…..
(Tiếp theo)
Trưởng nhóm phát lệnh đi tiếp. Tới kho,
nhận mỗi người bốn chục ký gạo, mọi người bắt đầu hành quân về trạm khách thì
trời đã gần cuối chiều. Theo chỉ định của nhóm trưởng, cả bọn chia làm ba tốp,
mỗi tốp hai người. Việc chia nhỏ nhóm ra để đưa gạo về trạm cốt để phân tán bớt
đội hình, không vón lại trên đường, có thể dẫn tới chạm mặt thám báo địch.
Thằng Đán và thằng Tiệm tách đội hình đi xuôi triền núi xuống bãi lác dưới
thung. Hai nhóm còn lại, một đi tắt lên sườn núi phía Bắc, một cứ thế theo
đường cũ đi thẳng. Họ hẹn nhau khoảng sáu giờ chiều sẽ tập kết ở bìa rừng nơi
có lán chỉ huy binh trạm. Cái mệt, cái cảm giác đè nặng trên vai của bốn chục
cân gạo cộng với súng ống, đạn dược và ba lô trên lưng khiến đôi chân nặng
trịch như không buồn cất bước. Đi được gần tiếng đồng hồ, thằng Đán nói với lên
phía trước "Nghỉ đã, Tiệm ơi!". Hai thằng tìm một gốc cây hạ gạo và
mọi thứ trên lưng xuống. Hai khẩu K44 chụm mũi dựa vào thân cây. Quá mệt, miệng
mũi thay nhau thở. Lại khát nữa. Nghỉ được gần nửa tiếng, thằng Tiệm bảo thằng Đán: "Bi đông cậu hai thằng uống từ
sáng đến giờ hết sạch rồi. Cậu và tớ uống cho nốt phần nước còn lại trong bi
đông của tớ rồi hai thằng tìm đường xuống suối dưới kia lấy nước suối uống cho
mát. Chỉ cần mang một chiếc ba lô của tớ xuống theo thôi, trong túi thuốc còn mấy
viên lọc nước." Vũ khí bất ly thân, hai đứa đeo súng lên vai, bỏ chiếc ba
lô của thằng Đán và hai bì gạo lại, tìm đường lần xuống khe suối phía dưới. Lần
xuống chân núi, khi tới gần bờ suối phía dưới, thằng Tiệm quàng cả hai chiếc bi
đông lên cổ, quăng chiếc ba lô lại phía thằng Đán: "Cậu cảnh giới, tớ
xuống!". Vừa ôm gọn được cái ba lô đồng đội ném lại, thằng Đán chợt nảy tung
người. Phía thằng Tiệm vừa lao xuống, một vầng sáng chói mắt bùng lên, kèm theo
một tiếng "Ục" đục gọn. Phía trước thoáng thấy thằng Tiệm gục xuống. Sức
ép của trái mìn lá hất thằng Đán văng về phía sau, tay còn đang ôm chặt chiếc
ba lô. Thằng Đán chỉ kịp thấy mặt mũi mình tối sầm, nó ngất lịm.
Lạnh và ẩm ướt. Thằng Đán lờ mờ hé mắt.
Chung quanh tối đen như mực. Không thấy đau đớn ở chỗ nào cả, chỉ thấy ngực
nặng chịch. Đưa tay lên mặt, thằng Đán đụng vào một đám lầy nhầy, ướt nhớp. Không
biết giờ giấc lúc này là mấy giờ nữa. Giơ tay lên giữa bóng đêm, nó hét lên
không thành tiếng. Thịt và máu, dính bấy, tanh lợm. Nó lập tức hiểu ra mọi sự.
Thằng Tiệm vấp phải mìn, một phần da thịt vỡ tung hắt lại phía sau, vương vào
mặt nó. Nôn thốc, nôn tháo. Thằng Đán cứ nôn, cứ nôn mãi cho đến lúc cổ họng
chỉ còn nhớt dãi khò khè. Nỗi sợ hãi bom đạn bất chợt ập đến. Nó bật dậy vùng
chạy như kẻ mất hồn xuống phía dưới, vai còn vương quai chiếc ba lô. Từ trên
bờ, nó lao đại người xuống lòng suối phía dưới chân đem theo cả nỗi sợ hãi
trước cái chết mất xác của người đồng ngũ. Con suối đầy nước lồng lên, hút lấy
nó và chiếc ba lô, cuốn phăng đi. Thằng Đán chỉ biết ôm chặt lấy chiếc ba lô
vào bụng, cây súng và hai cơ số đạn rơi đâu không biết nữa. Nó buông trôi người
theo dòng nước lũ gầm réo.
Sáng ngày hôm sau, các đồng đội quay lại
tìm hai chiến sĩ không biết vì lý do gì mà cả đêm không thấy về địa điểm tập
kết. Họ chỉ tìm thấy một xác chết tơi tả, nát vụn trên đường xuống suối, cây súng
K44 gãy nát báng, cơ bẩm vỡ vụn. Hai bì gạo phía trên dốc còn nguyên. Cố nhặt
nhạnh cho hết thân xác vỡ nát của người đồng chí xấu số cho vào tấm tăng tìm
thấy trong ba lô thằng Đán, mọi người chôn xác người chiến sĩ bất hạnh bên bìa
rừng. Ghi dấu lại cẩn thận, tiểu đội tìm kiếm im lặng vây quanh, bỏ mũ chào
vĩnh biệt người đồng đội. Cuộc chiến đấu chưa thực sự bắt đầu, họ đã vấp phải
mất mát quá lớn. Hai chiến sĩ đi cùng nhau, không biết đích xác ai mất tích,
hai hy sinh. Sau nhiều tháng sáp chiến sau đó, đơn vị họ lại bị tổn hao tiếp.
Chỉ huy mặt trận quyết định phiên chế lại đơn vị. Cuộc chiến căng thẳng và máu
lửa không đủ điều kiện để đơn vị xác minh thật hư, chỉ biết họ đã vĩnh viễn mất
đi hai người đồng đội giữa ngút ngàn Trường Sơn.
*
* *
Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, thằng
Đán cựa mình, mở mắt. Đầu tiên, nó chợt có ý định đưa tay lên mắt che ánh sáng
quá lóa, nhưng không cử động được tay chân như ý muốn. Toàn thân nặng chịch,
bất động như bị ép dán chặt xuống đất. Sao nó lại ở đây, nó đang trôi theo dòng
suối ngầu bọt trắng kia mà. Mà thôi chết, bóng đen nào đổ xuống mặt nó thế này!
Nhắm mắt lại và mở ra đến lần thứ ba thứ tư nó mới nhận ra một khuôn mặt lạ
hoắc với đôi lông mày rậm hình lưỡi mác phía trên mặt. Thôi chết! Thám báo rồi.
Nó cố nhúc nhắc cánh tay, quờ quạng tìm quanh. Súng đâu, đạn đâu rồi. Cố gắng
vô vọng ấy khiến nó mất sức, nó lại chực ngất đi, sau khi mắt đổ đom đóm, nổ
hoa cà hoa cải. Trong cơn mộng mị đè nén, nó chỉ sợ hãi nghĩ vội được rằng
"Địch, thám báo hay hồn ma?! Mà hồn ma nào vậy, thằng Tiệm chết vụn xác
rồi cơ mà!"…Nỗi sợ hãi và cơn đau đâu đó trên mặt lại làm nó lịm đi.
Một thoáng cảm giác mát dịu, mềm mại phủ
lên mặt nó, thằng Đán chậm chạp mở lại mắt. Lần này thì con mắt nó đã nhìn rất
rõ mọi thứ trước mặt. Một thanh niên cùng
độ tuổi, mặt mũi hiền khô đang ngồi bên nó, tay cầm chiếc khăn mặt màu xanh xám
sấp nước dấp lên mặt gã. Khuôn mặt sắc gọn, đôi mắt sáng rực dưới cặp lông mày
thật là đen và rậm rạp. Nước da nâu sậm săn chắc, anh ta mặc bộ quân phục nhàu
nát, nghe chừng đã nhiều ngày khoác lên người, nhiều chỗ sờn rách hoặc thấm
trắng lớp muối mồ hôi. Chiếc ba lô và khẩu súng nằm kế bên chân. Quân ta rồi.
- Ôi trời! Cuối cùng thì thằng bộ đội
người Kinh bị thương nát tươm mặt mũi này cũng tỉnh rồi. Tao tìm được mày dưới
kia, nằm như chết rồi bên bờ suối. Chắc mày may mắn thoát chết, không bị va đập
mạnh nhờ chiếc ba lô buộc dây chặt ngang bụng. Ba ngày rồi, sau khi vác mày lên
đây, mày hết sốt nóng lại sốt rét. Này uống nước đi! Tao đắp thuốc lên mặt cho rồi
đấy. Chịu khó ít bữa sẽ làm sẹo.
Người thanh niên khéo léo luồn chiếc ống
nhựa truyền dịch vào kẽ môi thằng Đán. Lúc này, thằng Đán mới đủ tỉnh táo để
nhận diện nơi nó đang nằm. Đó là một hang đá ẩm thấp, không cao, không sâu mà cũng
không thật rộng. Trên mặt nó, một lớp những lá lẩu gì vụn bết phủ gần hết phía
má bên phải. Băng cứu thương bó gần hết khuôn mặt, chỉ chừa có đôi mắt, hai lỗ mũi
và miệng. Nhưng đôi môi thì đang sưng tấy phát tê lên, phồng sưng mọng như hai
múi cam. Từ phía trong miệng, thằng Đán cảm nhận được một khoảng trống khá rộng
giữa hàm trên và hàm dưới bên phải. Không có cảm giác quen thuộc của hàng răng.
Thôi chết, nó mất hết hai hàm răng bên phải sao? Từ trong miệng, qua chiếc ống nhét
sâu giữa hai vành môi sưng húp, nó mệt mỏi gắng sức mút nhẹ dòng nước hăng
hăng, ngọt ngọt từ đầu ống dây rừng vạt chéo. Dòng nước mát dịu chảy vào họng,
truyền cho cơ thể thằng Đán chút nhựa sống mát lành. Người thanh niên dốc ngược
đoạn dây rừng, thả vào miệng nó cạn chỗ nước dây leo. Sau đó một thoáng, để
thằng Đán nuốt xong hụm nước dây rừng, anh ta lại lúi húi bên chiếc bi đông,
rót chút ít thứ nước gì sền sệt. Thằng Đán nhận biết được vị ngọt, bùi của lương
khô chiến sĩ. Thì ra nó đang được ăn, hay đúng hơn là mút vào miệng bột lương
khô hòa nhuyễn. Dạ dày cảm giác được chất dinh dưỡng rất chiến trận của người
lính chiến trường. Nó cảm thấy người mềm ấm hẳn lại, dù việc đụng cựa toàn thân
còn rất khó khăn.
- Chịu khó nằm yên tao tiêm thêm cho mũi
kháng sinh nữa. Ống này là ống thứ tư, sau ba ngày mày mê mệt chẳng biết gì.
Tao bó thuốc lá rừng cho mày đấy, thằng bộ đội người Kinh ạ. Không thấy đau nữa
phải không? Sơ cứu cho mày ngay sau khi đặt mày lên đây, phải khó khăn lắm tao
mới gắp được đám răng lổn nhổn, bê bết máu trong mồm mày ra ngoài. Dùng ống
tiêm cắm cho mày một mũi chống nhiễm trùng vào vòm miệng, đắp lá lên mặt rồi mà
tao vẫn cứ lo mày bị hoại thư. May quá, miếng thuốc ông bà truyền cho cũng cầm
máu và cứu được cái khuôn mặt mày. Chỗ má rách nát rồi sẽ đổ sẹo, nhưng thế là tốt
lắm đấy, thoát khỏi cái chết rồi. Nhiễm trùng chỗ nào, chứ nhiễm trùng vùng mặt
là chết nhanh lắm.
Thằng Đán chỉ biết chớp mắt ra hiệu mình
nghe và hiểu được câu chuyện của người đồng đội. Băng bó thế này, không biết
rồi còn ăn uống, nói năng gì được không. Lại chỉ nghe tiếng người thanh niên
thì thầm:
- Đơn vị tao vừa bị một trung đội thám
báo tấn công tuần trước. Bọn ngụy gọi máy bay Mỹ đến tăng cường hỏa lực yểm trợ
khiến đại đội tao bị chia cắt làm nhiều mảnh. Thương vong và hy sinh nhiều lắm.
Tao bị sức ép nằm chết ngất bên mấy thi thể anh em cùng tiểu đội đã hy sinh.
Đơn vị chủ động rút khỏi trận địa lúc chập tối, không kịp làm công tác thu dung
thương binh, liệt sĩ. Tao tỉnh dậy giữa đêm, một mình tìm đường theo đơn vị. Và
rồi, lạc hướng tìm. Từ đây đến trận địa hôm trước cách xa quãng ba, bốn ngày
đường rừng rồi. Gặp mày, thế là tao có thêm đồng đội. Đợi mày khỏe lại, chúng
mình sẽ tìm đường về với đơn vị. Lạc rừng, lạc hướng, lại mưa như trút mấy hôm
thế này, việc đi tìm đơn vị thế là bị chậm lại. Nhưng không sao, tao vốn sống
với rừng, ăn làm trong rừng mãi rồi, thế nào tao và mày cũng tìm được đường về
với quân mình. Cứ đi về phía tây Trường Sơn, khắc gặp được các đơn vị vào hoặc
ra.
"Đi về phía tây Trường Sơn? Tìm đường về với đơn vị?!",
thằng Đán lạnh người. Bỏ rơi thi thể tử sĩ, mất toàn bộ quân trang, quân dụng.
Trong điều lệnh chiến trường, đó là những tội rất nặng có thể phải ra trước tòa
án quân sự. Không thể như thế được! Có tàn phế suốt đời cũng không thể thế
được. Nhưng đi theo người đồng đội mới này, lại có thể sống sót. Như thế cũng còn
hơn nếu chỉ một mình chết rũ chết héo giữa rừng già Trường Sơn. Sao thằng này
nó tốt với đồng đội và gắn bó với trận chiến thế. Nghĩ chỉ được đến vậy, nó lại
cứng người chịu một cơn đau mới. Cơn đau từ vết thương chưa kịp gắn miệng.
Thôi, cứ biết vậy đã.
......
(Còn nữa)