NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo và hết)

       Sau cú ngã phải nằm viện đến hơn nửa tháng, lúc ra viện mạng sườn lão Đán còn phải bó bằng băng dính bản rộng mất vài tháng sau nữa. Nghỉ nhà thêm hai chục ngày, lão ra cơ quan. Cô tạp vụ được lệnh sắm cho thủ trưởng chiếc ấm sắc thuốc dùng điện. Ngày nào cũng vậy, suốt ba tháng liền, bất kể sớm tối từ phòng lão bay ra mùi thuốc bắc nhức mũi. Đến cả con chó lai to tướng của nhà bác Đổng bảo vệ đi làm theo chủ cũng đâm nghiện cái mùi thuốc bắc theo gió thoảng xuống góc sân. Nó thường nằm phục dưới góc nhà bảo vệ, mắt ươn ướt lim dim hấc hấc mũi tìm hương thuốc trong gió. Dễ đến vài ba tháng sau khi sếp hết dùng thuốc bắc, con chó vẫn còn có thói quen hướng cái mõm nhễu rớt rãi lên tầng hai, tìm hơi thuốc quen thuộc, miệng tru từng hồi khe khẽ não nề. Đám thanh niên cơ quan cứ đùa ông Đổng: "Khi nào nó muốn ăn riềng, bác cho chúng cháu đụng với nhé. Có miếng rựa mận của nó, chắc tốt xương lắm đấy!"
      
Khu nhà học đa năng hoàn thành. Sau một bữa khánh thành linh đình ỏm tỏi nửa tháng, lão Đán nghỉ hưu. Cô kế toán mau miệng kháo với mọi người: "Này, chúng mày có biết không? Sếp đủ tuổi hưu, nhưng chỉ hưởng lương bảo hiểm có sáu mươi lăm phần trăm. Số năm công tác liên tục đóng bảo hiểm không đủ hai mươi nhăm năm". Ấy là lão đã ăn gian được hơn bốn tuổi khai sinh rồi đấy. Có nghĩa là tuổi tác thì già mà số năm công tác thật sự trong biên chế nhà nước lại thiếu. Đám cán bộ, nhân viên trong cơ quan chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. Chuyện đó ất giáp thế nào thì chỉ có lão Đán mới biết mà thôi.

*
*     *
       ….Khéc..héc…khéc…héc..
       Tiếng con chim đêm nào nghe là lạ, gần như sát sạt khung cửa sổ. Trong đêm tối, tiếng vỗ cánh phần phật thảng thốt bay ngang. Lão Đán chợt nửa tỉnh, nửa mê hé mở mắt. Trước ánh mắt lờ đờ của lão, hình thù kỳ dị của thằng con nơi góc cửa lờ mờ hiện rõ dưới ánh đèn compac trên tường. Thằng Tĩnh gần như ngã đổ người trên chiếc ghế xoay của bộ bàn máy tính góc cửa. Đầu nó nghẹo hẳn sang bên phải, từ khóe miệng, nhãi dớt lòng thòng xuống tận ngực chiếc áo phông xanh, làm thẫm một miếng tướng. Nó ngủ ngồi, càng nhìn càng thấy bộ dạng qúa bệ rạc, ủ rũ. Khuôn mặt nửa trẻ con, nửa người lớn trông ngây dại, thồn thộn. Phía ngoài, trời đã lờ mờ rạng. Đâu đó, tiếng chuông lễ sáng từ tháp chuông nhà thờ vọng lại xen với dăm ba tiếng gà gáy sáng. Hai bố con nhà lão đã đối mặt nhau trong gian phòng nhỏ này có đến mười bốn, mười sáu tiếng đồng hồ rồi. Và, chẳng ra cái kiểu đếch gì hết. Lão Đán chợt điên lên.
       - Thằng ranh kia, mày ngủ rũ thế mà không biết tội à.
       Thằng Tĩnh choàng người, suýt đâm bổ xuống sàn nhà. Mở đôi mắt lúc đầu ngơ ngác, sau hiểu ra tiếng bố nó quát tháo, mặt nó tái mét. Trong ánh sáng nửa sáng nửa tối của đêm gần sáng, bố nó ngồi đó, mớ tóc trắng sù lên, mắt đỏ quặm. Nửa khuôn mặt phía bên phải phơi ra trước ánh sáng mờ bẹt ra như chiếc mặt nạ da người, nửa khuôn mặt còn lại giật liên hồi như kẻ lên kinh giật. Bố nó điên lên thật rồi.
       - Thày ơi…Thày…! Thày đừng quát nữa, con … con… sợ lắm…Con đã tưởng vật này cứu được con…
       Giọng run lên, nó rụt rè tiến đến trước mặt ông bố, mở nắm tay. Từ lòng bàn tay và mấy ngón giữ chặt đến bợt trắng, nó thả một đám dây dợ đen ngòm xuống mặt bàn. Rồi nhanh chóng lùi lại, như muốn tránh tầm cái bạt tai lúc nào cũng muốn vung ra từ bố nó.
       - Cái gì? Cái gì thế này?
       Giọng lão Đán chợt lạc đi, mắt trợn tròn. Cái gì lổn nhổn đen vàng lẫn lộn trước mắt lão kia. Nhặt lên giở ra, lão đứng bật dậy chết lặng. Không, không phải mắt lão trông nhầm. Chiếc răng cọp nạm bạc mặt hổ phù buộc bằng sợi dây lanh ướt nhớp mồ hôi tay thằng con này không lạ gì với lão. Mọi thứ từ một nơi rất xa, rất xa kéo ập về như lũ tràn. Những cánh rừng già Trường Sơn, những ngày cắt rừng đi tìm đơn vị…Chiếc răng thiêng… chiếc răng thiêng… thằng Seo Lừ đeo ngày nào…Cuống cuồng, lão lật vội mặt sau. Hai chữ Đ - L vẫn ở đó, tuy mờ đi chút ít nhưng không thể lẫn vào đâu được. Thằng Lừ, nó sống chết thế nào mà cái dây đeo cổ nó ở đây. Nhìn trừng trừng thằng con với đôi mắt đã dại đi, lão há mồm gào lên với toàn bộ hơi sức mà sao tiếng cứ nghẹn đi, nghe lào khào, thảng thốt:
       - Quả báo, quả báo rồi con ơi. Khéo tôi chết mất, chết mất.
       Ngang họng như có cục gì to lắm bỗng chẹn ngang. Lão đổ gục xuống như bổ củi, cả người gần như nằm xoài ra trên mặt kính dày của chiếc bàn chân mạ trước mặt. Hai tay ôm lấy thái dương, lão hộc lên một tiếng.
       Thằng Tĩnh thét lên: "U ơi! Thày con…". Chưa cần nó phải gọi thất thanh đến thế, mụ Đán đã đứng sững ngay cửa ra vào từ hồi nào. Trước mặt mụ, thằng Tĩnh đang ngã dụi xuống. Từ hai bàn tay ôm mặt của lão Đán, những máu đen, máu đỏ đang tràn qua kẽ tay. Máu từ mồm mũi, máu từ tai cứ thế tràn ra, tràn nữa, sủi ngầu nổi bọt đen, bọt hồng trên mặt bàn. Giữa đám máu nhày nhụa, chiếc răng cọp nổi dựng lên, trông như lưỡi hái thần chết. Mụ Đán cũng đổ xuống, ngất lịm.
       Chưa bao giờ cái ngõ nhỏ ấy lại chứng kiến một đám ma kỳ lạ đến vậy. Ngoài con cái trong nhà, bà con nội ngoại, đám tang rất ít người dự. Không truy điệu ầm ĩ, không nhiều vòng hoa, không mấy tiếng khóc. Âm thanh duy nhất nghe được là dàn bát âm điện tử ê a, não nề. Sau những nghi lễ vội vã, người ta đưa người quá cố đi hỏa thiêu. Thằng Tĩnh được hoãn thực hiện lệnh triệu tập đến cơ quan điều tra cho đến hết bữa giỗ tuần đầu.
       Sau đám tang, thằng Tĩnh lặng lẽ theo hai chiến sĩ quân cảnh lên chiếc xe kín mui màu xám. Mụ Đán sau lễ giỗ bốn mươi chín ngày cũng khăn áo lên sống với vợ chồng thằng con thứ hai trên Hà Nội. Tòa nhà đóng kín cửa, rao bán.

Kết.
       Buổi chiều nọ, trước căn nhà hai tầng có nóc tum hình vòm trong ngõ vắng có một người đàn ông dừng đỗ chiếc xe máy Honda cũ kỹ đời tám mươi. Xuống xe, tháo chiếc mũ bảo hiểm nặng nề khỏi đầu, người đàn ông nhìn quanh tìm người đi qua để hỏi thăm. Đó là một ông già tuổi ngoài bảy mươi với khuôn mặt dài ngoẵng, râu để rậm che vành môi vẩu những răng là răng lởm khởm. Vành miệng rộng như người bị dao rạch khiến khuôn mặt trông man trá, dị hợm đến khó chịu. Thời trẻ, chắc đó là một khuôn mặt không mấy thật thà. Ánh mắt láo liên, trông không đáng tin.
       - Nhà ông định hỏi ai?
       - Tôi hỏi bác khí không phải, đây có phải nhà ông Đán, xưa làm chiếu bóng lưu động huyện Hà không?
       - Ông tìm đúng nhà rồi đấy. Nhưng thằng cha chết thảm cách nay gần nửa năm rồi. Con đi tù, vợ cũng không còn ở đây nữa đâu. Mà ông hỏi thăm cái thằng "B quay" ấy làm gì. Cho đến lúc chết, chắc hắn không biết được rằng, những người biết đến cái chiến tích hèn hạ ấy của nó còn sống rất nhiều quanh đây. Giấu diếm với ai chứ với anh em thương bệnh binh, cựu chiến binh từng vào sống ra chết nơi chiến trường như chúng tôi giấu sao được. À! Mà nếu có muốn mua nhà thì xem đấy, gần nửa năm rồi, chẳng có ma nào hỏi mua cả.
       Trả lời người đàn ông lạ mặt là một thương binh nặng. Ông cụt một chân đến sát háng, còn chân kia cụt đến trên đầu gối. Tay phải cụt đến vai, tay trái mất đến khuỷu. Chiếc xe lăn ông nửa ngồi, nửa nằm được một cháu gái mười hai mười ba tuổi đẩy đằng sau. Nói xong câu chuyện, ông cháu người thương binh chậm chạp tiến sâu vào ngõ trong.
       Người đàn ông ngắm kỹ ngôi nhà đã mốc rêu. Trên nóc, chiếc mái vòm tróc vữa cóm róm giữa đám nhà cửa chung quanh. Hai cánh cửa sắt kéo phía ngoài đã tróc lở hết màu sơn, bên trong hai cánh cửa gỗ đóng im ỉm bị khóa chéo bằng hai nẹp gỗ đóng chặt. Chiếc khóa cửa móc bằng dây xích xe đạp cũng thế, hoen rỉ và cáu bẩn. Trên tường, miếng giấy vuông, chắc là thông báo bán nhà đã vàng ệch không còn rõ chữ. Một bên góc, dù được ghim đinh vào tường, vẫn rách ra, để tấm giấy phơ phất trông như chỉ chực rơi.
       Người đàn ông chụp lại chiếc mũ bảo hiểm lên đầu, nổ máy chiếc xe cũ, ù ù mệt mỏi đi ra đầu ngõ. Ngoài phố, ánh đèn thành phố vừa bật lên, ánh sáng còn yếu ớt giữa những tia nắng cuối chiều. Ông ta, chắc ngày xưa cũng từng làm nghề chiếu bóng lưu động.
Đầu thu, tháng 7 - 2012
Bình Dương

Hết.

Lời người viết:

          Tác giả chân thành cám ơn bạn đọc đã đồng hành cùng câu chuyện dài kỳ này. Rất mong được sự quan tâm, góp ý của đông đảo bạn đọc. Mong được tiếp tục giao tiếp trên các câu chuyện tiếp theo.

Không có nhận xét nào: