(Tiếp
theo)
…….
- Con chào Bà! Con chào Bà! Con Út mập
của Bà đây! Con Bớp đây Bà nè!
Lũ trẻ nhao nhao, tíu tít. Đứa chạy lại
ôm cổ, đứa ghé miệng thơm dây cả nước miếng lên mặt. Chị giang tay ôm tất cả lũ
nhóc vào lòng, tay móc quà phân phát cho từng đứa.
- Con chào dì ạ. Mấy đứa từ từ để Bà yên
chỗ đã nào, chưa chi đã xúm xít bám quanh bà vậy thì Bà mệt còn chi. Hôm nay dì
qua sớm, không đi chơi đâu sao? Má con trên lầu. Mấy bữa nay bả kêu đau đầu, nhức
mỏi tay chân suốt. Bỏ tập dưỡng sinh với mấy bà hàng xóm cả mấy hôm rồi. Dì lên
lầu trên chơi với má con. Nào! Mấy đứa, dang ra cho Bà lên lầu chơi với ngoại
nào!
Rời đám con nít, Chị nhẹ bước lên lầu.
Trên chiếc giường đôi rộng rãi, chị Hai nằm đó, miệng nở nụ cười buồn.
- Dì qua chơi đấy à. Bữa nay chị đỡ chút
chút rồi. Huyết áp tụt thấp suốt, không lên đủ mức khiến đầu nặng như đá đeo
mấy hôm liền.
- Chị phải chịu khó dùng thuốc, chứ đừng
bữa uống bữa bỏ. Chứng thiếu máu não hại sức lắm đấy. Mà phải chịu khó ăn uống
chứ. Em nghe bọn nhỏ kêu má chẳng chịu ăn uống gì. Lấy sức đâu mà thuốc thang.
Mà Anh đâu chị?
- Ổng qua mấy ông bạn cựu chiến binh cùng
sư đoàn. Mấy hôm vợ ốm quanh quẩn bên chị chắc tù túng, cuồng chân mỏi cẳng sao
mà sáng nay thấy vợ đỡ đỡ, bạn gọi là đi liền. Đàn ông bạn bè, đàn đúm quen
rồi, ngồi một mình lâu chịu đâu có nổi.
- Dì này, độ rày đi làm có vất không.
"Chót bốn, đầu năm" rồi liệu mà giữ lấy sức khỏe, kẻo ít tuổi nữa như
chị là khổ. Chị còn có các con, các cháu…
- Chị đừng có lo. Em còn khỏe chán mà.
Chị nuôi con, nuôi cháu vất vả mới mệt nhọc. Chứ Em có phải lo lắng gì đâu mà mất
sức, hao mòn. Em lại cứ lo cho Chị. Nhà có mấy anh chị em, mối đứa mỗi nơi. Chỉ
có chị em mình gần nhau thế này, chị lại còn phải lo cho em nữa?
Gia đình họ vốn xuất thân từ một miền quê
nghèo miền trung Nghệ - Tĩnh. Ông thân sinh, một nhà giáo hiền lành gặp bạo
bệnh mất cuối những năm sáu mươi bom đạn giặc giã. Mấy anh chị em sống bên
người mẹ đơn côi đến lúc trưởng thành. Học hành hết phổ thông, người đi bộ đội,
người đi trung cấp lần lượt rời quê hương để mẹ già và cô út ở lại quê nhà. Chị
theo chị cả ra Hà Nội. Hai vợ chồng bà chị đều là sĩ quan quân đội. Anh rể công
tác ở Bộ tư lệnh tăng thiết giáp, chị ruột là y sĩ sư đoàn. Với quan hệ và điều
kiện của mình, họ lo cho cô em gái tuổi vừa mười bảy theo học ở một trường quân
y, cách doanh trại gần chục cây số. Học xong trường y, cô em được một bệnh viện
dân sự nhận vào làm việc. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào
giai đoạn quyết liệt, Chị lại chuyển sang làm nhân viên quốc phòng cho chính
bệnh viện quân y nơi chị gái đang công tác. Cuối những năm bảy mươi, từ cơ số
một đơn vị bộ đội Việt Nam sang giúp nước bạn Lào kháng chiến chống Mỹ, Chị
theo gia đình người chị gái tiếp tục theo một quân đoàn quân tình nguyện sang
Cam pu chia. Cô được phiên chế vào một trạm y tế của quân đoàn bộ. Khi quân
tình nguyện Việt Nam rút về nước, gia đình họ định cư ở Sài Gòn. Hai vợ chồng
người chị còn phục vụ quân đội đến hết những năm 80 rồi nghỉ hưu. Riêng Chị,
ngay sau khi đơn vị phiên chế lại trong cơ cấu quân khu 7, chị xin chuyển ngành
ra cơ quan dân sự. Được nhà trường bố trí chỗ ở trong khu nhà tập thể cơ quan,
Chị tách khỏi gia đình người chị gái để đi làm cho tiện đường. Thấm thoắt, Chị
ra "ở riêng" cũng cả chục năm rồi. Trong suốt những năm theo gia đình
người chị sinh sống ở Hà Nội rồi sang Phnom Pênh phục vụ quân đội. Chị cả và
ông anh rể từng mai mối cho không biết bao nhiêu người, phần lớn là sĩ quan
quân đội mà Chị chẳng chịu kết đôi với ai cả. Ai chị cũng không quan hệ lâu.
Cho đến khi mắc phải chứng bệnh u xơ dạ con, rồi phẫu thuật cắt bỏ, Chị không
còn muốn quan hệ với người đàn ông nào nữa. Chị không muốn thành gánh nặng cho
họ, khi mà khả năng sinh nở không còn. Có người, như ông hiệu trưởng trường cao
đẳng chị đang công tác, bất chấp việc Chị không còn khả năng sinh nở, muốn kết
bạn cho có đôi, chị cũng không mặn mà gì. Có vẻ, chị đã "miễn nhiễm"
với quan hệ chồng vợ thông thường. Chị nguyện ở vậy một mình. Gia đình, anh chị
cả đã từng vận động, khuyên nhủ nhiều năm mà không lay chuyển được ý định đóng
chắc cánh cửa tình cảm của Chị. Thương em, biết em rồi về già sẽ khổ mà nói mãi
không chuyển, bà chị đành ngậm ngùi theo dõi, chăm nom Em gái. Gia đình bà từ
lâu đã là nơi đi về của đứa em gái. Bọn trẻ trong nhà, rồi đến cả con cái chúng
đã coi dì Tuyết là hình ảnh không thể thiếu bên cạnh bố mẹ, ông bà. Cứ thư rỗi
lúc nào là dì Tuyết lại "đóng quân" bên nhà bà ngoại. Tuần lễ dễ đến
bốn năm ngày dì Tuyết sang ăn ngủ bên này. Trên lầu, dì Tuyết được dành hẳn một
phòng sinh hoạt riêng. Đã vài năm nay, hàng tuần chỉ một hai ngày, nhiều lắm ba
ngày là cùng dì Tuyết mới ở "trông nhà" bên trường. "Để mọi thứ
khỏi mốc mác", Chị vẫn nói vui với Anh chị và các cháu như vậy. Lối sống
và sinh hoạt của Chị quen thuộc đến nỗi, cán bộ nhân viên bên trường thuộc số
điện thoại nhà chị Hai còn hơn cả số điện thoại bàn nhà Chị. Gia đình anh chị
cũng quen với việc này lâu rồi, chẳng lẽ để Chị thui thủi một mình suốt bên tập
thể cơ quan sao?
- Má! Má đỡ chưa má! Con chào dì. Con
biết ngay là dì chỉ sang bên này thôi. Gọi điện thoại đến nóng cả máy mà không
thấy ai trả lời. Má à, má nằm nghỉ chút nha. Con giành dì "buôn chuyện"
một lúc đây.
- Cái con Tư này, mày cứ trông thấy dì là
bu lấy. Được rồi, hai dì cháu lên lầu trên mà "con chấy con chí" với
nhau. Liệu giờ giấc xuống dùng cơm đấy. Hôm nay Ba mày đi vắng, nhà chỉ rặt đàn
bà, con nít. Bảo con Hai làm bữa bánh xèo ăn cho mát ruột, khỏi nấu cơm nữa.
Lấy thêm mấy ổ bánh mì ăn kèm. Lũ trẻ cũng lâu không biết mùi bánh xèo rồi. Hôm
nay cho bọn bay ăn thả giàn. Gọi điện nói thằng Tư đưa bọn trẻ sang ngoại ăn
cơm luôn, mày đừng về bên đó nữa.
Mừng hú, con Tư bá vai dì đẩy lên lầu
trên. Thoắt cái đã thấy hai dì cháu rúc rích trên chiếu nghỉ tầng trên rồi.
- Con phải cho dì Ba xem cái này. Biết
rồi là phải thưởng thật to cho con đấy nghe.
Mồm nói liên tu như bắp rang, tay nó sục
vô túi móc ra cuốn sổ công tác. Chị trông thấy từ bàn tay nó một bức hình to
bằng cuốn sổ chụp toàn cảnh một cuộc hội thảo gì đó. Chợt Chị sững người. Trong
tấm hình, người đang đứng trên bục thuyết trình là…Anh. Sợ trông nhầm, Chị vội
lấy từ ngăn kéo bàn trang điểm đầu giường ngủ chiếc kính tròng vội vào mắt.
Đúng là Anh thật. Vẫn đôi mắt đen, chiếc mũi cao và thẳng. Khóe môi vẫn nụ cười
quen thuộc, dù trông người trong khuôn hình đẫy hơn, với mái tóc sóng bồng bềnh
đã điểm bạc.
- Con Tư, bây kiếm được tấm hình này ở
đâu vậy.
- Con tham dự cuộc hội thảo này mà dì.
Hội thảo toàn quốc về ứng dụng công nghệ thông tin tổ chức ở Vũng Tàu đấy. Mới
cách nay vài hôm à. Chú không nhớ con, nhưng con vẫn nhớ khuôn mặt chú. Xưa hồi
ngoài Hà Nội, chú chẳng chơi tú với bọn con suốt sao. Con còn cẩn thận xin chú
tấm cạc đây này.
Nó chìa tấm cạc ra. Tấm cac - vi -
dit nhỏ in những dòng chữ tên Anh nổi
gai trên một thứ giấy sang trọng. Tiến sĩ Dương Đức Trung. Viện nghiên cứu công
nghệ thông tin quốc gia. Góc dưới bên phải ghi rõ địa chỉ đường phố, số nhà và
số máy điện thoại phòng làm việc, nhà riêng. Ra Anh đã chuyển về sinh sống ở Hà
Nội. Chị thần người. Quá bất ngờ. Giấu vội giọt nước mắt chực rơi xuống, chị
bước đến bên cửa sổ, trông xuống đường phố qua tấm kính cửa dày, kín mít. Dưới
kia, xe cộ lao nhanh trên phố, những chiếc xe máy đủ các đời diễu nhanh vượt
qua những chiếc xe đạp khiêm tốn nép sát bên lề đường. Người đi bộ lướt đi trên
hè phố vội vã. Cuộc sống nhanh đến chóng mặt của Sài Gòn những năm cuối thế kỷ
hai mươi khác quá nhanh so với những năm đầu Chị từ Phnom Pênh trở về. Nếu tính
từ lúc hai người chia tay nhau, hơn hai mươi năm đã trôi qua.
- Dì ơi, dì khóc đấy à.
- Đâu có, chỉ bất ngờ thôi. Dì không nghĩ
lại biết được tin ảnh qua bức hình này. Chắc chi ảnh còn nhớ đến dì. Thế con
xuống Vũng Tàu họp mấy hôm? Có vui không?
- Vui lắm dì à. Hội thảo diễn ra ba ngày.
Sau đó còn dành thời gian để đại biểu đi nghỉ dưới bãi biển Long Hải, ăn đồ
biển tại khu an dưỡng thành phố ở đó. Con mấy lần định gặp riêng Chú để hỏi
chuyện thêm mà Chú đông bạn bè quá nên lại thôi. Con xin được chiếc cạc này
ngay khi Chú vừa từ bục thuyết trình bước xuống đấy. Dì giữ lấy chiếc cạc và
tấm hình nghe. Con biếu không dì đấy!
Mồm nói, chân bước. Nó ý tứ xuống với má,
để Chị đứng đó một mình với tấm hình và chiếc cạc trong tay.
Đêm xuống, khi chỉ còn một mình trong căn
phòng ngủ dành riêng trên lầu, Chị lấy tấm hình ra ngắm lại. Ký ức từ thuở nào
tràn về. Không ghìm được, nước mắt Chị lăn xuống mặt gối.
……..
(Còn tiếp)
2 nhận xét:
ANH KÊ LUÔN ĐI NHÉ ! EM MONG...
Đến phần II này cháu thấy hay quá Bác à, cháu tiếp tục đọc luôn đây, hồi hộp quá Bác ơi!
Đăng nhận xét