…..
(Tiếp theo)
Đêm xuống, hai đứa mắc võng lên chạc cây
như mọi khi. Thằng Lừ ở phía trên với vũ khí trong tay, vừa cảnh giới vừa sẵn
sàng hỗ trợ bạn. Thằng Đán ở chếch phía dưới, chỉ ôm gọn chiếc ba lô đồ đạc
quần áo. Trước khi đi ngủ, thằng Đán còn thì thào, giọng méo xệch nói với thằng
Lừ: "Sớm mai, mình sẽ đi đến lúc gặp bất kỳ đơn vị nào của ta thì dừng
lại, xin thu dung. Mày nhớ kể về việc cứu sống tao dưới dòng nước lũ, vũ khí
quân trang thất lạc không còn gì nghe không? Nếu được chấp nhận thu dung, phải
xin bằng được về cùng một tiểu đội. Trong chiến trường lúc này, chỉ có mình mày
là người thân của tao thôi!"
Sáng ra, dù đã thức dậy thật sớm, nhưng
thằng Lừ giật mình khi không thấy bóng dáng thằng Đán đâu. Chỗ nó mắc võng ở
chạc cây bên dưới trống không, tìm quanh không thấy dấu vết gì. Thằng Lừ trèo
lên thật cao, phóng mắt nhìn khắp bốn phía. Không thấy bóng người nào hết. Nó
biến đi đằng nào nhỉ? Cuối cùng, biết tìm mãi cũng chẳng ích gì, nó bỏ đi với
chiếc ba lô của thằng Tiệm gần như rỗng không chứa hai cơ số đạn, mấy quả lựu
đạn, cây dao rừng trên tay và cây súng CKC khoác vai. Một mình nó lên đường,
không tiến về phía con đường vận tải phía Tây mà chếch về phía Nam, nơi có
tiếng súng đạn chiến trận ầm ì. Nó quyết một mình tìm về với đồng đội, tiếp tục
đánh giặc. Trong đầu nó, cứ quanh quẩn với thắc mắc không có câu giải đáp:
"Thằng Đán bỏ đi đâu vậy, tại sao nó không đi tiếp với mình nữa,
hay…". Bỏ qua ý nghĩ thằng Đán bị cọp vồ, nếu vồ nó phải biết chứ, hoặc nó
bị thám báo bắt cóc?...Chịu, không thể hiểu được điều gì đã xảy ra, nó háo hức
tiến về phía trước, nơi có tiếng súng của đồng đội đang đối mặt với quân thù.
Thằng Lừ không bao giờ biết được rằng,
mấy tiếng sau khi nó ngủ im, thằng Đán đã vận động nhẹ nhàng xuống đám lá dầy
dưới gốc cây săng lẻ. Hắn lặng lẽ đi lùi hẳn về phía Đông gần một nghìn mét,
leo lên một cây lim già, tìm chỗ có cành lá rậm rạp nhất nằm ôm chặt lấy chạc
cây trên cao ẩn náu. Gã đã quyết, để mặc thằng Lừ đi con đường của nó, gã sẽ
tìm cách trở ngược ra con đường vào chiến trường. Chiến tranh, bom đạn chiến
trường đối với nó đã quá đủ, quá khủng khiếp và vất vả xương máu rồi. Chưa kể
đến, cái tội vi phạm điều luật chiến trường, bỏ ngũ, bỏ thi thể tử sĩ không
biết lấy lý do gì để bao biện. Không dám ngủ tiếp, gã nằm chong mắt đợi trời
sáng. Sáng ra, từ trên ngọn cây phía xa, nó thấy trong sương sớm bóng thằng Lừ
mờ mờ tìm kiếm quanh quẩn một lúc rồi khoác cây súng lên vai, tay cầm dao bỏ đi.
Nằm bất động trên cây, với hai gói lương khô thủ sẵn trong ba lô mấy ngày trước
đó, nó ăn qua quýt, mở bi đông uống ngụm nước dây rừng chờ đợi. Kiểm lại đồ
đoàn trong chiếc ba lô của thằng Lừ, ngoài tư trang của hai thằng, thằng Đán
giật mình trước cả một kho đồ quý. Có
đến hai lạng cao hổ cốt đúc trong ống nứa dài cỡ gần hai mươi phân. Năm miếng
sâm, mỗi miếng tầm ngón tay út trẻ con bọc trong gói giấy bóng kính. Hai chiếc
vòng bạc đặc, chắc là vòng đeo cổ. Tất tật được gói trong một tấm vải đen dày
có hoa văn thêu chằng chịt bao nhiêu hình thù chim thú khó hiểu, những đường sổ
dọc, sổ ngang và hình thoi, hình vuông, quả trám rỗng đan chen nhau. Thậm chí,
còn có cả một miếng vỏ quế thơm lựng bằng cỡ vỏ chiếc chai con. Đó là cả một
đống của nả chứ ít à! Dúi kỹ càng bọc vải giữa đám quân trang, thằng Đán còn
nhẩm tính, trừ hai gói lương khô ở túi ngoài mà buổi sớm nó đã ăn mất một
miếng, cộng với 2 bánh lương khô 107 to bằng nửa bàn tay và ba hộp ruốc thịt,
nó có thể chịu được tới mươi ngày. Hôm đó rừng già yên tĩnh, ngoài tiếng xào
xạc cây rừng, tịnh không có biến động nào đáng kể. Trời mù mây nhưng không mưa.
Phía xa, vẫn tiếng động cơ ô tô ì ầm vọng lại. Đường vận chuyển Trường Sơn đang
ở thời kỳ an toàn cho công tác vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men ra tiền
tuyến. Chờ đến giữa buổi sáng ngày hôm sau, nó mới tụt xuống hướng về phía con
đường, bụng nghĩ cách đêm xuống sẽ bám bằng được được bất kể chuyến xe nào đi
ra.
*
* *
Từ trên cao, thằng Đán há hốc mồm nhìn
xuống con đường vận tải nhánh Tây Trường Sơn mang tên Hồ Chí Minh huyền thoại.
Gã đã đi khỏi khu rừng được bốn năm ngày. Vẫn ngày đi đêm nghỉ, gặp cây lên
cây, gặp hốc đá chui vào hốc đá. Đi chậm và hết sức lắng nghe, cảnh giác vì sợ
chạm thám báo ngụy. Rồi cây rừng thưa dần, lộ diện những bãi trống nát tươm bom
đạn, cây rừng đổ ngã, cháy xém hoặc vỡ vụn. Bây giờ đứng đây, nó ngẩn ra trước
con đường. Đó đâu có còn là một con đường nữa. Chứng tích của những cuộc ném
bom rải thảm, oanh tạc và pháo bầy làm cả miền đất xơ xác bom đạn. Cây cối trụi
trơ, bị phạt cụt, cháy xém, khét mù, chẻ tướp ra làm nhiều mảnh và không còn
thấy màu xanh quen thuộc của rừng đâu cả. Xuống thấp hơn, có vẻ con đường trông
như một vết hằn giữa thân thể núi rừng. Đất đá, mọi vật chất vốn tồn tại trước
đó, tất tần tật trông chỉ còn như một dòng sông bụi vắt ngang các sườn núi, khe
sâu. Mọi thứ còn lại trong hình hài trông không giống với đồi, rừng, đất thung
nữa. Vương vất trên con đường, một màn bụi mờ lờ nhờ. Đây đó đất đá bị cày sới,
vật lên phơi mình vương vãi. Thế này mà mưa rừng đổ xuống triền miên thì con
đường sẽ thành con sông bùn. Đủ thứ hình khối méo mó, cong queo văng vật bên
đường gợi đến những gì trước đó là vật dụng chiến tranh, khí cụ, xe cơ giới. Vô
vàn những vương vãi của mảnh bom, mảnh đạn. Những khòng kheo của nòng súng,
trục xe. Những vành mâm méo mó, những bệ, những gầm xe vỡ nát, rơi rụng, quăn
cuộn. Có cả những xác xe, đôi ba khẩu sơn pháo nằm chổng càng dưới khe vực. Đâu
đó vương trên những cành cây cụt ngọn là những miếng bạt rách của thùng xe vận
tải, những vô lăng gãy xỡ, những chiếc lốp cháy nham nhở…Giờ này, con đường
đang vắng những bóng xe nghiêng ngả vượt tuyến, nhưng vẫn đọng nặng trong không
trung mùi khói đạn, khói bom, khói xăng dầu vương vất. Gần tối đến nơi rồi. Rồi
đêm sẽ đổ xuống ngập tràn con đường. Những chuyến xe đang ầm ì trên cung đường
đâu đó ngoài kia rồi lại trườn tới. Những ngọn đèn gầm vàng nhờ soi không quá
mũi xe thước rưỡi, hai thước trong đêm. Những chiếc xe lầm lũi và cần mẫn vượt
qua những đoạn đường dốc ngược hay bùn đất lê lết, vượt qua những con suối
hoang dại giữa thung sâu, sương mù ma quái và bồng bềnh ngay trước ánh đèn xe. Đã
từng được ngồi xe hành quân đôi ba quãng trên con đường đi vào chiến trường,
thằng Đán gai người lại trước khí lạnh đêm Trường Sơn. Nó lần sờ bước thấp bước
cao dọc con đường, không biết phía trước rồi sẽ dẫn đi đâu. Đi vào hay đi ra.
Cảm giác cô độc, lạc lõng giữa con đường choán ngập mọi cảm giác. Nó cứ lầm lũi
bước, bước hẫng hụt mò mẫm tưởng như không có điểm dừng trong thiên la địa phủ
như vậy khi chợt thấy bên đường, trong bóng tối loạng quạng nó nhận ra hình thù
méo mó của một chiếc xe, Gat 63 hay Zin 57 gì đó. Thùng xe bị bom phạt đi già
nửa, chỉ còn phần khung mái giáp ca bin xe. Nhìn qua cũng biết xe bị đánh bom
dọc đường. Ca bin xe tối om, không còn mảnh kính nào. Khẽ khàng leo lên bệ gầm
chiếc xe, thằng Đán mỏi mệt bò đến phần vòm khung còn lại phía trước. Dưới
chân, sàn xe thủng lỗ chỗ, miếng bé cũng lọt thân người. Có chỗ cả vạt nền xe
bị bóc trơ bệ khung. Bò sát đến góc trái sau ca bin, nó tìm được một phần nền
thùng xe chưa bị bóc trơ, phía trên lúc lỉu góc bạt che ngắn ngủn. Hạ tấm thân
mỏi dừ xuống góc thùng xe, nó bỗng thấy cái mệt ở đâu đó bây giờ mới trĩu nén
xuống toàn thân. Ôm chặt chiếc ba lô trước bụng, nó uống dè ngụm nước nhỏ trong
chiếc bi đông bên dây lưng. Móc túi cóc bên trái, gã lần giở gói giấy nhỏ bằng
nửa bàn tay. Nhặt một miếng sâm nhỏ bằng hạt ngô, nó đưa lên miệng, ngậm lại.
Vị ngọt, ấm hơi nồng ngái thấm vào lưỡi. Nó không còn tí gì để ăn nữa. Miếng
bánh lương khô cuối cùng đã nằm trong cái dạ dày lép xẹp của gã cách giờ này cả
buổi rồi. May mà hôm trước, gã đã cẩn thận moi ra từ gói vải vùi tận đáy ba lô
một củ sâm bé nhất, dùng chiếc dao lê nhặt được bên đường cắt nhỏ từng viên một
gói riêng để ra bên ngoài. Ngậm sâm. Nó vẫn thường nghe bố nó kể xưa có người
ngậm sâm đã cầm cự được cái đói, cái suy sụp sức khỏe nhiều ngày liền. Yên chí,
nó hai tay ôm đầu, thiếp đi. Mặc xác súng đạn, đường xá. Cứ biết nghỉ ngơi chút
chút trên cái xác xe này đã. Chỗ ẩn nấp này trong đêm có vẻ như là quá an toàn.
Mọi chuyện rồi tính sau
- Im lặng! đưa hai tay lên đầu.
Một tiếng quát đủ đanh gọn và vừa nghe
sát sạt bên tai. Thằng Đán cứng người. Qua kẽ các ngón bàn tay úp mặt, gã lóa
mắt trước một tia đèn nhỏ như hột đậu đen chiếu vào. Không phải giọng bắc,
giọng miền nam, mà là tiếng miền trung nằng nặng. Địch? Thám báo?! Gã cứng người
chờ tiếng đạn nổ trong đêm. Không có tiếng nổ nào cả, chỉ thấy hơi lạnh của
nòng súng áp sát thái dương.
…..
(Còn tiếp)