NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

LỄ HỘI ĐÌNH CHÙA DƯỠNG THÁI XÃ PHÚC THÀNH, HUYỆN KIM THÀNH TỈNH HẢI DƯƠNG


           Vào thế kỷ 18, 19 làng Dưỡng Thái còn thuộc tổng Bất Nạo, huyện Kim Thành, trấn Hải Dương. Sau cách mạng tháng 8/1945 thôn Dưỡng Thái thuộc xã Phúc Thành, Hải Dương. Xã Phúc Thành nằm ở phía Bắc huyện Kim Thành, có hai thôn là Dưỡng Thái và An Thái. Nghị định số 57/NĐ-CP ngày 07/10/1995 của Thủ tướng Chính phủ tách thôn An Thái và một phần xóm 3 thôn Dưỡng Thái thành lập Thị trấn Phú Thái. Phần còn lại của thôn Dưỡng Thái là xã Phúc Thành ngày nay. Xã Phúc Thành nằm bên đường Quốc lộ 5 tuyến Hà Nội - Hải phòng, có vị trí chiến lược  hết sức quan trọng cho giao thương, kinh tế và phát triển văn hóa, du lịch. Phía Bắc, giáp sông Kinh Môn nhìn về phía đỉnh An Phụ nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu. Phía Nam giáp với xã Kim Anh. Phía Đông giáp thị trấn Phú Thái và sông Kinh Môn. Phía Tây giáp với xã Kim Xuyên. Xã Phúc Thành có cụm di tích lịch sử quốc gia là Đình - Chùa Dưỡng Thái, là một trong số ít các di tích bao gồm cả đình và chùa (toàn tỉnh chỉ có 11 di tích đình - chùa là DTLSQG)([1])cùng được công nhận là di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 1568 QĐ/BT ngày 20-4-1995. Đình - Chùa Dưỡng Thái còn có vị trí mở đầu tuyến các di tích quan trọng trong tiểu vùng Kim Thành - Kinh Môn với một loạt di tích quan trọng, có ý nghĩa vùng văn hóa trọng điểm của tỉnh Hải Dương như Đình Huề Trì, khu di tích An Phụ - Tượng đài Trần Hưng Đạo, động Kính Chủ…Đó là những địa danh quá quen thuộc đối với khách thập phương và xứng đáng  được coi là một trong những tài nguyên du lịch của tỉnh.
         
Đình Dưỡng Thái nằm trên một khoảnh đất rất rộng, cao ráo. Phía trước đình nay còn đó cây đa cổ thụ dễ đã hàng trăm tuổi. Con sông Kinh Môn ở ngay phía trước mặt, tạo nên cảnh quan thanh bình, thoáng đãng, mát mẻ. Sông Kinh Môn xưa có tên là sông Vận Lương (tương truyền sở dĩ có tên như vậy vì dưới thời Trần, Trần Liễu đã chuyển lương thực để chuẩn bị đánh giặc trên dòng sông Bạch Đằng).([2])
          Đình hiện còn xây dựng vào năm 1884, căn cứ trên dòng chữ ghi trên thượng lương: "Hoàng triều Kiến Phúc nguyên niên tuế thứ giáp thân niên bát nguyệt sơ thập cát nhật lương thời thụ trụ thượng lương". Kiến trúc chữ Đinh ()gồm đại bái 3 gian 2 dĩ và hậu cung 3 gian. Riêng hậu cung, trước từng bị phá dỡ sau được nhân dân và chính quyền địa phương tu bổ tôn tạo lại vào năm 1998. Kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Nguyễn với nhiều bức chạm khắc gỗ trên rường, xà, đầu dư, xà nách, các bức cốn hầu như còn nguyên bản hết sức giá trị. "Hệ thống cột, xà, hoành, rui, xà đùi, kẻ góc…đều là gỗ tứ thiết còn khá tốt"([3]), mặc cho thời gian đã in dấu khá đậm lên công trình.
          Khi xưa, nằm cách đình khoảng 200 m về phía Đông là Chùa Cả, tên chữ là Cảnh Linh tự (景 靈 寺), dân gian gọi theo tên nôm là Chùa Oi. Được khởi dựng vào năm nào thì không rõ, chỉ biết rằng vào thời hậu Lê, niên hiệu Chính Hòa ( )thứ 11 (1690) đã có chùa. Chùa nằm trên một khoảnh đất công khá rộng rãi, thoáng mát, lưng quay về dòng sông Vận ở phía đông mà phù sa con sông bồi lên cánh đồng Dưỡng Thái màu mỡ. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại khoảng năm Thành Thái (成 泰)thứ 2 (1890), do có tranh chấp về đất đai giữa hai làng Dưỡng Thái và Quỳnh Khê mà dân làng Dưỡng Thái đã chuyển chùa Cả về phía Tây đình, cách đình 300 m và ổn định ở đó cho đến nay. Chùa hiện tọa lạc trên một khu đất rộng tới 3 mẫu Bắc Bộ (khoảng 10800 m2). Mặt tiền quay về chính Nam, sinh cảnh khá hữu tình, với khu vườn chùa rộng rãi, các sư trụ trì và tổ trồng cây của các cụ phụ lão trong xã đã trồng nhiều cây ăn quả lưu niên như vải, nhãn, dừa, mít… Nhà chùa thờ Phật phái Trúc Lâm, có cấu trúc khá đẹp "các hạng mục như tam quan, tiền đường, thượng điện đều là những công trình nghệ thuật chắc chắn, cổ kính. Tiền đường có 6 gian và 3 gian thượng điện được kiến tạo theo kiểu chồng rường đấu sen đơn giản, nhưng còn khá chắc chắn do mới trùng tu cuối thế kỷ 19…"([4])
          Cả hai di tích không chỉ quan trọng đối với tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân dịa phương mà điều quan trọng hơn cả là đều liên quan đến nhân vật được thờ, điều làm cho cả đình và chùa trở thành di tích được xếp hạng quốc gia - bên cạnh các tiêu chí khác về kiến trúc, nghệ thuật kèm theo.
          Nhân vật được thờ làm thành hoàng ở hai di tích là nhân thần Nguyễn Thụy Hường thời Lý cùng ba tướng sĩ có công đánh giặc Tống thế kỷ XII.
          Tài liệu thần tích, thần phả và truyền ngôn cho biết rằng: Là tướng nhà Lý, Nguyễn Thụy Hường được giao cho trọng trách trấn giữ miền đông bắc thành Thăng Long, chặn đánh giặc ở miền Đông Triều (xưa vốn thuộc trấn Hải Dương, nay thuộc về tỉnh Quảng Ninh). Ông có tài cầm quân, lại lắm mưu lược, thu phục được lòng dân và được tướng sĩ một lòng phụng sự. Đạo quân do ông thống lĩnh đánh đâu thắng đó. Trên đường truy đuổi quân Tống, qua vùng Dưỡng Thái, ông cho quân nghỉ lại. Đêm đó, ngày 5 tháng 10 âm lịch, ông được báo mộng đánh tan giặc Tống. Quả nhiên, điềm mộng báo linh ứng, ông cùng quân sĩ đại thắng sau một trận chiến ác liệt, quân Tống vỡ trận, chết trận nhiều vô kể, kẻ sống sót, thương tật giẫm đạp lên nhau mà chạy thoát lấy thân. Song trong cái vui thắng trận, vị thống tướng bị mũi tên bắn lén của kẻ bại trận. Các tướng lĩnh đưa ông về làng Dưỡng Thái chữa trị vết thương, song ông không qua khỏi, mất vào ngày 15 tháng 10 âm lịch ngay tại mảnh đất nay xây dựng Chùa Cả. Việc ông mất chẳng những gây nên bao tíếc thương mà còn thiêng đến nỗi, khi nhà vua cử 3 viên tướng về Dưỡng Thái xem xét tấu trình của dân về việc phong sắc cho ông cũng quy tiên tại đây. Việc quá bất ngờ và hiếm lạ nên nhà vua truyền cho dân sở tại lập đền thờ ông cùng các tướng. Triều đình cũng phong sắc cho ông là Hằng tế "Đương cảnh thành hoàng, tham tán lý, thông minh thần vũ, hiển ứng thần uy, Hùng thủy Hằng tế linh phù đại vương, dực bảo trung hưng, gia tặng Đoan phúc linh phù tôn thần". Nơi thờ phụng Ông cũng được ban bức hoành phi với bốn chữ vàng 玉 燭 泰 . ("Ngọc - Chúc - Thái - Bình"). Cùng với Ông, ba vị tướng tạ thế tại làng được dân tôn làm thành hoàng, có đôi câu đối ghi:
位 英 靈 千古 聖
  方 主 宰 憶 年  神
"Tứ vị anh linh thiên cổ thánh,
Nhất phương chúa tể ức niên thần"
          Cụm di tích Đình Chùa Dưỡng Thái còn giữ được nhiều cổ vật. Tại đình ngoài ba tượng của ba vị tướng, trên cùng có đặt ngai của Đức Thánh Cả. Tượng Đức thánh cả được thờ tại Chùa Cả, nơi ông qua đời sau cuộc chiến. Tại chùa Cả, bên nhiều bức tượng thờ chư Phật như các chùa theo phật phái Trúc Lâm, trong điện thờ gian giữa, tượng Đức thánh Cả Nguyễn Thụy Hường được đặt trang trọng trong khám thờ sơn son thếp vàng, được chạm khắc rất đẹp. Chính việc thiết đặt tượng của các vị thành hoàng làng như vậy đã tạo cho lễ hội Đình Dưỡng Thái nhiều sắc thái riêng trong lễ thức và tế rước.
          Song, sẽ rất thiếu sót nếu bỏ qua các chi tiết có ghi trong hương ước xưa của làng. "Làng (Dưỡng Thái) có  một Đình Cả, 2 chùa Cả và chùa Quýt, một miếu ở Cửa Nghè, một miếu ở Chùa Cả, thờ đức Thánh Cả"([5])
          Định lệ hàng năm, theo các tài liệu hiện có và bản hương ước được kỳ mục làng Dưỡng Thái soạn năm 1936, bên cạnh các lễ tiết khác trong năm việc tế lễ thành hoàng được ghi như sau:
          "….10/ Đình cả có những sự lệ:
……..
          Ngày 8 tháng Giêng có lệ các lão tự 55 giở lên ra đình yến lão và tế thần.
          Ngày 8 tháng 3 vào đám (1 đến 3 ngày)
          Ngày 1 tháng chạp làm lễ cách cố (là lễ cắt đặt các tế đám và các tiết)
          20/ Chùa Cả có sự lệ:
          Ngày mồng 8 tháng giêng làm lễ thượng nguyên ở miếu Cả.
          Ngày 15 tháng 10 húy nhật thần."
          Hương ước cũng định rõ "Những lệ vào đám thì chỉ được đến 7 ngày là cùng".([6])
          Từ lời kể của các vị cao niên trong làng thì lễ hội xưa (trước 1945) diễn ra như sau:
          Tại Đình, lễ hội được tiến hành từ 7 đến 9 tháng 3 âm lịch. Chiều ngày 7 làng làm lễ cáo yết, có đội tế thuê từ nơi khác về. Làng chia cho 4 giáp chuẩn bị lễ vật dâng thánh. Lệ xưa các giáp đều chọn người tế đám hàng năm. Người được giao đến lượt tế đám phải lo nuôi vỗ một con lợn cỡ 50 Kg (được tôn làm Ông Lợn) với những quy định khá ngặt nghèo về việc nuôi vỗ, kiêng kỵ. Sau khi được mổ, "ông lợn" được cạo lông thật sạch sao cho da thật trơn, nhẵn. Mỡ lá lấy ra đem phủ khắp thân đặt lên bàn sơn son thếp vàng trang trọng rước về đình để làm lễ dâng thánh. Người làm tế đám ngoài việc lo lễ vật tế thần còn phải sắm sửa lễ nghi như lo một bàn xôi để tế thần, lo hương đăng cả năm. Chi phí ngoài xôi thịt của ông tế đám, gà rượu, bánh dày, bánh mật, hoa đăng… gọi theo các phe giáp sửa lễ.
          Cùng với tế cáo yết, làng  làm lễ rước thần thành hoàng Nguyễn Thụy Hường từ chùa đưa về đình. Lễ nghi này được thực hiện như sau:
          Tại đình, sau lễ tế các chân kiệu lên vai 3 cỗ kiệu đặt tượng 3 vị thần thành hoàng (những vị đã mất tại làng khi thực hiện lệnh vua về xem xét ghi công trạng Nguyễn Thụy Hường), riêng cỗ bát cống, trên đặt cỗ ngai của Đức thánh cả. Đoàn rước cung kính đi tới chùa Cả, làm lễ nghinh thần đưa tượng Đức thánh Cả lên kiệu bát cống rước về đình làm lễ yên vị.
          Trưa ngày mồng 8, lễ mộc dục, bao sái đồ thờ. Các lễ thức tế, lễ, dâng hương trong ngày mồng 8 được coi là các lễ trọng, quan lại, kỳ mục, dân đinh trong làng kính cẩn lễ bái theo thứ vị được giới hào mục quy định. Ngày 9 tháng 3, làng làm lễ tế giã và lễ rước đức thánh cả lại được tiến hành theo trình tự ngược lại: các đức thành hoàng đưa Ngài từ đình về chùa. Xong xuôi, rước tượng ba vị thành hoàng về đình làm lễ yên vị.
          Trong ba ngày ấy, lễ hội được tổ chức trọng thể tại Đình Cả. Song hành với các lễ nghi, phần hội cũng hết sức phong phú. Nam thanh nữ tú hào hởi chơi đu, cầu thùm, vật cầu, vật sới, chọi gà, bịt mắt bắt dê… Các đêm vào đám, làng mời chèo gánh, tuồng pho, các giáp thi nhau hát đối, hát trống quân. Tiếng trống chèo, tiếng thì thùng nhịp hát trống quân rộn rã một vùng, người dân hả hê vui hội dù cuộc sống chưa được dư dật, quan nhiêu kỳ mục trong làng còn cưỡi lên đầu lên cổ dân đen. Lễ hội làm cho người cùng đinh tạm quên kiếp đói nghèo, hà hiếp đời thường, ngẩng mặt lên trời xanh ngưỡng vọng thánh thần thỏa nỗi tâm linh. Lễ hội làng Dưỡng Thái cuốn hút khách thập phương cả  một giải đất dài tổng Bất Nạo, Thanh Lâm xưa.
          Lễ hội Chùa tiến hành vào 10 đến 11 tháng giêng.
          Đình, Chùa của thôn An Thái đã bị giặc Pháp san bằng lấy nguyên liệu xây bốt Phú Thái từ cuối năm 1946 đầu 1947. Toàn bộ các công trình hiện nay như Đình Dưỡng Thái, Chùa Cả, Đền - Chùa Quýt được Đảng ủy, UBND và nhân dân trong xã trùng tu lại tuần tự vào các năm 1998 (Đình), 2000 (Chùa Cả), 2001 (Đền - Chùa Quýt) . Hậu cung Đình Cả cũng được trùng tu, xây lại. Trước thời điểm đó, các cổ vật, tượng các thần thành hoàng đều gửi bên Chùa Cả. (Có giai đoạn, đình làng còn dùng làm trường học, kho lương thực, trụ sở UBND xã...)
          Sau năm 1994, nhất là sau khi Đình và Chùa Dưỡng Thái cùng được công nhận di tích lịch sử quốc gia, chính quyền và nhân dân xã Phúc Thành khôi phục lại lễ hội Đình - Chùa Dưỡng Thái. Ban quản lý di tích được thành lập. Hàng năm, khi làng vào đám Ban tổ chức lễ hội được lập ra dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và UBND xã. Lễ hội từ nay được coi là lễ hội Xuân, được tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng (Hai ngày rưỡi). Trung tâm tổ chức lễ hội nay chuyển về khuôn viên nhà chùa (do vị trí chùa Cả tương đối trung tâm so với Đình Dưỡng Thái, Chùa Quýt (thờ đức thánh Trần) .
          Sáng ngày 10, tế cáo yết tại đình. Việc tế lễ do các cụ trong đội tế nam quan  thực hiện. Say đó rước tượng tam vị đại vương từ đình làng sang chùa để tế yên vị và làm lễ tế chính. Tế rã hội do các cụ trong đội tế nam quan đảm nhiệm. Tế xong, rước tượng ba vị thần thành hoàng (tam vị đại vương) trở lại yên vị tại Đình.   
          Như thế, so với trước đây, quy trình rước tượng đã thay đổi. Việc rước được định lại cứ 3 năm một lần tổ chức rước tượng, còn hàng năm, chỉ rước bài vị. Chu trình rước ngày nay là: rước 3 vị thần thành hoàng từ đình ra Chùa, hết hội, lại rước ba vị về đình an vị. Ngày 8 tháng 3 xưa chỉ còn tổ chức lễ dâng hương 1 ngày ở Đình và Chùa. Ngày giỗ Đức thánh cả tiến hành tại chùa vào  10 tháng 10 âm lịch cũng chỉ diễn ra 01 ngày.
          Hiện nay, việc tổ chức lễ hội tại địa phương còn bổ sung thêm một số chi tiết như sau:
          Đoàn rước theo thứ tự gồm các em học sinh cùng các lực lượng đoàn thể Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội  người cao tuổi, Đội văn nghệ, Đội tế nam, Đội tế nữ, Tổ nhạc lễ và các vị đại diện Đảng bộ, Chính quyền, các cơ quan đoàn thể của huyện và của địa phương cùng khách thâp phương và nhân dân trong xã. Cờ Tổ quốc, cờ hội, cờ phướn, băng dôn…nhấp nhô thấp thoáng trong tiếng trống, tiếng nhạc theo đoàn người đi trên đường kéo dài cả cây số. Hành trình đoàn rước bắt đầu từ Chùa Cảnh Linh, khi đến ngã ba, đoạn có lối rẽ ra nghĩa trang liệt sĩ và về đình Dưỡng Thái, một phần của đoàn rước gồm các em học sinh tiểu học, Đội tiêu binh của Hội Cựu chiến binh và một số đại biểu Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của địa phương vào nghĩa trang thắp hương viếng mộ liệt sĩ. Phần còn lại của đoàn rước (chiếm đại đa số lực lượng rước lễ) tiến về Đình, làm các thủ tục tế lễ và làm lễ nghinh thần rước tam vị đại vương lên kiệu. Hợp với đoàn viếng nghĩa trang liệt sĩ về tới đình, đoàn rước vê chùa Cảnh Linh dự lễ khai mạc, dâng hương. Đội nữ quan thực hiện tế ngoại táng tại Chùa .
          Phần hội diễn ra ngay sau lễ dâng hương gồm các chương trình biểu diễn văn nghệ của bản xã và các đội văn nghệ các huyện bạn Gia Lộc, Kinh Môn (thị trấn Phú Thứ, Thôn Huề trì - An Phụ)… , thi đấu các môn thể thao bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, trò chơi dân gian như chọi gà.
          Sáng ngày 12 tháng Giêng đội Nam quan của Hội Người cao tuổi thực hiện tế giã hội, Ban tổ chức tiến hành Bế mạc lễ hội.
          Hội Xuân tại khu di tích Đình Chùa Dưỡng Thái hiện đang diễn ra đúng nghĩa hội làng, trong đó không chỉ tổ chức riêng cho di tích xếp hạng quốc gia mà còn bao gồm cả Chùa Quýt với ý nghĩa như một quần thể di tích tại địa phương. Đó cũng là chủ trương của Đảng bộ và chính quyền xã Phúc Thành, với mong muốn có một sinh hoạt văn hóa tâm linh rộng rãi cho người dân bản xã.
Th.s.Nguyễn Huy Thiêm


TÀI LIỆU THAM KHẢO
          1. Đại Việt sử ký toàn thư.- H., Nxb.Khoa học xã hội.
T.I- 1968
T.II- 1971
T.III, T.IV- 1972.
          2. Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX.- H., Nxb.Khoa học xã hội, 1981.
          3. Niên biểu Việt Nam.- H., Nxb.Khoa học xã hội, 1984.
          4. Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam.- H., Nxb.Khoa học xã hội, 1991.
          5. Hải Dương di tích và danh thắng.- Hải Dương, Sở Văn hóa thông tin xuất bản.- 27 cm.
          T.1 - 438 tr., 1999.
          6. Hồ sơ di tích xếp hạng và tài liệu kiểm kê di tích Đình Chùa Dưỡng Thái, Phúc Thành, Kim Thành.- Bảo tàng Hải Dương.
          7. Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Phúc Thành (1930-2005). Lưu hành nội bộ.- Hải Dương, Ban chấp hành Đảng bộ xã Đại Đức, 2006.- 240 tr., 19 cm.
          8. Tài liệu sao chụp do Ban quản lý di tích Đình Chùa Dưỡng Thái cung cấp.



([1])  Theo "Hải Dương di tích và danh thắng", T.1.- Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương xuất bản, 1999.- 438 tr.
 ([2]) Sđd.- Tr.211
([3]) Sđd.- Tr.212
([4])  Sđd.- Tr.212
([5])"Hương ước làng Dưỡng Thái, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tổng Bất Nạo".- Viện thông tin khoa học xã hội, Thư viện tỉnh Hải  Dương sao chụp, 1997.- 21 tr. viết tay.
([6])  "Hương ước làng Dưỡng Thái, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tổng Bất Nạo".- Viện thông tin khoa học xã hội, Thư viện tỉnh Hải  Dương sao chụp, 1997.- 21 tr. viết tay.

Không có nhận xét nào: