(Tiếp
theo kỳ trước)
……….
Chiếc
taxi chạy chậm lại rồi dừng đỗ. Trên xe bước xuống một già một trẻ. Họ hướng
đến khu công viên gần đấy. Chậm bước tản bộ bên đứa con gái út, Ông suy nghĩ
miên man. Bên cạnh, con Lan khoác nhẹ cườm tay bố thỉnh thoảng đưa chiếc khăn
mềm chấm nhẹ vài giọt mồ hôi lấm tấm trên trán ông. Hôm nay, tính từ bữa ra
viện, thế cũng đã hơn hai tuần rồi. Sức khỏe ông đã khá nhiều, tuy mọi cử động
phản xạ vẫn chậm và ít cảm giác. Hơn một tháng trời qua, cả nhà cứ sôi lên. Ông
nằm viện mấy tuần lễ liền. Bà trông già đi vì lo lắng. Ơn trời, cơn bạo bệnh
cũng bị ngăn chặn kịp trả lại cho cả nhà niềm vui vì mỗi ngày sức ông mỗi khá
lên. Hôm ông ra viện, con cháu tíu ta tíu tít. Đám trẻ con thấy ông trở về hào
hởi, hết dứa nọ đến đứa kia giành nhau sán đến bên ông. Dù chưa hết xanh xao và
mỏi mệt, ông vẫn kéo từng đứa đến bên nựng khéo rồi vỗ về, vuốt ve chúng. Cơn
choáng nhẹ tưởng đã dứt ông ra khỏi cháu con từng có lúc làm ông buồn bã nay không
còn. Con cháu, người thân trong nhà giờ lại quây tụ đủ đầy quanh ông bất kể giờ
nào. Không khí gia đình đầm ấm như liều thuốc bổ lấy lại thần sắc cho ông. Nghĩ
đến những ngày nằm bất động trên giường bệnh, sự trở lại đời sống bình thường
thật quá quý giá.
- Bố
gắng đi thêm vài bước nữa rồi mình ngồi nghỉ trên chiếc ghế đá kia.
Công
viên Thống Nhất giữa buổi sáng mùa thu như một không gian tĩnh giữa chật chội
phố phường Hà Nội. Buổi sáng giữa tuần làm việc nên công viên chỉ có người già
ra ngồi hưởng không khí trong lành. Các con đường chạy bên ngoài công viên vẫn
ào ạt người xe trôi đi. Nhưng dường như, ngồi giữa không gian xanh mát này, mọi
sự ồn ào cũng bị tiết giảm, nhất là ở những góc vườn xa khuất. Đây đó, những
công nhân công ty môi trường lặng lẽ tỉa sén cây cảnh. Trên những chiếc ghế đá
đặt bên các hàng cây và những con đường rải sỏi quanh khu vườn tượng nghệ thuật
với những bức tượng bán thân và những khối đá chạm phù điêu hoặc nổi hoặc chìm,
các cụ ông cụ bà lặng lẽ ngồi bên nhau chuyện trò. Vài người bán hàng rong đi
lại trong công viên, lẳng lặng mời người mua những đồ vặt vãnh. Lá rụng lác đác
trên đường, sắc vàng thu làm không gian như dịu lại.
-
Thưa Bố! Mấy bữa trước, khi bố còn yếu con không dám nói. Hôm nay trông bố khá
nhiều rồi, con kể bố nghe chuyện cô Tuyết nhắn tin hỏi thăm bố. Con và mẹ bàn
nhau rồi nhắn trả lời cô. Con đọc lại tin nhắn trên máy điện thoại bố nghe nhé.
Nghe
đứa con gái thì thào kể lại, Ông mới biết chuyện này. Hai mẹ con nó xử lý việc
như vậy làm Ông đỡ lo. Trước đó, khi tỉnh lại đôi chút sau cơn choáng, Ông chợt
nhớ mình từng hẹn với Tuyết sẽ ghé thăm Bà trên đường đi xuyên Viêt. Việc dở
dang, dù rất mệt song cứ tỉnh được chút chút Ông lại nghĩ đến chuyện Tuyết vô
vọng chờ mình.
- Mẹ
từng nói chuyện với con về tình cảm xưa cũ của Bố với cô Tuyết. Bà có hờn giận
đôi chút, nhưng rồi cũng nhẹ nhõm cho qua vì biết bố và cô ấy từng thương yêu
nhau quá vất vả. Chiến tranh và hoàn cảnh chia xa hai người. Cô Tuyết lại thiệt
thòi quá nhiều. Khi con đọc tin nhắn của cô gửi Bố giữa lúc bố nửa tỉnh nửa mê con
thấy mẹ rưng rưng nước mắt. Mẹ nhắc con nhắn lại cho cô không chỉ để cô biết bố
không đi nữa mà còn dặn con nói khéo để cô không lo nghĩ nhiều. Mẹ thế cũng
tuyệt vời đấy Bố nhỉ?!
Ông
nhẹ cười, rủ rỉ:
-
Tính Mẹ con vẫn vậy. Thật thà, hồn hậu. Có lúc giận vậy đấy, nhưng lại thương
ngay đấy. Bố mừng vì cả mẹ và các con đều hiểu và chia sẻ được với Bố câu
chuyện tế nhị này. Bố càng thương yêu mẹ và các con bao nhiêu thì lại càng thấy
ái ngại cho cô Tuyết bấy nhiêu. Cô ấy thiệt phận đã đành, song không lúc nào cô
ấy không lo nghĩ cho cuộc sống hôn nhân của Bố. Được mẹ và các con nghĩ vậy,
biết vậy chắc cô ấy cũng nhẹ lòng. Bố như người mắc nợ cả hai phía.
-
Thôi mà Bố! Bố đừng nghĩ ngợi nhiều tổn hao sức khỏe. Con nói chuyện này với Bố
là muốn Bố vui, được an ủi khích lệ vì nhận được tình yêu thương của hai người
đàn bà nhân hậu. Dù sao, con cũng xin lỗi Bố vì đã dám can dự vào câu chuyện.
Hôm nay, con chuyển lại cho Bố chiếc điện thoại của Bố mà Mẹ giao con giữ suốt
cả tháng qua. Con mới mở lại liên lạc trên sim từ đêm hôm qua. Thời gian vừa
rồi, chắc có nhiều cuộc liên lạc bị gián đoạn. Nay máy hoạt đông trở lại thế
nào Bố cũng phải hồi đáp đấy. Nhưng Bố hết sức kiềm chế bố nhé. Có trả lời, hay
liên lạc đi đâu thì giữ sức, đừng để bị sốc lại đấy.
Ông
lẳng lặng ngẫm ngợi. Cuộc đời cũng thật kỳ lạ. Quá khứ, hiện tại như hai câu
chuyện lồng vào nhau có hậu. Gia đình là tổ ấm giữa mọi xô chen của cuộc đời.
Song tình thương yêu thì thật vô hạn. Với người này là nguồn sống, với người
khác là giấc mơ. Người có cuộc sống đa chiều yêu thương cũng có hạnh phúc vô
thường. Với người được yêu, được chăm lo như ông, hạnh phúc dường như được nhân
lên gấp nhiều lần.
Chợt
chiếc điện thoại trên tay ông rung nhẹ. Tin nhắn đầu tiên vừa đến. Ông đưa điện
thoại cho con gái: "Con đọc tin giúp bố, bố không mang theo kính."
- Ôi
Bố ơi! Cô Tuyết nhắn Bố này: "Em gọi điện cho Anh hoài mà không có được.
Em lo quá đi thôi, Anh có sao không? Sang tháng Em ra thăm Anh và gia
đình." Bố ơi! Cô Tuyết sẽ ra thăm Bố đấy, nhà mình lại có khách rồi. Lát
nữa về nhà, con báo Mẹ biết Bố nhé.
- Ừ!
Con cứ nói. Bố chắc Mẹ cũng không ngạc nhiên đâu. Cũng đến lúc hai người cần
gặp nhau rồi.
Trời
thu trong vắt. Cơn gió nhẹ lướt qua, mái tóc trắng những sợi bạc của ông rung
nhẹ. Gương mặt bừng lên sắc tinh anh. Đôi mắt nhìn mãi về phía xa, ông khẽ mỉm
cười.
Trên đường về nhà, con Lan chợt thấy
những bước chân của Ông bước chắc chắn hơn. Đầu ngẩng cao, gương mặt bình thản.
Cô biết, ông đang khỏe lại, ít nhất là về sức khỏe tinh thần.
…..
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét