(Tiếp
theo kỳ trước)
…..
Trong tiếng rì rào đều đều của động
cơ, khung cảnh bên đường loang loáng lướt qua. Chiếc Toyota mười hai chỗ ngồi
lướt nhẹ trong nắng sớm. Trong xe, những khuôn mặt ngái ngủ gật gà gật gù. Tiết
tấu vui vẻ và nhạc điệu bài hát "Hà nội những năm hai nghìn" của nhạc
sĩ Trần Tiến ngân nga thoảng nhẹ. Anh đưa mắt nhìn mọi người chung quanh. Họ là
những đồng nghiệp của Anh. Phía trước, một cuộc hội thảo khoa học đang chờ họ
giữa thành phố Hạ Long. Xuất phát từ Hà Nội năm giờ sáng, chỉ hơn nửa tiếng nữa
họ sẽ có mặt tại nơi dừng nghỉ. Khuôn mặt bình thản của cậu Long - lái xe cơ
quan hướng chăm chú về phía trước. Trên xe, chỉ có Anh và cậu ta là tỉnh như
sáo. Mấy cô cậu cùng đi đang tuổi ăn tuổi ngủ tranh thủ chợp mắt bù giấc ngủ
sớm bị cắt xén bất thường bởi chuyến đi. Cuộc hội thảo nằm trong chương trình
hợp tác của Viện với một số tỉnh thành vùng Đông - Bắc. Họ sẽ làm việc và nghỉ
ngơi ở đó bốn ngày. Mới đó vậy thôi mà lằn ranh giữa hai thế kỷ vừa bị bỏ lại,
đây đã là những ngày tháng đầu tiên của
thế kỷ mới. Năm 2000, nội cái tên gọi đã đủ gây nên nỗi háo hức thay đổi.
- Đến khách sạn, Em lại đăng ký nghỉ
cùng phòng như mọi chuyến đi với Anh đấy nhé. Cứ nghĩ đến việc ngủ chung với
đám thanh niên ngủ ngày quậy đêm kia là em mệt "vãi linh hồn" ra. Lấy
đâu sức vóc mà chúng làm việc suốt ngày đã mỏi xác rồi mà đêm ngủ cứ bày hết
trò nọ đến trò kia đốt thời gian.
- Được rồi, cậu cứ yên trí. Tớ đầu năm
có lẻ rồi, tớ cũng thích cái cách nghỉ ngơi của cậu. Làm việc cật lực mà nghỉ
ngơi cứ là phải thảnh thơi. Cựu chiến binh có khác, vào sống ra chết mãi rồi
nên cậu biết quý trọng sự yên bình. Nhưng có mánh chợ búa gì thì nhớ lại giúp
tớ đấy nhé. Bà "đầm" nhà này đang giao cho tớ cả một cái giỏ xách
tướng chờ đem hải sản tươi sống về đấy.
- Rồi! Anh cứ yên tâm. Thằng em này mà
vào chợ là phát huy năng khiếu ngay. Gì chứ, mấy em trong đoàn cũng đăng ký nhờ
em từ chiều qua rồi. Phụ nữ trẻ bây giờ thua mấy mẹ quần thâm chân què, áo nâu
yếm vải ngày xưa xa. Thời nay, khi đi làm dâu thì các "dâu tây" như
mấy em trẻ này nếu không bị lườm nguýt thì "cầm cái chắc" là bị các mẹ
chồng bỏ chạy sau cả cây số.
Phà Bãi Cháy kia rồi. Theo chân mấy cô
cậu trong đoàn, Anh chậm rãi bước xuống phà. Con phà to tướng chứa gần chục
chiếc xe nhớn xe bé lừ đừ rời bến. Dăm bảy năm nữa thôi, chiếc cầu dây văng "thế
kỷ" đang bắt đầu thi công kia sẽ vắt qua không gian đôi bờ. Nhưng đó là
thì tương lai. Bây giờ, qua lại hai bờ vẫn là những con phà cần mẫn. Dòng sông
chảy siết bên thành phà, trên bờ những ngọn núi sẫm xanh lặng im nhìn xuống.
Vài con thuyền bé nhỏ giương buồm cánh dơi nâu sậm dập dềnh trên sóng. Phà cập
bến, họ còn đi hơn hai mươi phút nữa mới tới nơi nghỉ. Chiều, họ sẽ phải chuẩn
bị tài liệu và làm việc sơ khởi với ban tổ chức hội thảo. Chỉ còn được một đêm
nhàn nhã thôi. Sáng mai, khi vào cuộc, thời gian không còn để nghỉ suông nữa.
- Đấy, nếu không mở chiếc túi xắc này
ra thì Em quên khuấy mất. Anh có thư đây này. Sáng nay, khi vào ga - ra lấy xe,
bác Thoàn phòng thường trực nhờ em chuyển cho anh lá thư này.
Trong căn phòng nhỏ gọn của nhà khách
Ủy ban tỉnh nằm sát bờ vịnh, gió biển thổi vào mát rượi. Vừa mới nói vậy đấy mà
cậu Long đã xoãi dài tay chân, nhắm mắt đi vào giấc ngủ rồi. Anh nhìn chiếc
phong bì lạ lẫm trên tay. Dấu bưu điện của thành phố Hồ Chí Minh. Góc người gửi
chỉ ghi vỏn vẹn mấy chữ "Người từ nơi xa". Mặt ngoài phong bì, từ địa
chỉ người gửi đến tên và địa chỉ người nhận đều được in bằng vi tính gọn ghẽ,
khuôn thức mà khô khan. "Mốt" phong bì năm hai ngàn đây. Ai vậy nhỉ?
Lục tìm trong tâm trí, những cái tên lần lượt lướt qua. Chẳng có cái tên nào từ
cái thành phố phía Nam kia đọng lại được lâu. Đơn giản vì họ chỉ là những cán
bộ khoa học, giáo viên giảng dạy đại học từng quen biết với Anh vì quan hệ công
việc. Chẳng có lý do tình cảm gì để thư từ điệu đà dân sự như thế này. Lách nhẹ
mũi dao dọc giấy mở phong bì, dốc ra cả một xấp có tới dăm bảy tờ giấy viết thư
nho nhỏ trôi ra. Những hàng chữ…Anh chợt bỗng thấy ngộp thở, mắt nhòa đi. Chữ Tuyết,
nét chữ tròn trịa thân thuộc của người con gái
Anh yêu thuở nào. Phải sau một hồi trấn tĩnh, Anh mới lấy lại được nhịp
thở bình thường để lần lượt đọc những dòng chữ trước mắt.
…"Anh thương nhớ!
Phải khó khăn lắm, Em mới đặt bút viết
được những dòng này cho Anh. Thời gian đã trôi quá xa để lại thêm một lần được
viết nên những dòng chữ gửi Anh kể từ ngày mình mất nhau. Anh đừng hỏi vì sao
Em biết được nơi sẽ đến của lá thư này. Một sự tình cờ, một may mắn hiếm hoi
sau bao năm tháng biệt xa chợt như rơi từ trời xanh cao kia xuống đem cho Em cơ
hội gặp gỡ Anh, dù chỉ qua mấy dòng chữ ngắn ngủi. Chính Em, em cũng không ngờ,
không tin rằng mình lại có thể kết nối lại được Anh từ những dòng chữ này.
Anh ơi!
Chắc Anh còn trách móc Em nhiều lắm
sau bữa hẹn không thành năm nào phải không?! Em biết mình đã làm Anh khổ sở
không biết bao nhiêu. Cho Em xin lỗi thật nhiều, xin được sự tha thứ nghe Anh.
Chúng mình đã không làm chủ được thời khắc, không níu lại được cơ hội có với
nhau ít phút ngắn ngủi trước lúc chia xa để nói cho nhau nghe hết mọi nỗi niềm.
Anh đã đến đúng lúc, kịp với cuộc hẹn Em điện về. Chỉ có điều, chúng ta không
thể tiếp cận được nhau. Anh chắc không hề biết rằng, Em đã nhìn thoáng thấy Anh
dưới sân ga mà không sao kịp nhắn lại đôi lời với Anh. Đơn giản chỉ vì, con tàu
Anh nhìn thấy bên đường là chuyến tàu quân sự đặc biệt. Chính Em cũng không
biết giờ giấc xuất phát của con tàu và làm sao để Anh biết được Em đang ở chỗ
nào trên đó. Tất cả vụt thoáng qua, nhanh đến mức Em mất Anh ngay đó mà không
làm gì được, không thốt nổi lời nào. Mọi chuyện nhanh như một lằn roi vô hình
quất ngang vào số phận con người Em. Đã hàng chục năm trôi qua rồi mà đến tận
lúc này, khi viết những dòng chữ này cho Anh, Em vẫn còn đó nỗi bàng hoàng
choáng váng. Chúng mình đã từng có với nhau dù không nhiều những tháng ngày
hạnh phúc, dù không nhiều những niềm vui ái ân song việc mất nhau quá nhanh,
quá bất hạnh như vậy thật ngoài sức tưởng tượng. Nỗi đau xót mất mát là quá
lớn, những tháng ngày giày vò dằn vặt bởi sự thất vọng và nhuốm đầy nước mắt
không đong đếm được trải dài hàng năm tháng. Để rồi, khi biết rõ rằng mình
không thể nào làm lại được thời gian và cưỡng lại số phận nghiệt ngã thì thời
gian đã tàn nhẫn lướt nhanh qua.
….
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét