NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 13.


(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….

       Sau hành trình 42 tiếng đồng hồ, đoàn tàu Thống Nhất trả Anh xuống sân ga Hàng Cỏ. Khác với mọi chuyến đi công tác khác, Anh ra cửa ga rồi lặng lẽ vào ngồi trong phòng đợi. Giờ mới là 5 giờ sáng, con đường Lê Duẩn trước cửa ga mới chỉ có ít người xe qua lại. Trời Hà Nội cuối thu se se, mới đầu buổi sáng mà trời đã dợm trước một màu xanh cao vời vợi. Từ chỗ ngồi, Anh nhìn ra hè đường phía đối diện. Hình ảnh người thanh niên năm nào ngoài hai mươi tuổi ngơ ngác đứng ngóng người yêu trên hè phố xưa ùa về. Khi ấy, Anh đến đó để rồi vô vọng kiếm tìm không ra người mình hẹn gặp. Nay, sau gần ba mươi năm, người đàn ông tóc đốm bạc ngồi lặng ngẫm nghĩ về tuổi trẻ của mình. Đường phố, những ngôi nhà và những con người tại không gian xưa nay đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây, Anh đã tìm lại được người mình phải tìm, mối dây ân tình đã được nối lại, nhưng cuộc sống riêng của mỗi người lại theo hai lối rẽ khác nhau. Hai số phận, hai cuộc đời vẫn còn đó những ràng buộc sâu nặng. Họ đã gặp nhau, dù hoàn cảnh đã khác. Mãi tới hơn 7 giờ sáng, Anh mới lên taxi trở về nhà. Còn được nghỉ ngơi một ngày nữa, mai Anh sẽ tới cơ quan. Vợ Anh không có nhà, căn hộ trong tòa nhà chung cư lớn đón Anh trong yên lặng. Hơn một giờ đồng hồ sau, có tiếng chìa khóa tra vào ổ lạch xạch.



       - Anh mới về! Đi đường có mệt không Anh, mà trông Anh sắc diện kém thế? Con cháu Thảo nhà con Lan mấy hôm vừa rồi quấy quá. Nó lại ho nhiều, biếng ăn và ngủ không yên giấc. Em và con Lan chiều qua đưa cháu lên viện Nhi khám, họ chẩn đoán nó viêm phế quản nhẹ. Bữa nay mẹ nó nghỉ việc trông con ốm, Em trở về nhà tính đợi Anh về. Giờ mới hơn tám giờ sáng, để Em làm chút gì cho Anh ăn đỡ nhé, chắc từ lúc xuống tàu tới giờ chưa ăn uống gì phải không?
       Mồm nói, chân bước Chị săng sái lấy thức ăn nguội, vài lát bánh mì, đập quả trứng làm ôp - lết cho Anh. Ngồi trước đĩa trứng và mấy lát thịt xông khói, Anh chậm rãi nhai bánh và ngắm nhìn vợ. Người đàn bà tuổi vừa năm mươi vẫn nhanh nhẹn, duyên dáng. Nước da ngăm ngăm nhẵn mịn khiến chị có vẻ trẻ hơn tuổi thực. Nghỉ hưu trước tuổi mới được hơn năm, Chị mải miết trông nom gia đình, hết trông con cho đứa lớn, lại chăm nom con cho đứa út. Anh còn công tác, song cũng không mấy bữa chị để Anh quạnh quẽ ở nhà một mình. Cứ cuối chiều, Chị lại hối hả từ nhà các con, các cháu trở về để lo lắng cho Anh bữa cơm, giấc ngủ. Dáng người tròn trặn, hơi sồ sề bởi sinh nở nuôi con nhưng vốn tính tình vui vẻ, nhẹ nhõm, lại vô tư nên vẻ mặt chị cũng không mấy nếp nhăn tuổi tác. Đám nhân viên dưới quyền Anh, thi thoảng tới thăm gia đình "sếp" đồng loạt xin xưng hô chị em với chị, dù có người tuổi trẻ gần bằng nửa tuổi chị đáng ra phải xưng hô "cô, cháu". Họ lý sự: "Gọi sếp bằng Anh rồi thì bác gái cứ cho bọn em xưng hô thoải mái. Thưa gửi chị khác đi, khéo chị lại "phê bình" đàn em tội lắm." Thoáng một chút so sánh trong đầu, Anh chợt thấy vợ mình tuy kém tuổi Tuyết, nhưng nếu đứng cạnh nhau khó biết ai lớn tuổi hơn ai.
       - Anh còn được nghỉ cả ngày nay, chuyến đi có hơi mệt nhưng được việc. Em chợ búa sáng nay cho sớm đi, về rồi vợ chồng mình qua thăm con cháu Thảo. Cơm tối xong qua nhà con Hoa thăm vợ chồng con cái nó để Ông cho cháu ít quà. Xa nhà hơn chục ngày mà thấy nhớ chúng nó quá.
       - Vâng! Anh tranh thủ tắm táp chút đi rồi nghỉ ngơi cho lại người. Trưa nay, mình làm bữa riêu cá Anh nhé. Ăn cho mát ruột. Chắc cả chục ngày nay, ăn uống khác miệng Anh háo ruột lắm phải không?  
       Vợ chồng họ vừa cùng lũ trẻ kỷ niệm hơn 20 năm ngày cưới cách nay vài tháng. Mới đó mà sắp một phần tư thế kỷ trôi qua, vắt qua nhiều năm tháng khó khăn sau chiến tranh. Thời đó, Anh vừa trải qua những tháng năm nặng nề của mối tình đầu bất thành. Như người mới ốm nặng trở dậy, Anh dụt dè tìm lại cảm hứng yêu đương xưa mà không sao giữ được lửa tình. Các quan hệ khi thì hời hợt, khi thì nóng trước nguội sau cứ bảng lảng trôi đi. Cây đàn ghi ta đứt dây cô quạnh trên móc đinh treo tường không còn hấp dẫn Anh như trước. Anh lẳng lặng đi về sau mỗi ngày làm việc nhàm chán. Từ Phủ Lý, Anh thường đi về Từ Sơn với đại gia đình và bỏ qua phố phường Hà Nội như cố tránh những dấu vết yêu xưa hễ nhớ đến là lòng lại quặn thắt lại. Anh như người cố quên đi dĩ vãng yêu thương, tìm mọi cách cắt bỏ những kỷ niệm, hoài nhớ tình đầu. Những tháng ngày khó khăn vật chất, đơn điệu quan hệ cứ thế qua đi cho đến nửa cuối những năm tám mươi, từ công việc cộng với sự phân công của tổ chức Anh theo học khóa đào tạo sau đại học đầu tiên thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin. Hơn hai năm dồn hết tâm lực cho đề tài luận văn tự chọn, Anh bảo vệ thành công luận án Thạc sĩ rồi được khuyến khích làm tiếp để nhận tiếp học vị Tiến sĩ trong nước. Công việc nghiên cứu và các mối quan hệ nghề nghiệp dẫn đường cho Anh chuyển về Viện công nghệ thông tin với hành trang thuần túy chuyên môn mà không bị ràng buộc gì vì gánh nặng gia đình. Hà Nội trở thành bến đậu khá dễ dàng cho Anh giữa những thắt chặt cơ học đối với người muốn nhập khẩu về Hà Nội. Không khí làm việc, những cảm xúc với Hà Nội xưa bởi những ngày học hành, bè bạn và thấm đẫm những kỷ niệm yêu thương dần trở lại như tiếp sức, làm tươi mới tình cảm riêng tư. Anh nhận thấy mình lại tìm thấy nỗi háo hức cống hiến, niềm mong muốn xây dựng những quan hệ mới. Tưởng không khó khăn gì, ấy vậy mà việc lấy lại trạng thái yêu đương háo hức ngày nào cũng mãi mới nhen lại được một cách yếu ớt. Anh không thể tự mình chủ động xây dựng quan hệ tình cảm bởi môi trường, con người, điều kiện sống đã khác xưa rất nhiều. Những tính toán vật chất, những đòi hỏi khắt khe của quan hệ xã hội ngày nay dường như đối lập với những quan niệm yêu đương thuần túy nhân tình ngày nào của những năm kháng chiến trước đây. Hà Nội ngày càng xa gốc, chật chội xô bồ người tứ phương chen chúc nhau tìm chỗ đứng, chỗ mưu sinh nơi "đất thánh" thủ đô làm cho mọi thứ quan hệ trở nên phức tạp, rối rắm. Người trẻ chỉ lệch nhau dăm ba tuổi đã khó giao hòa, người ngoài ba mươi tuổi như Anh cứ như người "nửa già, nửa héo" trong câu chuyện ghép đôi. Người phụ nữ nay làm bạn với Anh là kết quả của một lời hứa "mối manh" hết sức tình cờ. Cô không phải là người được sinh ra ở Hà Nội. Quê gốc của cô cách xa thành phố này tới hơn tám chục cây số, giáp với vùng bãi bồi ven biển Thủy Nguyên, Hải Phòng. Từ vùng đất lầy thụt nước lợ cô lên Hà Nội ăn học rồi may mắn được giữ lại làm giáo viên giảng dạy của một trường Cao đẳng sư phạm. Nghề sư phạm với thói quen mô phạm khép kín neo chặt các mối quan hệ nghề nghiệp, xã hội. Hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi mà cô vẫn chỉ có được đôi ba quan hệ dở dang với người khác giới. Không tài sắc nổi trội, không nhanh nhẹn hoạt ngôn, cô chỉ dễ mến bởi bản chất hiền hậu, ngoan lành. Một người bạn chung dắt mối cô đến với Anh. Họ dè dặt làm quen với nhau, tự nhận thấy cùng chung tính cách, sở thích không đòi hỏi cao xa và cũng đợi…"dây neo, dây xích" nên đến với nhau cũng đơn giản đến không ngờ. Chỉ sau hơn bốn tháng biết nhau, họ thuận tình xây dựng gia đình. Hai bên gia đình thấy họ đáp ứng được tình cảm của nhau nên nhiệt thành vun vén. Thế là họ nên vợ nên chồng, không khó khăn gì. Đám cưới giản dị, hai cơ quan cùng chung tay giúp dập, họ được phân một căn hộ tập thể khiêm tốn theo đúng chế độ chính sách. Hơn chục năm đầu, lần lượt hai đứa trẻ con ra đời, gian nhà cấp bốn chật chội giữa một khu tập thể nội đô được hóa giá. Từ chỗ ở nhà thuê, họ may mắn trở thành chủ sở hữu. Hàng chuỗi năm tháng vật vã mưu sinh, Anh vừa làm trong vừa "cày thuê" bên ngoài cố kiếm đủ cơm áo gạo tiền chắt chiu cho cái gia đình bé nhỏ yếu ớt giữa thành phố nổi tiếng sinh hoạt đắt đỏ. Cuối thế kỷ hai mươi, khu tập thể nơi họ ở chuyển mục đích sử dụng trở thành trung tâm thương mại. Thực hiện chủ trương đền bù giải tỏa, họ được sở hữu căn hộ này tại một chung cư cao tầng. Căn hộ hơn năm mươi mét vuông trên tầng năm với hai phòng ngủ khép kín, một phòng sinh hoạt chung kèm không gian bếp rộng rãi đem lại cho họ cuộc sống tạm ổn, công việc chắc chắn nơi ở tiện nghi. Hai cô con gái ăn học suôn sẻ từ phổ thông đến đại học, ngoài hai mươi tuổi có nghề nghiệp phù hợp sớm làm dâu hai gia đình cán bộ công chức về hưu sống cùng thành phố và tách khỏi gia đình. Nay chỉ còn họ với nhau, tóc tiêu muối sống vui cảnh "vợ chồng son" bên nhau. Chị nghỉ rồi, vài năm nữa đến lượt Anh nghỉ chế độ là họ có thể tự hài lòng, mỹ mãn về cuộc sống, gia đình, sự nghiệp.
       - Nhất trí! Anh tán thành. Anh đi tắm táp đây, rồi ngủ bù một giấc. Hai đêm trên tàu Anh chẳng ngủ được mấy. Em cứ chợ búa, khi nào xong bữa gọi Anh nhé.
       Chị vâng dạ, quầy quả xách làn ra khỏi nhà. Anh bước vào phòng tắm. Dưới làn nước nóng ấm, cơ thể xuôi giãn sau chuyến đi dài mệt mỏi, cặp mắt díp vào đòi ngủ. Trở lại không khí gia đình đầm ấm, Anh chợt se lòng khi nghĩ đến Tuyết ở nơi xa cả ngàn cây số trong căn hộ sống một mình, vò võ.

*
*    *
       ….
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: