(Tiếp
theo kỳ trước)
…..
Cửa ga Hàng Cỏ hôm nay bỗng trông sao
thật bất thường. Mọi khi, giữa trưa vắng con phố mặt ga đâu có nhiều người xe
đến vậy. Xe đến, xe đi cứ nườm nượp, lượng người đổ xuống toàn là bộ đội, thanh
niên xung phong. Cũng có cả người mặc quần áo dân sự, nhưng không nhiều bằng.
Cửa ga trông to là vậy, nay chỉ mở một phần, cứ nuốt vào được một khối người,
lại đóng chặt lại. Cứ theo lịch trình bình thường thì giờ này, không có chuyến
tàu khách nào đi, về. Chỉ có tàu hàng và tàu công vụ. Không khí có vẻ căng
căng. Đứng bên hè đường Nam Bộ phía đối diện, Anh cứ nhớn nhác tìm kiếm. Không
thấy bóng Chị đâu. Cả tiếng đồng hồ đã trôi qua, bụng đã thấy bồn chồn bần
thần. Trong túi, bức điện khẩn của Chị nằm đó, chỉ vỏn vẹn mấy chữ: "Em
muốn gặp Anh gấp, rất gấp. Đợi Em ở cửa ga Hàng Cỏ lúc một giờ chiều, ngày….ở
chỗ cũ" Giữa không khí khẩn trương của người, xe, quân nhân với ngổn ngang
quân trang, quân dụng trước mặt, Anh càng thấy sốt ruột. Chuyện gì mà Chị điện
cho Anh lên đây?! Ra đến Phủ Lý lúc sáng sớm để gửi xe đạp lên tàu, chuyến tàu
khách hơn tám giờ sáng ậm ạch mãi mới đưa Anh về tới Hà Nội. Y hẹn, Anh có mặt
ở chỗ này từ lúc hơn 11 giờ trưa.
Lúc này đã gần một giờ chiều rồi. Chờ mãi mà
không thấy bóng Chị đâu. Biết rằng giữa cả đám người đông đúc và ồn ã này nhận
được ra Chị đâu có dễ, nhưng Anh tin ở vị trí quan sát của mình. Địa điểm
thường được chọn khi có hẹn gặp nhau của họ sau lần vào cơ quan Chị bị ngăn cản
là bậc cấp ngay giữa cửa bán vé, nơi chiếu thẳng đứng chiếc đồng hồ lớn treo
trên mặt ga. Vỉa hè đối diện điểm hẹn như một vị trí đắc địa được Anh chọn để
đứng đó chờ. Từ chỗ này, bất cứ Chị xuất hiện ở đâu trong bán kính một trăm mét
trước mặt là Anh phát hiện ra ngay. Vậy mà hàng tiếng đồng hồ trôi qua, không
thấy bóng dáng quen thuộc của Chị đâu cả. Mà sao hôm nay có việc gì mà bộ đội
tập kết vào ga nhiều thế vậy không biết. Chắc có đơn vị quân đội nào chuyển
quân rồi. Giữa những chuyến xe tải quân sự chất đầy quân nhân, thi thoảng lại
thấy những chiếc Com-măng-ca chở cán bộ, sĩ quan chạy tới chạy lui, đổ xuống
cửa ga những vóc dáng vội vã, vai đeo sà cột, dây lưng trễ nặng cây súng ngắn
trong bao da nâu bóng. Vừa qua Tết âm lịch xong, dưới bầu trời nặng màu chì cái
rét tháng ba miết vào không gian hơi lạnh thấu xương. Hà Nội vừa trải qua những
tháng ngày đau thương của 12 ngày đêm chiến đấu chống máy bay B52 của Mỹ. Bầu
không khí đau thương hôm nào của trận bom B52 dội xuống khu phố Khâm Thiên vẫn
còn đâu đó. Ngày 27/1/1973 vừa qua, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari lập
lại hoà bình tại Việt Nam. Chiến tranh phá hoại miền Bắc không còn nữa, nhưng
chiến cuộc miền Nam lại mở ra những cơ hội mới. Mới qua một hai tháng đầu năm mà chiến sự phía Nam đã lại mỗi ngày một
căng lên. Chiến dịch đông xuân 1973 đang làm nóng dần không khí trông đợi những
trận đánh lớn từ chiến trường. Các đợt tuyển quân rầm rộ, hàng lớp hàng lớp tân
binh lên đường ra mặt trận. Cán bộ, viên chức nhà nước cũng có người lên đường
tham gia vào cuộc chiến. Người thì tái ngũ, người theo các đoàn cán bộ dân sự
đi phục vụ chiến trường. Cơ quan Anh cũng có một vài người đã có lệnh triệu tập
phục vụ quân đội. Gia đình do đã có người gia nhập lực lượng vũ trang, có người
đã là liệt sĩ nên Anh không thuộc diện động viên. Bất chợt, giữa đám đông quân
nhân, Anh thấy có bóng dáng mấy chị trung tuổi, kèm vài cháu bé đứng đâu đó chờ
vào ga. Anh chợt hiểu ra, không chỉ quân nhân mà có cả gia đình họ chuyển theo.
Đã quá hai giờ rồi mà không thấy Chị đâu. Linh tính mách bảo có điều gì đó rất
hệ trọng trong bức điện của Chị. Tín hiệu khẩn cấp mà Chị nhắn cho Anh qua bức
điện chắc có điều gì đó liên quan đến đám quân nhân và gia đình họ trên sân ga
kia. Gần nửa năm rồi sau đêm nghỉ ở làng hoa Nhật Tân, họ chưa gặp lại nhau lần
nào. Thư từ không có, Anh lại bận việc cùng cơ quan chuyển địa điểm từ nơi sơ
tán trở về thị xã Phủ Lý nên chưa có lúc nào hẹn gặp được Chị. Anh nhào vội lên
chiếc xe đạp quen thuộc, lao đi. Anh biết cách làm thế nào để lọt vào trong sân
ga rồi.
- Thằng quỷ con, mày lên Hà Nội khi nào
mà vội vội vàng vàng thế.
- Mày cho tao và nhà đã nào. Tao có việc
rất gấp cần đến sự hỗ trợ của mày.
- Chuyện gì mà ồn ào vậy. May hôm nay tao
có việc cơ quan giao làm trong nội thành mày mới gặp được thế này đấy.
- Chuyện đâu để đó đã, mày mở cho tao cái
cửa sau kia cho tao chui vào đầu ghi đã được không? Có việc rất gấp, xong tao
sẽ nói chuyện với mày.
- Ê, xấu vậy! Định trốn vé tàu như hồi
sinh viên hả?! Đi làm rồi, thiếu tiền sao mà trốn vé thế.
- Thằng khỉ! tao vội lắm. Cho tao vào ga
đã. Mau lên nào, chuyện sau.
Ngôi nhà người bạn trong khu nhà mái giấy
dầu đầu ghi nhà ga phía góc phố giữa đường Nam Bộ - Khâm Thiên hóa ra lại được
việc. Chẳng mấy khó khăn, giờ thì Anh đã ở trong ga rồi. Sân ga đầy người ăn
mặc dân sự. Giữa cả chục đường ray ngổn ngang, có đến hai ba đoàn tàu dừng đỗ.
Song chưa đoàn nào có đầu tàu nối vào cả. Có một đoàn tàu khách, một hai đoàn tàu hàng với dãy dài toa đĩa trên mỗi
toa chất ngất nào pháo phòng không, nào xe tăng, thiết giáp…phủ bạt ngụy trang.
Anh rảo chân bước theo đường ke dọc đoàn tàu khách. Trên đó chứa đầy quân nhân,
dưới đường ke còn ngổn ngang ba lô, hòm xiếng. Ngước nhìn lên các cửa sổ toa
xe, chỉ thấy kín người là người. Không có mấy khuôn mặt ngó ra cửa toa xe. Dưới
sân, còn nhiều người kẻ đứng, người ngồi chờ đến lượt gọi lên toa. Tiếng nói,
gọi, xướng tên ồn ã lao xao. Anh cứ đi xuôi rồi đi ngược, sang hết phía bên này
rồi bên kia đoàn tàu tìm kiếm. Chẳng có ai để ý đến Anh, mà Anh cũng chẳng tìm
được Chị ở đó. Với chiếc mũ lá trên đầu, bộ quần áo thường dân len lỏi trong
đám người dưới sân ga, trông Anh na ná mấy nhân viên hỏa xa khiến không làm ai
chú ý đến Anh. Đi lên, đi xuống, hết ngược lại xuôi trên đường ke. Vô vọng. Anh
biết mình không thể gặp được người cần gặp ở đây, dù trong thâm tâm, linh tính
mách bảo Anh rằng, Chị đang có mặt trong đám người tất bật khẩn trương này. Có
tiếng còi tàu hú ngắn. Đoàn tàu khách đã được mắc đầu máy lịch kịch dồn toa.
Sân ga đã vắng bớt người từ lúc nào. Có hai đoàn tàu đang dồn dịch. Một hồi còi
dài thảng thốt, đoàn tàu khách ở đường ray số bốn chuyển bánh. Từ trên đường
ke, Anh nhìn với lên. Vẫn những bóng áo quân phục chầm chậm lướt qua. Đoàn tàu
hàng còn lại cũng cựa quậy chuyển mình. Sau chiếc vừa chạy, đoàn tàu này rồi
cũng sẽ chuyển bánh cùng hướng. Chưa khi nào, việc chuyển vận đường sắt lại tấp
nập như vậy. Trên sân ga, vẫn còn nhiều người. Song họ đều là nhân viên và công
nhân đường sắt. Ngơ ngác, bần thần Anh đứng chôn chân giữa những đường ke,
đường ray câm lặng nhìn theo đoàn tàu mỗi lúc mỗi rời xa sân ga. Lờ mờ cảm nhận
như mình vừa đánh mất thứ gì hết sức thân thiết.
Chị chợt thoáng nhìn thấy Anh dưới đường
ke khi đoàn tàu lướt qua. Giữa bộn bề người đứng, kẻ ngồi loay hoay trên toa,
Chị không nhoài người ra được cửa sổ toa xe. Hai đứa cháu nhỏ và bà chị bên
cạnh chắn hết cả tầm nhìn, khoảng trống phía cửa sổ. Chị vô vọng nhìn xuống
đường ke lần nữa. Bóng Anh đã khuất dạng. Đến cả gọi tên Anh cũng không kịp
nữa. Chợt bưng vội lấy khuôn mặt. Chị nức nở khóc. "Cái con này, sao bỗng
dưng khóc vậy?" Tiếng chị gái bật gắt lên ngay cạnh giữa tiếng ồn ào va
chạm của sắt thép dưới đường. Chị đang rời Hà Nội đi xa. Úp vội chiếc khăn tay
lên mặt, Chị cứ thế âm thầm khóc lòng dạ rối bời. Chị đã tưởng có thể kịp gặp
Anh mà không được. Chiếc xe con U-Oat chở Chị, hai vợ chồng người Chị gái và
hai đứa cháu chỉ vừa xịch tới cửa ga thì đã nhập vào đội hình đơn vị để vào ga.
Chuyện này Chị không hề nghĩ tới khi điện cho Anh lên gặp. Mọi sự cứ rối lên
chỉ trong vòng ba bốn tuần lễ vừa qua. Bộ tư lệnh tăng thiết giáp có lệnh điều
chuyển đơn vị của Anh rể vào cơ số Bộ tư lệnh quân khu Bốn. Chị gái thuộc phiên
chế Bệnh viện quân y trực thuộc quân khu. Họ đem theo hai con đến nơi công tác
mới. Chỉ sau một cuộc vận động ngắn gọn, nhanh chóng gia đình người chị gái lo
được thủ tục điều động của quân đội để Chị chuyển từ cơ quan dân sự sang Bộ
quốc phòng. Nơi họ đến cũng là nơi Chị chuyển ngành. Nơi Chị về nhận công tác là
bệnh viện quân y của chị gái. Chị không dám trái lời. Bố mẹ đã gửi gắm Chị cho
gia đình người chị gái từ ngày rời quê hương đi ra học nghề ngoài quân khu Ba.
Họ đi đâu, Chị theo đó. Chị lặng im làm theo ý gia đình, không dám trái lời.
Tình yêu của Chị và Anh nằm ngoài biến cố này. Họ đã yêu nhau, đã trao thân xác
cho nhau song không làm chủ được con đường tiếp theo. Đêm ân ái đầu tiên hôm
nào trên đất hoa Nhật Tân để lại một mầm sống nhỏ nhoi. Song thật bất hạnh, cái
thai hơn ba tuần tuổi không chịu ở lại với Chị. Chị sảy thai bất ngờ không hề
có triệu chứng báo trước. Quá đau khổ, Chị âm thầm vượt qua cảm giác mất mát,
đau đớn cả thể chất và tinh thần một mình. Cơ quan, bạn bè không ai biết, Chị
nằm ốm hai tuần liền mới đi làm được hơn tháng thì việc chuyển ngành vào quân
đội bất ngờ làm thay đổi tất cả. Chị bịn rịn chia tay cơ quan, bạn bè về Sơn
Tây cùng gia đình chị gái được gần một tháng nữa thì đột ngột có lệnh chuyển
quân. Không kịp làm gì cả, chỉ biết điện khẩn để mong gặp được Anh lần cuối.
Vậy mà…Chị định khi ổn định công tác, Chị sẽ viết thư nói hết mọi chuyện với
Anh. Tình yêu của họ vẫn còn, nhưng việc sống gần bên nhau đã không còn được
như mơ ước. Chị chợt thấy mình đã xử sự đúng khi kìm lòng mình ý định báo việc
có thai cho Anh biết. Chị sẽ giữ riêng cho mình việc này, vì việc sảy mất cái
thai đã xảy ra rồi. Trong tiếng ồn ào của sắt thép đường ray, đoàn tàu lao đi
mỗi lúc một nhanh. Thế là hết, tình yêu của Chị lùi mãi về phía sau. Tương lai
phía trước bất định. Biết đến khi nào họ lại gặp nhau được?!.
Câm lặng bước trở lại cánh cửa sau nhà
thằng bạn đầu ghi, Anh chợt thấy mình thật cô đơn. Mặc thằng bạn ngỡ ngàng đần
mặt chờ, Anh chỉ nói vội: "Mày thông cảm cho tao, tao có chuyện vội lắm.
Bữa nào lên đây công tác, tao sẽ chuyện cho mày nghe. Giờ tao phải đi đã. Cho
tao hỏi thăm sức khỏe các cụ nhé!". Vội vã chia tay thằng bạn cùng lớp thời
sinh viên, Anh lên xe đạp vội về phía cửa ga với chút hy vọng mong manh, biết
đâu…Song Anh chỉ càng thấy thất vọng hơn. Đường Nam Bộ khu vực cửa ga không còn
cảnh náo nhiệt ở đó nữa. Nhà ga thông báo các chuyến tàu còn lại trong ngày sẽ
bị chậm lại ít nhiều. Chuyến tàu về Phủ Lý của Anh phải tới gần mười giờ đêm
mới xuất phát. Chán nản, Anh gửi xe vào ga rồi ngồi chờ trong phòng đợi đến giờ
đoàn tàu của mình xuất phát. Bỏ bữa chiều không ăn, Anh nhai trệu trạo chiếc
bánh mỳ mua đại bên vỉa hè. Không thấy đói bụng, chỉ thấy lòng trĩu nặng nỗi
buồn và hẫng hụt. Chẳng lẽ họ mất nhau. Anh không muốn nghĩ đến điều này, lòng
chỉ mong rằng sự việc xảy ra ngày hôm nay chỉ là một cuộc hẹn không thành. Và
hình ảnh đoàn tàu quân sự vừa chuyển bánh chiều nay không liên quan gì đến câu
chuyện của họ. "Mình phải chờ thư của Tuyết thôi!" Anh nghĩ bụng vậy
và tự trấn an lòng mình rằng, khi về lại cơ quan ngày mai, hoặc một ngày nào đó
trong tháng, Anh sẽ nhận được điện hoặc thư Chị giải thích về cuộc hẹn không
thành này.
….
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét