(Kỳ 5)
(Tiếp theo kỳ trước)
....Bữa cơm không mấy ồn ào, đám đàn bà
trẻ con ăn xong trước dọn mâm rồi lui. Mâm trên mọi người ăn uống chậm rãi,
thỉnh thoảng mới thoáng nghe vài câu chuyện đưa đẩy.
Trong gian chái nhỏ đầu hồi
khuôn cửa chăng rủ tấm vải dù hoa, từ nay là buồng riêng của vợ chồng nó, cái
Xoan căng tai lắng nghe mà tịnh không thấy tiếng chồng đâu cả. Mặc dù chưa được
nghe lời nói nào của anh ta với mình, song nó đoán biết được vì thấy toàn giọng
người già trao qua đổi lại với nhau lỗ mỗ tiếng được tiếng mất giữa tiếng thìa
bát lách cách. Xong bữa, con Xoan và hai đứa em gái chồng dọn dẹp mâm bát xuống
bếp, mấy đứa trẻ con xúm vào mút mát thêm chút đồ ăn thừa thì trời tối sụp. Họ
hàng chú bác cô dì, anh chị em họ cơm nước xong xuôi ra về dần hết cả. Nghe cữ
đã hơn bảy giờ tối, tiếng loa từ chiếc đài bán dẫn để trên ban thờ của ông bố
chồng đã bắt vào “câu chuyện cảnh giác” được một lúc. Gian giữa nhà trên, chiếc
đèn dầu cao chân được treo trên chiếc quang tết bằng dây thép móc lên xà nhà
hắt ra sân chút ánh sáng vàng mờ. Làng quê yên ắng, tiếng chó sủa râm ran đây
đó xen lẫn tiếng cây lá rì rào.
Nghe tiếng mẹ chồng gọi, con Xoan vội líu
ríu bước ra ngoài gian giữa. Trên bộ bàn ghế tre, nó thấy ông bố chồng ngồi lặng
lẽ bên chiếc điếu bát màu da lươn. Chồng nó ngồi phía đối diện, sát góc trong
cạnh chiếc hòm gian đựng thóc, dưới ánh đèn dầu vàng nhờ phần còn lại của khuôn
mặt lúc đám cưới bị bàn tay che khuất giờ mới lộ rõ. Con Xoan bước vào, tròn
mắt nhìn sững mặt thằng chồng rồi đứng chết lặng đầu ghế. Trước mắt nó, một bên
mặt người chồng nhìn không giống với bên kia. Một vết sẹo sâu hoắm găm giữa má
làm khuôn mặt thằng đàn ông bị kéo lệch xuống. Xương hàm phía dưới nhìn như bị
vặn lệch đi, sau làn da má phải không cần nhìn kỹ cũng đủ biết số răng bên
trong không còn được mấy chiếc. Có lẽ vì vậy mà con mắt bên phải như bị đặt sai
chỗ, trông vừa dài dại, vừa gian trá, ác độc. Không còn sức để làm gì hơn, nó
sụm xuống mặt ghế, và nín lặng. Nó xấu xí, đen đủi kể có lấy được người đẹp đẽ
tài cao thì cũng chỉ như “đũa mốc quài mâm son”, nhưng phải sống suốt đời với
một khuôn mặt dị dạng như vậy thì chưa bao giờ nó dám nghĩ tới. Không khí chết
lặng, nghe phía chái nhà bên kia, tiếng thở dài của bà mẹ chồng dù cố nín mà nghe
sao nằng nặng. Con Xoan không khóc được, mà có muốn nó cũng chẳng dám. Trong
ngôi nhà này, dẫu sao vào lúc này nó vẫn còn là người lạ, thân cô thế cô. Thời
gian như dài ra, chờ đợi. Mãi rồi nó mới nghe thấy tiếng ông bố chồng nói,
giọng nhẹ bấc:
- Tôi mong nhà chị cả đừng có buồn quá.
Thật tình tôi chẳng muốn thế này. Nó đi chiến trường, giữa mũi tên hòn đạn mà
chỉ sơ sẩy vậy cũng còn là đại phúc. Trai lớn có vợ, gái lớn phải gả chồng. Đũa
có đôi, chim có cặp. Tôi cần phải nói để hai vợ chồng biết thế để sống sao cho
yên phận. Thời buổi bom đạn, sống chết bất thường này giữ được mạng sống rồi
cũng phải biết vo cho tròn cái bổn phận làm người. Làm thế nào thì làm, cố mà
thu xếp ăn ở cho có trước có sau, có trên có dưới. Ông bà bên nhà chị, do công
tác xa nhà mà tôi chưa có lúc sang gặp được. Nhưng rồi thế nào cũng có bữa có
dịp gặp nhau, tôi chắc ông bà thông gia cũng thông cảm. Từ nay, chị là dâu con
trong nhà, thằng cả Đán liệu mà làm ăn, khi nào dư sức muốn ăn ở riêng tây tôi
cũng cho, không có ngăn. Song lúc này, khi tôi còn vắng nhà, anh chị liệu mà
chăm sóc gia đình, góp công góp sức cùng bu anh gìn giữ nếp nhà. Làm ăn sao cho
nó phải đạo, tằn tiện phụ giúp nuôi các em đừng để phải thiếu đói. Mai tôi lên
cơ quan, thi thoảng tôi về, có việc gì tôi tìm cách thêm cặp cho. Tối nay, hẵng
biết vậy. Vợ chồng liệu mà sống với nhau cho vui vẻ.
Ông chỉ nói vậy rồi chậm rãi đứng lên với
tay vặn nhỏ bấc ngọn đèn dầu, nách cắp chiếc đài bán dẫn "Xiêng Mao"
lững thững đi vào buồng ngủ, không để ý tiếng thằng con lí nhí vâng dạ. Gian
nhà im phắc, nghe rõ tiếng ông ngả lưng xuống chiếc giường tre cọt kẹt. Trong
bóng tối, vợ chồng con cái Xoan ngồi cứng người, chẳng đứa nào nói với đứa nào
lấy một câu. Mãi sau, thằng chồng đứng lên, con Xoan theo sau khẽ khàng bước vào
buồng chái. Trong gian buồng ẩm ướt, trên chiếc giường tre có trải chiếc chiếu
viền cạp điều, bộ màn đôi nhuộm nâu, thứ được xem là sang trọng thời đó, trong
ánh đèn dầu nhỏ như hạt đỗ, con Xoan cứng người câm lặng chịu đựng thời khắc
giã biệt đời con gái. Suốt đêm, bên thằng chồng ngáy to như kéo gỗ, con Xoan
mới để nước mắt tràn ra ướt đẫm chiếc khăn tay nó mất hơn ba tháng trời thêu
thùa vụng về hình đôi chim câu và hàng chữ hạnh phúc run rẩy bằng chỉ thêu màu
vàng.
*
* *
Mấy tháng sau đó, với một khoen vàng mỏng
tang được mẹ giúi cho khi lên xe về nhà chồng, con Xoan nhờ ông bố chồng xin
được một suất phiếu phân phối mua chiếc máy may Trung Quốc hiệu "cánh
bướm" và cất được gian lều nhỏ góc chợ làng, cùng chồng nhận vá may áo
quần. Anh cu Đán suốt ngày quanh quẩn cạnh vợ, cũng để móng tay ngón cái dài ra như đám thợ may trên
phố huyện, chịu làm người học nghề của vợ gã, vừa phụ việc, vừa trông hàng.
Cuộc sống cứ vậy chầm chậm trôi. Sống với nhau miết rồi cũng quen, cái mặt gớm
ghiếc của thằng Đán cũng không còn gây choáng với con cái Xoan nữa. Nó đã chép
miệng: "Cái nghiệp phu thê của mình phải vậy thì chịu vậy, mong hơn cũng
chẳng được!".
Thi thoảng, ông bố chồng đạp xe từ trên
phố huyện về làng, đằng sau cái đèo hàng chất ngất ngư giấy bìa. Thằng Đán lại
lúi húi miệt mài ở nhà, để quán xá cho con cái Xoan một mình xoay trở. Khi thì
bồi cả đống bìa lịch treo tường, khi thì tay bút tay khuôn bôi mấy cái hình
cuốn thư, tranh phong cảnh nhăng nhít mà người phố huyện bắt chước dân trên
tỉnh gọi nhại là “tranh bờ hồ”, mà chẳng cần biết vì sao lại gọi như thế. Thời
đó muốn làm mấy cái đồ ấy phải có cơ quan nhà nước dành việc cho. Bột màu, giấy
bìa đâu có bày bán tự do ngoài chợ. Tất tật đều chỉ có trong mấy cơ quan ngành
văn hóa mới có, đâu được gọi là “vật phẩm văn hóa” mà cũng phải phân phối mới
được. Vài cái bút chổi đót, chổi sơn, thậm chí tết vội bằng mấy sợi rơm chổi
lúa sơ sài, mấy nắm giẻ rách buộc túm lại làm tay dập, cứ khuấy bột màu với ít
hồ bột là được vài bát màu đủ nuốt trôi đám tranh, đám bìa lịch ấy. Xong việc,
ông bố chồng lại kỳ cạch cuộn, gói đem đi. Cái cửa hàng sách phố huyện nơi ông
phụ trách sẽ tiêu thụ món “đồ hàng mã” ấy. Đồng ra đồng vào thêm nếm thu được,
vợ chồng con cái Xoan góp cùng bà mẹ cũng đắp đổi không đến nỗi tồi cho nóc nhà
dăm bảy miệng ăn, tiền học hành của lũ trẻ, tiền tiêu pha hàng tháng.
.....
(Mời xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét