NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

SẸO NHỤC (TRUYỆN VỪA) - BÌNH DƯƠNG

(Kỳ 3)
(Tiếp theo kỳ trước)

       ......Giờ thì mụ đứng đó, câm miệng hến nghé mắt nhìn ngó hai cha con lão. Cơm canh dưới nhà xong xuôi rồi, để chờ đó nguội ngắt nguội ngơ mà mụ không dám cất tiếng nhắc cha con lão xuống dùng bữa.
     Ăn ở với nhau có được ba mặt con gái trai đủ cả, mụ chẳng dại gì hứng cơn điên của cái lão hung thần ấy vào lúc này. Có mà tan mặt chó với lão. Thằng cha trông vậy mà ngoa miệng, ưa chửi rủa tục tằn và tính tình thì hay để bụng, thù dai. Không biết sống ngoài cơ quan thế nào, chứ ở nhà chúa là gia trưởng. Mà lão chồng mụ cũng thường đánh vợ ra phết nhé. Đánh vợ toàn nhằm lúc giữa đêm, khi có điều gì không vừa ý hoặc giận cá chém thớt với ai đó ngoài đường là về "gây" với vợ. Mà lão có cái thói hành hạ vợ cũng chẳng giống ai, vừa đểu lại vừa hèn. Đầu đêm, vừa ăn nằm vật vã với nhau đấy mà chỉ sau một lúc thôi, cơn điên lên là tay thì bịt mồm vợ, tay thì cấu véo toàn chỗ hiểm, đầu gối thúc vào sườn, vào ngực vợ huỳnh huỵch, miệng thì thào rủa xả tục tằn. Mụ thì như đã quá quen rồi, cong người ôm bụng cắn răng chịu đựng, chẳng dám la lối hay kể lể bè nhè gì. Sáng ra sau khi chồng cắp đít lên cơ quan, mụ nằm nhà đau đớn chán chê thì cắp nón về quê, vài hôm nhận hàng nhận họ lại về, chẳng dám mở mồm ca thán lấy một câu. Hồi còn ở dưới quê, mấy đứa con biết tính “hổ vồ” của bố nó, biết mẹ thường bị bố đánh vào ban đêm, chẳng có đứa nào dám ho hoe. Khi chúng lớn khôn, đứa có chồng có vợ, đứa đi làm tỉnh ngoài, nhà chỉ độc có hai người lớn với nhau, lúc ngứa tay, cay mắt lão vẫn đánh vợ kiểu đó. Vậy mà hàng xóm láng giềng tịnh chẳng ai hay biết điều gì. Từ hồi ngót ngét lục tuần đến nay, lão không đánh vợ nhiều và ác như hồi trước, nhưng vằn mắt lên lão vẫn "úynh" như thường. Cái kiểu như hôm nay này, đêm nay lão dám trút cơn điên lên đầu mụ lắm. Ở tuổi mụ bây giờ, xương cốt rệu rã cả rồi, lão cứ đạp cho một cái thì cũng nằm liệt vài tháng. Nghĩ lại những năm tháng làm vợ đã qua, mụ chợt khẽ rùng mình, cảm giác ghê buốt chạy dọc sống lưng.
 *
*     *
       Kể như mới đó thôi mà dễ cũng ngót vài ba chục năm trôi qua rồi còn gì. Ngày ấy, con cái Xoan – tên thời con gái của vợ lão Đán- không thuộc loại đẹp khôn gì trong làng. Gia cảnh nhà nó thuộc loại nghèo hèn, bố mẹ không có của nả thừa kế gì từ hai bên gia đình. Ông bố  làm nghề thợ may, "mắt toét viền điều" hấp ha hấp háy suốt ngày lọc cọc bên chiếc máy may Singer cũ tàng chẳng thu được mấy hào bạc mỗi phiên chợ. Bà mẹ và hai cô con gái nhỡ thì ngày ngày theo kẻng hợp tác nhì nhằng xuống đồng cấy hái, lặm lội tay dậm tay thuổng quơ quáo lúc chút cá vụn, khi con cua con ốc, mớ hến mớ tép đắp đổi qua bữa. Thảng hoặc, hôm nào may mắn lắm thì cũng móc được từ túi thiên hạ dăm ba hào bạc góc chợ quê. Cái Xoan người nhỏ thó, đen đủi được học đôi ba chữ cho đến lớp ba, đủ đếm hết số ngón của hai bàn tay thì bỏ học theo mẹ theo chị mò cua bắt ốc. Lúc thư rỗi, nó lại giúp ông bố thùa vài cái khuy, đơm vài cái cúc; được cái củ mỉ cù mì nên ông cụ thương hơn con chị. Nhờ vậy mà cái Xoan cũng vọc vạch học được nghề bố vài đường cơ bản của nghề thợ may góc chợ. Cứ thế ngông ngổng lớn mà đến tuổi ngoài đôi mươi nó chẳng có được đám giai nào nào dạm chỗ. Cô chị nó còn phải ngoài ba mươi mới neo được với một anh chàng thợ ngõa góa vợ, đẻ thêm với chồng được mỗn một vịt giời xấu xí rồi tịt ngóm. May mà ả vợ trước để lại cho anh ta hai thằng cu chống gậy nên cô nàng không đến nỗi phải cắp nón áo ra đi. Bố mẹ con cái Xoan thấy chị nó lấy chồng lận đận thế cũng đâm hoảng, ngày ngày liếc xéo con cái Xoan người cứ lép xẹp như con cá rô đực mà lo không biết rồi phận phu thê của nó rồi sẽ ra sao. Ấy thế nhưng vận may dường như mỉm cười với họ khi con cái Xoan hai sáu, hai bảy tuổi chực ế sưng ế sỉa được người quen xã kế bên mối manh đánh tiếng dạm hỏi. Khi đó, chiến tranh chống Mỹ đang vào hồi quyết liệt. Máy bay B52 của Mỹ quần đảo Hải Phòng rồi Hà Nội. Đêm đêm, tứ phía nhoáng nhoàng chớp lửa hắt về khiến cái huyện miền núi bằng cái nắm tay chỉ có ngót vạn dân ở đây ngày lo đằng ngày, đêm lo đằng đêm vì vị trí của nó quá gần những trọng điểm chiến lược. Mấy tay cán bộ huyện có nhà dưới quê cũng ít đi về, có lẽ do tình hình khẩn trương hơn, phải trực chiến trên cơ quan nhiều ngày. Từ huyện tới xã việc huy động lương thực, thực phẩm, dân công hỏa tuyến, động viên thanh niên vào bộ đội, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ nhiều và căng hơn trước càng làm cho không khí chiến tranh mỗi ngày như nóng hẳn lên. Người dân vùng quê nghèo mãi cũng quen cái cảnh đám trai tráng khỏe mạnh hết lượt này đến lứa khác khoác ba lô ra tiền tuyến. Ở lại với làng quê chỉ còn người già, bà cả, phụ nữ và trẻ con. Việc nhà con cái Xoan có bà mối tận trên huyện hội phụ nữ dắt díu cho một đám nghe đâu từ chiến trường trở về làm dậy lên trong đám mấy bà ngồi lê lắm chuyện trong làng những đồn thổi, xì xầm. Nào là “khéo mà lấy phải nhà anh què, anh cụt”, nào là “thời buổi này bộ đội về làng giữa thời giặc giã, khói lửa mịt mù thế này, biết đâu…?”. Nhưng cũng có vài ba bà tặc lưỡi “nó thế cũng còn may chán, tưởng làm bà cô rồi!”, hoặc “thôi thì thế nào cũng được, nếu lấy chồng bộ đội, dính chút thương tật, biết đâu lại sướng. Cơm gạo sổ, thẻ thương binh. Có sổ gạo tem phiếu, nào đường, nào thịt sữa đàng hoàng rồi khối đứa có mà ghen với nó suốt ngày!”…
       Chuyện cưới xin rồi cũng đến với con cái Xoan một cách chóng vánh như thời chiến nó phải thế. Gia đình nhà cái Xoan nhận đủ các lễ từ nhà trai, nào vấn danh, chạm ngõ, rồi ăn hỏi, phập phồng chỉ chực chờ đến ngày đón dâu. Thiên hạ nói sao kệ họ. Con gái đi lấy chồng, lại ở tít tận xã bên, có nói chán nói chê rồi cũng hết chuyện. Quá trưa buổi đón dâu, sau bữa cơm đậm đạp hơn thường ngày của họ nhà gái; bên nhà trai mới sang. Đoàn rước dâu có tới cả chục người, đi bộ có, xe đạp có, đặc biệt lại có cả ông trưởng đoàn được một chú đầu húi cua, da đen bóng chở trên một chiếc mô tô ba bánh màu cỏ úa đến trước làm đám trẻ con cứ nhộn cả lên. Chúng kéo theo đuôi chiếc xe có tới vài ba chục đứa, mắt hau háu nhìn cái vật lạ kỳ cổ quái không mấy khi thấy xuất hiện nơi thâm sơn cùng cốc này nổ phành phành, phun khói đen xì. Ông bố con Xoan phải nói khó với mấy ông tự vệ thôn cho gửi xe vào sân nhà ông thôn đội trưởng, nhờ thằng cháu họ trong đội an ninh vác gậy đứng canh ngoài cổng, mới ngăn được đám trẻ ranh hiếu kỳ tụ bạ sờ mó vào chiếc xe. Ấy vậy mà  lũ con nít cũng cứ bu từng đám bên rặng tre, có đứa còn vắt vẻo trên mấy cây ổi, cây xoan, cây bòng hàng xóm chòng chọc ngó sang, ngậu xị đố nhau, cãi vã nhau về cái xe mãi không biết mỏi mồm. Đám rước dâu ăn mặc cũng tươm tất, thời chiến mà được vậy là nhờ trong đoàn có mấy người dáng vẻ danh giá. Cứ nhìn vào mấy ông diện áo đại cán, vài anh diện quân phục bộ đội còn nguyên gấp nếp, mấy bà sồn sồn áo cánh nâu cổ trái tim viền đăng ten đen, có cả mấy thanh nữ áo sơ mi "xanh xí lâm" cổ cánh sen xòe rộng, tóc bím vắt vẻo sau gáy có chiếc khăn tay buộc xoè cánh bướm kiểu thành phố thì biết. Đám con gái trong làng xúm xít trước cổng nhà con cái Xoan, suýt xoa ngắm mấy cái áo lạ mắt, xì xầm chỉ trỏ tìm xem chú rể là ai. Đám khách yên vị trong nhà có tới gần nửa tiếng, mới có tin lọt ra ngoài nhờ đám con cháu ông thợ may chạy ra chạy vào thuốc nước mách lẻo “chú rể mệt do dính chút sốt rét cơn, xin phép vắng mặt...”. À thì ra vậy, đám đông ồ lên, thảo nào không thấy anh cu chàng đâu cả, cứ nghĩ oan cho con Xoan lấy phải ông già. Thời này, lấy chồng bộ đội về làng, chuyện "nhà có đám thiếu vai cọc cột" kiểu đó xảy ra như cơm bữa. Không thiếu đám cưới vắng chú rể như vậy. Cũng phải thông cảm thôi, thời chiến mà. Đám rước dâu cũng chẳng ngồi lâu, họ cần về sớm, tránh cái giờ cao điểm, máy bay máy bò rách chuyện. Cả đám dài thượt thế này lồ lộ trên đường có mà thành mồi ngon cho đám “con ma”, "thần sấm" nó sơi tái. Con cái Xoan hôm nay diện bộ áo cánh màu nâu non cổ tròn, quần sa tanh hoa, tóc bện hai dải vắt vẻo, đầu đội chiếc nón lá choàng lưới ngụy trang, quai nón màu tím che nghiêng một bên mặt, vẻ điệu đà khác hẳn ngày thường. Cả đoàn người rồng rắn đi hết đường làng, tới cây đa ngoài ngã ba thì con cái Xoan được ngồi lên cái thùng hình thuyền kẹp bên hông chiếc "bình bịch" ba bánh, chạy vọt lên trước, để lại đám trẻ trâu trong làng chưng hửng đứng vón lại bên bờ giếng. Đám rước dâu ai được kèm xe đạp thì lên xe, ai cuốc bộ thì men đường mương, bờ ruộng tắt về hướng xã bên.
.....
(Mời xem tiếp kỳ sau)


Không có nhận xét nào: