NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 15.

(Tiếp theo kỳ trước)
       ……….
       Chiếc xe cấp cứu hú còi ưu tiên chạy giữa dòng người xe đan chen. Chị ngồi lặng bên chiếc cáng thương, tay giữ nhẹ cườm tay người đàn ông đang thiêm thiếp.
       - Liệu có kịp đưa ảnh đến bệnh viện không chị?
       - Kịp em à. Với trang thiết bị trên xe, không có gì đáng phải lo lắng cả. Vấn đề là ở khả năng đề kháng của anh ấy. Lẽ ra, ngay đầu sáng anh ấy phải báo cho chị biết về cơn choáng nhẹ hồi đêm. Khi thấy chuông báo, chị chạy lên thì anh ấy đã hôn mê rồi. Chỉ đủ thời gian sơ cứu rồi gọi xe. Cho đến lúc này, tim mạch vẫn không có biểu hiện xấu. Đến rồi, bệnh viện kia rồi. Kịp cấp cứu rồi em ơi!



       Chiếc cửa kéo chạy điện ngoài cổng bệnh viện 115 rộng mở, chiếc xe màu trắng sữa lao vào. Bác sỹ, y tá từ phòng cấp cứu chạy ra, chiếc cáng thương nhanh chóng được nhấc khỏi xe rồi được đẩy vào dọc theo hành lang. Bước qua cửa phòng cấp cứu, chị khẩn trương bàn giao hồ sơ bệnh nhân cho kíp trực. Với chức năng phụ trách phòng y tế cơ quan, Chị cần phải trao đổi với đơn vị tiếp nhận bệnh nhân khá nhiều chuyện. Nào tiền sử bệnh án, nào các chỉ số sinh hóa máu lưu sổ các lần kiểm tra thăm khám định kỳ của bênh nhân…Rời khoa cấp cứu bệnh viện, chị cùng cô nhân viên phòng giáo vụ gọi xe về cơ quan. Bước vào phòng làm việc của mình, chị mỏi mệt ngả người trên chiếc ghế xoay mềm, để luồng không khí mát dịu từ chiếc điều hòa tỏa xuống ve vuốt khuôn mặt. Nếu không có thiết bị báo động do Chị yêu cầu một cơ sở điện tử tư nhân thiết đặt nối thẳng từ phòng Hiệu trưởng xuống phòng y tế của Chị thì tính mạng ông hiệu trưởng hôm nay lâm nguy rồi. Mới chiều hôm qua, trong câu chuyện với chị ông còn khoe mấy bữa nay ăn ngủ thấy khá ổn.
       - Tôi chỉ còn ngót chục tháng công tác nữa là nghỉ chế độ thôi. Sắp cất được cái gánh trách nhiệm nặng nề trên vai xuống rồi. Quanh đi quẩn lại, thế mà tôi cũng ký hợp đồng với cô Tuyết ba nhịp ba năm rồi đấy nhỉ.
       - Dạ. Đã tám năm bốn tháng rồi anh à. Cũng đang tính cuối năm nay xin Anh cho nghỉ đây. Năm mươi bảy tuổi rồi, bắt đầu thấy ngài ngại mỗi sáng dậy đi làm rồi.
       - Sao, cô tính nghỉ ngay năm nay sao?! Tôi nghỉ đã có anh chị em khác ký với cô, đi làm cho có việc không hơn là quanh quẩn ở nhà một mình sao? Tôi biết có bà bác sĩ bên Từ Dũ ngoài sáu mươi rồi mà vẫn tham gia công việc thăm khám và điều trị bệnh nhân đấy. Kinh nghiệm và thâm niên nghề y là một thứ đặc sản mà các bệnh viện lớn luôn cạnh tranh nhau để khai thác mà.
       - Biết vậy chứ Anh. Nhưng mỗi ngày qua đi, đã bắt đầu thấy xuất hiện tâm lý mệt mỏi, chai ỳ rồi anh à.
       - Mới vài năm nay, tôi thấy cô có vẻ trẻ ra nhiều. Nghe chừng tâm tính cũng vui vẻ lên, hoạt bát lên. Có gì mà già với chậm nào. Chị em bên giáo vụ đang đồn cô có người thương đấy. Có duyên có thành là nhớ mời tôi điếu thuốc đấy nhé.
       - Anh lại nghe đám trẻ kháo chuyện tầm phào rồi. Từng này tuổi trên đầu, còn yêu đương mơ mộng gì nữa.
       - Cô lại muốn giấu cả tôi nữa. Đến cái dáng đi trông cũng có duyên ra còn gì. Lại còn hay "cười tươi", quần áo thay mốt luôn nữa. Thế chẳng lẽ mấy cô cậu ấy lại dám giỡn cả tôi sao.
       - Ôi chao, nghe Anh nói mà giật mình. Em có thấy gì đâu?
       - Thôi! Cho tôi xin. Dù gì cũng cứ xin chúc mừng cô. Được vui cho cô cũng là trách nhiệm của tôi đấy.
       - Em cám ơn Anh. Anh nghĩ vậy cho Em đã thấy vui rồi. Còn Anh nữa, đừng sống mãi một mình vậy làm gì. Chuyện tim mạch của Anh cần phải sớm có người chăm sóc bên cạnh. Đừng để bệnh tật nó gây sự với mình. Chống lại đôi lần thì được chứ chống miết cũng không tốt đâu đấy. Cho Em nhắc Anh thế này nha: Anh không được quên "bấm nút" cho em khi thấy quá mệt nghe Anh! Trong phòng thì bấm nút báo động gắn cạnh bàn làm việc, ngoài giờ thì bấm chữ T trên di động cho Em.
       Ấy thế mà, giữa buổi sáng nay ông ấy gắng "bấm nút" trên máy điện thoại di động cho chị thật. Người đàn ông cô đơn ấy tội nghiệp lắm. Biết Chị không trả lời tình cảm một phía của mình mà cứ cắn răng chịu đựng. Chả chịu nghĩ khác, làm khác. Bao nhiêu người dắt mối cho mà cứ lắc hoài. Cứ một mực đợi chị đáp trả. Chị không nỡ nói thẳng  với ông, chỉ dám nói gần nói xa. Vậy mà… Nhấc chiếc di động nơi góc bàn, chị bấm số. Phải gọi cho hai đứa con gái của ông để chúng vào chăm sóc bố. Giờ này, chắc bệnh viện đã cho phép người thân vào thăm bệnh nhân rồi.
       Hết giờ làm việc buổi chiều, Chị chậm rãi đạp xe về nhà. Hôm nay, Chị muốn nghỉ ngơi tại căn nhà của mình sau một ngày vất vả với ca cấp cứu của ông hiệu trưởng. Tin từ bệnh viện báo về: Kết quả điều trị tích cực đã đưa ông ra khỏi tình trạng nguy cấp. Mới chỉ có một cơn choáng lướt nhẹ qua cuộc sống bình thường của ông và chưa chạm đến mạng sống quý giá. Chưa một tổn thương nào để lại vết dấu nguy hại đến cơ thể người đàn ông xấp xỉ sáu mươi tuổi ấy. Chỉ cần chậm mươi phút nữa, không biết giờ này tình hình sẽ xấu đến mức nào. Trong tâm can, Chị thật sự mong cho mọi điều an lành đến với ông, người đàn ông có lối sống và cách ứng xử với đồng nghiệp, người dưới quyền rất đáng tôn trọng ấy. Dưới sự lãnh đạo của ông, không chỉ có chị mà tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường đã được ông đối xử rất tốt. Ông qua khỏi, ai cũng mừng thật lòng.
       Ngôi nhà với những đồ đạc quen thuộc đón chị cùng với luồng ánh sáng tươi mới tràn vào. Chị đưa mắt nhìn quanh. Hơn một tuần qua, sau mấy ngày theo dõi bảo đảm y tế cho một lớp học sinh năm thứ ba kiến tập tại một cơ sở ngoại thành, Chị ăn nghỉ bên chị Hai suốt. Ngày ngày đến cơ sở làm việc, hết buổi lại quanh quẩn bên người chị gái với lũ cháu ngoại. Không khí gia đình cởi mở giúp Chị lấy lại sự cân bằng trong công việc. Bữa nay, Chị mới về lại căn nhà của mình. Căn nhà này được xây sau gần hai năm xây dựng. Nơi ở cũ dưới quận Một đã được giải tỏa để thực hiện dự án văn phòng cao cấp cho thuê của một công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với các hộ gia đình công nhân viên chức ở đó, Chị được thành phố bố trí tái định cư về đây, trong một khu vực thuộc quận Mười. Khu đất này vốn trước là một hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Sau khi cơ sở sản xuất di chuyển ra ngoại thành, khu đất được thành phố cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng làm nơi tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất ở phục vụ cho các công trình dân sinh. So với nơi ở trước đây, địa điểm này gần cơ quan làm việc hơn, và thật may mắn từ đây sang nhà chị Hai chỉ phải qua hai con phố nhỏ. Đi bộ chỉ hai chục phút là tới nơi. Điều này làm gia đình và các cháu bên nhà chị Hai rất hài lòng. Họ ở gần nhau hơn có nghĩa là Chị sẽ được chăm sóc thường xuyên hơn. Từ khi ngôi nhà xây xong, mấy đứa cháu con chị Hai qua lại suốt. Chúng bày đủ trò để có cớ "trụ bám" bên dì ba mỗi khi có dịp. Khi thì mở tiệc "ăn tươi", khi lại rủ dì "cắm trại" bên chùa Ấn Quang gần đó tìm chút yên ả giữa ồn ào phố xá….Ngôi nhà không mấy rộng rãi, chỉ ngót sáu chục thước vuông, xây một trệt hai lầu. Vợ chồng chị Hai san sẻ giúp thêm ít tiền bạc để "đã xây nhà riêng thì phải cao ráo, tiện nghi". Nằm trong một con ngõ cắt qua hai đường phố, đường hẻm đủ rộng để hai chiếc xe bốn chỗ tránh nhau. Mặt tiền nhà dư bốn thước cách biệt mặt hẻm bằng một mảnh sân nhỏ có tường bao rào sắt, cổng kéo. Ngôi nhà sơn màu ghi nhạt hướng về phía đông bắc sáng sủa. Mỗi tầng đều có một hàng hiên nhỏ nhô ra lúp súp bồn cây cảnh xanh dịu. Cửa lớn, cửa sổ chớp lật khung nhựa cứng EuroWindow sạch sẽ, kín đáo mà sang trọng. Trong ngày, dù con hẻm không ồn ào xe cộ, động cơ nhưng đã vào trong nhà thì không gian rất yên tĩnh. Tầng trệt hơn bốn mươi mét vuông gồm phòng khách cách biệt với phòng ăn và bếp qua đường lượn cầu thang lên lầu trên. Bệ bếp, tủ bếp ốp gỗ, đá gọn ghẽ với quạt hút khói tiện dụng. Chiếc tủ lạnh 170 lit đặt sát vách tủ bếp tuy có vẻ quá lớn so với nhu cầu ăn ở của người đàn bà độc thân nhưng lại tạo nên sự gần gũi, ổn định. Phòng khách bày chiếc bàn nước mặt kính dày phản chiếu chùm đèn trần phía trên khá ổn với bộ ghế gỗ kiểu dáng hiện đại hợp mốt. Màn hình tivi lớn treo một bên tường, phía đối diện là tủ tường kính trong suốt lấp lánh xếp những bộ ly, tách chén và vài bình rượu ngoại có vẻ để trang trí nhiều hơn là sử dụng. Trụ lan can cầu thang ốp đá vân nâu đỏ đội chậu cây giả đá màu ghi xám trồng gốc vạn niên thanh xanh mướt. Hai tầng lầu phía trên, phía ngoài là phòng sinh hoạt tiện nghi,  phía trong là phòng ngủ của chủ nhân hoặc dành cho khách đến chơi nhà. Hai kết cấu phân cách bởi cầu thang, toilet và chiếu nghỉ lên tầng trông gọn gàng mà kín đáo. So với cuộc sống đơn thân của Chị, không gian ở có vẻ thừa thãi nhưng vẫn tạo cảm giác ấm cúng gia đình. Không thấy sự thiếu vắng hoặc tạm bợ ở bất cứ không gian nào. Người thiết kế đã tạo nên sự tiềm ẩn sum họp trong mỗi chi tiết nội thất. Và thật sự tạo nên không khí ấm áp cho chủ nhà mỗi khi buông mình vào không gian quen thuộc. Đưa mắt ngắm nhìn mọi ngóc ngách trong nhà, Chị thầm cảm ơn sự chu đáo của ông anh rể. Chính ông đã tìm kiếm mẫu mã, đưa ra ý tưởng thiết kế với một kiến trúc sư trẻ tuổi, con trai một vị tướng về hưu cùng quân đoàn được chọn làm người vẽ thiết kế ngôi nhà cho cô em vợ. Ông nói vui "Xây nhà cho dì thế này để khi muốn, sang ở vài bữa tránh cơn bão nhà!" Nói vui vậy, chứ mấy khi ông sang một mình. Cứ là cả một "thê đội" ông bà, con cháu lớn bé. Tiền hô hậu ủng ồn ào "Quậy đã rồi mới rút!". Những dịp như vậy, ngôi nhà của Chị như có hội.
       …..
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: