(Kỳ 4)
(Tiếp theo kỳ trước)
....Đám rước dâu nhanh chóng ấy tới làng
rồi đi, khuấy lên cái không khí vốn lặng lẽ trong thôn xóm được phút chốc thì
ai lại về việc ấy. Người ta còn mải xuống đồng cày cấy, người không cày cấy thì
lo chuyện ăn làm kiếm bơ gạo, củ khoai cho những mấy miệng ăn trong nhà. Với
cái Xoan, nhìn làng quê lùi lại từng hồi sau luồng khói đen của chiếc xe mà đầu
óc bồng bềnh, "u u minh minh" chưa biết cái phận làm dâu rồi sẽ thế
nào.
Đã vậy, từ bé đến giờ mới ra khỏi làng, lại cũng là lần đầu tiên ngồi trên
cái "máy phành phạch" này, nó chỉ chực nôn thốc nôn tháo. Rồi cái đận
khổ sở ấy cũng qua đi, khi chiếc xe đưa con Xoan rẽ khúc quanh bỏ con đường
liên xã chồm chồm vượt qua quãng bờ lô hướng lũy tre xanh ngắt phía tây tiến
vào đường làng. Đến trước một bờ giếng thơi, chiếc xe lách vào một con đường
nhỏ rồi dừng lại trước ngôi nhà tường trình đất núi, mái lợp lá gồi năm gian dựa
lưng vào chân một quả đồi, phía trước cách bức với xóm ngõ bằng dãy hàng rào
dâm bụt lúp xúp. Sau lớp rào, một dãy cây găng già dễ chừng cùng tuổi với nếp
nhà tỏa bóng mát rậm rạp. Ngó qua, ngôi nhà có dáng vẻ của một nếp nhà gia
giáo, có bát ăn bát để, sân vừa đủ rộng, thềm vừa đủ cao, hồi nhà xum xuê một
gốc bưởi tướng đang mùa trổ hoa. Góc kia sân, một chiếc bể hứng nước mưa mái
cuốn vòm, đứng bên hai gốc cau, cạnh đó một cái giếng đào vanh tròn bởi hàng
gạch tổ ong lỗ chỗ màu vàng đất. Xế bên giếng, căn bếp nhỏ với làn khói xanh
ngái đùn lên trên mái. Cây rơm ngất ngưởng cạnh bếp và chiếc cối đâm bèo to tổ
bố dưới chân báo trước những công việc ngập đầu nào cấy hái, nào lợn gà cho đám
đàn bà con gái trong nhà. Một tấm dù to, loang lổ sắc lính căng trùm lên cái
sân đất nện khá rộng, xếp sẵn mấy hàng bàn ghế học trò. Chẳng có khăn phủ, cũng
chẳng hoa hoét bày vẽ gì, trên mặt mấy chiếc bàn đầy vết mực tím mực xanh xếp
hai hàng chén sứ cỡ trung, cóc cáy, cái lành cái mẻ sứt. Mỗi bàn bày vài đĩa
bánh quy tròn mà dân chợ huyện quen gọi là “bánh quy gỗ” mặt ngoài dính đầy bột
trắng, ngửi qua còn nguyên mùi mọt hăng hắc. Lẫn trong mỗi đĩa lại có hơn chục
chiếc kẹo bột bọc giấy xanh đỏ. Thêm vào đám bánh kẹo đó là hai chiếc đĩa nhỡ,
chiếc bày dăm khẩu trầu thuốc chiếc bày hai chục điếu thuốc lá cuộn mà đám
thanh niên trong làng hay gọi là thuốc “Con gà” bởi thường được đóng trăm điếu
vào một gói, dán một cái nhãn vàng thổ ra ngoài, trên in hình một chú gà trống
màu đỏ nâu. Cái thứ thuốc điếu đó trên phố huyện bán đầy, thường dành cho hạng
người bình dân, chứ thuốc bao nhà nước chỉ dành phân phối cho cán bộ chứ đâu
được đến hạng thứ dân. Thêm nữa, trên mỗi bàn còn xếp dăm cái điếu bát, vài cây
điếu cày ghếch nòng lên trời. Bàn ghế đã đầy chật người. Người già nhai trầu
bỏm bẻm, đám thanh niên, thiếu niên choai choai đứa phì phèo điếu thuốc cuộn,
đứa rít điếu cày ròn tan. Lũ trẻ con thì cứ chạy nhặng lên, ồn ã chí chóe giành
nhau cái bánh, cái kẹo, điếu thuốc. Mấy cụ bô lão, áng chừng bề trên trong họ
thì gật gù chuyền tay nhau chiếc điếu bát màu da lươn. Mùi khói thuốc, mùi mồ
hôi dầu, mùi nắng gió quyện vào nhau thành một thứ mùi không sao gọi được tên,
tiếng chuyện trò râm ran khắp chỗ. Vài thanh nữ đi hết bàn này sang bàn kia,
miệng mời chào, tay rót nước chè xanh đặc sánh trong mấy chiếc ấm tích sứt vòi ra
chén. Con Xoan được mấy bà cô già nhà chồng ra đón rồi đưa biến vào chiếc buồng
nhỏ bên chái nhà. Ở đó nó được sửa sang quần áo đầu tóc chờ đám rước dâu đi sau
về đủ thì hôn lễ mới được cử hành. Phải gần tiếng đồng hồ sau đó, lễ cưới mới
bắt đầu. Tiếng tay chủ hôn oang oang mời khách uống nước sơi trầu, xổ ra dăm ba
câu thơ phú tự biên và đôi câu pha trò nhạt thếch đủ để khuấy lên cái không khí
cưới xin đời sống mới chốn xóm quê. Con Xoan được cô bạn cùng làng dìu đến
chiếc ghế băng xếp sau chiếc bàn làm việc kiểu cơ quan bày vuông cạnh với dãy
bàn bên phải. Đằng sau bàn cô dâu chú rể là chiếc phông xanh dán đôi chim hòa
bình, đôi chữ lồng cắt trên giấy đỏ nhìn kỹ mới đoán phỏng được tên đôi uyên
ương. Thêm vài cành tre lớt phớt lá cắt giấy xanh, giấy trắng rải đây đó dọc
hàng chữ “Lễ thành hôn”. Nhưng hàng chữ đọc được rõ nhất thượng trên tấm phông
lại là câu khẩu hiệu giấy màu vàng “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” trông
cũng nghiêm ngắn. Hết đại diện nhà trai, đại diện nhà gái phát biểu, vài ba cô
cậu chi đoàn thanh niên, dân quân tự vệ người ngâm thơ, người hát mấy bài hát
rất phổ biến nhờ phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Đám thanh niên vỗ bàn, vỗ
tay rầm rầm. Con cái Xoan mặt đỏ lựng, bẽn lẽn, miệng ngậm tăm, mặt cúi gầm tay
vân vê gấu áo. Thi thoảng nó ngẩng nhìn trộm đám đông ồn ã, xa lạ trước mắt như
nhìn qua màn khói. Người thanh niên ngồi cùng ghế băng phía bên phải cách nó
hơn hai gang tay, người mà từ bây giờ là chồng nó, nó chỉ dám liếc ngang vội
vàng thấy được cái cằm bạnh, tóc chải lật sang bên nhìn rõ là được dấp nước cho
có nếp. Anh chàng diện bộ quần áo bộ đội vải Gabadin màu cứt ngựa trông đen
nhẻm, gày gò, mặt mũi hốc hác ngồi cứng trên ghế, tay phải chống trên bàn, bàn
tay lúc nào cũng thấy ấp lên má, rịn mồ hôi. Rồi đám cưới cũng nhanh chóng đến
hồi kết thúc, khi mà từ thuốc nước, kẹo bánh vốn chẳng nhiều nhặn gì được đám
khách khứa mau tay dọn sạch, để lại trên mặt bàn trơ khấc mấy chiếc đĩa sứt
sẹo. Xong các thủ tục, cô dâu chú rể đứng lên chào mọi người. Ra tiễn khách đầu
sân chỉ có con cái Xoan và mấy ông bà trong họ, anh chồng nó đã rút êm từ lúc
nào rồi. Con Xoan bịn rịn chia tay vài người thân ít ỏi đi theo, trong đó đa
phần là đám bạn gái cắt cỏ chăn trâu thuở bé. Ngoài sân, đôi ba thanh niên trai
gái trong làng nhanh chóng thu dọn, người gỡ tấm dù, kẻ ghé vai khênh bàn ghế
trả cho ngôi trường học cuối làng, người khua mấy chiếc chổi rễ dọn giấy, đầu
mẩu thuốc điếu, bã thuốc lào dưới sân. Công việc cũng chẳng nhiều nhặn gì,
loáng cái là xong, người làm giúp cuối cùng của chi đoàn thanh niên xã ra về.
Khi cái Xoan thay lại bộ quần áo mặc
thường ngày xuống bếp cùng mấy bà già lo dọn bữa cỗ cưới thết đãi người trong
họ thì nó mới biết nhà chồng cũng không đông người gì. Ngoài ông bố, bà mẹ
chồng ra thì nó là dâu trưởng. Mấy cô cậu em chồng đứa thì mới lớn, đứa còn
đang tuổi đi học, cỡ dăm ba người. Ông bố chồng có khuôn mặt hiền lành nhẫn
nhịn, mắt sâu mũi thẳng trông có dáng
cán bộ thoát ly nhưng tịnh không mấy khi thấy ông cười. Đôi mắt thoáng có sắc u
tối, buồn bã. Bà mẹ trông có vẻ già trước tuổi, dáng vất vả, người thấp nhỏ
khép nép. Bữa cỗ cưới cũng không to tát gì, vài ba mâm với dăm món ăn được nấu
nướng cẩn thận và cỗ món hơn ngày thường. Ông bố chồng, chồng nó và mấy ông già
trong họ ngồi mâm trên, đặt trên chiếc giường cánh quạt duy nhất trong nhà. Bà
mẹ chồng, mấy bà cô, bà dì, cô con dâu mới cưới và lũ trẻ con lau nhau ngồi ba
bốn mâm dưới, mâm bát để cả dưới nền đất nện nứt nẻ, người ăn ngồi lên mấy cái
đòn kê, gộc tre, cán chổi lúa…
.....
(Mời xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét