NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (HAY NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU) - KỲ 1


          Lời người viết:
          Tôi chọn hôm nay, mồng 5 Tết Quý Tỵ - "ngày Tình yêu" (Valentine's Day) để lên trang ngày đầu năm mới với hy vọng một năm mới an lành, tràn đầy yêu thương. Xin gửi tặng đến bạn đọc gần xa, những người đã từng yêu, đang yêu và sẽ yêu một sáng tác văn chương nho nhỏ, truyện dài kỳ:

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 1

          Mông lung, tăm tối không cùng. Giữa muôn vàn va chạm của bản năng sinh tồn, người đàn bà chầm chậm bước ra khỏi thế giới vô thức. Mọi thứ xung quanh chị trông thấy đấy mà không thể gọi được tên. Trong tâm thức, chị không biết mình đang ở đâu. Mọi thứ cứ xa xa, gần gần hình cốt méo mó, vặn vẹo. Đâu đó chợt le lói chút ánh sáng yếu ớt nhập nhoạng. Chị hốt hoảng khi thấy mình không thể cụng cựa được tay chân. Cơ thể chìm xuống, chìm xuống rồi lại bỗng như bồng bềnh, bồng bềnh trỗi lên. Không thể ý thức được không gian, thời gian. Không thể định hình được vật thể trước mắt. Phía xa, từ cõi mịt mùng mê muội, mờ nhòa bỗng hiện dần lên những góc cạnh hình khối vật dụng xa lạ. Chị tỉnh lại chậm chạp sau cơn mê. Trong mớ hỗn độn cảm xúc trở lại chị mơ hồ chợt hiểu và nhớ ra, mình vừa trải qua một cuộc phẫu thuật. Xen giữa màu trắng sạch sẽ của bệnh phòng, những máy móc, dụng cụ gì đó lấp loáng. Trên bàn tay xanh xao, ống truyền mềm nối cơ thể chị với bình thuốc trên giá đỡ đầu giường. Giờ là đêm hay ngày? sao chỉ có mình chị nằm đây. Cùng với sự trở lại của nhận thức, cảm giác cơ thể chậm rãi nhận biết sự mỏi mệt nặng trĩu, mơ hồ những đánh động chai tê của cảm nhận cái đau. Lúc đầu chỉ thoáng qua như vết chạm nhẹ, càng về sau càng rõ ràng hơn sự mất vắng đâu đó của một bộ phận cơ thể. Cuối cùng thì mọi thứ cũng trở về chi tiết hơn, rõ ràng hơn. Sau lớp bông gạc, những co giật nhè nhẹ râm ran phía bụng dưới đã có thể cảm nhận được vị trí của vết mổ. Phải rồi, Chị vừa bị cắt bỏ bộ phận quan trọng nhất của thiên chức làm mẹ. Chứng bệnh u xơ dạ con quái quỷ đã dẫn đến cuộc phẫu thuật này. Với người bác sĩ phẫu thuật, chẳng qua  đây cũng chỉ là một ca mổ bình thường giữa hàng trăm, hàng nghìn lần đưa dao can thiệp vào cơ thể người bệnh. Nhưng với người đàn bà như chị, thế là chấm dứt những mong đợi làm mẹ, chấm dứt những phập phồng trông đợi. Và hơn thế, đó có phải là dấu chấm hết của những giấc mơ yêu thương đôi lứa, kết thúc những trông đợi hân hoan của hạnh phúc làm vợ, của thiên chức làm mẹ? Phải, thế là hết! Chị yêu, đã yêu thật nhiều nhưng sẽ khó, rất khó thậm chí có thể là không bao giờ những yên ấm gia đình chồng vợ đến với chị được nữa. Mà cho đến lúc này, chị đã được làm vợ ai đâu! Ở đâu đó ngoài kia, ở rất xa nơi này người chị hằng yêu dấu hồi nào đâu biết được ca phẫu thuật bình thường này?! Và Anh cũng đâu biết, ca mổ đã lấy đi từ cuộc đời của Chị những gì? Chị biết chỉ mình chị phải chịu đựng điều kinh khủng này. Và mang nó suốt đời, đóng kín niêm phong niềm mong ước đàn bà, có chồng và có những đứa con. Nước mắt tràn mi, chị nghiêng mặt bên gối, để mặc những dòng nước mắt tiếc nuối pha chút tủi hờn thấm loang trên mặt vải chiếc gối mềm.


         
     - Thôi mà chị. Chị vừa phẫu xong, cần tĩnh tâm mới chóng lành vết thương. Điều gì xảy ra cũng đã xảy ra rồi. Đừng khóc nữa, chúng tôi hết sức thông hiểu và chia sẻ với chị.
          Người bác sĩ trẻ đứng bên giường chị từ lúc nào không biết, nhỏ nhẹ lên tiếng. Đôi mắt đen sâu thẳm sau đôi mắt kính nhìn xuống chị thật gần gũi. Cô là người phụ trách kíp mổ ca của chị. Ngay lúc thăm khám, cô đã biết, người bệnh chưa hề biết đến sự sinh nở, song cũng từng chịu một can thiệp sản khoa. Người đưa bệnh nhân đến viện là đồng nghiệp của cô, một bác sĩ quân đội. Người nữ thiếu úy quân y chỉ đơn giản trao đổi với cô về đồng đội của mình rằng, trạm đã phát hiện bệnh nhân bị u xơ dạ con cách nay gần ba tháng. Khối u lớn khá nhanh dẫn đến chẩn đoán K khiến đơn vị, vốn chỉ là một trạm quân y tiền phương phải nhờ đến bệnh viện dân sự giải quyết. Đưa về bệnh viện tuyến trên của sư đoàn thì quá xa. Bệnh nhân thuộc phiên chế đơn vị, mà người thân thì ở cách xa cả ngàn cây số. Với trách nhiệm được giao, bệnh viện của cô tiếp nhận ngay lập tức vì bệnh nhân thuộc phạm vi phục vụ của địa phương. Đơn vị bạn là một bộ phận của một sư đoàn quân tình nguyện Việt Nam đang giúp đỡ nước bạn Cam pu chia. Từ đây về địa điểm đóng quân của họ phía bên kia biên giới không quá một trăm cây số. May sao, trái với chẩn đoán ban đầu khối u thuộc típ u xơ lành tính, không nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Bệnh viện quyết định phẫu thuật để loại bỏ khối u. Ngắm khuôn mặt xanh xao mà vẫn lồ lộ vẻ đẹp dịu dàng của người bệnh cô khẽ thở dài, tiếc nuối. So với cô, chị nhiều hơn gần dăm tuổi. Cô biết, chị là đồng nghiệp của mình, một bác sĩ đa khoa quân y. Trước và kể cả khi làm công việc vô trùng để bước vào ca mổ, chị hầu như không nói câu nào. Chị thực hiện mọi yêu cầu của phòng phẫu một cách thành thục, khiến ê kíp mổ hết sức vừa lòng. Và bây giờ, khi ca mổ đã xong, những dòng nước mắt của chị mới đổ ra, tức tưởi. Khẽ dùng tấm gạc chấm nhẹ dòng nước mắt trên khuôn mặt người đàn bà, cô đặt nhẹ tay lên vầng trán vừa lấy lại hơi ấm của người bệnh vỗ về. Chị lặng lẽ nhắm nghiền đôi mắt ướt, miệng khẽ lẩm nhẩm lời cảm ơn. Người nữ bác sĩ trực khẽ khàng bước ra cửa phòng. Ngoài trời, nắng vàng rực. Khuôn viên bệnh viện im phắc. Những năm cuối thập kỷ tám mươi thế ký XX, cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn.  
*
*    *
          Gần trưa, con đường Ngô Gia Tự đông nghịt người xe. Ở thành phố Hồ Chí Minh, giờ này các con đường lớn bé đều thế cả. Cuối những năm chín mươi, thế kỷ  hai mươi sắp qua, thế kỷ mới đã lờ mờ hiện lên trước mắt. Thành phố càng ngày càng đông đúc, ồn ã nhịp sống mỗi lúc mỗi nhanh hơn. Nhoang nhoáng giữa mấy làn xe lao nhanh, bóng người đàn bà đội chiếc nón vải mềm nhỏ bé màu cà phê sữa trên chiếc xe đạp chầm chậm bên lề đường giữa trưa hè ngột ngạt. Tìm cách rẽ sang đường Nguyễn Chí Thanh, chiếc xe cùng người đàn bà chạy thẳng vào cổng trường Cao đẳng sư phạm dạy nghề thành phố. Người đàn ông trung tuổi ngồi trong phòng thường trực trông thấy Chị, lớn tiếng chào: "Cô Hai vừa đi nhà thuốc về. Nắng nôi thế này ngó cô mệt rồi đấy!" "Cám ơn Bác, tôi đi thế này mãi quen rồi mà!".
          Tra chìa khóa mở cửa phòng làm việc, Chị nhẹ nhàng bước vào. Căn phòng nhỏ sạch sẽ, mát mẻ khác hẳn với cái nóng rát, chói chang bên ngoài. Chị nhấn nút điều khiển, chiếc máy lạnh phía trên khung cửa nhả ra luồng khí mát rượi. Buông người trên chiếc ghế xoay mềm mại, Chị tận hưởng không gian êm ái, tĩnh lặng. Căn phòng sạch sẽ, sơn một màu trắng sữa. Chiếc bàn làm việc, chiếc tủ hồ sơ màu ghi sáng không làm hỏng màu sắc chung. Hai chiếc giường bệnh mạ inox sáng loáng, với đủ bộ ga gối, đệm trắng tinh chiếm trọn một phần ba diện tích căn phòng. Đây là phòng y tế nhà trường. Chị là bác sĩ phụ trách, chăm sóc sức khỏe cho hơn bốn trăm cán bộ, học sinh. Góc đối diện với bộ bàn ghế làm việc kê chiếc tủ thuốc khá lớn. Trong đó, giữa các bộ dụng cụ thăm khám, nồi hấp và hộp đồ tiểu phẫu sáng loáng là các ngăn kệ kính chất đầy các loại thuốc cấp cứu và điều trị. Các hộp, lọ đủ màu, đủ kiểu chứa hàng chục thứ thuốc. Có riêng một ngăn bên ngoài dán logo thuốc độc bảng A dành riêng cho các ca đặc trị. Kế bên, chiếc tủ lạnh cỡ lớn chạy thật êm, trong đó có cả những vật dụng chuyên dùng cho việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Căn buồng có riêng một toilet lắp cửa kiếng mờ sạch sẽ. Mọi thứ luôn sẵn sàng cho công việc thường ngày của người bác sĩ phòng khám.
          Ngoài cửa, có tiếng gõ nhẹ. Chị nói nhanh: "Mời vào!".
          - Thưa cô, xe chở thuốc đã vào rồi, cô cho bốc hàng xuống chứ ạ!.
          Người thanh niên mặc bộ đồ đồng phục của hãng taxi tải đứng trước cửa. Chị mở rộng cánh cửa, lấy chỗ cho người lái xe xếp đồ vào phòng. Cả đống những hòm, hộp. Cái vỏ xốp, cái vỏ gỗ vỏ bìa carton la liệt. Bác thường trực hướng dẫn mấy cháu sinh viên giúp người lái xe dỡ hàng chuyển đồ vào phòng. Chị cùng mọi người kiểm đếm, xác nhận. Dễ đến hơn một tiếng đồng hồ sau, mọi thứ mới đâu vào đấy.
          Đưa cơ số thuốc cuối cùng vừa nhận từ nhà thuốc về cho vào tủ, Chị bước nhanh qua cánh cửa toilet. Lát sau, trong bộ áo choàng trắng quen thuộc, Chị bước ra, mát mẻ tươi tắn. Ngó mình trên chiếc gương treo tường, Chị ngắm người phụ nữ trong gương nhìn ra với đôi mắt to dịu dàng. Vuốt nhẹ món tóc rủ trước trán, Chị khẽ nhíu mày. Lại có thêm mấy sợi tóc bạc lấm tấm nữa mé dái tai. "Hơn bốn mươi tuổi rồi, mình bắt đầu già rồi!". Nét buồn chạy thoáng qua khuôn mặt trắng trẻo, khóe mắt bắt đầu có những vết nhăn nhỏ xíu lăn tăn. Thế mà cũng ngót hai mươi năm đã qua, sau ngày Chị theo đoàn bộ đội quân tình nguyện Việt Nam rút quân từ Cam pu chia trở về quân đoàn 9, có trụ sở đặt tại một quận ngoại thành Sài Gòn. Đơn vị sau đó tái cơ cấu lại phiên chế. Chị ra quân, chuyển ngành về ngôi trường này. Từ chỗ cơ ngơi nhỏ bé của một trường nghề chế độ cũ, ngôi trường đào tạo giáo viên dạy nghề mỗi năm mỗi mở rộng. Nay, nó đã dư sức đào tạo mỗi năm hàng trăm giáo viên dạy nghề cho các tỉnh thành phía Nam. Riêng cán bộ nhân viên cũng hơn một trăm người. Phòng y tế nhà trường cũng được nâng cấp dần, nay tương đương một trạm y tế quận. Ngoài chị là bác sĩ phụ trách phòng, dưới khu ký túc xá cách địa điểm này dăm cây số còn có hai y sỹ, điều dưỡng viên túc trực chăm sóc sức khỏe cho giáo sinh ngoài giờ lên lớp. Công việc ở trung tâm đào tạo này nhộn nhịp, sôi sùng sục cả ngày. Ấy nhưng, sau cánh cửa phòng y tế lại là một không gian rất riêng. Giảng viên, cán bộ, giáo sinh vào đây như bước vào một thế giới khác. Thế giới của màu trắng sạch sẽ, của mùi cồn và hương thơm nhè nhẹ của hoa. Ngày nào trên mặt bàn làm việc của Chị cũng có hoa trong lọ. Cô tạp vụ hành chính của phòng Giáo vụ lo việc này hàng ngày một cách tươm tất. Mọi người thường nói vui: "Bà Tuyết là chúa tể của cõi mơ màng này. Sạch sẽ, tinh tươm và thơm mùi hoa lá. Chỗ này đáng được gọi là ốc đảo bé nhỏ của cái "chảo thập cẩm" ngoài kia. Cứ vào đây, là không có muốn ra nữa." Chị cũng hay đùa lại: "Thế mọi người thi thoảng vào nằm đây mấy bữa cho "dui". Phòng luôn sẵn sàng." "Chu cha, chơi thì đã chứ vào nằm đây để mà cạp cháo ăn liền liên tu bất tận à!"
          Vậy thế thôi, chứ quanh đi quẩn lại mươi ngày thì có đến ngót chín ngày chỉ một mình Chị ở đây. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt đầy đủ khiến cho mọi người trong nhà trường ít ốm đau. Ngoài những ốm đau vặt vãnh có thể xử lý tại chỗ, những ca cần đến can thiệp y tế và công tác điều trị lâu hơn đã có các cơ sở y tế tuyến trên. Chị chỉ làm công việc sơ cứu, lập hồ sơ và xin xe chuyển thương vào viện là xong. Trong năm, hai kỳ bận rộn sấp ngửa nhất Chị phải làm là mùa tuyển sinh và khám sức khỏe làm hồ sơ tốt nghiệp cho học viên. Song cũng còn phải kể đến một vài tuần lễ theo sinh viên đi thực tế, trực y tế cho các khóa học quân sự hàng năm. Tất nhiên, những ca bất thường như thai kỳ đau đẻ, choáng ngất của giáo viên, cán bộ nhân viên, chấn thương nhẹ trong học tập, thực hành của sinh viên cũng buộc chị phải túc trực, sẵn sàng sơ cứu tại chỗ và tháp tùng bệnh nhân lên cơ sở y tế tuyến trên. Chỉ khi bàn giao xong hồ sơ, bệnh án sơ cứu chị mới hết phần trách nhiệm. Những lúc như thế, có bữa tối khuya chị mới về được đến nhà.
          Ngoài cửa lại có tiếng gõ nhẹ, quen thuộc. "Mời vào!", chị biết người gõ cửa kiểu hai tiếng một ấy là ai rồi.
          - Cô Tuyết mới đi lấy thuốc về đấy à. Sao không về nghỉ luôn đi cho đỡ mệt?
          - Dạ, thưa Anh thôi ạ. Em có về nhà cũng chẳng làm gì. Ở đây, ăn trưa với mấy nhỏ bên giáo vụ rồi nghỉ luôn tại chỗ. Chiều hết giờ làm, đợi bớt nắng nôi, xe cộ thì em về cũng được mà.
Nhỏ nhẹ đáp lời người đàn ông bước vào, Chị nở nụ cười thân thiện.
          - Anh ngồi chơi đi. Thế Anh đi họp trên thành về lúc nào thế. Hôm nay, buổi sáng Anh đã uống hết số thuốc em kê chưa.
          - Uống rồi, uống rồi. Thưa "Bà bác sĩ kính mến" của tôi ạ. Cô có thấy lúc nào tôi trái lệnh của cô chưa. Độ này, uống đều thuốc cũng thấy đỡ nặng đầu nhiều.
          - Anh không có được coi thường đâu đấy. Bệnh cao huyết áp trong y văn được coi là "sát thủ giấu mặt" từ rất lâu rồi. Tây nó sống trong một xã hội hiện đại, mọi thứ luôn sẵn sàng bên người mà nó còn sợ chết không kịp viết di chúc kia. Anh cứ chủ quan rồi có lúc mệt đấy. Thế bọn trẻ có hay về thăm bố không?
          - Cám ơn cô đã hỏi thăm. Các cháu vẫn thi thoảng điện thoại hỏi thăm. Giờ lũ trẻ nó sống với xã hội nhiều hơn gia đình, chờ nó về thăm mình thì còn khuya. Vả lại, chúng cũng có gia đình riêng cả rồi. Hồi mẹ nó còn ở nhà chúng đã vậy rồi.
          Chị khẽ ậm ạ vâng dạ. Người đàn ông trạc ngoài năm mươi ngồi trước Chị kia là Hiệu trưởng trường Cao đẳng dạy nghề này. Ông có vợ và hai đứa con gái. Mấy đứa đã lập gia đình riêng được dăm năm rồi. Cả hai đám cưới, vợ ông đều có mặt cùng ông đưa các con lên xe hoa. Xong xuôi, bà lại lặng lẽ lên xe riêng đi về. Hai người đã không còn sống cùng nhau dăm bảy năm nay. Theo tiếng gọi của con tim, bà đã chia tay ông để cùng sống với người đàn ông khác, một thương gia thành đạt đang phất lên như diều kém bà hai tuổi. Ông chấp nhận ly hôn để bà đi với người đàn ông của mình. Một mình một bóng, ông sống giữa một biệt thự rộng rãi ở ngoại thành. Hàng ngày đi làm bằng xe ô tô riêng. Cũng chỉ đến buổi tối ông mới về căn biệt thự vắng vẻ bên bờ sông Sài Gòn với người đàn ông già giúp việc. Chị biết, ông mong muốn kết bạn cùng chị. Có đến hai năm rồi, ông lẳng lặng tiếp cận Chị và chờ câu trả lời. Song Chị không đáp trả. Với Chị, ông là người lãnh đạo đơn vị, Chị là nhân viên dưới quyền. Chị không thể và cũng không muốn bị lệ thuộc. Chị sống thế này cả chục năm rồi, không muốn thay đổi nữa. Trong lòng, không ai có thể thay thế được tình yêu thời son trẻ của Chị. Chị không còn có mong muốn, khao khát yêu thương gì hơn. Chị đắp ủ tình yêu ngày nào bằng cuộc sống thầm lặng của mình. Không muốn bị phá vỡ lối sống, không muốn bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Im lặng đứng lên, chị nhoẻn miệng cười hiền nhận từ người đàn ông - lãnh đạo cấp trên của mình lời chào thân mật cùng ánh mắt trống vắng, mỏi mòn chờ đợi. Ông khẽ khàng bước ra ngoài, nhẹ tay khép chặt cánh cửa phòng.
*
*    *
(Mời xem tiếp kỳ sau)

1 nhận xét:

Bùi Thị Sơn nói...

Anh ạ!Em đã đọc đi đọc lại 3 lần truyện này, lần nào cũng rưng rưng xúc động. Em có cảm giác anh nhập tâm vào người phụ nữ bất hạnh ấy để viết. Anh viết tiếp nữa đi, em đang rất tò mò muốn biết kết cục số phận của nàng ấy ra sao anh à !