(Kỳ 9)
(Tiếp theo kỳ trước)
.......
Leng reng…khọt khẹt… Leng reng…khọt khẹt…
Chuỗi âm thanh buồn ngủ đều đều chen giữa
những cú lắc nhẹ đong đưa. Trên xe gã đàn ông ngất ngư nửa thức nửa ngủ, để mặc
trên chiếc xe bò kéo thong thả trôi trên con đường vắng giữa chiều nắng gắt. Lục
lạc buộc cổ lanh canh, chiếc xô méo mó buộc hứng dưới đuôi lắc lư theo nhịp
bước đủng đỉnh, chị bò cái già kéo chiếc xe chất đầy đồ đạc cùng thằng Đán lười
biếng nuốt từng mét đường tiến về phía trước.
Mới đó thôi mà cũng hơn hai năm
trời kể từ ngày rời nhà đi làm công nhân thoát ly. Thằng Đán trông đã cứng cáp
lên nhiều. Da mặt nhuộm nắng đồng bằng nâu rám làm cho chiếc cằm vuông bạnh của
gã trông có ra cái chất thợ hơn dù chưa một ngày được sờ mó vào những thứ máy
móc quý giá của đội chiếu phim lưu động. Đơn giản chỉ vì gã còn phải đợi "lốt"
đi huấn nghiệp. Gọi là huấn nghiệp cho nó oai, chứ thật ra đó chỉ là hơn một
tháng huấn luyện tập trung trên Quốc doanh chiếu bóng trung ương để được cấp
một cái giấy chứng nhận qua đào tạo sơ cấp tương đương anh thợ bậc một, đánh
dấu hết ba năm học việc của đám công nhân chiếu bóng. Lương bổng sẽ lên thêm
chục đồng bạc nữa, những ba mươi sáu đồng. Nhưng cái quan trọng có vết dấu nghề
nghiệp là biết dỡ, biết lắp những chiếc máy chiếu kềnh càng khi đến điểm dừng
đỗ, biết phụ đỡ người đứng máy chiếu những việc đơn giản như đưa chuyển phim,
nhận cuộn và đặt lên bàn quay tua ngược lại. Cao hơn một chút thì phụ máy
chiếu, phụ trực máy phát điện, lắp dựng màn ảnh, đặt dỡ loa đài…. Hoặc giả tốt
giọng thì phụ thuyết minh phát thanh tin chiến sự, thời sự, chính sách và quảng
cáo đầu giờ chiếu. Hơn lên chút nữa thì đi học tiếp một khóa thuyết minh phim. Chỉ
vậy thôi, nhưng chưa đến lượt thì cũng chưa được cử đi huấn nghiệp. Thằng Đán
được nhắc nhở như vậy, kèm thêm mấy lời động viên "Cứ làm tốt công việc
với anh em, có thành tích tốt mới sớm được đi!". Trong đội, gã ít tuổi
nhất và đương nhiên chuyện "điếu đóm" cho đám công nhân có nghề
nghiệp là chuyện thường tình, vì nó vốn phải thế. Khác hẳn thời ở nhà là gã
được đối xử ngang bằng hơn, không bị bắt nạt nữa mà ngồi ăn cùng mâm, ngủ cùng
chiếu với mọi người. Thằng Đán ù lì ngày trước đã thay đổi ít nhiều. Bây giờ
hắn mồm mép hơn, bắt chước các bậc đàn anh trong đội đi tới địa bàn nào cũng
biết dẻo mồm tán gái. Có ối đứa con gái ở các điểm dừng chiếu ỡm ờ với gã nhé.
Lại có cả đám đàn bà góa bụa hoặc vắng chồng, ngứa người còn cho hắn …"yêu"
nữa. Trai tráng nhà quê, thành phố vợi ngót đi nhiều do chiến sự cứ mỗi lúc mỗi
căng lên. Đồng ruộng chỉ còn rặt đàn bà, người già và trẻ con. Đàn ông khỏe
mạnh hiếm vắng hẳn. Song gã cũng đủ khôn để không bị "buộc cọc" với
bất kể con cái nào. Gã vẫn biết sợ ông Kính, bố gã. Vớ vẩn lang bang "giai
trên gái dưới" ôm vạ là chết với ông cụ. Ít ra, trong con mắt làng xóm,
gia đình nhà hắn cũng là số ít nếp nhà có gốc gác nho nhe. Ông nội gã đâu ngày
xưa cũng biết dăm ba con chữ, từng có phận ngồi góc chiếu giữa đình đâu cũng
thứ bậc trong đám được nếm cỗ làng kia đấy. Không biết được tôn xưng thật hay
bỏ tiền ra mua, nhưng cứ nhìn bàn thờ bầy đặt lấy oai nhà gã người ngoài cũng
có đôi chút nể vì. Gã cũng mang máng biết đâu đó rằng, vì cái vai vế hàng xã ấy
của ông nội mà bố gã bây giờ bị liên lụy. Trong họ mạc nếu chẳng có người nọ
người kia, hoặc biết cách chạy vạy đôn đáo thì đến bố gã cũng mất việc chứ chả
chơi. Thế cho nên, biết thân biết phận gã cũng chẳng dám đòi hỏi gì nhiều. Lí
lịch vậy, thời chiến giữ được cái chân cán bộ có biên chế nhà nước như bố gã
cũng là đại may rồi. Cho hắn thoát ly, thâm tâm ông bố thằng Đán cũng mong
"thằng trưởng" thoát được những trói buộc lí lịch chính trị ở quê nhà.
Biết đâu nhờ thế mà lên ông lên bà được. Thời buổi này, khôn sống mống chết.
Cú xóc nảy tung người của chiếc xe qua
rãnh xẻ tát nước ruộng ngang đường làm thằng Đán giật mình mở mắt. Con bò cái
già thế mà khôn. Hơn hai năm cầm roi trụ sau đít nó, hắn cấm có thấy lần nào
con bò đi sai đường. Tháng ba mươi ngày thì ngót hai chục ngày la tha làng
trên, xã dưới khiến con bò thuộc đường hơn cả gã. Cứ đến điểm chiếu quen thuộc
là nó dừng, cái đầu lắc ngang ra ý không muốn đi nữa. Đến trẻ con, bà già trong
cái huyện này, nhìn thấy cái xe và con bò là biết ngay tối đến thể nào cũng
được hưởng bữa "chớp bóng" bãi. Đang lững thững bước, bỗng con bò cái
dừng lại. Hai chân nó hơi giạng ra, thằng Đán rủa thầm trong bụng "Ăn cái đ…gì
mà mới đi có nửa buổi đã muốn ị rồi!". Ấy là nói thế thôi, chứ nhờ cái
điệu giạng ra của con "đầm già" này mà gã được tuyên dương đến hai ba
bận kia đấy. Chả là có lần về tỉnh nhận phim với anh Thông, hắn ngạc nhiên thấy
con bò kéo xe nào đi trong phố cũng ngoắc sau đuôi một cái xô sắt. Hỏi ra mới
biết ở thị xã, người ta cấm đám xe bò đuôi để bò phóng uế bừa bãi trên đường.
Trong đầu thằng Đán nhớ lại có lần đi trên đường về xã nọ, cứ thấy lũ trẻ tay
gạt, tay mê chạy theo léo nhéo "Anh chiếu bóng ơi, cho bò dừng lại làm cho
bọn em một bãi lấy thóc". Hỏi ra mới biết, phân gio bây giờ cũng là thóc.
Các gia đình cứ nhằm lúc trẻ hết buổi học là hét đi nhặt phân, trâu bò gì cũng
được, miễn là phân gom, lại phải còn tươi nhé. Hết ngày đem về giao cho mấy
"ông đội" - đội trưởng sản xuất - là cuối tháng có sưu tra sổ sách để
sau này trả thóc. Trâu hợp tác có phải nhà nào cũng có suất được chăn dắt đâu
mà có phân đổi thóc được. Thế cho nên trẻ con các làng ven đường cái cứ thấy
đám xe bò kéo xuất hiện là í ới gọi nhau bám theo. Xe của hợp tác vận tải thô
sơ, xe của các "anh nuôi" bộ đội đi lấy hàng, xe của chiếu bóng, kho
bãi vật tư, xe của các bếp ăn xí nghiệp sơ tán….ối ra đấy trên đường. Thoáng
thấy bãi phân trâu, phân bò nào là chúng bạt mạng chạy tới, tranh nhau xí phần.
Đám trẻ trâu cũng không kém cạnh, ngoài trâu được giao chăn dắt, đứa nào cũng
thủ sẵn cặp dẻ sườn trâu bò cộng với hoặc cái nón mê rách, hoặc cái mẹt méo gãy
cạp, trên lót ít cỏ rác thế là "alê hấp", nhắm đâu có trâu bò dừng
lại "ị" là chúng chạy vội tới chí chóe giành giựt, gạt lấy gạt để lấy
về. Thóc cả đấy! Thế là gã bắt chước, ngoài cái xô méo ngoắc sau đít con bò,
dưới gầm xe gã còn buộc thêm cả một chiếc xô tôn Liên xô hỏng của đám thợ máy
nổ đựng dầu loại ra. Chẳng có đám phân bò nào rớt xuống đường nữa. Đầy xô là gã
trút vào chiếc thùng gầm xe. Đến điểm chiếu, hắn gạ gẫm đám trẻ trâu, đổi được
nào rạ, nào củi thậm chí cả rau muống ao, khúc bí đao, góc bí ngô hoặc quả bầu
dành nấu bữa chiều cho đội. Thế mà cũng được tuyên dương với lí do rất kêu
là…"góp phần cải thiện bữa ăn tập thể". Theo gã, các xe khác đội khác
cũng có ối anh bắt chước. Chi đoàn thanh niên còn ghi công gã nhằm mục tiêu
phát triển đoàn viên tích cực để kết nạp Đoàn nữa chứ. Chỉ vậy thôi mà đâm có
thành tích, cuối năm vừa rồi gã được kết nạp vào "Đoàn thanh niên lao
động". Cũng nở mặt, nở mũi.
Chờ con bò cái ị xong, gã lại gại khẽ đầu
roi vào lưng nó thúc đi. Cái bộ dạng "ị" của chị bò cái bây giờ đối
với thằng Đán cũng đâm quen. Cứ đến cơn là cái đuôi nó cong lên, đám phân nóng
hổi đen đúa đùn ra nhớp nhúa đưa theo mùi nồng nồng ngai ngái hắt thẳng về phía
sau. Hồi mới nghĩ ra "sáng kiến" hứng phân, dù là con nhà nông mà
nhìn cái cảnh ấy, thằng Đán cũng cồn cào cả người chực ọe ra. Sau rồi cũng quen
đi, lắm lúc đang gà gật bên càng xe, thấy xe đột ngột dừng lại, hé mắt thấy bãi
cứt đùn ra sau đít con bò, gã còn tủm tỉm nhếch mép xem chừng có vẻ thích thú.
Cuộc sống lang thang đây đó của gã, lúc có người cùng đi, lúc chỉ một thân một
mình đi trước, cung cách giạng chân giữa đường của chị bò cái như một phần
không thể thiếu được trong hành trình của gã. Mà đôi khi, những "đận"
dừng nghỉ giải quyết nhu cầu tự nhiên ấy của chị bò cái cũng là chuỗi "cầm
nhịp" cho tuyến đường chiếu bóng lưu động của gã và đồng nghiệp. Cũng có
thể, là cái cớ để "chị" bò thư dãn, giải lao giữa chuyến đi nhàm chán
mỗi ngày... Mạch nghĩ lan man của gã khiến đôi mắt đang phơ phới mơ màng nhợt
nhòe đi trước một khuôn mặt nhăn nhúm chen vào. Thoáng giật mình, nhưng rồi gã
nhận ra ngay cái khuôn mặt dở khôn dở lưu manh của thằng bạn. Thì ra đó là
thẳng Củng, đội viên đội khu tây. Chưa kịp mở miệng, thằng Đán đã nghe cái
giọng nhừa nhựa của nó:
- Ê, thằng dưa khú. Đêm nay đội mày "vãi
đám" ở đâu?
- Củng "queo" đấy à! Bọn tao có
buổi chiếu ở xã Thắng Lợi giáp mé đò Gáy chứ đi đâu. Mày làm gì mà lang thang cuốc
bộ vậy?
- Tao về Quốc doanh nhận giấy lĩnh dầu
nhờn. Cả đội có chiếc xe công, lão Khương đội trưởng xách chạy về nhà rúc nách vợ
từ hôm kia đã thấy mặt mũi lên đâu. Thằng cha gù thế mà đá khỏe. Cứ tăm tắp
tuần hai lần về cơm ngon bò cưỡi. Đợi không được, tao đành cuốc bộ, mai đi nhờ
đám thằng Tới bên khu Bắc về vậy. Mà mày nằm mãi thế không buồn sao. Vứt mẹ nó
đấy, dạt vào quán nước bên đường kia làm bát nước vối cho mát người. Giờ này mới
"đầu giờ dậu", còn sớm chán...
.....
(Mời xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét