NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

NGƯỜI ĐÀN BÀ SỐNG MỘT MÌNH TRONG CĂN NHÀ CUỐI NGÕ. - (Truyện ngắn.) BÌNH DƯƠNG


       Đêm mùa đông thật lạnh. Chị kéo chiếc chăn len dày lên ngang cổ, khẽ xuýt xoa. Mùa đông năm nay sao lạnh thế. Đã quá nửa đêm, giấc ngủ cứ chập chờn mãi không chịu đến. Ngoài sân, có tiếng lá rụng thật khẽ. Lại một đêm dài nữa, người đàn bà nằm nghe lá rụng. Căn hộ ba tầng, mỗi tầng chỉ mười lăm mét vuông như quá rộng đối với một mình chị. Thêm một mùa đông nữa, chị mong Anh đến trong nỗi nhớ nhung cồn cào.
       Mùa đông này là mùa đông thứ hai, không không phải vậy. Phải nói rằng đã hơn hai năm nay, Anh không ra Hà Nội. Trong ngăn tủ đứng kia, mấy bộ quần áo của Anh vẫn treo đó. Có cả bộ mặc hè, thu có cả bộ mặc mùa đông. Tất cả đều sạch sẽ, thơm tho in dấu tay Chị giặt giũ. Những bộ quần áo treo trên mắc, nhắc đến Anh thật nhiều, mỗi khi chị mở tủ lấy đồ. Phải, hơn hai năm rồi, không thấy Anh bay ra Hà Nội.
      
Mấy năm trước, cứ đều đặn hàng năm, Anh từ Sài Gòn bay ra với chị. Khi vào mùa hè, mùa thu khi thì vào mùa đông. Có lần, Anh gõ cửa nhà Chị lúc gần ba giờ sáng. Chuyến bay đêm ra đến Hà Nội hồi hai giờ sáng. Chiếc taxi hàng không sân bay Nội Bài đưa Anh đến với Chị đỗ ngoài ngõ vắng. Trong đêm, tiếng gõ cửa quen thuộc vang lên. Chị khẽ khàng mở chốt cửa. Chị đã thức gần suốt đêm chờ Anh. Đêm đó, trời Hà Nội cũng lạnh như đêm nay, "rét tháng ba" dễ cả chục năm rồi mới có đợt rét muộn đến thế. Choàng nhẹ vai ôm Chị vào lòng, Anh để cái lạnh phủ lên đôi vai tròn còn trẻ trung của Chị. Chị khẽ dúm người, rùng mình, Anh cười nhẹ: "Để Em biết Anh đem trời đêm đến với Em như thế nào. Quá lạnh phải không Em?"
       Trong đêm, nhớ lại những lần gặp nhau ít ỏi, chị khẽ mỉm cười. Với Chị, thế là hạnh phúc, bởi có mong hơn thế, cũng không thể được.
       Gần bốn mươi năm trước, lúc mới tuổi mười tám, đôi mươi họ gặp nhau trong hoàn cảnh tưởng như không có gì đơn giản hơn. Anh đang thực tập tốt nghiệp tại một huyện ngoại thành. Chị lúc đó là y sĩ gây mê hồi sức ở bệnh viện. Mấy người bạn đưa Anh tới Viện của chị trên một chiếc xe cấp cứu. Bệnh nhân bị cảm lạnh đột ngột trong đêm, được phát hiện nằm ngất xỉu trên một chiếc ghế tại hội trường của cơ quan huyện ủy. Qua các bộ phận xét nghiệm và khám thực thể, Anh được đưa đến khoa ngoại của chị. Bác sĩ trực yêu cầu theo dõi triệu chứng nghi viêm ruột thừa cấp tính. May sao, chẩn đoán của bác sĩ trực không chính xác. Anh chỉ bị cảm lạnh rồi ngất đi vì mất sức. Chị được khoa phân công theo dõi bệnh nhân, chăm sóc thuốc men hàng ngày. Anh nằm viện ít ngày rồi khỏe mạnh ra về. Chỉ có vậy thôi, mà anh và chị biết nhau và…yêu nhau. Họ yêu nhau nhanh chóng, tự nhiên và hút lấy nhau như phải bùa. Nhưng rồi, tốt nghiệp xong Anh không công tác ở Hà Nội, lại về một tỉnh ven biển. Gia đình đôi bên không thông cảm được sự xa cách đến vậy giữa thời chiến nên không đồng ý cho họ nên vợ nên chồng. Họ đã rất xót xa vì bị ngăn cản tiến đến hạnh phúc. Đất nước thống nhất, Anh chuyển công tác vào Sài Gòn theo gia đình, Anh chỉ kịp tới bên chị và họ thức với nhau một đêm trắng trong tiếng thì thầm âu yếm tiếc nuối của Anh và tiếng nức nở của Chị. Sau đó, họ bặt tin nhau đến hơn hai chục năm.
       Dăm năm gần đây, vào một tối mùa thu, Chị bất ngờ khi thấy Anh đứng trước cửa nhà sau tiếng gõ cửa dụt dè. Anh trông già đi nhiều, tóc đã nhuốm bạc. Anh bảo, nếu không có người bạn chung mách bảo thì không biết khi nào họ tìm gặp lại được nhau, thậm chí có thể mãi mãi không gặp được nhau. Chị chỉ biết cười trong nước mắt, miệng nhẹ gắt Anh: "Em không thích nói vậy đâu, thế là nói gở đấy!". Thấy Anh cứ nhìn như đếm từng vật dụng trong nhà, chị nói nhẹ: "Em chỉ có một mình, cả hai chục năm nay rồi". Ánh mắt Anh thảng thốt: "Em nói vậy, nghĩa là…" Chị chỉ trả lời Anh bằng một ánh mắt buồn.
       Thế rồi, tuy không thường xuyên gặp được nhau, mỗi năm họ cũng gặp được nhau một lần. Anh nói vui với chị "Này, mình không thành vợ thành chồng được với nhau, thì thành vợ chồng Ngâu vậy." Nói đùa vậy, nhưng mắt Anh thật buồn. Họ gặp nhau, ở với nhau một đêm và tuyệt nhiên, không bao giờ hỏi thêm gì nhau về cuộc sống, gia đình riêng. Anh nói như đinh đóng cột: "Chúng mình yêu nhau, thế là đủ". Cứ vậy, mỗi năm họ chỉ gặp nhau có một lần.
       Ngoài mảnh sân nhỏ, tiếng một chiếc lá nữa lại rụng xuống. Không, không phải là một mà đây này, lại một chiếc nữa rồi lại một chiếc nữa. Tiếng lá rụng khô khốc giữa đêm vắng. Chị chép miệng: "Sao đêm nay lá rụng nhiều thế?"
       Tiếng gà nhà ai trong xóm gáy thật sớm. Ngoài khe cửa, ánh ban mai nhợt nhạt hiếm hoi của mùa đông chậm chạp lọt vào. Chị đã thức gần trọn đêm. Bỗng, chiếc điện thoại di động bên gối đổ chuông. Chị thảng thốt nhấc máy, không kịp nhìn kỹ số máy gọi. Từ đâu đó rất xa, giọng Sài Gòn của một cô gái trẻ  nghẹn ngào: "Con chào cô ạ! Con xin lỗi cô vì gọi cô vào giờ này. Ba con mất đã bảy ngày nay rồi. Trước khi đi xa, ba cho gọi con lại bảo gọi tới số máy này báo cô biết nếu ba có mệnh hệ gì. Ba lại còn dặn chỉ được gọi cho cô sau cúng cơm tuần đầu. Ba nói, cô tha thứ cho Ba con." Tiếng nói đầu dây nghẹn trong tiếng nức nở rồi ngập ngừng đóng máy. Chị hiểu, thế là Chị đã mất Anh mãi mãi. Trên chiếc bàn đêm, ảnh Anh thời ngoài hai mươi tuổi nhìn chị, cặp mắt thật là buồn. Hai hàng nước mắt Chị lã chã rơi trên gối. Chị đưa cả chiếc khăn tay vào miệng, răng cắn chặt cố ngăn tiếng nức nở. Chưa khi nào Chị lại thấy mình cô đơn đến thế. Cho đến lúc lẳng lặng rời xa Chị vĩnh viễn, Anh đâu có biết rằng, trong cuộc đời Chị, chỉ có Anh là người chị yêu bằng cả thể xác và tâm hồn. Anh có tổ ấm gia đình, còn Chị thì không, mãi mãi không.
       Hàng xóm chung quanh hai hôm sau mới thấy Chị đi ra khỏi nhà trong bộ quần áo đen màu tang tóc. Giữa mưa lạnh, gió rét Chị trở về với  một bó hoa cúc, một bó hương thẻ và mấy thứ đồ cúng trong giỏ xe. Gương mặt Chị thất thần, buồn bã. Không ai dám hỏi chị điều gì, họ chỉ biết đồn đoán rằng, người đàn bà hiền lành ít nói sống một mình trong căn nhà cuối ngõ chắc lại vừa phải chịu tang người thân.

     Tháng 8 năm 2012

Bình Dương

Không có nhận xét nào: