NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 8


(Tiếp theo kỳ trước)
          …..

       Hơn bốn tháng sau đó, Anh có mặt tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện huyện Đan Phượng. Những y bác sĩ trong khoa thân mật chào đón Anh, người bệnh nhân cũ của họ, người bạn trai của đồng nghiệp ngày nào. Mọi người vui đó mà lại bối rối ngay đó. Họ không thể tưởng tượng ra rằng, Anh không hề biết cô Tuyết bác sĩ gây mê hồi sức đã chuyển khỏi bệnh viện. Họ cứ nghĩ rằng, Anh ghé qua để nhắn giúp Tuyết việc gì. Phải khó khăn lắm, cô Nhung y sĩ mới nói được rằng: "Em tưởng Anh biết việc Tuyết nó chuyển ngành sang bên quân đội rồi chứ. Thế Anh không biết gì thật sao?" Thế ra là Tuyết đã chuyển về quân y viện binh chủng tăng thiết giáp nơi chị gái công tác. Đơn vị Chị cùng bộ tư lệnh quân chủng nơi anh rể làm trợ lý tư lệnh trưởng sau khi tiếp cận công việc tại quân khu Bốn đã được Bộ tổng điều sang giúp các bạn Lào xây dựng hậu cứ Xa-va-na-khet cho quân đội giải phóng nhân dân Lào. Chị Nguyệt, Phó giám đốc bệnh viện, chị Lan trưởng khoa Ngoại có chồng công tác bên quân đội dù không được biết chi tiết cũng đều xác nhận thông tin này. Các chị cũng bất ngờ vì Tuyết và Anh không gặp nhau được bữa nào kể từ sau ngày Tuyết chuyển ngành. Nhẹ nhàng an ủi Anh, các chị đều cho rằng khi ổn định  công việc, thế nào Tuyết cũng thư cho Anh biết tình hình. So với mặt trận phía Nam, thư từ gửi về Việt Nam từ chiến trường C thuận lợi hơn. "Thế nào rồi Tuyết nó cũng viết thư về cho chú. Chịu khó chờ một chút!" Chị Nguyệt nhỏ nhẹ an ủi anh, song đôi mắt chợt nhìn đi thật xa, trống vắng. Chị biết, nói vậy cũng chỉ để an ủi thôi, chị nào có thể giúp gì cho chàng trai này được hơn thế. 

       Rời bệnh viện đạp xe về Hà Nội, Anh chầm chậm ngắm nhìn những đoạn đường, những địa điểm hai đứa từng đặt chân và ghi dấu tình yêu của họ ngày nào. Đâu đó như gần lắm, những kỷ niệm gắn bó hai trái tim khao khát yêu thương từng vượt mọi trở ngại để đến với nhau. Vẫn còn đó, từng khúc đường quanh, từng chặng nghỉ khi đêm, khi ngày có nhau. Ngày mùa hè nắng nóng, đêm mùa đông giá lạnh, nơi đâu cũng gợi nhớ đến hương vị dịu dàng của bờ môi mềm ấm, những vòng tay siết chặt của tình yêu đầu đời. Họ đã yêu nhau mà không hề nghĩ rằng, có lúc lại mất dấu nhau vô lý đến thế. Trong vô vàn niềm yêu thương, lẫn đâu đó một chút nỗi thất vọng trách cứ, Anh vẫn một mực tin rằng, không lẽ cuộc tình của họ chỉ có được đến vậy, chịu dừng bước đột ngột giữa đời vậy sao? Cửa ga Hàng Cỏ kia, nơi mấy tháng trước Anh đã kịp đến đúng lúc, đúng chỗ, đáp ứng đúng những gì Chị cần mà không hề nhận được một lời chào chia biệt, một lời giải thích, một thoáng chờ mong hy vọng gặp nhau sau này. Chỉ còn lại nỗi xót xa, buồn nhớ và niềm tin mỏng manh mơ hồ, biết đâu… Chiến tranh, những chia xa, nỗi chờ đợi. Những người như Anh, những cặp đôi như họ giữa cuộc đời này không biết có nhiều không?
       Những năm tháng sau đó thật nặng nề. Ngày lại ngày qua đi trong tiếc nuối, chờ đợi. Không, không có bất cứ tin tức nào về Chị đến được với Anh. Tưởng chừng như dòng chảy cuộc sống đã cuốn phăng mất tất cả dấu vết yêu thương ngày nào. Không có Chị, không còn những ngày tháng yêu thương, không có những đêm trường thủ thỉ, không còn nỗi háo hức thân xác đêm nào giữa mùa đông giá lạnh trên đất Nhật Tân…Anh đi lại những dặm đường mải miết, nhìn lại những dấu mốc tên làng tên người. Và đắng đót chờ đợi bằng niềm hy vọng rằng, rồi một ngày nào đó…
       Đêm đêm, trước ngọn đèn mờ vàng Anh thường lần giở từng trang nhật ký nhắc nhớ đến những kỷ niệm yêu đương mà không làm sao vơi nhẹ được nỗi buồn. Cái buồn thấm qua từng ngày, hành hạ Anh hàng đêm tưởng muốn gào thét lên cho nhẹ lòng. Giữa bao sự kiện, sự hối thúc công việc và tâm trạng thiếu vắng làm Anh tưởng như mình bơi đi vô định mộng du giữa đời thường. Thi thoảng, những chuyến công tác qua lại giữa Phủ Lý - Hà Nội - Bắc Ninh gặp những mốc dấu kỷ niệm đôi lứa lòng lại càng xót đau. Anh như người một mình cắn răng chịu nỗi nhức nhối rứt xé của chính tâm trạng yêu thương không thành của mình. Bạn bè, đồng nghiệp gia đình hàng ngày chứng kiến Anh lặng lẽ chống chọi với sự mất mát. Họ biết, Anh phải tự mình vượt qua sự đổ vỡ tình cảm. Họ cũng không biết làm gì để giúp Anh. Có lẽ, may ra chỉ có thời gian mới làm được việc cần làm. Sự nguôi ngoai cũng như nỗi háo hức yêu đương đều cần đến thời gian cả.
       Đây nữa, lại là một trang viết dài. Anh đọc như nuốt vào lòng những dòng chữ tưởng chừng còn ướt nét mực…
       "Ngày…..
       Mình vừa từ chỗ Em về hồi chiều. Mới hôm trước còn háo hức đạp xe ngót sáu mươi cây số, để được sống bên Em những…mười bốn tiếng đồng hồ. Hai đứa gặp nhau chỗ cũ như đã hẹn, cửa ga Hàng Cỏ. Cũng không phải chờ đợi Em quá lâu, chỉ gần một tiếng đồng hồ. Buổi sáng, Em có tên trong kíp mổ ruột thừa cho một bệnh nhân nhi. Ca mổ không có gì đặc biệt, việc gây mê cho bệnh nhân cũng thuận lợi không có biểu hiện ảnh hưởng xấu đến hô hấp. Xong ca mổ hơn ba tiếng đồng hồ, bàn giao cho kíp trực hồi sức rồi Em nhờ cô Nhung đưa tới bến xe tuyến lên xe ra Hà Nội ngay. Ấy vậy mà vẫn …muộn giờ hẹn. Nhìn Em ngỏn nghẻn cười chịu lỗi, mình không nỡ trách câu nào. Chỉ đến khi ngồi sau đèo hàng chiếc "Phượng hoàng…chiến" của mình, cả hai mới nói thật với nhau rằng trong bụng chưa có thứ gì gọi là…tráng ruột cả. Đổ bộ vào một quán bún cá bên đường, hai đứa vừa ăn vừa hỏi nhau định đi đến đâu và bao giờ phải về. Hỏi cho có thôi chứ hẵng cứ "lang thang cơ nhỡ" đã, hạn chót trưa mai "hồi hương". Mình hỏi vui: "Xin cô một quẻ xuất hành hướng nào đây?!" "Hai tháng trước đi Sơn Tây rồi, tháng này đi ngược lại- phía đông!"
       Thế là hành phương Đông. Qua cầu Long Biên, cứ đường Năm hành tiến. Đi được gần hai chục cây số, hai đứa theo đường Khuyến Lương quay về Hà Nội. Triền đê lộng gió, mình cứ thế chậm rãi đạp xe. Ngồi phía sau, Em kể chuyện có bữa khu nhà tập thể y bác sĩ sập trần giữa đêm, may mà là trần cót làm cả lũ con gái được phen mất hồn. Rồi nhà Anh Cương, Chị Loan sinh thêm con Hồng tháng trước. Hộ sinh viên đưa hai mẹ con về phòng, con bé khóc một hồi rồi mở mắt thao láo nghe tiếng Bố thở dài: "Lại Thị Mẹt. Nhớn lên cho đi bán bánh đúc mắm tôm!" Hai Bác khát con trai lắm, để con Thanh lớn đến gần năm tuổi mới tính thêm đứa nữa, vậy nhưng lại…"đái ngồi". Chuyện lúc ào ào, lúc thủ thỉ vậy mà qua phà trời cũng sập tối. Lại rúc quán, không bún nữa mà gọi cơm ăn. Cơm rau dền luộc chấm mắm cáy. Cá mương kho khô, đậu ván xào "không độn gì" chấm…hết. Ăn xong trời tối thui, chiếc đồng hồ Slava trên cổ tay Em chỉ hơn tám giờ rưỡi. Lên xe đạp tiếp không để ý gì cả, Em cứ ngả đầu lên lưng mình rủ rỉ. Hỏi: "Thế mình định yêu nhau đến… đường đất nào thì cưới được đây?!" Em cười khẽ: "Thế cứ yêu đã không được sao?". Ừ, liệu đã cưới được chưa nhỉ, và còn phải làm những gì mới cưới được đây! Đang yên đang lành, chợt trời đổ cơn mưa lớn đến rát mặt. Cứ bảo nhau đạp cố để tìm chỗ tránh, rốt cuộc ướt như "chuột lột". Nơi trú mưa là một điếm canh đê bên đường. Không phải mùa lũ lụt nên điếm trống không. Em nhanh nhảu chạy ra sau điếm, ngắt được hai tàu lá chuối. Lục túi lấy ra một bọc ga gạc bệnh viện, Em lau qua rồi rải xuống bệ xi măng ngồi tạm. Chợt Em ghé tai nói nhỏ: "Thế này thì rồi ốm chết. Anh ra đứng góc kia vắt cố cho ráo bớt quần áo đi. Xong rồi đến lượt Em. Cấm nhìn trộm đấy!". Giời ạ, trời đất tối thui mặt mũi hình dáng chẳng còn nhìn rõ mà còn…"điệu". Ấy thế mà rồi cũng ổn. Lần túi lượt nữa, Em lôi đâu ra được một bao diêm, lại còn được bọc kỹ trong mấy lớp giấy chống ẩm nữa. Quả là dân bệnh viện thật, "tính đủ nước" cho mọi tình huống. Hai đứa vơ vội ít cỏ khô, rơm rạ chiếu rách góc điếm khơi lên được một góc lửa bập bùng. Ôm nhau cho đỡ lạnh, ngồi hơn tiếng đồng hồ thì quần áo đủ khô. Gật gù lúc ngủ lúc thức, gần sáng bừng dậy đám lửa chỉ còn tro ấm. Hú vía…."
       Những dòng chữ quen thuộc nhập nhòa trước mắt. Mới đó thôi mà hơn một năm đã trôi nhanh từ bữa dầm mưa đốt cỏ, hong người chơi đêm hôm nào. Bây giờ thì Tuyết đang ở đâu hả Em? Em có nhớ những kỷ niệm yêu thương của hai đứa mình không? Có còn nhớ những khoảnh khắc run rẩy ái ân nơi nào?... Gấp những trang nhật ký còn nóng chuyện lứa đôi, Anh nghe rõ tiếng đập khó nhọc của con tim trĩu nặng nỗi buồn của mình. Ngoài kia, phía ga Phủ Lý, tiếng còi tàu kéo dài vắt ngang đêm. Đã gần ba giờ sáng, giờ này ngoài ga chỉ có những chuyến tàu hàng nặng nề chuyển bánh. Những đoàn tàu, những con đường và những chuyến đi xa…
       Cuộc sống cứ chầm chậm trôi đi như thách đố. Vẫn bằn bặt tin tức, vẫn hàng đêm sống một mình với những trang chữ kể lại mối tình đẹp đẽ sâu nặng, mà lại cũng dằn vặt gặm nhấm trái tim thương tổn bởi yêu đương mỗi ngày. Tháng ngày cứ hờ hững trước mọi nỗi niềm thân phận, Anh mang nỗi u uất kiếm tìm của mình chất dày lên những đêm ngủ không tròn giấc. Mỗi dịp công tác, về thăm bố mẹ quê quán Anh lại bớt dừng nghỉ, ngẫm ngợi trước những cung đường in dấu cặp đôi quen thuộc. Kể cả Hà Nội, cứ có điều kiện là Anh tránh, tránh để không đối mặt với những kỷ niệm đau buồn. Anh đang cố quên đi từng năm tháng xưa cũ, song cũng đâu dễ dàng gì. Đâu đó, lúc trên đường khi ngoài phố bất chợt một vài bóng dáng mềm mại lướt qua mang lại ảo giác về người con gái thân yêu lại làm Anh bồi hồi, thổn thức. Đêm xuống, giữa giấc ngủ mê mệt những giấc mơ đẹp có hoảng loạn có cứ quấy rầy đêm dài. Anh chỉ biết trân mình chịu đựng. Niềm vui thì ít, nỗi buồn thì nhiều.    Tuổi tác thêm lên, Anh đếm nỗi chia xa của mình bằng năm tháng và tự nhủ rằng, hãy cứ xem mọi thứ từng nếm trải với tình yêu năm nào mãi mãi là giấc mơ đẹp. Quá đẹp nhưng cũng quá đớn đau, xa xót.
       …..
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: