(Tiếp
theo kỳ trước)
……….
Chiếc máy bay Airbus A330-200 VN-A377 của hãng Hàng không Vietnam Airlines giảm độ cao. Trên khoang hành khách phổ thông, Tuyết và con cháu Hồng nhìn nhau. Dưới đất kia là thành phố Hà Nội với lô xô nhà cửa, đường sá. Sân bay Nội Bài đang chuẩn bị đón chuyến bay của họ. Tâm trạng hai dì cháu hết sức phấn chấn. Với con Hồng, từ khi gia đình định cư ở thành phố Hồ Chí Minh đây là chuyến bay thứ hai trở về nơi ba má nó sinh ra chị em nó. Chuyến trước vào đầu những năm chín mươi thế kỷ trước, cả nhà cùng dì Tuyết bay ra Hà Nội rồi về quê chịu tang bà ngoại. Các cậu, dì trong nhà đón họ trong nước mắt. Cả nhà không được chứng kiến giây phút Bà trút hơi thở cuối cùng. Nhưng bù lại, vừa kịp dự lễ khâm liệm Bà. Khi đó, con Hồng mới vừa tốt nghiệp Đại học. Chị Thanh nó mới vừa xây dựng gia đình. Chuyến về quê, cũng là chuyến anh rể vốn gốc quê Tiền Giang biết quê ngoại. Khung cảnh làng quê những năm đó còn khốn khó lắm. Cuộc sống ở quê kham khổ, thiếu thốn đủ thứ. Ba má cứ sụt sùi tiếc nuối vì mới cách đó chừng hơn ba năm, trên đường ra công tác phía Bắc trở vào đã đón được ngoại vào chơi đến vài ba tháng. Song rốt cuộc, cả nhà không thể giữ được Bà ở trong đó lâu hơn. Bà một mực đòi về, và lý do thật đơn giản: "Thế Bà sống trong này với các anh các chị, lấy ai hương khói thờ phụng ông ngoài đó. Thôi để Bà về, có bề gì Bà còn được nằm xuống cạnh ông!". Rồi cả nhà cũng phải chiều Bà, để Bà ra. Lần đó, Bà ra Bắc với Cậu Hai. Mới đó, mà đã hơn chục năm có lẻ rồi. Chuyến này hai dì cháu ra, định sẽ về quê nữa để bàn với Cậu Hai xây mộ cho cả hai ông bà và cùng họ tộc tôn tạo nhà thờ họ vào năm tới. Dù trong bụng nôn nao việc gặp cả nhà Anh, nhìn vẻ mặt háo hức của con cháu Chị cũng thấy vui theo. Bụng bảo dạ: "Mình ra thăm người ốm, có chi mà ngại!" nhưng cảm giác chộn rộn không thể ghìm xuống được. Những người sống bên Anh sẽ đón mình với thái độ thế nào nhỉ?!
Sau hơn hai mươi phút làm thủ tục nhận
lại hành lý và tiếp nhận phiếu hẹn làm thủ tục khứ hồi tại khu vực dịch vụ, hai
dì cháu theo dòng khách ra cửa. Sân ga Hàng không Nội Bài mới được cải tạo lại,
sang trọng và tiện nghi gấp nhiều lần những năm chín mươi của thế kỷ trước.
Trước đường dẫn cửa ga, họ lên chiếc taxi Hàng không đi vào thành phố. Đường từ
sân bay Nội Bài vào trung tâm thành phố rộng rãi, êm ả giữa trời thu. Giờ mới
hơn tám giờ sáng. Qua cầu Thăng Long, xe chạy qua Đông Ngạc, Xuân Đỉnh. Mơ hồ
đâu đó những địa danh Xuân La, Nhật Tân ùa về. Chị lại nghe tim mình đập mạnh.
Mới đó thôi, mà đã gần bốn chục năm rồi. Hà Nội giờ mở rộng ra tứ phía, nhà cửa
san sát. Trên đường, người xe đông nghịt. Đây đó những khối nhà cao tầng chót
vót, nhiều khu vực còn ngổn ngang những công trường tất bật.
Chiếc xe Taxi bỏ con đường Láng dài dặc
hướng đến khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính rồi dừng đỗ trước khối nhà đồ sộ
mười mấy tầng. Lái xe từ tốn xách hành lý đưa hai dì cháu vào tầng trệt, tới
cửa cầu thang máy và nhấn chọn nút số 7. Khi cửa thang máy mở ra, cậu ta lễ
phép chào khách rồi quay ra. Sau tiếng rung nhẹ chiếc thang máy đưa họ lên cao
để rồi bước ra cửa gặp không gian rộng rãi của sảnh tầng Bảy. Kia rồi, phòng
44/7 phía góc phải phía bắc. Con Hồng nhấn nút chuông cửa. Cánh cửa gỗ nâu bóng
nhẹ mở, một cô gái trẻ tầm ngoài ba mươi tuổi đứng đó, miệng nhỏ nhẹ:
"Cháu chào cô, cô hỏi nhà…?" "Vâng, cho chúng tôi hỏi thăm, đây
có phải nhà riêng ông Nguyến Đức Trung, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Thông tin
Hà Nội?"
- Vâng! Cô hỏi đúng nhà Bố cháu rồi ạ. Cô
cho phép cháu hỏi có phải Cô là cô Tuyết, bạn Bố cháu không ạ?!
- Ừ! Cô đây, cô từ Sài Gòn ra thăm Bố
cháu.
Khuôn mặt cô gái bừng sáng, nét hồ hởi
rạng rỡ:
- Con xin chào Cô! Bố mẹ cháu trông mong
cô mấy ngày nay rồi. Cháu mời Cô, em mời Chị vào nhà ạ! Bố Mẹ ơi, cô Tuyết tới
rồi này.
Bước qua cánh cửa, hai dì cháu bất ngờ
nhận thấy quanh chiếc bàn rộng kê giữa căn phòng - có lẽ là không gian sinh
hoạt chung - không phải một hai mà có tới sáu bảy người, cả người lớn và trẻ
nhỏ ngồi đó. Giữa họ, Anh đang nở nụ cười. Chị chợt nghẹn lời:
- Anh! Trông Anh còn yếu quá….
- Dung em, cô Tuyết đấy. Đi cùng cô là
cháu Hồng, cháu gọi cô Tuyết là Dì ruột. Sao nào, hai dì cháu đi đường có mệt
không? Tuyết ơi, để Anh giới thiệu với Tuyết…
Người đàn bà dáng đậm đạp tóc điểm bạc
ngồi bên Anh bước tới với nụ cười dịu dàng trên môi:
- Chị Tuyết! Chị không khác mấy so với
hình dung của Em. Em kém Chị tới năm tuổi, cho em xưng hô thế cho tiện Chị nhé.
Cám ơn Chị với cháu, đường xa vất vả thế này. Anh Trung từ hôm biết tin Chị ra,
cứ đứng ngồi không yên. Mấy đứa quanh đây là cháu Hường, cháu Lan và chồng con
của chúng nó. Mấy cháu Bà đã chào Bà Tuyết, chào Bác Hồng chưa nào?
- Con chào Bà! Con chào Bà. Con chào Bác.
- Chúng cháu chào Cô, chúng em chào Chị…
Bỗng chốc, Chị thấy như mình đứng giữa
những người thân. Mắt nhòa lệ, Chị cứ để mặc những dòng nước mắt tuôn rơi.
- Xin lỗi mọi người vì…mau nước mắt quá.
Cám ơn cả nhà, giờ hãy cho tôi được coi cả nhà như gia đình mình nào.
Con Hồng cứ tròn mắt, há miệng đứng sững.
Nó không nghĩ đến cảnh huống này bao giờ. Nó cứ tưởng hai người đàn bà bên
người đàn ông kia sẽ khó xử với nhau hoặc chí ít cũng gượng gạo chứ đâu có mau
hòa nhập đến thế. Cái lo cả tháng nay, tưởng phải làm "vệ sĩ bất đắc
dĩ" cho bà dì bỗng tan biến. Thấy dì khóc ròng, nó cũng nước mắt ngắn nước
mắt dài.
- Kìa Chị! Chị khóc thế Em lại cũng khóc
theo bây giờ. Anh Trung, Anh nói gì đi chứ!
Cả Anh, Anh cũng không tin rằng cảnh mình
đang thấy lại xúc động đến thế. Trước tình thế đột nhiên trầm xuống, con Lan
vội sán lại bên Bố, hai tay ôm vai Bố bóp nhẹ: "Bố ơi! Bố bình tĩnh! đừng
xúc động quá"
Nhìn về phía Mẹ, nó biết mẹ cũng bất ngờ
vì không ngờ sự gần gặn lại gạt nhanh ra khỏi bà nỗi ẩn ức khó chịu của người
vợ giáp mặt người tình cũ của chồng mình như thế. Nó thầm cảm ơn Mẹ, cảm ơn cô
Tuyết đã đứng bên Bố một cách thật lòng, đúng với cương vị của từng người.
Người đàn ông mà họ cùng yêu cần cả hai trên cuộc đời này. Điều quý giá bậc
nhất là sinh mạng của ông trước cú ngã bệnh chí tử cùng lúc có cả hai vòng tay
của hai người phụ nữ nâng lên. Họ là cuộc đời của ông, không thể nói khác, nghĩ
khác được.
- Tuyết! Dung! Anh cám ơn các Em, Bố cám
ơn các con, cám ơn cháu Hồng. Làm sao tôi có thể rời xa ngần này con người, với
từng ấy trái tim nhân hậu được kia chứ?! Sinh lão bệnh tử. Cổ nhân từng đúc kết
cuộc đời mỗi con người phải trải qua chừng ấy cung đường. Nhưng các cụ chắc còn
muốn thêm một chữ "Tình" nữa vào đó thì tôi mới được sống giữa những
người thân như thế này, có phải không nào!.
- Anh. Anh còn mệt, đừng nói nhiều. Mà
Hồng kìa, con quên biếu quà Chú Trung, cô Dung và các em các cháu rồi!
…..
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét