NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

SẸO NHỤC (TRUYỆN VỪA) - BÌNH DƯƠNG

(Kỳ 21)
(Tiếp theo kỳ trước)
       .......
       - Hồi mới nhập học, bọn tớ chỉ được ở Trâu Quỳ có "nhõn" ba tuần. Quê tớ ở Thạch Thất, Hà Tây. Cách trường có vài chục cây số mà chưa kịp đáo về thăm bố mẹ lần nào thì đã bị "bốc" đi. Trường có cơ sở sơ tán ở tận mãi trên Cao Bằng, mật danh là khu "Chiến thắng".


      Sinh viên năm thứ nhất phải lên đó học. Năm thứ hai, thứ ba chuyển về Hành Lạc, Tiền Tiến, Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên. Năm thứ tư học nốt khoa học chuyên ngành, thực tập cuối khóa và chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp tại trường rồi thi tốt nghiệp. Toàn bộ thời gian đào tạo cỡ hơn bốn năm. Cơ sở Cao Bằng cách Hà Nội gần bốn trăm cây số, giáp biên giới với Trung Quốc. Hết đường về nhà. Ô tô chở bọn tớ phải mất ba ngày, ngày đi đêm nghỉ nhờ nhà dân mới tới nơi. Vượt qua cả thị xã Cao Bằng. Khi đó là tháng mười năm sáu mươi bảy, trời đầu đông se lạnh. Tớ nhớ nhất tiếng rít xé của máy bay và tiếng bom oanh tạc cuối cùng của không quân Mỹ được nghe thấy là bữa xe vừa đổ dốc chực xuống cầu Bằng Giang. Ba chiếc "Ep Bốn" ở đâu không biết ào tới quất xuống cầu một chùm bom. Không biết đám giặc lái Mỹ định đánh mấy chiếc xe chở sinh viên bọn mình hay đánh cầu. Nhưng chắc là bọn nó đánh cầu Bằng Giang. Lí do là có một nhịp giữa của cây cầu văng xuống sông ngay trước mắt bọn tớ, lúc đang "mắt lợn mắt quạ" nháo nhào tóa xuống hào giao thông ven đường. May mà đoàn xe ba chiếc chở bọn mình không bị dính bom. Nằm bên cầu gần nửa ngày lại loay hoay quay ra, tìm đường qua ngầm vượt sông do công binh làm dự phòng khi cầu bị oanh tạc. Đêm gần sáng bọn mình mới tới nơi. Bản Nà Pheo, xã Quảng Hòa là nơi khoa Cây lương thực bọn tớ đóng quân, cách thị trấn Quảng Uyên mười cây số. Nhà lá, vách nứa như ở quê, giường sạp tre hai dãy. Lớp học lưng chừng dốc núi. Sáng lên lớp, chiều tối cũng lên lớp tự học, tự nghiên cứu. Năm thứ nhất bọn tớ học khoa học cơ bản. Rồi nào học chính trị, sinh hoạt đoàn thanh niên, học tập quân sự. Chủ nhật nghỉ học thì đi lên rừng chặt củi cho nhà bếp. Mỗi định suất một khối. Ngày thường, bất kể mưa nắng các lớp luân phiên cắt cử người đi chăn bò. Khoa bọn tớ nuôi gần bảy chục con, mỗi ngày đến tổ nào, tổ đó phân công bốn đứa, cả trai lẫn gái dắt bò lên núi. Không có thời gian mà nhớ nhà nữa. Mùa đông rét tái người. Có thằng chịu rét không nổi, lên giảng đường với cả một chiếc màn một quấn quanh người mà tay cầm bút viết lạnh cóng lóng ngóng tới mức không chép nổi bài giảng. Có bữa, tớ nhớ là sau Tết, đang tháng học quân sự, tớ phải một đêm trực nấu ngô bung ăn sáng cho lớp. Thằng Hiệp quê Đức Thọ, Hà Tĩnh sai mình ra giếng lấy nước đổ thêm vào chảo nấu giữa đêm. Ngoài trời giá rét buốt người. Vừa từ bếp nhà ăn bước ra sân, tới giếng buông gàu xuống nghe đánh xoảng một tiếng. Mình chạy vào hét toáng lên: "Giếng cạn hết sạch nước rồi!". Thằng Hiệp cầm đèn bão ra theo, lúc vào mắng mình một chập vì cái tội "ngu lâu": "Thằng thộn, sao mà hết nước được, giếng đóng một lớp băng trên mặt rồi". Hôm sau, cô giáo phụ trách phòng thí nghiệm hóa vô cơ cho bọn tớ biết, đêm hôm ấy, ngoài trời rét tới âm hai độ. Khiếp chưa!...
       Trưởng nhóm phát lệnh đi tiếp. Tới kho, nhận mỗi người bốn chục ký gạo, mọi người bắt đầu hành quân về trạm khách thì trời đã gần cuối chiều. Theo chỉ định của nhóm trưởng, cả bọn chia làm ba tốp, mỗi tốp hai người. Việc chia nhỏ nhóm ra để đưa gạo về trạm cốt để phân tán bớt đội hình, không vón lại trên đường, có thể dẫn tới chạm mặt thám báo địch. Thằng Đán và thằng Thao tách đội hình đi xuôi triền núi xuống bãi lác dưới thung. Hai nhóm còn lại, một đi tắt lên sườn núi phía Bắc, một cứ thế theo đường cũ đi thẳng. Họ hẹn nhau khoảng sáu giờ chiều sẽ tập kết ở bìa rừng nơi có lán chỉ huy binh trạm. Cái mệt, cái cảm giác đè nặng trên vai của bốn chục cân gạo cộng với súng ống, đạn dược và ba lô trên lưng khiến đôi chân nặng trịch như không buồn cất bước. Đi được gần tiếng đồng hồ, thằng Đán nói với lên phía trước "Nghỉ đã, Thao ơi!". Hai thằng tìm một gốc cây hạ gạo và mọi thứ trên lưng xuống. Hai khẩu K44 chụm mũi dựa vào thân cây. Quá mệt, miệng mũi thay nhau thở. Lại khát nữa. Nghỉ được gần nửa tiếng, thằng Thao bảo  thằng Đán: "Bi đông cậu hai thằng uống từ sáng đến giờ hết sạch rồi. Cậu và tớ uống cho nốt phần nước còn lại trong bi đông của tớ rồi hai thằng tìm đường xuống suối dưới kia lấy nước suối uống cho mát. Chỉ cần mang một chiếc ba lô của tớ xuống theo thôi, trong túi thuốc còn mấy viên lọc nước." Vũ khí bất ly thân, hai đứa đeo súng lên vai, bỏ chiếc ba lô của thằng Đán và hai bì gạo lại, tìm đường lần xuống khe suối phía dưới. Lần xuống chân núi, khi tới gần bờ suối phía dưới, thằng Thao quàng cả hai chiếc bi đông lên cổ, quăng chiếc ba lô lại phía thằng Đán: "Cậu cảnh giới, tớ xuống!". Vừa ôm gọn được cái ba lô đồng đội ném lại, thằng Đán chợt nảy tung người. Phía thằng Thao vừa lao xuống, một vầng sáng chói mắt bùng lên, kèm theo một tiếng "Ục" đục gọn. Phía trước thoáng thấy thằng Thao gục xuống. Sức ép của trái mìn lá hất thằng Đán văng về phía sau, tay còn đang ôm chặt chiếc ba lô. Thằng Đán chỉ kịp biết mặt mũi mình tối sầm, nó ngất lịm.
       ...Lạnh và ẩm ướt. Thằng Đán lờ mờ hé mắt. Chung quanh tối đen như mực. Không thấy đau đớn ở chỗ nào cả, chỉ thấy ngực nặng chịch. Đưa tay lên mặt, thằng Đán đụng vào một đám lầy nhầy, ướt nhớp. Không biết giờ giấc lúc này là mấy giờ nữa. Giơ tay lên giữa bóng đêm, nó hét lên không thành tiếng. Thịt và máu, dính bấy, tanh lợm. Nó tỉnh người, lập tức nhớ lại và hiểu ra mọi sự. Thằng Thao vấp phải mìn, một phần da thịt vỡ tung hắt lại phía sau, vương vào mặt nó. Nôn thốc, nôn tháo. Thằng Đán cứ nôn, cứ nôn mãi cho đến lúc cổ họng chỉ còn nhớt dãi khò khè. Nỗi sợ hãi bom đạn bất chợt ập đến. Nó bật dậy vùng chạy như kẻ mất hồn xuống phía dưới, vai còn vương quai chiếc ba lô. Từ trên bờ, nó lao đại người xuống lòng suối phía dưới chân đem theo cả nỗi sợ hãi trước cái chết mất xác của người đồng ngũ. Con suối đầy nước lồng lên, hút lấy nó và chiếc ba lô, cuốn phăng đi. Thằng Đán chỉ biết ôm chặt lấy chiếc ba lô vào bụng, cây súng và hai cơ số đạn rơi đâu không biết nữa. Nó buông trôi người theo dòng nước lũ gầm réo...
       Sáng ngày hôm sau, các đồng đội quay lại tìm hai chiến sĩ không biết vì lý do gì mà cả đêm không thấy về địa điểm tập kết. Họ chỉ tìm thấy một xác chết tơi tả, nát vụn trên đường xuống suối, cây súng K44 gãy nát báng, cơ bẩm vỡ vụn. Hai bì gạo phía trên dốc còn nguyên. Cố nhặt nhạnh cho hết thân xác vỡ nát của người đồng chí xấu số cho vào tấm tăng tìm thấy trong ba lô thằng Đán, mọi người chôn xác người chiến sĩ bất hạnh bên bìa rừng. Ghi dấu lại cẩn thận, tiểu đội tìm kiếm im lặng vây quanh, bỏ mũ chào vĩnh biệt người đồng đội. Cuộc chiến đấu chưa thực sự bắt đầu, họ đã vấp phải mất mát quá lớn. Hai chiến sĩ đi cùng nhau, không biết đích xác ai mất tích, ai hy sinh. Sau nhiều tháng sáp chiến sau đó, đơn vị họ lại bị tổn hao tiếp. Chỉ huy mặt trận quyết định phiên chế lại đơn vị. Cuộc chiến căng thẳng và máu lửa không đủ điều kiện để đơn vị xác minh thật hư, chỉ biết họ đã vĩnh viễn mất đi hai người đồng đội giữa ngút ngàn Trường Sơn.

*
*      *
....
(Mời xem tiếp kỳ sau)


Không có nhận xét nào: