(Tiếp
theo kỳ trước)
……….
Nghĩ
đến những việc ấy vào giờ này, Chị không nín được nụ cười. Người "tẩm ngẩm
tầm ngầm" thế mà sâu sắc đáo để. Đàn bà như Chị, không có ai nghĩ được
những việc "ngồ ngộ" như thế. Cả hai đứa, vợ sinh nở xong chồng cũng
chỉ cháo não, giặt giũ được vài ngày. Rồi mất mặt luôn cả tháng. Ngày đi làm cơ
quan, tối lại lóc cóc đạp chiếc xe "Phượng hoàng" tróc sơn, bỏ bớt
hộp xích vì đã rỉ tã rồi ra Khu triển lãm Giảng Võ làm thuê suốt đêm với đám
bạn bè họa sĩ. Hai đứa trẻ sinh ra đều trúng hai mùa triển lãm "Thành tựu
kinh tế kỹ thuật". Con đầy tháng, bố "cày đêm toàn tập" cũng
kiếm đủ tiền trang trải việc vợ con sinh nở. May mà Anh lại có mấy cô bạn gái
thân rất nhiệt tình. Ngày nào cũng vậy, cứ thoát được việc cơ quan, việc nhà là
mấy cô lại "đổ bộ" sang cứu trợ. Cơm nước, sữa con cháo mẹ, giặt
giũ…đủ kiểu đỡ Chị. Lắm lúc nghĩ cứ…ngượng vì làm phiền người khác nhiều quá.
Anh chặc lưỡi "Mình có tốt với bạn thì bạn mới giúp mình thế. Khi họ cần,
mình lại xả thân thôi!" Mà Anh làm thế thật. Bạn bè ai cũng quý, cũng nể.
Đấy, nghe tin nằm viện thế này mà hôm nào rảnh là đám bạn lại ghé qua, đủ cặp
không thiếu một ai.
Chợt
chiếc di động của Ông đặt trên mặt chiếc bàn thuốc đầu giường rung lên bần bật
kèm một tiếng "Bíp" kéo dài rồi thôi. Không rành rẽ về cái thứ này,
Chị cầm chiếc máy lại chỗ con gái lay nhẹ: "Lan này, xem xem điện thoại
của Bố ai nhắn gọi gì đây". Con cái Lan choàng tỉnh, dụi mắt rồi cầm chếc
điện thoại mở khóa. "Bố có tin nhắn…của cô Tuyết! Con trộm phép Bố đọc Mẹ
nghe nhé. Nhỡ cô nhắn điều gì khẩn cấp thì sao?""Cô cứ đọc tôi nghe.
Giờ ông ấy nằm thế này biết được điều gì cần cho ông ấy thì càng tốt chứ
sao".
- Cô
nhắn là: "Em chờ cả tuần nay rồi, sao không thấy Anh qua. Anh đi đến đâu
rồi?. Liệu có ốm đau gì không Anh. Em thấy nóng ruột quá. Tin lại Em ngay
nhé!".
- Thế
là Bố đã tin cho cô biết chuyến đi xuyên Việt với các cụ các bác hưu do Viện tổ
chức cuối tuần trước rồi. Cô chờ Bố con ghé qua Sài Gòn.
Chị
ngồi lặng. Có chút tự ái thoáng qua. Mấy năm rồi, họ chưa gặp nhau. Chắc ông ấy
muốn đi lắm mà vì đau ốm thế này, phải bỏ chuyến đi. Ừ, đêm trước hôm đoàn đi
thì ông vào viện. Lãnh đạo Viện và các đồng nghiệp cũng đã vào thăm Anh và lấy
làm tiếc vì Anh không tham gia được chuyến đi. Nhưng họ cũng đồng tình với Chị
rằng, việc xảy ra trước lúc lên đường cũng là cái may cho Viện, cho gia đình.
Lỡ ông đi mà dọc đường đột ngột ngã bệnh thế này thì thật là khổ. Khó nhọc nuốt
nước miếng như muốn làm trôi đi "cục nóng" trong cổ, Chị nói khẽ với
con, giọng hơi lạc đi.
- Con
có thấy rằng cần phải nhắn lại cho cô biết việc của Bố không. Để cô ấy mong mỏi
mà không có tin tức gì thì tội lắm.
-
Vâng! Con cũng muốn nói với Mẹ như vậy đấy. Dù bệnh của Bố chưa xảy ra việc gì
quá tệ, cũng nên báo để cô biết lý do Bố không vào được. Thế con nhắn cho cô
nhé.
Nhìn
đứa con gái cắm cúi bấm máy, Chị thấy lòng mình dịu lại. Có chứng kiến việc
này, Chị mới thấy nghĩa tình con người đối với nhau thật đáng trọng. Và quả
thật, chỉ có tình yêu thương sâu nặng mới cư xử được với nhau như vậy. Kể cả
mình ở địa vị ấy cũng vậy, nỡ lòng nào mà đứng ngoài vô cảm được.
- Mẹ
ơi! Con nhắn thế này được không: "Bố cháu sức khỏe yếu không đi được nữa.
Cháu sẽ liên hệ với cô sau. Cháu là con bố Trung. Kính chúc cô sức khỏe.".
Có được không Mẹ.
- Ừ,
con gửi đi. Nói vừa phải thế là được, sợ nói rõ ra không biết chừng làm cô quá
lo. Xong việc, tranh thủ mà chợp mắt đi. Khoảng ba bốn giờ sáng thức trông nom
Bố cho Mẹ ngả lưng.
-
Vâng ạ!
Bất
chợt, con bé bước tới ôm ghì lấy Chị, nó nói trong nước mắt dàn giụa: "Mẹ
ơi! Con yêu Bố, yêu Mẹ!". Không cầm lòng được, nước mắt Chị cũng chảy dài
trên má.
*
* *
- Ủa!
Dì ở nhà mà sao khóa hết cả khóa cổng lẫn
khóa chìm cửa chính thế. Làm con tưởng chỉ có mình con có khóa vào nhà.
Tính sang dọn dẹp đỡ dì, độ rày con bận túi bụi không sang dì luôn được. Mà sao
Dì không bật đèn lên, trời sắp tối rồi kìa.
- Con
Tư đó à! Dì nằm nhà từ trưa. Chiều không muốn tới chỗ làm nên khóa cửa, khóa
cổng để người ngoài không biết dì ở nhà. Thế đã qua má chưa mà đã sang đây.
- Dạ!
Con vừa qua má con rồi! Má dặn qua Dì xem dì đã về chưa, kêu dì mai sang nhà ăn
đầy tháng thằng cháu con Chị Thanh.
- Ừa!
Mà cũng nhanh thế đấy. Con Thanh đẻ thằng cu này chưa biết đã chịu ngưng chưa.
Ngấp nghé bốn mươi rồi mà cứ muốn sinh con hoài.
- Dạ!
Anh chị ấy ham đông con lắm. Bên nội có đến tám anh chị em lận. Mình chị Thanh
không có lại được đâu.
- Còn
mày nữa đấy, Hồng ạ! Giờ không khó khăn nhiều như má như dì hồi trước, tranh
thủ sinh thêm đứa nữa đi cho nó đông bầy đàn.
- Ôi
dì ơi, con sinh ba lần lần cuối phải mổ sinh rồi. Chỉ nên dừng ở bấy nhiêu đứa
thôi dì à. Nuôi trẻ giờ tốn lắm. Mà Dì ơi, sao bữa nay con trông dì khang khác
à! Dì ốm hay có gì buồn vậy.
Rời
chiếc ghế xích đu gỗ kê bên cửa sổ, Chị bước lại chiếc bàn giữa phòng, lấy
chiếc điện thoại di động Nokia đưa con cháu.
- Chú
Trung bệnh, không vào như đã hẹn với Dì mấy tháng trước. Tin nhắn vào máy dì do
con gái chú nhắn giúp. Dì linh cảm có điều gì đó không hay cho chú nên về nhà
nằm giữa buổi. Từ lúc nhận được tin nhắn đến giờ, dì đứng ngồi không yên.
Chuyện ông Phúc hiệu trưởng chỗ Dì bị đột quỵ mấy năm trước cứ ám ảnh dì hoài.
Dì chỉ sợ chú Trung…
Lặng
đọc mấy dòng tin nhắn, con Hồng cũng thượt mặt ra. Nó biết tính dì nó. Hễ có
điều gì phải lo nghĩ là mất ăn mất ngủ. Từ sau ngày Dì và chú Trung gặp lại
nhau sau bấy nhiêu năm mất dấu nó thấy bà dì như trẻ lại cả chục tuổi. Khuôn mặt
lúc nào cũng tươi tắn, thi thoảng lại ánh lên sắc hồng hạnh phúc. Cả nhà ai
cũng mừng cho dì. Dẫu gì thì con người ta ai cũng phải có một chỗ dựa tâm tình,
nhất là đàn bà. Không thành thân gắn bó duyên lành, phận đời với nhau nhưng có
một bờ vai để dựa vào cho nhẹ nỗi cô dơn cũng là điều nên có chứ sao. Nhất là
khi người đàn bà mất nhiều năm sống cô quạnh, không có nơi để trao đổi tâm tình
thì việc tìm lại được những cảm xúc yêu thương luôn là sự trở lại với chính
mình. Tự tin hơn, vui sống hơn và trẻ trung hơn. Nó từng có lúc ngắm nhìn bà dì
mà rưng rưng nước mắt mừng cho dì lại có những ngày giờ hạnh phúc. Nhớ hồi nào,
đầu năm kia thì phải, dì đưa Chú sang chào ba má. Hai ông bà già ngây cả người
ra. Mấy chục năm rồi chứ ít gì đâu. Chú trông già hơn năm nó gặp ở cuộc hội
thảo Vũng Tàu. Nhìn thấy nó, Chú cứ cám ơn hoài. Nó cũng không ngờ việc mình
làm cho dì lại khiến cả nhà thích thú đến thế. Ba giả bộ cau có: "Con cái
Hồng quậy quá trời! Làm lộ hết cả bí mật quốc gia". Má thì nửa khóc nửa cười
vỗ về: "Chị thấy chú là có một đấy. Biết vậy hồi đó bắt chúng mày khai
thật tình cảm rồi ghép đôi luôn cho xong. Cứ giấu giấu, né né không "ra
công khai". Làm tao sợ con Tuyết làm lính "phòng không", cứ tính
mối manh cho nó đám mấy thằng sĩ quan công vụ trong đoàn". Chú Trung thực
thà kể hết, cả chuyện ra ga Hàng Cỏ tìm cả nhà mà không gặp rồi ôm sầu mãi mới
chịu lập gia đình. Cả ba, cả má đều nhẹ nhõm vì cuối cùng, dì Tuyết cũng tìm
lại được người bạn tâm tình. Dù chẳng được gì hơn, nhưng làm sống lại một thân
phận buồn sau từng ấy năm cũng là phương thuốc quý giá giúp tươi mới cho cuộc
đời người đàn bà bạc phận. Điều mà gia đình đã hàng chục năm canh cánh làm sao
để cuộc đời dì bớt buồn hiu. Bữa cơm tụ họp gia đình với chú Trung thật là vui.
Ba cứ đòi uống thêm nửa lon bia nữa làm cả nhà chật vật lắm mới ngăn được. Ông
già đã phải cấy máy tạo nhịp tim dăm năm nay rồi. Chú Trung biết vậy, vội can
ba: "Em xin Bác, em cũng chỉ uống được đến vậy thôi. Em cũng huyết áp cao
mấy năm nay rồi!". Má thì nói vui: "Bữa nay tao phải kiểm điểm hai
đứa bay, lâu lắm mới lại thấy ổng ham vui vậy đấy!"
- Dì
đừng quá lo nghĩ. Chắc Chú bệnh ít bữa thôi. Tuổi vậy chuyện đau yếu cũng là
chuyện thường. Chú lo dì đợi hoài không thấy Chú vào nên nhờ con gái nhắn tin
vào. Có thể…
- Dì
cũng mong rằng không có việc xấu. Nhưng sốt ruột lắm. Có lẽ, dì phải ra thăm
Chú xem tình hình thế nào. Bữa trước đã định nếu Chú vào sẽ đưa Chú đến giáo sư
Phong bên Quân y viện 175 thăm khám thêm. Ngoài Hà Nội Viện Tim mạch Trung ương
nơi chú có tiêu chuẩn thăm khám chắc cũng có hồ sơ bệnh sử rồi.
- Dì
à. Từ từ để tính đã dì. Di ra ngoải không lo lại sinh chuyện không hay sao. Chú
vào trong này thì được, chứ dì ra Bắc gia đình chú nghĩ sao?!
- Con
này nghĩ chi kỳ cục vậy?! Dì có định làm cái gì đâu mà sinh chuyện. Chú với dì
làm bạn với nhau từ cả mấy chục năm trước kia mà. Vả lại, dì có ý gì xấu đâu
nào.
- Dạ!
Con xin lỗi dì, dì đừng giận con. Ý con là để tính thêm vì mình chưa có đầy đủ
thông tin. Để xem Chú có nhắn thêm gì không đã dì ơi. Dì ra, chuyện đột ngột
vậy dì không lo chú sốc sao.
- Dì
nghĩ suốt từ sáng đến giờ rồi. Dì sẽ ra, nhưng cũng sẽ báo trước để Chú và gia
đình biết. Chuyện đau ốm, thăm nom nhau là chuyện bình thường và nhân nghĩa con
ạ. Sợ không có lúc làm được vậy lại ân hận…
Con
Hồng nín thít. Nó thuộc tính dì nó hơn cả má ở nhà. Từ lúc biết lớn, biết nghĩ
nó đã suốt ngày bíu ríu với dì nó nên nó hiểu. Không ngăn được dì đâu, một khi
dì đã quyết. Hai dì cháu ngồi yên, mỗi người theo đuổi một cách nghĩ. Bất chợt
con Hồng quả quyết:
- Thế
thì con sẽ cùng đi với dì. Hai năm liền con chưa đi phép rồi. Con đi với dì là
ổn hết. Dì để con một tuần chuẩn bị. Chuyện này chỉ con với dì biết thôi đấy.
Không cho ba má biết vội. Đi về rồi nói chuyện sau. Con sẽ có cách nói để cả
nhà yên tâm. Con sẽ nói rủ dì đi "tua" với đám bạn con ra Hạ Long du
lịch sinh thái. Dì chuẩn bị đi, một tuần nữa mình xuất phát.
-
Được rồi, dì tán thành. Dì cháu mình đi thì được rồi. Dì thấy đỡ lăn tăn rồi.
Đêm nay mày ở đây với dì. Mình sẽ bàn chi tiết chuyện này. Mà Tư này, mi điện
về báo thằng Hiển với lũ trẻ nó biết mày ở bên này với dì. Dì đi làm cơm đây.
- Dì
để đấy con làm với. Bữa nay làm nồi lẩu cá sông đi dì, con mua sẵn cá cho dì
ngoài giỏ xe kia rồi.
Những
ngọn đèn trên lầu, trong bếp được bật sáng. Không khí trong căn nhà nhỏ đã bớt
u buồn. Hai dì cháu líu ríu bên nhau. Ngoài kia, trời vừa tối hẳn.
…..
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét