(Tiếp
theo kỳ trước)
……
Khi cái Xoan thay lại bộ quần áo mặc
thường ngày xuống bếp cùng mấy bà già lo dọn bữa cỗ cưới thết đãi người trong
họ thì nó mới biết nhà chồng cũng không đông người gì. Ngoài ông bố, bà mẹ
chồng ra thì nó là dâu trưởng. Mấy cô cậu em chồng đứa thì mới lớn, đứa còn
đang tuổi đi học, cỡ dăm ba người. Ông bố chồng có khuôn mặt hiền lành nhẫn
nhịn, mắt sâu mũi thẳng trông có dáng
cán bộ thoát ly nhưng tịnh không mấy khi thấy ông cười. Đôi mắt thoáng có sắc u
tối, buồn bã. Bà mẹ trông có vẻ già trước tuổi, dáng vất vả, người thấp nhỏ
khép nép. Bữa cỗ cưới cũng không to tát gì, vài ba mâm với dăm món ăn được nấu
nướng cẩn thận và cỗ món hơn ngày thường. Ông bố chồng, chồng nó và mấy ông già
trong họ ngồi mâm trên, đặt trên chiếc giường cánh quạt duy nhất trong nhà. Bà
mẹ chồng, mấy bà cô, bà dì, cô con dâu mới cưới và lũ trẻ con lau nhau ngồi ba
bốn mâm dưới, mâm bát để cả dưới nền đất nện nứt nẻ, người ăn ngồi lên mấy cái
đòn kê, gộc tre, chổi lúa…Bữa cơm không mấy ồn ào, đám đàn bà trẻ con ăn xong
trước dọn mâm rồi lui. Mâm trên mọi người ăn uống chậm rãi, thỉnh thoảng mới
thoáng nghe vài câu chuyện đưa đẩy. Trong gian chái nhỏ đầu hồi, từ nay là
buồng riêng của vợ chồng nó, cái Xoan căng tai lắng nghe mà tịnh không thấy
tiếng chồng đâu cả. Mặc dù chưa được nghe lời nói nào của anh ta với mình, song
nó đoán biết được vì thấy toàn giọng người già trao qua đổi lại với nhau lẫn
giữa tiếng thìa bát lách cách. Xong bữa, con Xoan và hai đứa em gái chồng dọn
dẹp mâm bát xuống bếp, mấy đứa trẻ con xúm vào mút mát thêm chút đồ ăn thừa thì
trời tối sụp. Họ hàng chú bác cô dì, anh chị em họ về dần hết cả. Nghe cữ đã
hơn bảy giờ tối, tiếng loa chiếc bán dẫn để trên ban thờ của ông bố chồng đã
bắt vào “câu chuyện cảnh giác” được một lúc. Gian giữa nhà trên, chiếc đèn dầu
cao chân được treo trên chiếc quang tết bằng dây thép móc lên xà nhà hắt ra sân
chút ánh sáng vàng mờ.
Nghe tiếng mẹ chồng gọi, con Xoan vội ra
ngoài gian giữa. Trên bộ bàn ghế tre, nó thấy ông bố chồng ngồi lặng lẽ bên
chiếc điếu bát màu da lươn. Chồng nó ngồi phía đối diện, sát góc trong cạnh
chiếc hòm gian đựng thóc, phần còn lại của khuôn mặt lúc đám cưới bị bàn tay
che khuất giờ mới lộ rõ. Con Xoan bước vào, nhìn sững thằng chồng rồi đứng chết
lặng đầu ghế. Trước mắt nó, một bên mặt người chồng nhìn không giống với bên
kia. Một vết sẹo sâu hoắm găm giữa má làm khuôn mặt thằng đàn ông bị kéo lệch
xuống. Xương hàm phía dưới nhìn như bị vặn lệch đi, sau làn da má phải không
cần nhìn kỹ cũng đủ biết số răng bên trong không còn được mấy chiếc. Có lẽ vì
vậy mà con mắt bên phải như bị đặt sai chỗ, trông vừa dài dại, vừa gian trá, ác
độc. Không còn sức để làm gì hơn, nó sụm xuống mặt ghế, và nín lặng. Nó xấu xí,
đen đủi kể có lấy được người đẹp đẽ tài cao thì cũng chỉ như “đũa mốc quài mâm
son”, nhưng phải sống suốt đời với một khuôn mặt dị dạng như vậy thì chưa bao
giờ nó dám nghĩ tới. Không khí chết lặng, nghe phía chái nhà bên kia, tiếng thở
dài của bà mẹ chồng dù cố nín mà nghe sao nằng nặng. Con Xoan không khóc được,
mà có muốn nó cũng chẳng dám. Trong ngôi nhà này, dẫu sao vào lúc này nó vẫn
còn là người lạ, thân cô thế cô. Thời gian như dài ra, chờ đợi. Mãi rồi nó mới
nghe thấy tiếng ông bố chồng nói, giọng nhẹ bấc:
- Tôi mong nhà chị cả đừng có buồn quá.
Thật tình tôi chẳng muốn thế này. Nó đi chiến trường, giữa mũi tên hòn đạn mà
chỉ sơ sẩy vậy cũng còn là đại phúc. Trai lớn có vợ, gái lớn phải gả chồng. Đũa
có đôi, chim có cặp. Tôi cần phải nói để hai vợ chồng biết thế để sống sao cho
có phận. Thời buổi bom đạn, sống chết bất thường này giữ được mạng sống rồi
cũng phải biết vo cho tròn cái bổn phận. Làm thế nào thì làm, cố mà thu xếp ăn
ở cho có trước có sau, có trên có dưới. Ông bà bên nhà chị, do công tác xa nhà
mà tôi chưa có lúc sang gặp được. Nhưng rồi thế nào cũng có dịp gặp nhau, tôi
chắc ông bà thông gia cũng thông cảm. Từ nay, chị là dâu con trong nhà, thằng cả
Đán liệu mà làm ăn, khi nào dư sức muốn ăn ở riêng tây tôi cũng cho, không có
ngăn. Song lúc này, khi tôi còn vắng nhà, anh chị liệu mà chăm sóc gia đình,
góp công góp sức cùng bu anh gìn giữ nếp nhà. Làm ăn sao cho nó phải đạo, tằn
tiện phụ giúp nuôi các em đừng để phải thiếu đói. Mai tôi lên cơ quan, thi
thoảng tôi về, có việc gì tôi tìm cách thêm cặp cho. Tối nay, hẵng biết vậy. Vợ
chồng liệu mà sống với nhau cho vui vẻ.
Ông chỉ nói vậy rồi đứng lên với tay vặn
nhỏ bấc ngọn đèn dầu, nách cắp chiếc đài bán dẫn "Xiêng Mao" lững
thững đi vào buồng ngủ, không để ý tiếng thằng con lí nhí vâng dạ. Gian nhà im
phắc, nghe rõ tiếng ông ngả lưng xuống chiếc giường tre cọt kẹt. Trong bóng
tối, vợ chồng con cái Xoan ngồi cứng người, chẳng đứa nào nói với đứa nào lấy
một câu. Mãi sau, thằng chồng đứng lên, con Xoan theo sau khẽ khàng bước vào
buồng chái. Trong gian buồng ẩm ướt, trên chiếc giường tre có trải chiếc chiếu
viền cạp điều, bộ màn đôi nhuộm nâu, thứ được xem là sang trọng thời đó, trong
ánh đèn dầu nhỏ như hạt đỗ, con Xoan cứng người câm lặng chịu đựng thời khắc
giã biệt đời con gái. Suốt đêm, bên thằng chồng ngáy to như kéo gỗ, con Xoan
mới để nước mắt tràn ra ướt đẫm chiếc khăn tay nó mất hơn ba tháng trời thêu
thùa vụng về hình đôi chim câu và hàng chữ hạnh phúc run rẩy bằng chỉ thêu màu
vàng.
*
* *
……
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét