng tới mức không cầm nổi bút viết. Có bữa, tớ nhớ là sau Tết, đang tháng học quân sự, tớ phải một đêm trực nấu ngô bung ăn sáng cho lớp. Thằng Hiệp quê Đức Thọ, Hà Tĩnh sai mình ra giếng lấy nước đổ thêm vào chảo nấu giữa đêm. Ngoài trời giá rét buốt người. Vừa từ bếp nhà ăn bước ra sân, tới giếng buông gàu xuống nghe đánh xoảng một tiếng. Mình chạy vào hét toáng lên: "Giếng cạn hết sạch nước rồi!". Thằng Hiệp cầm đèn bão ra theo, lúc vào mắng mình một chập vì cái tội "ngu lâu": "Thằng thộn, sao mà hết nước được, giếng đóng một lớp băng trên mặt rồi". Hôm sau, cô giáo phụ trách phòng thí nghiệm hóa vô cơ cho bọn tớ biết, đêm hôm ấy, ngoài trời rét tới âm hai độ. Khiếp chưa!
……
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: