(Tiếp
theo kỳ trước)
……….
Người
đàn bà luống tuổi ngồi lặng lẽ bên chiếc giường bệnh nhân trên tầng năm Viện
tim mạch trung ương. Gian phòng được thuê riêng theo chế độ dịch vụ y tế. Không
khí thanh sạch, mát dịu. Đầu giường, những chiếc máy với lỉnh kỉnh dây nhợ và
màn hình, đồng hồ, bảng điện nhấp nháy đèn xanh đỏ. Chồng Chị nằm đó, khuôn mặt
xanh tái thiêm thiếp giữa đống gối ga trắng muốt. Đường ống mềm nối từ mu bàn
tay Anh lên ống dịch truyền phía trên. Anh mới tỉnh lại một vài tiếng đồng hồ sau
một cơn choáng nhẹ trước đó. Đôi môi mệt mỏi trễ xuống, hàng râu chưa kịp cạo
lởm chởm nhuốm bạc. Nhìn Anh, Chị khẽ thở dài, tay vuốt nhẹ lên bàn tay nổi gân
xanh của chồng, mắt ngân ngấn nước.
Anh
vừa nhận quyết định nghỉ chế độ cách nay hơn ba tháng. Cơ quan tổ chức chia tay
Anh rất chu đáo, thân tình. Đám cán bộ, nhân viên dưới quyền bịn rịn chia tay
Anh, nào hoa nào quà chất ngất. Họ đến tận nhà đón Anh đến Viện dự tiệc chia
tay rồi đưa Anh về lại nhà trên chiếc xe bảy chỗ ngồi. Tíu tít, vui vẻ lẫn bồi
hồi họ chuyển hoa, chuyển quà vào phòng khách, ngồi chuyện trò rôm rả với Chị
mãi rồi mới xin phép về. Cuôi tuần tới, cơ quan sẽ mời Anh đi xuyên Việt cùng
với một số cán bộ lão thành nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Viện. Anh đã vui
vẻ nhận lời, háo hức chờ đợi, thế mà…Mới đêm hôm kia, sau bữa cơm tối, Anh vào
Toilet rửa mặt. Chị đang loay hoay xếp dọn, lau rửa bệ bếp phía ngoài. Chợt Chị
nghe tiếng cánh cửa Toilet dập mạnh. Quay nhìn sang, Chị thấy một chân của Anh
cứ choãi ra một cách thiếu tự nhiên. Hốt hoảng chạy vào, Chị chỉ kịp đỡ vội nửa
người trên của Anh đang đổ dần xuống bồn rửa mặt. Vòi nước vẫn xối xả, nước
trong chiếc bồn rửa đã mấp mé, khuôn mặt Anh chỉ thiếu chút nữa là gục xuống
ngập vào đó. Ghé vai đỡ tấm thân mềm oặt của chồng, Chị vác vội Anh ra đặt nằm
trên chiếc đi văng giữa phòng khách. Nhanh tay bấm số chiếc máy điện thoại bàn,
Chị tức tốc gọi cho ông bác sĩ bệnh viện E đã nghỉ hưu đang sống ở tầng trên.
Chỉ chưa đến năm phút sau, ông bác sĩ già đã có mặt. Sơ cứu tại chỗ và gọi xe cấp
cứu ngay sau đó, Anh được đưa thẳng vào khoa cấp cứu Viện Tim mạch trung ương.
Rất may, các bác sĩ đã kịp thời can thiệp. Anh bị đột quỵ cấp, nếu không có sự
can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa, Anh đã có thể bị tắc động mạch vành hoặc
tệ hơn còn bị nhồi máu tim. Sau cơn choáng nhẹ, Anh đã hồi tỉnh dần. Mở mắt
nhìn vợ và các con quây quần bên cạnh, mãi Anh mới hiểu ra rằng mình vừa thoát
chết trong gang tấc. Cả đêm qua, Chị ở trong phòng bệnh với Anh. Hai cô con
gái, hai chàng rể và đám trẻ tối khuya mới chịu về. Chị nhắc các con về thu xếp
việc nhà cửa, lo cho lũ trẻ rồi trưa ngày mai vào thay mẹ chăm sóc bố. Chúng cứ
dùng dằng, tranh nhau ở lại với Mẹ cùng chăm sóc Bố. Nhưng Chị gạt đi, bọn
chúng cần phải có sự chuẩn bị, lo sắp xếp nhà cửa công việc con cái. Từ chiều
tối nay, mấy đứa sẽ thay nhau vào lo cho Bố với Chị. Chồng con lớn khẽ khàng
nhắc vợ và hai vợ chồng con Em "Bà nói phải đấy, con nuôi cha không bằng
bà chăm ông. Mình cứ về chuẩn bị cho kỹ rồi vào giúp Bà!" Chúng đi rồi, cả
đêm qua, Chị lúc thức lúc ngủ bên Anh. Vậy mà đến giờ, mới chỉ thấy hơi mệt. Sự
căng thẳng, nỗi lo lắng đã làm Chị quên hết. Có tiếng gõ cửa khẽ, con Lan bước
vào khệ nệ nào túi, nào hộp.
- Bà
về tranh thủ nghỉ ngơi, tắm giặt đi. Con xin cơ quan cho nghỉ việc mấy hôm. Nhà
con chạy đi chạy lại đưa cháu đi học và thay con thức với Bà chăm Ông đêm nay.
Đưa
mắt nhìn đứa con gái lúi húi sắp xếp nào hoa quả, đồ uống, vật dụng sinh
hoạt…vào chiếc tủ giành cho bệnh nhân ở góc phòng. Chị chợt thấy nhẹ lòng vì có
các con gần gụi bên mẹ lúc này. Chính nó, mấy năm trước đã giúp Chị cởi bỏ được
nỗi hờn ghen đàn bà trong lòng. Giận hờn Anh, Chị từng sang than thở với con về
chuyện Anh có bạn gái trong Sài Gòn. Nó đã khéo léo hối thúc Chị cởi mở bằng
hết những u uất trong lòng. Nghe xong, nó nhỏ nhẹ:
- Mẹ
đừng giận Bố thế, tội nghiệp Bố. Con nói thế này xin Mẹ tha thứ cho con. Con mà
là đàn ông, ở vào địa vị Bố con cũng làm vậy. Thế mới là đàn ông. Tình yêu nào
thời tuổi trẻ cũng rất đẹp, huống hồ lại là một mối tình có quá nhiều bất hạnh
đến thế giữa bom đạn chiến tranh. Bố đã từng yêu, đã từng hy vọng hạnh phúc để
rồi phải chịu sự mất vắng tình cảm xót đau như vậy thì dấu ấn cuộc tình là rất
nặng nề. Về phần bạn gái của Bố, là phụ nữ con hiểu được sự mất mát thiệt thòi
của cô ấy. Giá như không có chiến tranh, không có sự chia xa chắc đâu cô ấy
phải chịu nỗi bất hạnh nhường ấy. Không chồng con, không lành lặn thân xác làm
vợ, làm mẹ thì mối tình với Bố hồi nào là chỗ dựa tinh thần là sức mạnh để sống
và vượt qua sự bất hạnh. Cô ấy lội qua được nỗi đau, tự điều chỉnh lối sống để
coi tình yêu xưa cũ là thiêng liêng, tôn thờ chung thủy cũng thật đáng phục. Bố
con, ứng xử như thế với tình yêu xưa cũ của mình là phải đạo. Khi họ yêu nhau,
Mẹ đâu có mặt trong quan hệ ấy. Con thì con thấy tự hào vì Bố là con người
không quay lưng với quá khứ, không hời hợt phũ phàng với người từng trao cả
thân xác cho mình như vậy. Con rất thương Bố và thông cảm với Mẹ. Có khi nào Mẹ
nghĩ sự ghen tuông của mình sẽ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng ấy của họ
không?
Ngẫm
suy hàng đêm liền, Chị thấy con gái mình nó nghĩ phải. Chị cũng từng có tình
yêu của Chị thời trẻ, không thành thân thành gia với người ta nhưng đâu có được
sâu sắc như vậy. Nhớ lại ngày hai người mới quen biết rồi xây dựng gia đình với
nhau, Anh chỉ cười hiền mỗi khi chị gặp lại bạn trai cũ. Không một lời căn vặn,
không một ánh mắt nghi ngại Anh đối xử với quá khứ yêu đương của Chị thật vô
tư. Chỉ có điều, không hiểu sao Anh không bộc lộ chuyện riêng của Anh. Hay Anh
đã cố chôn chặt, để mối tình xưa, để nỗi đau buồn quá khứ nằm yên. "Bố và
cô ấy tìm lại được nhau, là mệnh trời. Con nghĩ vậy Mẹ à." Nó đã nói như
thế, với niềm tin chắc nịch vậy đó. Và Chị hiểu, mình cũng nên tôn trọng một sự
thật như thế. Anh nào có vì vậy mà quên trách nhiệm làm chồng, làm cha của
mình. Nhìn Anh nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, Chị chợt giật mình. Nếu sự
ghen tuông dẫn đến thù hận, rồi dằn vặt Anh ngày nọ tháng kia chắc bệnh Anh còn
nặng hơn nhiều. Có khi…Chị lắc vội đầu không dám nghĩ tiếp nữa.
- Ừ!
Con ở đây với Bố đến chiều rồi Mẹ vào thay cho con. Chiều tối, con nhỏ không
thể vắng mẹ được. Mẹ về tắm táp đôi chút rồi lo quần áo đưa thêm ra đây cho
Ông. Có cần gì để Mẹ qua nhà nhắn bố con nhà nó cho.
- Dạ,
con lo đủ rồi. Mẹ cứ lo việc của Bố thôi. Nhà con vẫn chờ Bà dưới kia đấy. Giữa
buổi chiều, có Mẹ ở đây rồi nhà con ghé qua thì chúng con cùng về. Bác sĩ trực
phòng kia rồi, Mẹ cứ về, con sẽ hỏi thêm bác sĩ về việc chăm sóc Bố.
Chị
ra về. Ngoài cửa bệnh viện, anh con rể kiên nhẫn đứng đợi bà nhạc. Thấy Chị, nó
gọi xe taxi cho bà về. "Bà về! Chiều bà vào, bà lại gọi taxi mà đi cho
tiện." Xe chạy, nó mới khởi động chiếc xe máy rẽ đi.
Hôm
nay, thế là Anh nằm trong bệnh viện đến ngày thứ tư rồi. Đêm xuống, Chị nằm
trên chiếc võng xếp kê bên cạnh giường bệnh. Bọn trẻ đã về nhà lúc gần mười giờ
tối, chỉ còn con Lan ở lại trông nom ông với Bà. Nó đang gà gật trên chiếc ghế
nửa nằm nửa ngồi Xuân Hòa phía góc phòng kia. Khuôn mặt giống bố ở đôi mắt sâu
và chiếc cằm chẻ lộ vẻ mệt mỏi. Đã ba đêm nay nó lăn lộn trong này rồi. Trên
giường khuôn mặt người đàn ông chìm giữa mấy chiếc gối mềm trắng toát giờ đã
bật lên chút màu hồng sống động. Song những vết hằn mệt mỏi nơi khóe miệng và
cặp mắt nhắm nghiền cho thấy ông đang khá vất vả để hồi dần trở lại. Bác sĩ cho
biết, phải mất vài ba ngày nữa, khi các phản xạ cơ thể quen thuộc trở lại nhịp
sinh học mới biết chắc rằng người bệnh đã phục hồi hoàn toàn hay chưa. Chợt
khuôn mặt người đàn ông nhăn lại đau đớn. Chị bật dậy lo lắng. Chỉ thoáng giây
sau, khuôn mặt đã thấy giãn ra trở lại. Chắc trong ký ức, Anh vừa trải qua một
cảm xúc không mấy dễ chịu. Thấm chiếc khăn mềm lên vầng trán cho Anh, Chị âu
yếm vuốt ve, vỗ về khuôn mặt thân thuộc. Hơn hai mươi năm làm bạn với nhau, có
lẽ đây là lần đầu tiên Chị phải chăm sóc Anh ốm đau vất vả thế này.
Ký ức
đưa Chị trở về những năm sau chiến tranh gian khó, cuộc sống hòa bình chậm chạp
trở lại trong muôn vàn khó khăn. Nhớ lần sinh con lớn, Anh đưa chị vào bệnh
viện sinh nở chỉ với vỏn vẹn hơn trăm đồng bạc hai tháng lương của hai vợ
chồng. Hai bên nội ngoại đều ở xa, khi Chị vào phòng đẻ, chỉ có mỗi mình Anh
bên cạnh. Người bác sĩ sản khoa vốn là bạn cùng học với Anh "ưu tiên"
cho Anh vào phòng bón vội cho chị nửa bát cháo khi chờ giờ sinh nở. Bốn bà nằm
chờ đẻ, trong đó có Chị đều bất ngờ vì sự ưu ái riêng tư này. Giờ nghĩ lại
chuyện năm nào, Chị vẫn không quên được vẻ mặt ngượng nghịu và vụng về của Anh.
Tay run bần bật bón cháo cho vợ, mặt mũi căng thẳng tái ngắt, mắt nửa nhắm nửa
mở không dám rời miệng bát cháo. Đến nỗi, cô bạn bác sĩ phải gắt lên: "Cứ
bình tĩnh, mấy bà nằm đây không ăn thịt anh đâu mà sợ!". Mấy bà trên các
bàn chung quanh dù đang nằm trong tình thế "tế nhị" cũng không nhịn
được, cười toáng lên. Anh lúng búng, lập bập "Các bà các chị thông cảm,
tôi …" Ấy vậy mà khi được vào phòng đón con từ tay bà đỡ, mắt mồm lại đua
nhau mở hết cỡ. Anh từng sợ Chị sinh khó như cô bạn cùng phòng làm việc, mổ
sinh con xong không chỉ mất sức mà còn mất sữa buộc phải nuôi con bằng sữa
ngoài nửa năm liền. Thời còn bao cấp, chuyện đó còn đáng sợ hơn vạ "mất sổ
gạo". Trông vẻ mặt tươi hơn hớn của Anh, cô bác sĩ còn trêu thêm:
"Trong mấy bà nằm đây, có bà chồng ở xa không về kịp. Hay Anh tiện tay làm
giúp luôn thể. Có vẻ quen việc rồi đấy…". Con ra đời bữa trước, bữa sau
nghe tin báo bão sắp đổ bộ vào đất liền, Anh hối hả chạy lên văn phòng khoa
Sản, kéo bằng được cô bạn ra ngoài hiên ghé tai thì thầm: "Tớ đem vợ tớ
trốn về sớm đây, bão đến…Hải Phòng rồi!""Ý! Không có được liều, bà ấy
còn phải nằm thêm hai ngày nữa theo dõi bội nhiễm đã, không làm ẩu được
đâu". Vậy mà buổi tối, Anh gọi xích lô vào chờ ngoài cổng, nhờ bạn cùng cơ
quan ẵm con bé, rồi cõng Chị len lén ra xe trốn về thật. Về đến nhà được vài
tiếng, cơn bão đổ về ầm ào giữa đêm. Đường phố ngập đến quá đầu gối mấy hôm
liền, hú vía. Bà bạn cùng học mất công lặm lội đến tận nhà thăm khám thuốc men
cho Chị. Dù vẫn cau có vì ông bạn làm liều, bụng vẫn phục "lão" bạn
đến là…khôn.
Đẻ
đến đứa thứ hai, cách đứa trước hai năm thì Chị ít sữa, phải cho ăn thêm sữa
ngoài. Thời đó, mua được ống sữa "Ông Thọ" khó bằng cỡ chạy …chuyển
hộ khẩu. Nào giấy chứng nhận bệnh viện, nào đơn trình bày gia cảnh, nào giấy đề
nghị của tổ chức công đoàn, phụ nữ…có đến cả chục tờ. Lại cũng nhờ cả cô bạn
khoa sản bệnh viện Xanh Pôn nữa mới hàng tháng được mua 4 hộp sữa. Mỗi lần mua,
cửa hàng cung cấp đường sữa lại đóng một cái dấu xác nhận "Đã cấp sữa
tháng…" lên mặt sau giấy khai sinh con bé. Đến nỗi khi đầy năm, mặt sau
tấm giấy không còn hở chỗ trống nào nữa. Khi trưởng thành, con bé đi lấy chồng.
Bịa ra cớ giấy khai sinh mờ không rõ chữ, Anh xin đổi bản chính. Bản cũ, Anh
lồng vào khung kính hai mặt, treo lơ lửng trước bàn phấn của Chị trong phòng
ngủ: "Để ghi dấu một thời oanh liệt". Mấy đứa cháu ngoại trong nhà,
cứ biết đọc biết viết là Ông lại chỉ cho xem "cổ vật thời bao cấp" để
"giáo dục truyền thống".
………
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét