(Tiếp
theo kỳ trước)
……….
Trong
ánh đèn ngủ xanh dịu, họ nằm bên nhau buông nhịp thở nhẹ nhõm. Chợt Chị lần
kiếm bàn tay Anh, đặt lên vùng bụng mềm mại. Tay Anh đang mơn man da thịt nồng
ấm bỗng khựng lại khi nhận thấy dưới mấy đầu ngón tay mình đụng đến một đường
gờ dài trên làn da êm mịn. Anh bật nhổm dậy, đưa mắt sững sờ có ý hỏi Chị. Chị
khẽ khàng: "Đó là lý do em ở vậy một mình đấy". Từ đôi mắt Chị, Anh
nhận thấy ánh nhìn sâu thẳm của nỗi buồn tê tái. Rồi Chị thủ thỉ kể Anh nghe về
những năm tháng họ xa nhau. Thế ra, đêm trên đất hoa đào Nhật Tân năm nào Anh
đã từng gieo vào cơ thể xuân thì của Chị mầm sống đầu tiên. Trời đất chứng giám
cuộc tình mặn mòi của họ và đã ban cho Chị niềm vui hoài thai rồi lại lấy đi
mầm sống nhỏ nhoi ấy để lại biết bao niềm tiếc nuối xót xa. Sự chia xa vội vã,
bất ngờ làm tan chảy cơ hội làm vợ, làm mẹ của Chị tưởng đã là nỗi đau buồn lớn
lao. Song không ngờ, sự việc còn đi xa hơn thế. Điều kiện sinh hoạt, sự khác
biệt thông thổ, khí hậu và hoàn cảnh sống giữa chiến tranh trên đất bạn lại làm
Chị thiệt thòi hơn nhiều khi buộc phải cắt bỏ dạ con trước nỗi lo ác bệnh. Sự
may mắn chỉ đến với Chị là sự sống của Chị không bị đe dọa thêm nữa. Nhưng số
phận lại buộc Chị chấp nhận thực tế thật phũ phàng. Hạnh phúc gia đình không
thể làm lại được. Tước bỏ niềm mong đợi chồng con, ước mong mang nặng đẻ đau bị
đóng kín giữa lúc tuổi Chị tràn đầy sức xuân. Trên đời, thế là Chị chỉ còn có
niềm vui hạnh phúc đôi lứa ngắn ngủi, duy nhất với Anh như kỷ vật. Không ai còn
có thể thay thế Anh được nữa. Cùng với nỗi xa cách, thân phận Chị gắn với nỗi
mất Anh. Mất mát như thế là quá lớn. Chị quyết ở vậy, không chỉ vì không đem
nổi hạnh phúc gia đình con cái cho bất kỳ người đàn ông khác, mà đơn giản Chị
sợ một quan hệ chồng vợ vô vị, không con cái.
Cùng
với những giọt nước mắt nóng hổi, Anh đặt môi hôn lên vết sẹo hồng mà lòng tê
tái. Anh đâu có ngờ người mình yêu thương lại có một số phận đau xót đến vậy.
Anh chợt cảm thấy mình trong mấy chục năm qua thật vô tâm. Anh nghẹn ngào:
"Tuyết em, Anh đã thật có lỗi với Em"
- Anh
không được nghĩ ẩu, Anh đâu có lỗi gì. Chẳng qua, hoàn cảnh cuộc sống đã đưa
đẩy số phận Em như vậy. Em đâu dám trách móc Anh điều gì đâu. Em đã tự quyết
định lấy mọi điều, ngay sau khi vết mổ này liền sẹo. Nhiều đồng đội, bạn bè,
nhất là gia đình anh chị Cương Loan đều đã để tâm vun vén chắp nối mà Em không
sao nghe theo mọi người được. Tuổi trẻ của Em đã vĩnh viễn thuộc về Anh. Ở xa
Anh, Em biết rồi Anh sẽ có cuộc sống riêng và điều đó là cần thiết mà đương
nhiên. Trong cuộc đời Anh, đã từng có Em và chúng mình đã từng có nhau. Thế
chẳng là đủ lắm sao.
-
Tuyết em! Anh muốn mãi mãi sống với Em thế này, để chúng mình lại có nhau. Bước
sang dốc kia của cuộc đời rồi. Cái gì đã có, Anh đã có. Nay Anh muốn giành thời
gian còn lại cho Em. Anh muốn Em thuận cho Anh vào sống với Em. Chúng mình sẽ
sống đến trọn đời với nhau. Anh mong được sống bù lại thời gian mình mất nhau.
- Ôi!
Không! Em xin Anh. Anh không được nghĩ như vậy. Đừng vì Em mà làm hỏng cuộc đời
mình. Anh còn gia đình, con cái, sự nghiệp. Em không cho Anh được nghĩ vậy, làm
vậy đâu. Việc Em, em quyết rồi. Anh không được nghĩ ẩu. Em không muốn vậy, Em
quyết không bao giờ chấp nhận vậy đâu.
Ghì
khuôn mặt đẫm nước mắt của Anh vào khuôn ngực bầu bĩnh của mình, Chị vuốt vỗ
vai Anh như vỗ về đứa trẻ ương bướng. Anh ngước mắt trông lên, dưới ánh đèn
đêm, khuôn mặt Chị thật bình thản. Anh biết, Anh cũng không thể làm Chị suy
suyển ý định sống đơn thân ghim đóng trong lòng mấy chục năm qua. Đặt môi hôn
lên vầng trán sớm hói của Anh, Chị dỗ dành: "Thôi nào, mình gặp được nhau,
vừa mới vui đã muốn buồn sao? Anh phải nghe Em đấy. Không được nghĩ thêm gì
nữa. Anh có thể qua lại đây với Em bất cứ lúc nào. Nhưng không được rời bỏ gia
đình, không được vô trách nhiệm với vợ con. Anh nghĩ được như Em, Em sẽ bớt đỡ
nỗi áy náy với Chị ấy và các cháu."
Cứ
vậy họ thủ thỉ, vỗ về, an ủi nhau để rồi thiếp đi trong vòng tay nhau. Đêm qua
đi trong yêu thương dịu êm và nước mắt tiếc nuối. Song, hình như họ biết và
chấp nhận việc có nhau là đủ. Đủ cho một mối tình sắt đá, trước một hoàn cảnh
không thể làm khác được.
*
* *
Trên
toa xe giường nằm lao xao tiếng người, họ đứng sát cạnh nhau trong khoảng trống
đầu toa. Tay trong tay, mắt nhìn nhau đau đáu họ đếm từng giây còn lại bên
nhau. Trên tàu, dưới sân ga ồn ã tiếng người, chỉ mươi phút nữa tàu sẽ chuyển
bánh.
- Anh
đi đường nhớ giữ gìn sức khỏe đấy. Chỗ bánh trái, hoa quả, nước uống Em chuẩn
bị kia đừng có để lâu. Nếu cơm trên tàu làm thức ăn không hợp thì Anh cứ bỏ đi,
lấy bánh mì, chả giò, thịt sấy, thịt hộp cá hộp ăn thêm. Em từng đi tầu ra Bắc
chỉ mới vài lần mà Em không sao nhai nổi mấy suất cơm trên tàu. Thuốc men dự
phòng Em cũng chuẩn bị đủ cả đấy, có gì Anh lấy ra dùng đỡ.
- Em
lo cho Anh nhiều thế kia, tàu chạy hành trình có 42 tiếng đồng hồ, có lẽ phải
giành thời gian để chỉ ăn mà… không ngủ mới hết. Ừ! Thôi mà, thôi được rồi Anh
nhớ! Đừng quá lo như vậy. Anh vẫn đi công tác hàng năm thế này rồi chứ có đi
lần đầu đâu mà Em lo nhiều thế. Em nhớ lời Anh đây này, ăn ở một mình cẩn thận
đấy. Anh biết công việc của Em không vất vả như trong bệnh viện nhưng cũng phải
lo lắng đủ điều, nhớ giữ sức nghe không. Gọi thợ đến thay lại lớp gạch lát nền
Toilet ngay đi, để trơn thế không có an toàn. Lại còn cái bếp nữa. Hãy bỏ bếp
ga du lịch, đừng dùng nữa bất tiện lắm. Rất nhiều vụ nổ bình ga đều do loại này
cả đấy. Bếp điện, bếp từ bây giờ nhiều và an toàn hơn nhiều nên đổi cách dùng
bếp đi. Còn cái tủ lạnh nữa, Anh mà ở với Em thì Anh thay quách rồi. Hitachi 70
lit đời 1980 tốn điện lắm mà không giữ lâu được thực phẩm. Anh biết đó là kỷ
niệm "xuất ngũ" của Em, nhưng ở một mình, đừng để đồ đạc làm phiền
mình, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn.
-
Vâng. Vâng! Em xin nghe. Kể ra Em cũng xuềnh xoàng quá. Hàng tuần ở bên nhà chị
Loan đến già nửa nên cứ để vậy, không nghĩ ngợi gì. Đợt này, Em sẽ bảo thằng
chồng con cháu Thanh nó sang giúp Em cải tạo lại chỗ ăn ở. Mà Anh phải để ý đến
tim mạch, huyết áp đấy nhé. Hôm qua Em khám qua có vẻ không ổn đâu đấy. Bớt làm
việc căng thẳng đi. Chịu khó đi khám tổng thể ở một trung tâm chuyên khoa để
biết rõ bệnh tật trong người. Sau đó chịu khó khám bệnh định kỳ và nghe lời bác
sĩ trong sử dụng thuốc. Anh có chê Em mắc bệnh nghề nghiệp thì Em vẫn phải nhắc
Anh vậy. Huyết áp luôn đi kèm với tuổi cao. Mấy đêm rồi, đêm ngủ thấy Anh khi
thì trằn trọc khó ngủ, khi thì mê mệt là có chuyện đấy.
-
Rồi, Anh nghe rồi. Anh sẽ lo!
Họ
vội vã dặn dò, nhắc nhở nhau. Có tiếng còi tàu hụ dài, kèm tiếng lịch kịch dồn
toa. Đoàn tàu đã được lắp đầu kéo. Mắt loáng ướt, Chị vòng tay ôm vội lấy Anh.
Hai người trao cho nhau nụ hôn chia tay trong tiếc nuối. Ba ngày bên nhau trôi
qua quá nhanh. Người nhân viên trực toa đi qua khẽ nhắc họ. Chị bịn rịn rời tay
Anh, bước xuống đường ke. Anh nhoài người trông theo. Tàu bắt đầu chuyển bánh,
dưới sân ga Chị một mình đứng đó hai tay vặn xoắn lấy nhau trước bụng im lặng,
hai hàng nước mắt dịn dài trên má. Tàu từ từ rời đi. Kẻ trên tàu, người dưới
đường giơ tay vẫy chào tạm biệt nhau. Lần gặp gỡ ngắn ngủi không đủ bù đắp hơn
hai mươi năm mất vắng nhau. Con tàu đem theo Anh chạy xa dần, Chị quay người
chậm bước ra cửa ga để mặc những giọt nước mắt đổ xuống. Lẫn vào dòng người vội
vã, Chị bước lên chiếc taxi bên đường. Đêm đó, Chị nằm một mình trên chiếc
giường còn ấm hơi thân thể Anh. Trên mắc, bộ quần áo Anh để lại như một lời
nhắc nhớ.
Trong
cái rung lắc đều đều của toa xe, Anh nằm trên chiếc giường tầng một trong
khoang giường bốn chỗ đã quá 12 giờ đêm rồi mà giấc ngủ không đến. Trong toa,
những người bạn đồng hành đều đã thở đều say giấc. Dưới ánh đèn đêm gắn trên
trần mờ mờ, hình ảnh mấy ngày bên nhau hiện lên mồn một gần gũi.
Sau
đêm đầu tiên bên nhau, Chị xin nghỉ làm thuê xe cùng Anh đi Vũng Tàu. Chị bảo:
"Mình ở Sài Gòn ồn ã lắm, đi đâu đó cho nhẹ đầu Anh à!". Quả thực
chuyến đi quá hay. Họ mất hơn hai tiếng trên đường. Thành phố biển Vũng Tàu đầy
nắng và gió đón họ vào gần cuối buổi sáng. Họ thuê phòng trong một khách sạn
giáp bờ biển. Căn phòng có khung cửa sổ kính dày trên tầng sáu nhìn thẳng ra
bãi biển. Buông hành lý, họ thay vội áo quần đi đường, mặc đồ tắm và tay trong
tay chạy qua đường ra bãi biển. Biển "Bãi Trước" giữa trưa nắng vẫn
đông người xuống nước. Nước trong và ấm, cát trắng mịn dưới gan bàn chân mềm
mại. Họ hòa vào sóng biển bơi đùa âu yếm nhau. Trong nước ấm mặn mòi, hai cơ
thể lúc cuốn lấy nhau, lúc vờn đuổi nhau da dẻ hồng lên. Ngâm nước chán, họ lại
kéo nhau lên bờ nằm duỗi dài trên những chiếc ghế mây dưới mấy cây dù vải. Bữa
trưa, họ dùng cơm ngay trên nhà hàng ven bờ. Cơm thơm dẻo, món ăn toàn hải sản
tươi ngon miệng. Ăn xong, họ lên phòng tắm tráng nước ngọt rồi duỗi dài bên
nhau hàn huyên. Hơn hai mươi năm mất dấu nhau, biết bao nhiêu tâm tư, chuyện
lớn chuyện bé cần thổ lộ. Họ chỉ còn biết cám ơn cuộc đời đã kéo họ lại gần
nhau, dù không sở hữu vĩnh viễn nhau nhưng đủ bù đắp, giúp họ hiểu rõ cuộc đời
nhau và chấp nhận thực tế khi tuổi tác đã đổ về phía dốc bên kia. Câu chuyện
của Anh tuy đơn giản hơn, ít sóng gió hơn nhưng vẫn là câu chuyện cơm áo gạo
tiền, chuyện gánh gồng gia đình con cái không phải lúc nào cũng một màu lạc
quan. Đêm Vũng Tàu sôi động đèn màu và đa dạng những sinh hoạt văn hóa, họ hòa
mình vào dòng khách du lịch lang thang trên phố, các tụ điểm vui chơi suốt đến
tận đêm khuya. Trong giấc ngủ, họ như quên hết thời gian. Họ biết thời gian bên
nhau của họ không mãi dài như mong muốn. Họ ôm ấp, chiều chuộng nhau như cố bù
đắp lại thời gian đã mất bởi sự chia xa. Trong giấc ngủ, thi thoảng họ lại giật
mình ôm siết nhau như chỉ sợ đó là ảo ảnh. Trên đường rời khỏi Vũng Tàu, họ còn
ghé khu điều dưỡng nước nóng Long Châu thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu chạy dọc theo quốc lộ 55. Nghỉ trưa giữa vùng cây cối nguyên sinh gắn với
truyền thuyết bi thương về câu chuyện huyền bí của cặp vợ chồng trẻ mất nhau
giữa rừng sâu. Ngâm mình trong hồ nước khoáng nóng, họ thanh thản giũ bỏ mệt
mỏi rồi trở lại Sài Gòn ngay trong ngày. Thêm một ngày nữa sắm sửa, chuẩn bị.
Họ giành nguyên một buổi chiều nằm duỗi dài bên nhau bịn rịn để rồi có mặt trên
sân ga Sài Gòn vào lúc hơn 10 giờ đêm để Anh lên chuyến tàu Thống Nhất kết thúc
mấy ngày đêm quấn quýt bên nhau. Mãi tới khi đoàn tàu rời ga Tháp Chàm, giấc
ngủ muộn màng mới chịu đến.
…..
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét