NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI - TRUYỆN (TRÍCH ĐĂNG) (Tiếp theo)


…..(Tiếp theo)
       - Lệnh của tiểu đoàn trưởng! Cán bộ chiến sĩ xuống tàu, nhanh chóng tập kết thành từng tiểu đội. Theo hướng dẫn của cán bộ địa phương, nhận chỗ nghỉ đêm tại nơi đóng quân. Chú ý thực hiện nghiêm nguyên tắc bí mật, giữ gìn quan hệ quân dân. Lệnh tiếp theo sẽ được truyền đạt qua liên lạc đại đội.
       Trong đêm, giữa sân ga dã chiến vắng lặng, thằng Đán theo mọi người "miệng cắm tăm, chân bước êm" tập hợp thành từng tiểu đội tác chiến. Không nghe thấy tiếng thì thào bàn tán, chỉ thấy tiếng va chạm hết sức ghìm nén của quân trang, quân dụng. Bóng cán bộ, nhân dân địa phương lố nhố, thoăn thoắt đi lại nhận quân, dẫn đi. Chỉ đoán vụng với nhau rằng đang ở trên đất quân khu Bốn qua tiếng địa phương nằng nặng, nghe lạ tai. Tới địa điểm đóng quân thì đã gần hai giờ sáng. Cùng với hai người bạn đồng ngũ, thằng Đán nhận một chỗ nghỉ trên chiếc giường kê tạm bởi sáu tấm ván dày dặn. Nhanh chóng mắc màn, trải chiếu, thu gọn ba lô súng ống, mấy đứa lên giường lặng lẽ. Căn nhà ba gian hai chái lờ mờ vật dụng ít ỏi dưới ánh đèn hột vịt vặn thật nhỏ. Đêm muộn, cũng chẳng kịp nhìn mặt gia chủ. Nằm đấy, nhưng khi mấy đồng đội đặt lưng là đứa ngáy, đứa khụt khịt ngủ ngay thì thằng Đán mắt cứ thô lố, không ngủ được. Nỗi nhớ nhà ập đến, nước mắt nó ứa ra. Đầu óc nghĩ trở ngược về mấy tháng trước….
       Từ lúc rời khỏi phố núi sang huyện Hà, thằng Đán đã làm công nhân chiếu bóng lưu động được vài bốn năm. Mọi thứ xuôi chèo mát mái, bố nó tưởng đã êm việc. Đùng một cái, thằng Đán có giấy gọi nhập ngũ. Ông trưởng phòng tổ chức Quốc doanh chiếu bóng tỉnh gọi đích danh nó lên thị xã. Bước chân vào ngôi nhà cũ hỉn, tối om trên con phố Tàu chật chội, thằng Đán lúc đầu không biết chuyện gì sắp đến. Nó lách qua con ngõ chật hẹp để vào khu vực phía sau, nơi có phòng hành chính quản trị của cơ quan quốc doanh. Dưới ánh sáng lờ nhờ của căn phòng được rọi xuống từ tấm kính gài lẫn giữa các hàng ngói ống trên mái, nó chỉ kịp ậm ạ chào người đàn ông bên chiếc bàn ngổn ngang đầy giấy tờ.   
       - Anh là anh Đán công nhân chiếu bóng lưu động khu Nam, huyện Hà? Anh có giấy gọi nhập ngũ. Theo quy định, anh được nghỉ 5 ngày để bàn giao công việc với Đội và nghỉ ngơi chia tay với gia đình. Ngày hai mươi tháng này, anh phải có mặt trên Quốc doanh để Ban chỉ huy quân sự tỉnh tiếp thu, phiên chế. Nhớ có mặt đúng giờ. Đây là giấy gọi nhập ngũ, giấy thôi trả lương, giấy tạm ứng lương tháng này cộng chi phí đi đường theo chế độ và giấy báo tập trung của đơn vị mới. Anh qua bên kế toán tài vụ làm việc với họ để nhận các tiêu chuẩn được hưởng. Việc chỉ có thế, nếu không có thắc mắc gì anh có thể về.
       Chỉ vậy thôi. Thằng Đán ra đến ngoài phố mà tay cầm tấm giấy gọi nhập ngũ cứ run bần bật. Dọc đường về, gần như không nghĩ được cái gì cho ra hồn, nó chỉ tìm được một "ý khôn" là ghé qua cơ quan bố nó trước.
       - Cứ theo lời ông lang Mỡi ở làng, thì mạng số mày đã không ra gì từ lúc lọt lòng. Tao biết chuyện này thế nào rồi cũng xảy ra. Nơi tao lo lót cho mày là để ở quê người ta không đưa mày đi nghĩa vụ. Nhưng ở cơ quan mày thì tao chịu. Đang chiến trận ầm ã ở Quảng Trị, nam Lào kia. Nước này thì phải đi thôi, con ạ! Đi đi đã, để tao xem có cách nào lo chạy được cho mày không phải vào chiến trường không. Giờ thì về đội trả đồ đoàn và nhận các thủ tục, chính sách. Sau đó về nhà thăm bu mày và các em. Khi đi, không phải qua đây nữa. Nói với bu mày không phải đợi tao về. Hôm nào trên tỉnh nhận quân, nếu thu xếp được, tao sẽ tới.
       Ông Kính nói vậy chứ hôm nó về Quốc doanh tập trung để giao quân thì bố nó không có mặt. Chắc ông không muốn bịn rịn với nó. Cả nhà, chỉ có đứa em gái, vừa học hết cấp hai sắp đi trung cấp sư phạm trên tỉnh là theo anh đến địa điểm nhập ngũ. Duy có điều làm nó bất ngờ là, trước lúc chiếc xe quân sự chuyển bánh, gã nhìn ra anh Thông "béo" giữa đám người lố nhố dưới đường. Thấy thằng Đán hua hua tay, anh nhào tới, dúi vội vào tay nó gói giấy nhỏ nắn cưng cứng. Miệng nói vội :"Anh chúc chú mày ra đi chân cứng đá mềm!" mồm cười nụ như mếu. Lần đầu tiên trong đời, thằng Đán thấy mắt mình cay cay. Gạt vội giọt nước mắt chực rớt xuống, nó lắp bắp "Em cám ơn Anh!". Xe chuyển bánh. Giữa đám đông bên đường, hình ảnh anh Thông và con em gái đứng bên nhau vẫy với theo chỉ chực muốn kéo gã nhào xuống, chạy trở lại. Giở gói giấy nhỏ anh Thông gúi cho, nó nhìn thấy cục xà phòng thơm "Hoa hồng". Thứ đồ hết sức sa xỉ lúc đó. Nước mắt nó lại chực trào ra.
        Chia tay nháo nhào với người thân sau buổi giao quân, thằng Đán theo đơn vị đi thẳng ra ga lên tàu và bây giờ nằm đây. Nghe nói đơn vị vừa đi vừa huấn luyện để kịp phiên chế với quân đoàn. Cứ "binh tình" này, nó biết bố nó chẳng kịp làm điều gì cho nó được. Vừa hành quân, vừa làm quen với nghiệp lính. Nghe mấy đứa "hóng hớt" thì cứ thế này chẳng mấy mà "vô", mà là B dài đấy.
       Sáng sớm, vừa mắt nhắm mắt mở đã thấy điểm danh. Chưa kịp ngó kỹ chỗ trọ đêm qua, có lệnh "Chuẩn bị hành quân gấp!". Thằng Đán chỉ kịp quay mặt về phía đông, gọi thầm: "Thày u ơi, con vào chiến trường đây. Chào cả nhà!". Đoàn quân rời khỏi nơi vừa đến, nhanh chóng chuyển đi. Hành quân bộ, với ba lô và vũ khí trên vai. Toàn bộ quân trang, quân dụng gần bốn chục ký. Nghe loáng thoáng mấy thằng ngủ chung gường hôm trước kháo nhau "Đêm qua mấy thằng mình nằm trên tấm hậu sự của cụ chủ. Hãi bỏ mẹ!". Bắt đầu từ hôm đó, thằng Đán mới thật sự nếm trải nỗi vất vả của người lính bước vào nơi chiến trận. Dù vậy, cũng không biết từ lúc nào nữa, lúc cất bước lên đường hành quân, trong đầu thằng Đán đã len lỏi sự tính toán: "Biết khi nào đi ngược lại phía sau đây? Hay…"
       Cuộc hành quân kéo dài ròng rã gần hai tháng. Bộ đội ngày đi, đêm nghỉ. Đang thời gian bọn Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, đoàn quân cứ thế mải miết đi. Gió nóng, dân địa phương gọi là "gió phơn" chỉ chưa hết ngày đã làm héo vàng quắt lá ngụy trang. Mồ hôi hết ướt lại khô để lại trên mình mẩy một thứ cảm giác khô nhám không ra nhám, ướt không ra ướt. Vuốt đến đâu, thịt da như xoa cát đến đó. Chiều xuống, khi tắt hẳn nắng rát rồi mà trời vẫn còn đỏ hực. Dừng chân là kiếm chỗ dội nước. Nước ruộng, nước mương máng đều dùng hết, bất kể trong đục, sạch bẩn. Cứ có nước là dội đã, dội như muốn cố làm trôi nắng gió miền Trung đi mà đâu có được. Vừa dội xong, lại đã thấy da khô như muốn bóc vỏ. Mắt đứa nào đứa ấy mọng lên, sưng không ra sưng mà con ngươi chỉ chực muốn lồi ra ngoài tròng. Hai bàn chân hết bong tróc, lại phồng rộp, chai sần, sứt sẹo. Đôi vai ê ẩm, chỉ có chiếc ba lô, bao tượng gạo rồi xẻng, cuốc xà beng thìa và khẩu súng thôi mà sao nặng hơn đeo đá. Đã thế, quai khẩu "K bốn bốn" cứ siết hằn xuống vai ngày lại  ngày như dao cứa. Đến chỗ nghỉ, có thằng quăng cả người và mọi thứ trên người xuống đất đánh "huỵch", chân tay dãng ngang. Chẳng biết đau biết bẩn sạch là gì sất, chỉ cốt được nằm xõa chân xõa tay cho dãn cơn mệt. Đến ăn cũng nhếu nháo nuốt cho nhanh, bữa nào cũng có canh nhưng cứ gọi là húp canh trước cái đã, cơm nuốt vo sau. Đêm xuống, lăn người ra là thiếp đi, người bải hoải chẳng thiết làm gì. Song kỷ luật quân đội lại ép siết mỗi lúc mỗi chặt. Tối nào cũng sinh hoạt tiểu đội, đến mức có thằng miệng vừa báo "có mặt" mắt đã chực nhíp chặt rồi. Trong nỗi nhớ nhà đâu đó, thằng Đán lại nhớ chiếc xe  kéo bánh hơi và con bò cái già của đội chiếu bóng lưu động. Đối với nó lúc này, những tháng ngày lang thang, "vãi đám" khắp huyện Hà trước đây tưởng xa lắc xa lơ mà thật đáng mơ ước.
       Ngày qua ngày, cái vất vả gấp gáp cũng bắt các chú tân binh phải quen dần. Các kiểu mệt mỏi mất dần, mồm miệng bắt đầu đóng mở tếu táo. Số cây số đi bộ từng chặng bắt đầu dài ra, nhịp nghỉ giữa chừng cũng bắt đầu ngắn lại. Đầu óc quen dần với việc "đi và đi", chẳng còn hơi sức đâu mà nhớ nhà nhớ thày u nữa. Cho đến bữa đoàn quân tấp đến bên dòng sông rộng giữa đôi bên rừng núi chập chùng thì mọi người mới biết rằng, chỉ qua một lần chuyển quân nữa thôi bằng thuyền, núi rừng Trường Sơn sẽ tiếp nhận họ. Đi bộ rã rời, song chưa có ai trong đám lính trẻ nghĩ được rằng, họ còn phải leo núi nữa. Chưa leo núi, cán bộ đã báo trước "Khổ và mất sức gấp trăm lần đoạn đi bộ đã qua". Bên bờ con sông nước cuồn cuộn xám ngoét, lần đầu tiên sau chừng ấy ngày hành quân bộ, đám lính khu Ba được nghỉ ngơi ít ngày. Còn phải qua một đợt chỉnh cán rèn quân với vũ khí nữa, chờ lớp tân binh phía ngoài vào thêm, trung đoàn mới hợp quân để đi tiếp.
*

*    *
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: