(Tiếp
theo kỳ trước)
…..
Chiếc
taxi bốn chỗ dừng đỗ trước con hẻm trên đường Hai Bà Trưng, quận Một. Theo chân
Chị, Anh bước vào phía trong. Phía ngoài, con hẻm trông không lớn, nhưng bên
trong các ngôi nhà dựa vào nhau san sát. Tận cuối hẻm, một phần của bên hông
ngôi nhà ba lầu chắn họ lại. Mặt trước của ngôi nhà chắc có mặt tiền trên một
đường phố nào đó phía Tây. Một chiếc cầu thang sắt dẫn lên ô cửa nhỏ tầng hai.
Bước qua cửa, trước mắt Anh là ba bốn cánh cửa khác nhau của mấy căn phòng cùng
chung một hành lang hẹp. Chị tra khóa, mở cửa căn hộ sau cùng và nhanh nhẹn
bước vào. Phía sau những cánh cửa đóng kín của các căn hộ khác, không chút âm
thanh nào lọt qua. Trái ngược với không gian ồn ã ngoài kia, trong này mọi thứ
đều lặng phắc.
- Chủ
các căn hộ bên ấy cũng chỉ là các gia đình ở chung trong ngôi nhà này. Chủ cũ trước vốn là một công chức
chính quyền Sài Gòn, di tản qua Mỹ trước 30 tháng 4. Nhà này hiện do cơ quan Em
quản lý. Căn hộ của Em và các căn hộ khác trong ngôi nhà này đã được hóa giá
cho từng gia đình. Ô cửa và chiếc cầu thang ngoài kia là do cơ quan cải tạo
lại. Trong tương lai, ngôi nhà này sẽ bị giải tỏa để xây thêm ký túc xá cho
sinh viên. Em và họ sẽ được đền bù và chuyển tái định cư nơi khác.
Căn
hộ rộng chừng mười tám mét vuông. Một tấm bình phong bằng gỗ chia không gian
căn hộ làm hai. Phía ngoài gồm bệ bếp và bộ bàn ghế nhỏ. Phía trong là buồng
ngủ kèm sẵn một ngăn toilet. Buồng ngủ kê một chiếc giường sắt mét rưỡi, trên
đặt một tấm nệm dày với ga gối cùng một màu trắng sữa. Đầu giường kê chiếc bàn
phấn có chiếc gương nhỏ, la liệt chai lọ mỹ phẩm và lỉnh kỉnh thuốc men. Góc
phòng kê một chiếc tủ hai buồng màu cánh gián chắc chắn. Trên chiếc giá treo
quần áo góc phòng, chỉ thấy móc mấy chiếc áo, váy. Không có bộ quần áo đàn ông
nào. Anh buột miệng hỏi nhẹ:
- Em
ở đây có một mình sao?
-
Vâng! Hơn mười lăm năm nay rồi, từ ngày Em giải ngũ.
Anh
lặng người. Chị vẫn chỉ sống một mình, không chồng con. Trả lời ánh mắt thảng
thốt của Anh, Chị khẽ nói: "Giờ thì Anh biết rồi đấy. Em vẫn chỉ có một
mình". Khoảnh khắc đó, một nét buồn lướt thật nhanh trên mặt Chị. Anh chợt
nhận ra, những lúc thế này mấy nét nhăn góc khóe mắt Chị mới hằn rõ. Điều đó tự
nói lên cái điều vì sao người đàn bà này ngoài năm mươi tuổi rồi lại có vóc
dáng con gái son trẻ là vậy. Ôm lấy bờ vai nhỏ nhắn đang rung nhẹ của Chị, Anh
nghẹn lời: "Sao Em lại vất vả vậy, điều gì làm Em chọn lấy cuộc sống như
vậy?". Không trả lời Anh, đôi mắt Chị nhìn sâu vào mắt Anh: "Em có lí
do của Em. Em sống thế này quen rồi!" Gỡ nhẹ vòng tay Anh, Chị quay mặt
nhanh ra phía cửa giấu ánh mắt loáng ướt nói nhanh: "Để Em nấu cơm đãi
khách đã nào! Anh tranh thủ tắm táp chút đi rồi lên giường kia nằm nghỉ lưng.
Đi đường cả ngày chắc Anh mệt nhiều rồi?". Ngó sang bệ bếp, một chiếc bếp
ga du lịch nhỏ xinh xếp bên chiếc giá đựng số bát đĩa ít ỏi. Nhìn qua cũng đủ
biết chủ nhà không thường nấu nướng hàng ngày.
Trong
ngăn toilet nhỏ xinh, Anh để mặc những tia nước từ chiếc vòi sen trắng nhỏ xối
thẳng vào mặt. Những giọt nước măt tứa ra, Anh hiểu tại sao trong thư, Chị
không nói lời nào về cuộc sống gia đình riêng. Rồi Anh phải hỏi Chị thật nhiều
về những năm tháng đã qua. Tuyết của Anh thân phận éo le quá.
Bữa
tối giản dị kết thúc, Chị kéo tay Anh :"Mình ra phố đi dạo chút đã Anh,
ngồi nhà giờ này buồn lắm". Quả có thế thật. Đường phố Sài Gòn sau tám giờ
tối vẫn nườm nượp xe cộ, tiếng động cơ của đủ loại phương tiện giao thông trộn
lẫn vào nhau thành một thứ âm thanh ầm ì liên tu. Trên hè phố, người đi lại tấp
nập. Các tiệm ăn đông chặt người, các cửa hàng bán buôn đủ mặt hàng khác nhau
nhấp nháy ánh đèn màu. Họ khoác nhẹ tay nhau đi trong dòng người, thỉnh thoảng
lại ghé tai nhau thì thầm, âu yếm. Kéo Anh tạt vào một cửa hàng điện máy, Chị
mua cho Anh chiếc máy nghe nhạc Sony Walkman - "Để Anh nghe nhạc dọc đường
cho đỡ căng thẳng"
- Máy
tiền triệu thế này, em mua làm gì cho tốn kém ra. Nhà Anh đã có chiếc cattset
mini Sony cũ rồi.
- Đây
là quà của Em. Cái này mang theo mình chẳng tiện gấp mấy lần cái "cục
gạch" nặng trịch của Anh sao. Mà Em dạo này ăn tiêu "xịn" rồi
nhé, không có lo. Lương Em mình Em ăn chẳng hết kia. Con Thanh, con Hồng nhà
chị Loan thỉnh thoảng còn dựa dì Tuyết "viện trợ" đấy.
Anh
chỉ biết cười. Trông Chị vui vẻ hoạt bát như người có cuộc sống gia đình mỹ
mãn, thảnh thơi. Trong bộ váy áo mặc tối, màu sẫm nâu cà phê sữa tôn nước da
trắng hồng của Chị. Khuôn mặt trang điểm nhẹ nhàng trông tươi tắn, ánh mắt lấp
lánh hút ánh nhìn người chung quanh. Ở tuổi này, trông Chị còn trẻ đẹp lắm. Cứ
theo dõi những ánh mắt ngó nhanh của đám đàn ông bên đường hướng theo Chị khắc
biết. Anh chợt siết nhẹ cườm tay, kéo Chị sát bên mình. Miệng bỏ nhỏ vào tai
Chị :"Tối nay trông Em đẹp lắm. Anh đang lo đám đàn ông trên phố kia theo
miết Em mất! Lỡ có dính phải cơn đánh ghen bên đường đừng quên bảo lãnh cho Anh
đấy." "Anh chỉ được cái nói xạo. Không được chê xấu Em đâu nhé."
Họ cứ thế cười nói, chòng ghẹo nhau. Đi bộ chán, họ lại tạt vào một tiệm Café vườn.
Giữa âm thanh trong trẻo của nhạc Trịnh, họ ngồi bên nhau say mê. Đêm Sài Gòn
chấp chới ánh đèn và áo màu trên phố. Sức trẻ của thành phố cuốn hút mọi lứa
tuổi. Người già đi chơi trông như trẻ lại, thanh niên nam nữ thì khỏi nói mặt
mũi cứ tươi hơn hớn. Khác với Hà Nội cổ kính trầm tư, Sài Gòn mỗi ngày mỗi giờ
lại một khuôn dạng khác nhau. Ban ngày sôi sùng sục ăn làm, ban đêm vui vẻ thả
sức. Sống trong cái không khí ấy, cái khó nhọc mưu sinh ban ngày như chỉ chực
chờ được đền đắp thư giãn vào buổi đêm.
Họ
trở về căn phòng nhỏ dễ đến hơn mười một giờ đêm. Anh chọn trong va li quần áo
đem theo bộ quần áo ngủ mặc vào. Chị biến vào trong toilet một lúc rồi bước ra
tươi tắn trong bộ váy ngủ nhẹ nhõm. Những đường cong thân thuộc ẩn hiện. Nghịch
ngợm nghiêng mình trước Anh, Chị lên giọng: "Thế giờ thì ai ngủ trước, ai
thay ca nào?". Đêm làng hoa Nhật Tân ba mươi năm trước như hiện về giữa
họ. Họ nhìn nhau. Thoáng ánh hồng ửng trên khuôn mặt Chị e ấp.
- Đêm
nay, Anh là của Em. Chúng mình là của nhau. Mấy chục năm đã qua, Anh chưa khi
nào nghĩ khác về tình yêu của chúng mình cả. Chúng mình mất nhau hàng chục năm,
và giờ mới vừa tìm lại được nhau. Em hãy cho Anh được là của Em lúc này. Nếu Em
đồng ý vậy, Anh sẽ có được hạnh phúc Anh từng kiếm tìm, mơ ước. Nếu Em không
muốn, Anh thức canh cho Em ngủ. Anh chỉ cần ngắm nhìn Em suốt đêm cũng đủ bù
đắp sự mất vắng Em mà mình đã phải chịu bấy nhiêu năm qua.
- Anh
biết Em nghĩ gì lúc này không? Anh hiểu được mong muốn tìm gặp lại nhau của Em
là Anh biết tại sao Em muốn Anh về đây đêm nay. Em chỉ mong Anh luôn nghĩ về Em
như ngày nào…
Anh
nhẹ nhàng đặt ngón tay lên đôi môi nhỏ mềm, không để Chị nói thêm nữa. Cứ thế,
họ chầm chậm ghì chặt lấy nhau. Trên chiếc nệm dày, sau đôi chút chần chừ họ
tìm lại thân thể nhau. Những cặp môi khao khát gắn chặt nhau không rời ra được
nữa. Trong đêm vắng, dưới ngọn đèn ngủ dịu mắt hai con người tưởng mất nhau
vĩnh viễn hòa trộn vào nhau. Chị vẫn vậy, vẫn háo hức cuồng nhiệt, dâng hiến.
Họ cùng cảm nhận từng đợt sóng mãnh liệt trong nhau. Hai thân thể lúc căng
cứng, lúc như lặn vào nhau. Bầu ngực đầy đặn, rắn chắc áp chặt vào Anh như
không muốn rời xa. Bốn mắt nhìn nhau rạo rực, họ bỏ mặc thời gian, quên hết quá
khứ, trao cho nhau không phải chỉ có nỗi háo hức thân xác mà ẩn trong máu huyết
họ là biết bao đắm đuối, bao nỗi thương nhớ xót đau thân phận tình yêu trắc
trở. Biết bao chờ đợi, biết bao đau đáu kiếm tìm như chỉ chực chờ có vậy để hóa
giải. Chợt Chị ngậm chặt bờ vai Anh nghiến chặt. Trong cái đau nhói da thịt,
Anh cảm được cái cháy khát của người đàn bà chờ đợi những xung động hân hoan.
Cùng dướn lên mãi như tìm đến cái không cùng cả hai thân thể run rẩy, run rẩy
chìm sâu vào nhau. Hơi thở như nghẹn lại, Anh lại nhìn thấy những giọt nước mắt
sung sướng của Chị lăn xuống. Đêm Nhật Tân năm nào như buông xuống giữa Sài Gòn
sôi động. Niềm sung sướng vút cao như tiếng nhạc hoan ca. Họ chìm xuống, chìm
xuống, vòng tay siết lấy da thịt nhau như hòa làm một. Nhịp đập hai con tim gấp
gáp như vờn đuổi. Họ đang có nhau bằng xương bằng thịt, gần gũi nhau sau bao
biến cố, xa cách. Những cơn sóng gối nhịp nhau, họ dìu nhau trôi xa trong nỗi
khát khao nhau…
…..
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét