NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

LỄ HỘI ĐÌNH NGỌC UYÊN


        Đình Ngọc Uyên thuộc Phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương. Ngôi đình xưa đẹp đến mức bia "Ngọc đình bi ký" được lưu giữ trong Đình làng Ngọc Uyên mô tả với rất nhiều mỹ tự:
          …."Ngôi đình ở phía đông thành Phượng, đó chính là Đình Ngọc Uyên. Bao quanh đình hai bên tả hữu là sông Thái Bình. Xa xa cảnh đẹp thu vào tầm mắt là án Ngọc Lặc cao chót vót. Phía trước giao lưu chảy xiết với sông Lục Đầu. Phía sau cây cối tươi tốt xum xuê. Nổi gần đẹp mắt đó là điền Triều (ruộng Triều). Trên dưới phì nhiêu tươi tốt. Nghìn cây cổ thụ râm mát là nơi chim chóc tụ hội véo von. Đường rộng thênh thang, ngựa xe qua lại tấp nập. Ngôi đình quả là một danh lam thắng cảnh vậy"…
          Làng Ngọc Uyên (玉淵)(tên Nôm là làng Đũi) xưa còn một ngôi văn chỉ cạnh đình Ngọc Uyên bây giờ. "Từ chỉ bi ký" - Bia ghi công đức của Hội tư văn bản xã có bài minh chép hai câu như sau:([1])
林 勝 地 第 一 玉 淵
文 風 初 振 逃 脈 永 傳
才 世 出 科 甲 步 聯
碑 成 之 後 福 享 憶 年
          Phiên âm như sau:
          Minh viết:
          Thanh Lâm thắng địa đệ nhất Ngọc Uyên.
          Văn phong sơ chấn đạo mạch vĩnh truyền
          Nhân tài thế xuất khoa giáp bộ niên
          Bi thành chi hậu phúc hưởng ức niên
          Dịch nghĩa rằng:
          Đất Ngọc Uyên là nơi thắng cảnh đẹp nhất huyện Thanh Lâm
          Văn hóa phong tục thuần hậu nổi tiếng mạch đất mãi lưu truyền
          Nhân tài xuất thế qua các khoa giáp đều kế tiếp nhau đỗ đạt
          Ghi lại trên bia để muôn đời, phúc hưởng ngàn năm.
….
         
Đình Ngọc Uyên thờ hai đức thành hoàng làng là Lê Viết Hưng và Lê Viết Quang. Ngọc phả và truyền thuyết để lại cho biết:
          Thân phụ sinh ra hai vị là Ông Lê Viết Đức và Bà Bùi Thị Nguyên, nguyên quán tại thôn Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Vốn xuất thân nghèo khó, lại hiếm muộn đường tử tôn nên ông bà rời cố hương tìm nơi đất lành sinh sống, dạt tới làng Ngọc Uyên. Gặp nơi đất tốt, bằng phẳng lại phì nhiêu cây cối xanh tươi, sông nước thuận hòa bèn xin ngụ lại. Bỏ công khai phá đất hoang, trồng lúa, đánh bắt cá tôm sinh sống, cùng bà con bản địa lập nên điền trại. Tại đây, thuận ý trời bà sinh đôi hai trai, tướng mạo khôi ngô, tuấn tú.  Hai cụ đặt tên một người là Lê Viết Hưng, một người là Lê Viết Quang.
          Nhị vị càng lớn càng vạm vỡ, khỏe mạnh. thân hình cao lớn, trí tuệ khác người, văn chương toàn thiện, võ nghệ tinh thông.
          Năm 938, Vua Nam Hán đem quân xâm lược nước ta. Không chịu nổi ách đô hộ, khắp nơi nhân dân nổi dậy khởi nghĩa. Ngô Quyền được nhân dân và tướng sĩ ủng hộ đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mở ra kỷ nguyên thống nhất cho đất nước. Năm 944, Ngô Quyền mất, triều chính rối loạn, dẫn đến họa 12 sứ quân làm dân tình hỗn loạn, cuộc sống chìm đắm trong khổ đau. Từ đất Hoa Lư (Ninh Bình) Đinh Bộ Lĩnh phất cờ nghĩa dấy binh dẹp loạn được nhân dân hưởng ứng. Hòa cùng bách thứ, dân làng Ngọc Uyên cũng đóng góp nhân tài vật lực với mong muốn sớm phục hưng đất nước. Hai anh em Lê Viết Hưng và Lê Viết Quang tình nguyện theo Đinh Bộ Lĩnh, hưng binh trấn giữ vùng châu thổ, đánh thắng nhiều trận ở vùng Chí Linh, Thanh Lâm. Do có công với nước, hai ông được Vua Đinh phong tước, nhân dân lập đền thờ tôn làm Thành hoàng.
          Đức Thánh Cả Lê Viết Hưng được phong là Đương cảnh thành hoàng quan hà Đại vương "Trưởng tả đạo binh nhung kiêm tham tán mưu sự"
          Đức Thánh Hai Lê Viết Quang được phong là Đương cảnh thành hoàng Đinh triều phong tước "Thiếu tử Thái Bảo tiền quân".
          Ngày nay, trong đình còn lưu lại đôi câu đối nguyên văn như sau:([2])
丁 朝 兩 相 扶 國 志 男 兒
文 武 全 才 救 民 莊 越 史

          Phiên âm:
          Đinh triều lưỡng tướng phù quốc chí nam nhi
          Văn võ toàn tài cứu dân trang Việt sử
          Nghĩa là:
          Triều Đinh hai tướng phù Vua giúp nước tỏ rõ chí nam nhi.
          Văn võ tài giỏi vẹn toàn, cứu dân (công) trạng được ghi trong sách sử nước Việt.
          Trong gian hậu cung, còn đôi câu đối ca ngợi công đức nhị vị thành hoàng nguyên văn như sau:([3])
扶 國 安 民 翊 英 靈 于 玉 地
除 奸 討 賊 奮 威 武
          Phiên âm:
          Phù quốc an dân dực anh linh vu ngọc địa
          Trừ gian thảo tặc phấn uy vũ ư Hoa Lư
          Nghĩa là:
          Giúp nước, bảo vệ dân yên, sự anh linh hiển ứng nơi đất Ngọc Châu
          Giết giặc trừ gian, uy vũ oai phong lẫm liệt tại Hoa Lư
          Đình Ngọc Uyên được xây nên từ bao giờ không rõ, trước vốn được dựng ở giữa làng về phía Nam, thuộc xóm Giếng Quan. Đây vốn là khu đất trũng lầy lội, không được thoáng đãng, bất tiện cho việc đi lại thăm viếng, thờ cúng. Sau được di về địa điểm ngày nay (đầu làng) cao ráo, thoáng mát. Theo các cụ cao niên trong làng, khu đất này đắc địa bởi thế đầu rồng, ngôi đình nằm chính trán rồng, chếch phía trước cửa đình về phía đông nam khoảng 200 m có hai ao tròn tựa mắt rồng. Lại có ý cho rằng, đình làng có thế "rồng chầu hổ phục", có thể trường tồn mãi mãi.
          Tuy khó xác định năm khởi dựng đình, song căn cứ tài liệu hồ sơ di tích do Bảo tàng Hải Hưng lập thì thời gian di chuyển đến địa điểm hiện nay đồng thời cũng là một đợt trùng tu lớn được thực hiện vào năm Tự Đức ( ) thứ hai, tháng tư năm Kỷ Dậu (1849)- như dòng chữ khắc trên Thượng lương. Thời gian trùng tu mở rộng tòa tiền đường từ 3 gian thành 5 gian như ngày nay vào năm Duy Tân ( ) thứ 6 Nhâm Tý (1912)([4])
          Đình Ngọc Uyên hiện còn giữ được khá nhiều cổ vật quý thuộc đủ các chất liệu.
          Về địa lý hành chính, làng Ngọc Uyên, xã Ngọc Châu từng nhiều lần thay đổi. Thời phong kiến tên đầy đủ là Ngọc Uyên xã, Trác Châu tổng, Thanh Lâm huyện, Nam Sách phủ, thuộc Hải Dương trấn. Sau cách mạng tháng 8 - 1945 làng Ngọc Uyên thuộc xã Ngọc Châu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Sau nhiều lần thay đổi địa giới, khi thuộc thị xã Hải Dương (1950), khi tách trả huyện Nam Sách (1954); đến năm 1969 Bộ Nội vụ ra quyết định cắt xã Ngọc Châu thuộc huyện Nam Sách đưa về thị xã Hải Dương và ổn định mốc giới hành chính cho đến bây giờ. Nay thì Ngọc Uyên thuộc phường Ngọc Châu, Thành phố Hải Dương.
          Tài liệu "Thần tích - thần sắc" làng Ngọc Uyên do Lý trưởng sở tại khai vào 31 tháng 3 năm 1938 mô tả việc tế lễ như sau:
          Tế lễ các dịp: ngày sinh thần thành hoàng vào 16 tháng giêng, ngày thánh hóa  là 2 tháng 11, ngày khánh hạ 6 tháng 10 làm lễ ca khúc khải hoàn (hay còn gọi là Lễ hội thắng trận khao quân;).
          Việc tế lễ, hội hè được các cụ cao niên kể lại tuần tự như sau:
          Vào dịp 15 đến 17 tháng Giêng, kỷ niệm sinh nhật Thành hoàng, là lễ kỳ phúc đồng thời là dịp làng vào đám.
          Ngày 14 làng mở cửa đình, bao sái đồ thờ, dọn dẹp, lau chùi, chuẩn bị đồ tế tự và các công việc khác. Chiều ngày 14 tế yết có 2 thủ lợn, 2 phương xôi nén, rượu, trầu, hoa quả.
          Trưa ngày 15 (chính ngọ) tế nhập tịch. Làng có 5 giáp (Đông Hào, Tây Hào; Tiền Đình, Khang Phụ, Tân Phú), mỗi giáp mang lễ vật dâng thánh là 1 con lợn sống, cùng xôi nén, rượu, hoa quả. Lợn tế mỗi năm, người dược phe giáp cắt cử làm "tế đám" phải tự nuôi 2 "ông lợn". Ông "tế đám" sẽ được làng giao cho ruộng công cày cấy lấy hoa lợi lo chuẩn bị lễ vật dâng Thánh. Từ lúc nhập chuồng đến khi thành vật tế đều được danh xưng hộ là "Ông lợn", được nuôi chuồng riêng, chế độ ăn uống đặc biệt và được chăm sóc, tắm rửa sạch sẽ thường xuyên. Nếu lợn ốm, bỏ ăn thì không được dùng thuốc chữa mà biện cơi trầu kêu Thánh là khỏi. Lợn phải nặng từ 70 cân trở lên. Ông to làm tế đám, ông nhỏ làm thịt để mời phe giáp ăn cùng ngày lễ hội 16 tháng giêng. Khi đưa vào tế, lợn sống mổ phanh được để nguyên con, nằm úp trên bàn, toàn thân được bôi tiết cho đỏ hồng lên, lá mỡ chài (được bóc từ dạ dày lợn) được phủ lên che kín đầu lợn, và cắm hương lên trên. Khuôn xôi được đóng nặng bằng trọng lượng của "ông lợn" tế. Sau khi tế xong, mọi người thụ lộc tại đình.
          Ngày 16 là ngày đại lễ, ngày chính tế. Từ sáng đoàn rước của làng với cờ, biển, tán lọng, nghi trượng rầm rộ rước kiệu thánh đi vòng quanh làng rồi trở về đình. Đến giờ Ngọ, làng tổ chức tế. Trong khi tế, nếu ai phạm lỗi hay người tế làm sai động tác thì bị cắm thẻ tre trên đầu, bị làng phạt tiền và phải có cơi trầu kêu thánh và xin làng, tiền đó chi dùng vào việc hương đăng ở đình. Tế xong đồ lễ chia về các giáp.
          Ngày 17 tháng giêng có hai khóa tế:
          - Tế tạ vào buổi trưa hay còn gọi là tế tán tịch.
          - Tế tiễn vào buổi chiều, tế tiễn quan "đương niên hành khiển". Việc tế được cử hành ngoài sân đình tùy từng năm, bàn tế được bày theo các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Tế từ giữa sân đình vào đến cửa nội cung.
          Đội hình quan tế có thêm 2 ông Thông xướng Đông, Tây dẫn quan viên tế và xướng thay cho 2 ông Đông, Tây điển tiếp lời tế.
 Sau đó rước bát hương Thành hoàng trở lại miếu đền Thượng tế an vị và để lại bát hương thờ Thánh tại đó. Buổi chiều, tổ chức tế tạ trong đình (gọi là tế nội tán) dùng 6 con lợn sống (5 con của 5 giáp và 1 con để làng biếu các quan viên dự tế). Sau khi tế xong, làng biếu phần tế cho các quan viên dự tế, ông chủ tế được biếu thủ lợn, ông đọc văn được cái khoanh bí, hai ông củ soát được 2 cái chân trước; hai ông Đông điển, Tây điển (hay Tây xướng, Đông xướng) và bồi tế, cùng các quan viên hàng dòng, mỗi người được một miếng thịt lợn. Sau khi tế tạ, làng còn tổ chức cúng lục đạo chúng sinh do thày cúng đảm nhiệm, đồ lễ có quần áo, tiền vàng, các thứ bánh đa, khoai lang, ngô, cháo lá đa. Cúng xong, mọi người cùng ùa vào cướp cháo thí để lấy lộc. Sau đó làng đóng cửa đình, rã đám.
          Ngày 6-10 (âm lịch) kỷ niệm ngày các vị Thành hoàng thắng trận trở về- Lễ hội thắng trận khao quân. Lễ trong dịp này kéo dài 3 ngày: Ngày mùng 4, mở cửa đình, dọn dẹp, chuẩn bị. Ngày mùng 5 tháng 10, buổi chiều tế yết Khải thánh phụ, Khải thánh Mẫu ở Đền Trung. Ngày mùng 6 tế chính có thủ lợn, xôi nén và các thứ hoa quả, trầu rượu. Xưa, lễ này thường được tiến hành trên đất Thanh Lâm xưa.
          Ngày 12-11 (âm lịch) là ngày Thánh hoá, tổ chức tế kỵ Thánh, làng chỉ tổ chức lễ 1 ngày với thủ lợn, mâm xôi, hoa quả, trầu rượu. Tế xong, quan viên thụ lộc tại đình và chia phần về các giáp. Cuối ngày đóng cửa đình.
          Ngoài ra trong năm còn các lễ theo thời tiết như: Thượng điền ngày 15-7; hạ điền ngày 1-5.
          Hàng năm vào đêm 30 Tết còn tiến hành 3 khóa tế:
          - Tế Tiễn từ 21h 30 đến 23h 00
          - Tế Nghinh từ 23h đến 24h 30
          - Tế Nguyên Đán giờ Ngọ ngày 1 Tết.
          Lễ hội làng Ngọc Uyên xưa nổi bật với lễ rước thánh tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng: Đi đầu là đội múa lân -  đội cờ thần, bát bửu, chấp kích - phường bát âm - kiệu bằng khiêng “ông lợn” cùng các lễ vật dâng Thánh – kiệu long đình thứ nhất có lọng che - kiệu bát cống rước ngai và bài vị đức Thánh Cả Lê Viết Hưng có tán vàng che trên đầu và 2 quạt vải che hai bên – quan viên tế - rồi đến kiệu long đình thứ hai có lọng che - kiệu bát cống thứ hai rước ngai và bài vị đức Thánh Hai Lê Viết Quang cũng có tán và 2 quạt vải che  - quan viên tế - các chức sắc, lão làng, hội tư văn và nhân dân theo sau. Đoàn rước khởi hành từ đình, theo đường cái nghinh thần vể miếu đền Thượng rồi lại rước về đình.
          - Tế ngày 16 cũng dùng 5 con lợn, mỗi lợn đi cùng với 3 phương xôi nén, 3 chai rượu, cùng hoa quả, trầu cau.
          - Tế ngày 17 dùng 6 con lợn, xôi nén, hoa quả, trầu rượu.
          Dịp khánh tiết mùng 6-10: lễ vật gồm thủ lợn, xôi nén, trầu rượu, hoa quả
          Tế dịp kỵ Thánh 12-11: lễ vật gồm thủ lợn, xôi, cùng trầu rượu, hoa quả.
          Còn trong các tối từ 14 đến 17, có lễ gà luộc đặt lên ban thờ trong khoảng từ 8 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau lại hạ lễ xuống. Gà này do các giáp trưởng cử 1 người trong giáp mình nuôi. Gà làm lễ được mổ moi, hai cánh được buộc xoè ra như cánh tiên, miệng ngậm hoa mẫu đơn.
          Chuyện lễ vật dâng thánh bằng "ông lợn", "gà cánh tiên" có thể được coi là những sản vật lễ thánh khá độc đáo của hội Đình Ngọc Uyên mà không phải nơi nào cũng có.
          Phần hội xưa khá phong phú. Trò chơi dân gian có các trò bơi lội, cầu thùm, bắt vịt, vật, cờ tướng, tổ tôm điếm, tam cúc điếm. Khi trước, khu sinh thái Đồng Xanh bây giờ còn là khu đất rất rộng dân làng thường tham gia trò chơi như đánh đu, vật, kéo co…Các phường hát từ Tứ Kỳ được mời sang diễn các tích tuồng, chèo.
                    Lễ hội Đình Ngọc Uyên ngày nay chỉ tổ chức vào tháng giêng, có tiết giảm đôi chút so với trước, song vẫn giữ được bản sắc xưa. Lễ hội tập trung vào dịp 15 đến 17 tháng Giêng: ngày 15 tế nhập tịch, có 2 thủ lợn, xôi nén, hoa quả, bánh kẹo, trầu rượu. Ngày 16 có thủ lợn, xôi nén, hoa quả, bánh kẹo, oản.
          Còn dịp 6-10 và 12-11 tuỳ từng năm có thể có thủ lợn hoặc chỉ có thịt lợn miếng, gà  cùng các thứ hoa quả, bánh kẹo, trầu rượu. Lễ hội có sự tham gia của nhân dân 6 khu dân cư thuộc phường Ngọc Châu: khu 7, 11, 12, 13, 14, 15 với gần 200 người phân công vào các việc cụ thể, cùng học sinh, giáo viên của 2 trường phổ thông nằm trên địa bàn phường, các hội, đoàn thể trong phường.
          Đoàn rước tuần tự gồm: Đội kỳ lân - đội hồng kỳ - cờ nằm - kiệu ảnh Bác - kiệu bằng di tích lịch sử- đội hình giáo viên các trường - đội bát bửu 1 - đội chiêng, trống - kiệu long đình 1 có lọng che - kiệu bát cống 1 rước ngai và bài vị đức Thánh Cả có tán và 2 quạt vải che - đội tế nam - đội bát bửu 2 - kiệu long đình 2 có lọng che - kiệu bát cống 2 rước ngai và bài vị đức Thánh Hai có tán và 2 quạt vải che - đội tế nữ - nhân dân. Kiệu Đức Thánh cả và kiệu Đức Thánh Hai khi rước mỗi kiệu đều được che bởi một quạt rủ cắm trực tiếp sau long ngai.
          Đoàn rước từ cửa đình đi theo đường Nguyễn Hữu Cầu ra ngã ba Phú Lương, theo đại lộ Trần Hưng Đạo về qua cửa UBND phường Ngọc Châu, theo đường Trần Thánh Tông  về đình.
          Đình có đội tế nam 17 người, đội tế nữ (gần đây mới có) cũng 17 người. Sau khi đội nam tế xong thì đội nữ vào dâng hương.
                   Phần hội vẫn thu hút các kỳ thủ tham gia các bàn cờ tướng, chọi gà, kéo co, đập niêu, ném bóng, múa lân, vật, đốt pháo bông. Các hoạt động thể thao quần chúng như: bóng chuyền, cầu lông, đồng diễn thể dục dưỡng sinh của các cụ hội người cao tuổi, bóng đá phong trào…Tối có giao lưu văn nghệ chèo, quan họ, ca nhạc.

Th.s. Nguyễn Huy Thiêm
(Bài viết đã dược xuất bản trong sách "Lễ hội dân gian tỉnh Hải Dương", Sở VHTT&DL xuất bản, năm 2010.- Tr.67)



([1]) Nguyễn Ngọc Lan- Bảo tàng Hải Dương .Bản dịch Hán Nôm, Tài liệu BQLDT Đình Ngọc Uyên. 
([2]) Nguyễn Ngọc Lan- Bảo tàng Hải Dương .Bản dịch Hán Nôm, Tài liệu BQLDT Đình Ngọc Uyên. 
([3]) Nguyễn Ngọc Lan- Bảo tàng Hải Dương .Bản dịch Hán Nôm, Tài liệu BQLDT Đình Ngọc Uyên. 
([4] ) Hồ sơ di tích Đình Ngọc Uyên.

Không có nhận xét nào: