NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

SẸO NHỤC (TRUYỆN VỪA) - BÌNH DƯƠNG

Truyện đăng lại, sau khi có sửa chữa và bổ sung...Tác giả giữ bản quyền!

(Kỳ 1)

       Trời mùa đông chuyển sang cuối chiều đã lâu lắm. Qua khe cửa lối ra hành lang, nền trời phía ngoài đang chuyển dần sang màu xám sậm. Ấy vậy mà trong căn phòng nhỏ này, mọi thứ cứ chết lặng. Không bóng người qua lại, không gian lờ nhờ không nhìn rõ mặt người. Mọi thứ trong cái không gian bé nhỏ này như bị đóng cứng cô đặc lại, mặc cho những tia nắng cuối cùng còn dây rớt của ráng chiều ngoài kia dần tắt hẳn.
Trong cảnh tranh tối tranh sáng, phải căng mắt ra nhìn thật kỹ mới phân biệt được hai hình hài lờ mờ trong phòng. Một bóng gày nhẳng nửa đứng nửa như sắp sụm xuống bên góc cửa. Một khối thù lù nửa nằm nửa ngồi trên ghế sô pha bên chiếc bàn kê góc bên kia gian phòng. Nhô lên giữa khối bất động của hình người ngồi đó là mái tóc trắng xơ xác nằm gần lọt trong hai bàn tay úp mang tai. Để ý nghe thật kỹ mới thấy  từ đó phát ra tiếng rên ư ử đứt đoạn nửa như muốn ê a rủa xả, nửa như chỉ chực vỡ òa ra thành tiếng rú gào của kẻ sắp về chầu ông bà ông vải. Cái khối thu lu sụm xọ ấy là lão Đán chủ ngôi nhà này, còn hình nhân ốm o vẹo vọ dựa tường đứng chếch bên góc kia là thằng con cả ngoài ba mươi tuổi đầu chết tiệt của lão. Chỉ có hai cha con lão với nhau, chẳng ai nhìn ai, cũng chẳng có lời trao qua đổi lại gì; song giữa họ đang mang nặng chung một nỗi ám ảnh, xót đau, nuối hận, tủi hổ với chính mình. Tiếng động của kim giây chiếc đồng hồ chạy pin trên tường nghe xạch… xạch … chậm điểm từng tiếng. Thời gian vẫn chẳng vì vậy mà được hai hình nhân kia đếm xỉa đến, bởi hai cha con lão chỉ mải nghĩ về mình. Đúng là tuy chỉ nghĩ về mình thôi, nhưng họ đều biết có sợi dây vô hình nào đó vẫn buộc quàng vào thân phận họ. Tha lôi chúng ngược thời gian về trước, thời gian mà chỉ mỗi người trong họ biết với nhau như một món nợ đời chẳng biết khi nào gỡ trả được.

*
*     *

       ….Thuở nhỏ, thằng cu Đớn - ấy là cái tên cúng cơm của lão Đán- vốn đen đủi, bị ông bố ghét bỏ nhất trong đám trẻ con trong nhà. Ông Kính - bố thằng Đớn, không chỉ ghét nó bởi cái tính lươn lẹo, dối trá, lớn đầu mà còn bởi cái tật thậm xấu là "thó vặt" bất kể thứ gì từ của trong nhà đến của nhà người khác. Bố nó còn thậm ghét nó ở cái tội hèn. Chính ông từng chứng kiến nó chịu nhục chui qua gấu váy con mẹ bán bánh đúc ngoài chợ khi bị bà ta bắt quả tang thó của bà mấy hào lẻ giắt lưng. Sợ bị bà bán bánh túm gáy đưa về giao cho bố mẹ, rêu rao khắp xóm; thằng Đán vội vã van lạy xin tha và chấp nhận làm cái việc thối tha đó bên gốc đa mé chợ để chuộc lỗi. Bất chợt vừa về tới ngã rẽ, nhìn người đàn bà đứng chống nạnh xoạc chân bắt thằng ôn con lổm ngổm bò qua bò lại mấy vòng giữa hai chân, ông Kính đứng sững người lặng đi đến mụ mị. Thay vì đến xin với người đàn bà nanh nọc kia tha cho thằng bé con hư hỗng, ông lại lật đật tránh đi lối khác để mặc thây nó chịu cái sự nhục nhã cho biết thân biết phận. Chẳng bao giờ thằng cu Đớn biết được điều đó. Nhưng có dễ đến cả nửa năm sau đó, ông Kính không buồn nhìn vào cái mặt hèn của thằng con lâu quá một phút. Của đáng tội, dù ông từng nghĩ thầm trong bụng rằng nếu kể tội nó ra, nọc xuống đánh cho nó một trận đòn thừa sống thiếu chết cho xả nỗi bực bõ đi nữa thì cũng chẳng thể xóa được cái cảnh huống nhục nhã mà ông đã thực mục sở thị. Đâu chỉ có mình ông nhìn thấy cái cảnh nhơ nhuốc đó. Còn bao người trên xóm dưới làng, kẻ đi qua người đi lại bữa chợ góc làng hôm nào cũng biết. Thậm chí còn biết rõ thằng bé là con cái nhà ai. Kẻ có chút học hành chữ nghĩa như ông cứ nghĩ đến cái bản mặt đần ra của thằng con chết dẫm dưới gầm váy mụ đàn bà là cảm thấy như mặt mình có nhọ. Việc duy nhất mà ông ban cho nó là sửa tên nó thành thằng Đán. Sửa cái tên thằng con có vẻ là việc dễ làm nhất mà ông chọn để vơi được nỗi đau trong lòng. Biết vậy cũng là hèn đấy, nhưng biết làm sao đây! Cái tên cũ của thằng bé, dù chỉ là tên cúng cơm cũng cứ như quả tạ đeo trước trán ông vậy.
       Đang là một anh nhân viên quèn cho một cửa hàng sách báo, vật phẩm văn hóa trên phố huyện, cách nhà chỉ hơn chục cây số đường núi vậy nhưng thi thoảng cả tháng ông Kính mới tạt về nhà, có khi vài ba tháng một lần. Không phải ông bỏ bê vợ con gì, nhưng vài ba đồng lương còm thời gạo sổ, chút thực phẩm tất tật bằng tem phiếu kiểu “cơm tập thể, giường cá nhân” thì cái sự đi về thăm nom nhà cửa mỗi tuần bằng chiếc xe đạp "Thống nhất" phân phối cà tàng có vẻ là hơi vẽ sự. Vợ ông, yên phận thường dân làm xã viên hợp tác xã nông nghiệp ngày ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời gắng đổi lấy vài chục ngày công tương đương dăm thúng thóc đủ sống nuôi bản thân, việc ăn học của con cái và giữ yên cái  "hậu phương" cho ông chồng cán bộ đâu cũng dễ dàng gì. Hễ cứ ăn bớt được chút giờ công sản xuất hợp tác nào là mụ lại bươn bả với mảnh đất phần trăm bé hoẻn hòng thêm cặp chút thóc gạo "tư hữu" chăn đàn con lóc nhóc. Mà cũng thật lạ, ăn tiêu chả biết thế nào là đủ mà lũ trẻ cứ ngồng ngỗng tự lớn kiểu củ khoai cái tấm. Đứa nào học được cứ học, đứa nào khó quá cho đứt ngang luôn, ở nhà chăn trâu cắt cỏ cho hợp tác kiếm lấy chút công điểm. Ấy vậy cho nên, tuy là đứa lớn trong nhà mà thằng Đán lại được học hành lâu hơn mọi đứa khác. Nó chẳng phải nhường nhịn cái sự học cho đứa nào cả, chung quy chỉ vì nó học cũng làng nhàng, mỗi năm đủ lên được một lớp dù không giỏi giang xuất sắc gì.
....
(Mời xem tiếp kỳ sau)


Không có nhận xét nào: