.........
Tôi
quay sang cô nhân viên trực toa:
- Phiền chị thế này nhé. Tôi vừa cho cô
gái dùng trứng, gừng để đánh cảm từ bên trong. Chị khẽ nhắc cô gái chỉ chỗ lấy
quần áo ra để cạnh gối. Đắp chăn kín ngang miệng cho cô ấy. Khoảng nửa tiếng
nữa, cô ấy sẽ đổ rất nhiều mồ hôi. Khi nào thấy ướt hết quần áo, chị giúp cô ấy
cởi bỏ ra, mặc bộ khác vào. Cứ như vậy, ướt lại thay. Chỉ ba lần là thấm hết mồ
hôi ra, nếu tốt, cô ấy sẽ được giải cảm. Tôi là đàn ông, không tiện làm việc
này.
- Vâng, anh cứ để tôi.
Quả nhiên, sau nửa tiếng, cô gái đã ra mồ
hôi ướt đẫm bộ quần áo đang mặc. Cô nhân viên giúp cô gái lau khô người, thay
bộ khác xong thì tàu vào ga Vinh.
- Anh trông nom cố ấy một lúc nhé, tôi
phải làm nhiệm vụ đón khách lên tàu.
Cô nhân viên đường sắt kéo tay tôi lên
ngồi ghé bên chiếc giường tầng trên rồi nhảy xuống, ra đầu toa chuẩn bị đón
khách. Bà cụ già cùng anh bộ đội nhẹ nhàng chào tôi rồi tiến ra cửa toa. Tàu
dừng bánh. Tiếng hành khách lên xuống toa tàu lao xao. Toa tôi chỉ thêm có một
hành khách. Một phụ nữ trung tuổi lên toa thay vào chiếc giường của bà cụ. Thế
là toa của tôi chỉ có ba hành khách, trong đó, chỉ có mỗi tôi là đàn ông.
Tàu hú còi tiếp tục lăn bánh. Người nữ
nhân viên quay lại toa tôi nói vội:
- Anh chịu khó chăm sóc cho cô ấy vậy,
tôi phải lên ban chuẩn bị đổi ca. Từ ga sau, ga Đồng Hới, nhân viên thay tôi là
một đồng chí nam giới. Tôi sẽ trao đổi với anh ấy để hỗ trợ anh. Tình hình cô
ấy có vẻ ổn, anh xử lý thế nào mà giỏi thế. Trên toa, ngoài mấy viên thuốc
thông thường để phòng ngừa, không có thuốc hạ sốt nhanh thế đâu. Mà biết cho cô
ấy dùng thuốc nào bây giờ. Nhỡ thương hàn hoặc xuất huyết đường tiêu hóa thì
phải có bác sĩ mới xử trí được.
- Tôi thấy triệu chứng cô ấy chỉ là cảm
gió nên làm vậy. Đây là cách đánh cảm của người Cambot. Tôi học được từ một
chuyên gia sang giúp nước bạn Căm - Pu - Chia dịp 1983, sau họa diệt chủng Pôn
Pốt. Người Việt mình đánh cảm bên ngoài, bên Căm - Pu - Chia bà con người ta đánh
cảm từ bên trong đánh ra. Tôi từng làm cho nhiều người, kể cả người trong gia
đình, hiệu nghiệm lắm. Chị có việc phải đi, cứ đi thôi. Tôi xin cảm ơn chị đã
giúp.
Người nữ nhân viên đường sắt mỉm cười chào
tôi và lướt đi. Tôi quay sang hỏi thăm người phụ nữ mới lên tàu:
- Chị xuống tàu ga nào vậy.
- Tôi xuống ga Sài Gòn
- Ồ, thế là tôi với chị cùng xuống một
ga. Tôi có việc muốn chị giúp một tay, chị xem có giúp được không?
Tôi kể nhanh cho chị nghe toàn bộ câu
chuyện về người con gái đang nằm trên chiếc giường tầng trên phía bên kia và
nhờ chị làm giúp công việc đã nhờ người nữ nhân viên đường sắt làm. Chị vui vẻ
nhận lời và chợt hỏi tôi có chiều thông cảm.
- Khổ, thế cô ấy với anh thế nào. Hai
người cùng một gia đình hay là…
- Không, tôi chỉ là người đồng hành trong
chuyến đi này như chị với tôi thôi. Tôi chưa hỏi được cô ấy xuống ga nào.
Tôi lại leo lên phía trên. Người con gái
trông đã có vẻ ổn hơn. Cô thở nhẹ nhàng, có vẻ đang chìm vào giấc ngủ mệt mỏi.
Vầng trán nhỏ khô mịn, đặt tay lên đã không còn nóng rát như lúc trước.
Cả ngày hôm sau, lại một lần nữa cô gái
được người phụ nữ thay cho một lần quần áo nữa. Sau lần thay bộ quần áo khô
ráo, cô có vẻ tỉnh táo hơn lên. Tôi lân la hỏi chuyện:
- Cô đi đâu mà đi một mình thế?
- Em ra Hà Nội công tác. Giờ đang trên
đường về nhà. Em sống và làm việc ở Huế. Thật may phước cho Em, có Anh giúp cho
không thì…
- Tôi thấy cô gặp chuyện không hay thì
giúp thôi. Mà cũng may là cô chỉ bị cảm thôi đấy. Chứ nếu bị bệnh tật gì nặng,
thì cái món thuốc lang vườn như tôi cũng chẳng giúp ích gì được. Mà có phải chỉ
mình tôi đâu. Cô thấy đấy, có cả nhiều
bà con cùng đi đã giúp đỡ cô đấy thôi.
Chợt người phụ nữ trung tuổi nháy tôi ra
cửa toa:
- Này, va li cô ấy hết quần áo ngoài rồi.
Hai bộ ướt nhớp kia, lúc nãy tôi đã tranh thủ đem qua buồng rửa mặt giặt qua
cho cô ấy rồi. Tôi đã vắt thật khô rồi cho vào chiếc túi ni lon đựng đồ lặt vặt
của cô để góc giường kia. Tàu còn đi một đêm nay và cuối chiều ngày mai nữa mới
tới Huế.
- Chị cứ theo dõi thêm cô ấy giúp tôi.
Tôi có cách rồi.
Hơn hai tiếng đồng hồ sau, đoàn tàu chạy
vào ga Đồng Hới trong ánh sáng nhập nhoạng cuối chiều. Tôi gửi đồ đạc cho người
đàn bà trung tuổi, xuống ga tranh thủ tắm táp và mua thêm chai nước. Tại một
gian hàng tạp hóa, nhìn cô chủ trẻ có dáng người thanh mảnh như người bạn đồng
hành, tôi nhờ cô chọn giúp một bộ đồ bà ba màu tím Huế. Trở lại tàu thật nhanh,
tôi chỉ kịp đặt chân vào khoang bốn giường của mình thì tàu chuyển bánh. Người
phụ nữ giường dưới ngước mắt nhìn tôi, mặt còn chưa hết vẻ thảng thốt:
"Tôi cứ tưởng cậu không lên kịp tàu, đi đâu mà lâu thế!" Tôi giúi cho
chị bọc ni lon chứa bộ quần áo mới, nói nhỏ: "Đêm nay, mà cũng có thể là
gần sáng, cô ấy thế nào cũng ra nốt chỗ mồ hôi lạnh trong người. Chị lấy tạm bộ
này thay cho cô ấy."
Đêm qua đi trong tiếng bánh xe lăn hối
hả. Sáng ra, khi nhân viên tàu đem đồ ăn sáng đến phục vụ tại toa, cô gái đã ăn
được già nửa tô cháo thịt tôi mua cho. Nhìn tôi vẻ ngượng nghịu, cô nói khẽ:
"Sao Anh mua quần áo cho Em thế. Tốn kém thế nào để em trả. Chỉ qua trưa
nay, tàu đến ga Huế rồi". Tôi bảo cô: "Cô có mấy bộ áo quần mặc ngoài
thì đã ướt sạch rồi còn gì. Thôi, đừng bận tâm làm gì, để kỳ nào tôi ra Huế
công tác, tôi sẽ tìm cô đòi nợ, được không nào?"
Cô ngỏn nghẻn cười. Đôi mắt loáng ướt,
khuôn mặt đã lại sắc. Tàu đến ga Huế, tôi đưa cô ra tận cửa toa. Đứng dưới sân
ga cùng một cô gái vào đón, cô dướn người trông lên cố gặng hỏi: "Anh tên
chi và ở chỗ mô ngoài Hà Nội, cho Em biết để Em còn có dịp gặp và cảm ơn!"
Tôi khẽ vẫy tay, mỉm cười: "Quả đất tròn, thế nào cũng có lúc anh em mình
gặp nhau!". Giữa ồn ào sân ga, tàu nhẹ nhàng chuyển bánh. Cô gái đứng đó,
hai hàng nước mắt chảy dài, bàn tay trắng trẻo giơ lên vẫy vẫy. Bóng áo tím Huế
xa dần, xa dần.
……
- Thế Bạn chuyển vào Sài Gòn sinh sống hồi
nào vậy?
- Dạ, không. Em vẫn sinh sống và công tác
ở Huế anh à. Em vào Sài Gòn tham gia một khóa cao học. Vừa bảo vệ luận văn xong
hôm rồi. Sớm mai Em trở lại Huế.
- Ồ, ra vậy. Xin chúc mừng Masters.
- Cám ơn Anh. Anh vào Sài Gòn công tác ạ.
- Tôi vào thăm người nhà. Tôi vừa nghỉ
hưu tháng trước. Thế Bạn được mấy cháu rồi.
- Dạ. Em được hai cháu, một trai, một
gái. Cháu trai đang du học Australia, còn
cháu gái đang học lớp chín.
Thấy tôi có vẻ muốn dò hỏi thêm, cô nhẹ
cười:
- Em xây dựng gia đình sau ngày gặp Anh
trên tàu hai năm. Không phải với người đàn ông Anh thấy ra tiễn Em ở sân ga Hàng Cỏ
ngày ấy đâu. Bọn Em không có duyên phận được sống với nhau. Bữa đó là bữa cuối
bọn Em gặp nhau rồi chia tay nhau. À, mà Anh vẫn chưa cho Em biết tên đấy nhé.
-
Thôi mà. Bạn cứ coi như đã gặp được một người bạn đồng hành tốt tính. Tôi không
làm vậy, thì người khác cũng giúp Bạn thôi. Gặp Bạn thế này, chuyện đêm đó trên
tàu với tôi là một kỷ niệm. Một kỷ niệm thật đẹp. Thế là được rồi mà. Mà tôi cũng
còn chưa hỏi tên Bạn là gì đấy?!
Chúng
tôi cùng cười vui. Ngoài đường, tiếng còi xe tấp nập. Sài Gòn thập kỷ đầu của
thế kỷ hai mươi mốt vẫn háo hức, phăng phăng tiến lên phía trước như dòng xe
hối hả ngoài kia. Tôi đứng lên, chìa tay nắm lấy bàn tay nhỏ ấm áp đưa ra.
-
Chúc Bạn và gia đình hạnh phúc.
-
Dạ, Em cảm ơn Anh. Gặp Anh được thế này, Em vui quá. Bao nhiêu năm cứ băn khoăn
vì không biết cảm ơn Anh thế nào cho phải. Chúc Anh và gia đình luôn bằng an.
Em xin gửi Anh chiếc danh thiếp này, khi nào vô Huế tới Em chơi.
Đáp
lại, tôi đặt nhẹ vào tay cô tấm danh thiếp nhỏ của mình. Tôi nhìn dòng tên trên
chiếc danh thiếp của người thiếu phụ. Tên cô ta là Phan Trần Linh Huệ, một cái
tên thật đẹp.
9/2012
1 nhận xét:
Đang đến đoạn hấp dẫn nhất thì anh lại chưa kể tiếp...làm em tò mò quá đi thôi...
Em chúc anh và gia đình đón Xuân vui, hạnh phúc và anh có thêm nhiều tác phẩm mới nhé !
Đăng nhận xét