(Tiếp theo kỳ trước)
.....
Dẹo
dọ lần theo những bậc thang xuống tầng dưới, thằng Tĩnh thấy mẹ nó ủ rũ ngồi
góc bàn ăn. Chưa cần thằng con mở mồm, mụ Đán đã lui cui hấp nóng nồi cơm, bát
canh chua cho nó. Thằng Tĩnh vục mặt xuống bát cơm, ăn lấy ăn để. Ngót nửa
tháng trời vạ vật, đây là bữa cơm ngon nhất đời của nó. Song cái ngon không át
nổi cái đói. Cơm trong miệng chưa kịp lùa xuống họng, nó đã gạt vội tay đũa
nhồi miếng khác. Mụ Đán nhìn thằng con ăn như lợn húc máng, ruột thắt lại. Khổ
cái thân nó. Không biết những ngày vừa qua nó ăn uống thế nào mà nom cái lối ăn
đến là thảm. Miệng khuyên con: "Ăn từ từ thôi con, kẻo nghẹn!", tay
chỉ chực đón chiếc bát sắp vơi cạn lòng để sới bát khác cho nó. Không khí căn
phòng ăn như bị đảo lên lộn xuống giữa những tiếng hít hà, chóp chép của thằng
Tĩnh. Chỉ mãi đến khi bát cơm thứ tư vơi đến già nửa, nó mới ăn chậm lại. Trông
đôi con mắt của thằng con dại đi vì nỗi sợ hãi và quá bữa, mụ Đán cũng thấy
ruột xót quắn lại, dù không ăn miếng cơm nào bữa chiều, vì cố chờ bố con nhà
nó. Song mụ lại không thấy muốn ăn uống gì sất cả. Không khí trong nhà từ lúc
nó về đã chẳng ra sao rồi, còn thiết ăn uống gì nữa. Bất chợt, buông bát cơm chỉ còn dính chút ít
dưới đáy, thằng Tĩnh gục xuống bàn mếu máo: "Con sợ lắm u ơi, phen này
khéo thày con đánh con chết mất". Nghe thế, mặt mụ Đán chợt xám đi, mắt
trợn ngước nhìn lên tầng trên lo lắng. Ừ nhỉ! khéo mà bố nó phen này thượng
cẳng chân, hạ cẳng tay với thằng bé mất thôi. Tuy không biết chuyện của con là
chuyện gì mà đổ giời đổ đất thế, từ đáy sâu trong lòng mụ như vẳng lên ý nghĩ:
"Ra chúng nó biết cả, những lần lão già chết tiệt hành xác mình."
Nhìn mẹ ngồi ủ rũ, thằng Tĩnh chợt thấy
lại trước mắt mình quãng thời gian đã qua như cuốn phim chạy ngược. Nó những
muốn trải lòng với mẹ mà cổ cứ nghẹn lại như đá chèn.
Vào quân ngũ được gần hai năm, thằng Tĩnh
đã ngấm đủ sự vất vả của người lính biên phòng. Nơi đóng quân của đơn vị nó là
một đồn biên phòng cách cầu treo Hà Tĩnh hai ngày đường. Không biết còn nơi nào
thâm sơn cùng cốc hơn không, chứ vị trí đồn giáp biên này vừa cheo leo lại vừa
khắc nghiệt. Rét thì cắt da cắt thịt, mùa nóng như nung người. Thời tiết bốn
mùa giễu qua đỉnh núi này đủ mọi thời khắc trong ngày. Đêm buốt lạnh trong
tiếng gió rít hú, sớm ra sương trắng phủ kín rừng, giơ bàn tay ra như cả vạn
mũi kim găm xuống. Đến gần trưa, cái nắng chợt bùng chói đốt nóng muốn cháy
thịt vỡ da, mùa gió Lào còn rát bỏng hơn cánh thợ rèn đứng bễ. Chiều xuống, mặt
trời còn đỏ lựng hoàng hôn mà hơi núi lạnh lẽo đã bốc lên. Đám lính biên phòng
cấm có anh chàng nào dám tắm suối vào giờ đó. Muốn tắm thì cứ giữa trưa mà tắm.
Chập tối, ánh đèn vàng đục từ trong nhà hắt ra sân đồn không đủ đẩy đuổi bóng
tối vây quanh. Hơn mười giờ đêm trực ban gõ kẻng báo tắt máy nổ, có công việc
họp hành đột xuất gì thì cứ việc đốt mấy chiếc đèn bão lên. Bữa nào giao lưu
quân dân, sân đồn sáng hẳn lên khi đống củi chất giữa vòng người bắt lửa. Song
những dịp như vậy chỉ vài ba tháng mới có một lần. Trai gái dưới bản lên vui
với lính biên phòng một phần vì chiếc ti vi LG 50 "inh" lúc nào cũng
có thể bắt đủ hai bốn tiếng trên hai bốn. Theo chuyến lên thăm đơn vị của Tư
lệnh bộ đội biên phòng hồi Tết, chiếc ti vi đã được "cõng" lên tận nơi
này với đủ máy nổ, chảo thu và loa đài. Sinh hoạt văn hóa của đơn vị nhờ vậy mà
bớt cách bức, buồn tẻ. Hết giờ chạy máy nổ, chiếc ti vi lại chạy bằng bình điện
ăc qui kèm theo. Vì thế, cánh lính biên phòng có cớ ngồi lâu được với đám con
gái dưới bản. Ngoài số ít người Kinh từ dưới xuôi lên làm ăn, các bản người
Mông, người Dao cư trú quanh đồn khá nhiều. Nói là sống gần đồn, chứ bản người
Mông gần nhất cũng cách đồn cả nửa ngày đường, còn người Dao thì ở xa hơn.
Người Mông sống trên các đỉnh núi cao và hiểm trở. Còn người Dao, sống nơi lưng
chừng núi, gần những thung lũng đá rơi và ngoằn ngèo ruộng bậc thang lớp lớp.
Những con suối róc rách chảy quanh năm. Đang hiền lành, nghịch ngợm như đứa trẻ
vậy mà lũ về là con suối như muốn lồng lên, bất kham. Rất nhanh chóng, dòng nước
hung hãn gầm rú, đục ngầu cuốn phăng mọi thứ trên đường đi. Thằng Tĩnh và đồng
đội hết lượt này tới lượt khác đã từng có bữa đi tuần biên kẹt lũ mãi mới về
được đồn. Dù đã chuẩn bị đủ lương khô mì gói, nếu không có bà con dân bản, chắc
cả đám cũng khốn đốn vì đói giữa rừng.
Thi thoảng, bữa không đến phiên tuần biên
thằng Tĩnh lại hào hởi theo chân đồng đội đi chợ vùng biên. Chợ họp tháng một
buổi. Gọi là buổi nhưng cũng diễn ra từ sáng rõ mặt người đến giữa chiều. Bọn
thằng Tĩnh phải vượt qua một con đường vắt qua hai sườn núi khá hiểm trở. Khu
chợ nằm cách đường biên khoảng 6 - 7 cây số, dưới chân một ngọn núi có bãi cỏ
cháy xém gió Lào và lúp súp đám cây gai, cỏ dại khô trốc. Tiếng lao xao, í ới
buổi chợ phiên vui ắp dù không thật đông người. Giờ này, mặt trời mới lên được
một hai tiếng và sương thì vẫn chưa tan hết. Cái lạnh buốt cuối đông nơi vùng
biên tưởng đã quen qua mấy mùa quân ngũ vẫn làm thằng Tĩnh co người lại. Trong
mấy lớp áo quần, trông nó và đồng đội như mấy cục vải màu xám. Toàn thân bó trong
bộ quân trang mùa đông, đầu đội mũ bông
có tai. Trong tấm áo bông, quần túm ống, chân đi đôi giày đi rừng cao cổ, trông
họ nổi bật lên giữa bà con các dân tộc xuống chợ. Đàn ông áo cánh xanh hoặc
đen, quần ống rộng, mũ đen. Đàn bà váy xếp nếp, áo thêu sặc sỡ thổ cẩm khăn màu
trùm đầu rực rỡ. Tiếng khèn trầm đục,
tiếng kèn lá, sáo Mông réo rắt như tiếng gió, tiếng suối lẩn quất đâu đây giữa
tiếng nói cười rộn rã. Chợ người Mông, Dao vui lắm, màu sắc vải vóc, chỉ thêu
rờn mắt. Mùi mồ hôi người, mồ hôi ngựa, trâu bò lợn gà cứ vón lại giữa đám
người và hàng hóa.
Từng được tiếp xúc, giao lưu với bà con
dưới bản, thằng Tĩnh đến bây giờ vẫn cứ ngỡ ngàng trước váy áo con gái Mông. Từ
nước lá chàm, phụ nữ Mông nhuộm vải sợi gai, sợi lanh thành các màu xanh lam,
xanh lơ, xanh dương và tím than. Người Mông đen váy áo có màu xanh đen. Người
Mông hoa dùng sáp ong vẽ hoa văn lên vải, nhuộm xong để lại đường nét màu trắng
trên sắc xanh. Có lần, nhìn phụ nữ Mông hoa vẽ hoa văn lên vải, thằng Tĩnh cứ
ngẩn ngơ ngắm mãi cái cách dùng bút chấm sáp ong nóng họ dùng để vẽ lên vải trắng
các loại họa tiết hình vuông, dích dắc hoặc các đường nét kỷ hà lặp đi lặp lại
rồi đem vải đi nhuộm. Nhuộm xong là cán phẳng mặt vải cho phẳng mịn, sợi ngang
sợi dọc dàn đều. Với một cây gỗ tròn, người ta tìm một phiến đá phẳng mặt ven
suối, lăn cây gỗ qua lại như thợ xẻ dưới xuôi xẻ gỗ. Mặt vải nhờ đó mà bóng
láng, lên nước bắt ánh sáng như mặt gương. Để trang phục thêm bắt mắt, người
đàn bà Mông còn đính thêm đồ bạc, kim tuyến, hạt cườm…lên áo quần tạo nên những
mảng màu sắc sặc sỡ, uyển chuyển. Các hoa văn đủ dạng hình, vuông có, hình chữ
nhật hình trám có bao bọc các ngôi sao năm cánh, sáu cánh, tám cánh. Rồi hoa
bí, hoa tỏi, hoa cà, hoa mận, hoa đào, hoa sen, mạng nhện, cánh bướm, vảy cá,
lá ngải cứu, cành tùng, búp tre, lưỡi câu, núi sông, đuôi rồng, con ốc, con
rắn, sừng dê...màu đỏ tươi sáng, khiến các cô gái Mông đi giữa đám đông nổi
trội hẳn lên. Phụ nữ Mông Trắng áo váy
trắng, cổ áo, nẹp áo, ống tay cổ tay ngang váy và gấu váy đính các hoa văn, sọc
màu lam hoặc kim sa. Phụ nữ người Mông Đen mặc áo đen, cánh tay thêu họa tiết
nổi trên nền đen. Phụ nữ Mông Hoa mặc áo xanh lam, xanh dương hoặc lơ. Quanh
vai, ngực, ống tay và thân váy thêm các họa tiết trắng với các hình thêu đỏ,
hồng, tím vàng…Phụ nữ Mông Đỏ mặc trang phục màu đỏ rực kết từ các miếng thêu
đỏ, hồng và vàng rực rỡ xếp liền nhau. Xung quanh vùng ngực, bụng, ống tay đính
thêm các tua hạt cườm, gấu váy ghim diềm đăng ten trắng. Đa số phụ nữ người
Mông ở nhà để đầu trần tóc dài hoặc búi quấn lên đầu khiến dáng người họ cao
thêm. Khi tới chợ họ quàng hoặc đội khăn lên đầu. Người Mông Trắng quấn khăn
trên đầu cao như cái mũ, phía dưới vành đính hạt cườm sặc sỡ. Người Mông Đen
quấn khăn vuông rộng to bản màu tím than. Phụ nữ Mông Đỏ lại vấn khăn hẹp trên
đầu như cái đĩa. Người Mông Hoa choàng khăn, buộc túm phía sau gáy. Dõi theo mỗi bước chân đong đưa nếp váy của
họ, ánh mắt của các chàng trai người Mông cứ hút theo say đắm. Thanh niên người
Mông vận những chiếc áo đen ngắn vạt, ống tay rộng, cổ áo thêu. Ve áo song song
đính năm hàng khuy vải vắt ngang thân, tay cầm khèn, hoặc khoác chéo vai. Đàn
ông, trai tráng người Mông Đen tay áo một màu tím than. Người Mông Hoa ống tay
áo chia thành nhiều lớp như đen nối xanh, đen nối vàng, đỏ liền kề hoặc cách
quãng. Người Mông Đỏ áo có thêm viền cổ và thêu ở nẹp áo. Họ đội những chiếc mũ
quả dưa tám miếng màu đen hoặc thêu, quanh mũ đính các vòng họa tiết, đỉnh gắn
cắc bạc. Có tộc người Mông quanh năm đội mũ lưỡi trai ngắn sát đầu hoặc mũ bốn
vành thả xuống khi trời lạnh và gập gọn lên trên đầu vào mùa nóng.
La cà chơi chợ người Mông trở thành thú
vui những ngày nghỉ ít ỏi hiếm hoi của bộ đội biên phòng miền Tây. Thung lũng
phía xa xanh ngắt một màu xanh nương lúa nương ngô. Theo vận động của cán bộ và
bộ đội biên phòng, người Mông nay đã trồng mận tam hoa và đào không hạt phủ kín
nương đồi thay cho cây thuốc phiện xấu xa. Chợ phiên là nơi gặp gỡ, vui chơi
của các tộc người Mông, Dao vùng biên. Đi chợ vui như đi hội. Nỗi nhớ nhà, nhớ
quê trong lòng cánh chiến sĩ biên phòng như dịu lại. Rủ nhau sà vào quán chợ,
mấy anh em ăn uống vui vẻ với bà con dân bản. Hương rượu ngô chuyền quanh quyện
dính cổ họng, những nắm xôi thơm nồng hương nếp nương. "Cái bộ đội hôm nay
vui với chúng tao thật say mới về đấy! Không say không được đâu!".
Ngất ngây vậy, nhưng đám lính biên phòng
thừa sức ra về khi buổi chợ vắng dần người qua lại. Cậu y sĩ của đồn, quê vốn
vùng rượu Làng Vân nổi tiếng Bắc Hà, từ lâu đã "gà" được cho họ cách
uống rượu chống say với người Mông. Một trong mấy chiếc bi đông nước bên người
là…một ít dầu ăn. Trước lúc vào chợ, họ đã tranh thủ tợp mỗi người một tớp.
Rượu trôi xuống đến dạ dày cứ là "lênh phênh" không tới đáy, bám
không dính nổi vách ruột, say sao được?! Cái mánh ấy trở thành "bửu
bối" của đám lính trẻ khi đi chơi chợ phiên vùng cao. Cứ là "cười
tươi" đến hết buổi chợ.
Đường về đồn xa thế mà đi mãi cũng về đến nơi. Điểm danh tối
xong, thằng Tĩnh không ngồi xem phim truyền hình. Nó tranh thủ viết thư cho bạn
gái ở quê, kể về buổi chợ vùng biên đầy ắp sống áo đủ màu và tràn trề những
rượu là rượu.
........
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét