(Tiếp theo kỳ trước)
…
Tuổi
thơ của Toàn nhạt nhòa lắm. Khi biết được
một chút thì thằng bé chỉ biết mình được nuôi dạy trong một ngôi chùa cổ lưng
chừng núi.
Từ ngôi chùa, theo những con đường mòn heo hút lẩn quất giữa rừng
thông ngút ngàn sẽ dẫn sang vùng ẩn tu Yên Tử, nơi trùng điệp những ngọn núi đá
lạnh lẽo, suốt tháng ngày vắng vẻ u ẩn chìm lẫn trong sương mờ. Ngôi chùa thằng
Toàn hàng ngày nô nghịch với đám trẻ con quanh năm cắt tóc trái đào, mặc quần
áo nâu sồng nhà chùa cũng nằm chơ vơ bên sườn một hòn núi cao. Ngôi chùa nửa
như được giấu kín, nửa như phơi mình giữa sườn non trong một hốc núi sâu, đúng
hơn là trong một vòm hang cụt. Cùng với đám trẻ ở chùa, thằng Toàn gọi người
trông nom, cho ăn cho mặc nơi u tịch này là Già, Già Lạm. Già Lạm người thấp nhỏ,
có khuôn mặt già nua chằng chịt vết nhăn không đoán được tuổi chưa khi nào nói
cho đám trẻ biết chúng từ đâu đến, con cái nhà ai, đến chùa từ bao giờ. Thau
tháu mười ba mười bốn tuổi, đám trẻ sống cùng nhà chùa cũng không đông, chỉ vỏn
vẹn dăm sáu đứa, tên tuổi do nhà chùa đặt cho. Già Lạm không phải là người tu
hành, đến già cũng không nhớ mình đã ở nơi này bao lâu, kể từ khi nào. Già tự
tìm đến, xin ở hầu việc kinh kệ, cơm nước, quét dọn giúp sư cô trụ trì. Trông
nom nhà chùa với sư cô, chỉ có một ni sư tuổi ngoài ba mươi. Nhà chùa chỉ có ba
người đàn bà quanh quẩn trông nom. Sư bà trụ trì trước đây đã viên tịch từ lâu
lắm rồi, ngày đám trẻ còn ê a bò nhoài trên tấm chiếu cỏ bên nhà hậu. Động có
việc lớn, việc nặng nhọc thường có các phật tử trong vùng cắt đặt nhau giúp dập.
Nhỏ thì như việc đốn củi, sửa nhà; lớn thì khơi giếng, đắp mương, cày ruộng
khoán…Dưới thung có một khoảnh đất đủ để nhà chùa cấy hái, gieo trồng mùa nào
thức nấy. Phật tử quanh vùng cũng tiến cúng công đức đều hàng năm, sinh hoạt của
nhà chùa vì thế cũng tạm đủ. Lũ trẻ con, đứa thì thiên hạ gửi gắm từ lúc dăm bảy
tuổi, đứa thì được các gia đình gần chùa gửi lên xin làm tiểu…Duy nhất có Toàn
vào chùa, theo Già Lạm kể lại vốn được sư thầy cưu mang khi chiều tối xuống núi
trở về, nhặt được bên cổng chùa. Đứa trẻ mới chỉ chừng gần đầy tháng được bó gọn
trong một tấm áo cũ, đặt trong chiếc làn mây treo lưng lửng thân cây me già…Từ
khi chùa nhận nuôi thằng bé, cho đến lúc ngộc nghệch mười bốn, mười lăm Toàn chỉ
suốt ngày theo gót già Lạm quét chùa, bổ củi, gánh nước, nấu cơm…Sư thầy dạy
cho lũ trẻ biết đọc biết viết. Được cái, lũ trẻ cũng ngoan hiền chịu nghe lời
các bà, các ni. Riêng với Toàn, bà thường nhủ: "Con không có duyên phúc
làm người tu hành. Cứ ở với Thầy, khi lớn lên một chút thầy cho con xuống núi,
học hành thêm…"
Một
bữa, thằng Toàn được sư Thầy gọi vào thư phòng. Chỉ vào một người đàn ông trung
niên, dáng người đậm đạp, khôn mặt vuông vắn hiền hậu, cởi mở ngồi đối diện, sư
thầy nói:
-
Đây là Chú Bẩy Thung. Chú ở dưới xí nghiệp vận tải của đoàn cán bộ miền nam tập
kết bên Đông Triều. Mấy bữa trước, xí nghiệp cử chú và một số anh em công nhân
sang giúp nhà chùa khoan giếng đặt bồn chứa nước. Chú không có gia đình, thấy
con hợp tính, hợp duyên muốn xin Thầy đem con xuống núi nuôi dạy. Quyền là ở
con, con thấy nhận để chú trông nom thì thầy thuận ý chú cháu…
Nhận
ra người đàn ông thi thoảng giữa giờ nghỉ khoan giếng hay kéo mình ngồi cùng
bên chiếc cối đá vỡ mé sân chùa, Toàn sà xuống bên cạnh. Chú Bẩy vui tính mà hiền
lắm. Chú cứ rỉ rả kể Toàn nghe chuyện Quan Công, chuyện Anh hùng Lương Sơn Bạc
suốt. Chuyện nào cũng hay, cũng hấp dẫn. Giọng miền nam pha chút âm vị bắc trầm
đục ấm áp. Bữa nay, thấy chú muốn vậy, không hiểu sao Toàn bỗng thấy chú thật gần.
Từ khi biết rõ hoàn cảnh của mình, Toàn chỉ sống với lũ trẻ con và ba người phụ
nữ lặng lẽ, khép kín. Chưa khi nào, tình thân giữa những người đàn ông lại làm
Toàn thấy được sự gần gũi đến thế. Ấp úng nhưng mạnh dạn, Toàn thưa:
-
Bạch sư Thầy, con đồng ý theo Chú Bẩy ạ.
…
(Mời xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét