NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

SẸO NHỤC (TRUYỆN VỪA) BÌNH DƯƠNG


(Kỳ 2)
(Tiếp theo kỳ trước)

       ........Ở nơi phố núi này, học hành được như cu Đán đâu có nhiều?!. Mỗi tuổi mỗi lớn, cái mà nó vỡ vạc được thêm ra lại là cái điều rằng làm cái thằng hèn, muốn yên thân phải biết thêm cái phận lụy. Thằng Đán biết lụy mọi thứ, nhũn như chi chi trước bất cứ đứa lớn hơn hoặc có sức vóc, khôn lanh hơn. Biết bợ đỡ người có uy hơn mình và chịu luồn cúi trước người có quyền hình như là thứ khiếu năng "trời cho" của nó.

           Lúc ấy, người có quyền đối với nó là mấy ông thày có chức sắc trong trường, từ ông hiệu trưởng hiệu phó, cô giáo chủ nhiệm đến đám nhóc tỳ lớp phó lớp trưởng, chi đội thiếu niên, tổ trưởng nhóm trưởng… tất tật những ai mà trước cặp mắt ngơ ngáo của nó “biết lườm, biết nẹt” cái thân hèn của nó là nó tự biết cúi gằm cái bản mặt nó xuống. Ở tuổi nó, như vậy cũng đáng kể là vọc vạch biết khôn. Thằng Đán không có bạn, ở đâu cũng thấy nó đơn lẻ và luôn lẽo đẽo theo sau chúng bạn cùng trang lứa. Bọn trẻ con phố núi lúc đầu thường trêu chọc, bắt nạt nó. Nhưng mãi rồi thấy nó hèn kém quá đâm chẳng buồn đụng đến nữa vì cũng thấy quá ngán cho cái phận hèn của nó, đùa cợt bắt nạt mãi cũng thành nhàm, thà kiếm trò khác chơi còn vui hơn. Ở trường đã vậy, còn ở nhà thì nó lại lì lợm. Cứ khi nổi cơn lên, do vất vả khó khăn cũng có mà do bận mọn đau ốm sinh bực mình cục tính cũng có, mẹ nó cứ đòn gánh quất cả lũ. Đám em nó đứa thì lu loa, đứa thì khóc hậm hụi chứ riêng thằng Đán thì tuyệt không; không la hét, không xin xỏ, đến nhăn mặt nhăn mũi, mếu máo cũng... không nốt. Nó cứ lì ra, mặt mũi không hề biểu lộ chút dấu hiệu khổ sở oán hận gì. Duy chỉ có đôi mắt thằng Đán, nếu để ý kỹ sẽ thấy thoáng chút tia sắc lạnh hắt ngược lên, một chút thôi như cái dấu chéo đánh dấu nỗi hẩm hiu, nhục nhã của riêng nó. Vì thế thuở bé, nhắc đến nó, người lớn thường xem nó là đứa trẻ vừa lì lợm, vừa hèn hạ. Ngữ ấy lớn lên không hiểu làm được cái trò trống gì?! Song người lớn đâu có biết, trong cái đầu bé nhỏ của nó, nó cũng có những ham muốn của riêng nó mà cùng với năm tháng những dấu hiệu tưởng như lặn kỹ trong gan ruột nó mới dần xuất lộ theo cái kiểu riêng của thằng bé, lì lợm thì đến hết mức mà lạnh lùng, bạc ác, bất chấp cũng thành tinh. Âu đó cũng là cái chất người của thằng cu Đán chăng? Chỉ biết rằng, dù cái sự học của nó có suôn sẻ hơn lũ trẻ trong nhà thì cũng chỉ đến hết lớp bảy là kịch mức. Bố mẹ nó không thể để nó học thêm được vì nếu lên cấp ba, thằng bé phải khăn gói sang huyện bạn cách nhà cả ngày đường mới có trường mà học. Lấy tiền đâu, gạo đâu mà theo được vì phải tìm kiếm chỗ trọ học đất người. Chưa kể rằng, liệu nó có đủ sức thi chuyển cấp hay không?! Thời đó, hết lớp bảy cũng đã là có học lắm rồi, cố thoát ly đi công nhân hoặc chạy vạy làm cái chân cán sự mèng cũng "oách" chán. Trên phố huyện chẳng có khối ông bà cán bộ văn hóa chỉ lớp ba lớp bốn, “bổ túc công nông nhảy chồm chồm” mà cũng nên ông nên bà cả đó sao?! Cứ trông cái lão cửa hàng trưởng cửa hàng thực phẩm mặt mũi béo nhờn húp híp hay con mẹ trưởng cửa hàng bách hóa huyện với dáng đi khạng nang vắt mông bên nọ bên kia thì khắc biết. Chỉ có điều, nếu vươn được đến thế thì gia đình thằng Đán chưa biết nhờ cửa nào, mà chắc cũng đâu có dám mơ. Thực ra thì, cái thân nó cho đến lúc đó học đến thế biết thế, cha mẹ nó cũng chẳng ai ước mong kỳ vọng gì. Mà kỳ vọng gì ở nơi xóm núi heo hút ấy kia chứ. Lớn lên cứ cái cày theo đít con trâu vẫn chẳng là cái sự chọn lựa như nhiên của khối con cái nhà nông trong làng, như rất nhiều thân thuộc họ hàng, của anh em nhà thằng Đán đó sao? Nó đâu có phải là ngoại lệ?

*
*       *

       Bóng tối của gian phòng nhỏ bỗng bị xé toang ra làm hai mảnh bởi lằn ranh vàng nhờ của ngọn đèn trần cầu thang hắt vào. Lão Đán hé mắt, giữa mảng sáng hầu như quá chói so với đôi mắt đục lờ của lão, chẳng cần nhìn kỹ lão cũng biết ai đang đứng đó. Mụ vợ lão chứ ai?! Cái dáng nhỏ thó, khúm núm như mảnh giẻ vo lại của thị trước mặt chồng kể từ khi về nhà lão làm dâu từ thuở nảo thuở nào đến nay vốn đã quá quen với lão. Vẳng như đâu đây câu nói năm nào của lão thày lang biết đôi chút lý số trên chợ huyện: “Cái tướng nhà anh có lấy vợ thì cũng không lấy được kẻ khôn ngoan hơn mình. Chắc cũng chỉ giỏi làm cái chân sai vặt và đẻ dai như gà thôi.” Cái lão ấy nói vậy mà đúng. Mọi công to việc nhớn trong nhà chỉ có lão xoay xở lấy. Còn mụ vợ, vốn gốc gác con một ông thợ may quanh năm mắt viền điều ứa nhoèn dử xã bên, chỉ đem về nhà lão được "nhõn" chút nghề mọn. Song may không được ra hồn mà vá thì cũng không được gọn mắt. Cho nên dù cố vật lên cái cửa hàng con con mé chợ, khách của mụ cũng toàn hạng tầm tầm, vài bà già hom hem đến may cắt cái quần đũng rộng chân què, cái áo cánh kiểu xưa. Hoặc giả cùng lắm là đám thợ cấy đến vá mấy mụn áo rách vai, thủng khuỷu tay khoác ngoài mặc xuống đồng hoặc "tích kê" mấy cái đũng quần cho đám trẻ trâu hết gai làm toạc lại leo cây cối phá mòn. Lão công tác xa nhà, thi thoảng về ném được nắm tiền nào cho mụ thì biết được mớ đó, chứ bảo mụ ghé cái vai gù vì nghề mà lo cho đám tàu há mồm nhà này thì có mà chờ “trạch đẻ ngọn đa”. Mấy chục năm làm bạn với nhau, chỉ dăm bảy năm vừa rồi, nhờ sà xẻo chút lộc rơi của mấy cái nhà tầng cơ quan mà lão "bốc" được cái nhà này, mua lại từ tay gã phòng thuế mất nết ôm đầu chạy án sau khi tách tỉnh bán rẻ cho. Vậy thế cũng gọi là có nóc nhà tầng chốn thị thành. Lôi cổ mụ vợ ra trông nhà, hàng tuần mụ vẫn đáp xe ôm chạy về chợ huyện, phố núi trả cho khách quen lúc thì cái quần cái áo cần sửa, khi thì cái vỏ gối vỏ chăn….nhì nhằng đôi ba chục ngàn. Mớ nào to thì được vài chục bộ quần áo trẻ con may sẵn gia công cho một nhà may trong huyện ẵm được hợp đồng may đồng phục học sinh giá rẻ. Thân, tay, cánh vạt cắt sẵn đó, mụ chỉ việc đạp máy may gắn lại. So với tay nghề học được từ ông cụ thân sinh, việc gì chứ việc ấy thì mụ quậy cọ được.
...
(Mời xem tiếp kỳ sau)


Không có nhận xét nào: