(Tiếp
theo kỳ trước)
…..
Vừa trút mình khỏi chiếc áo ngoài, tay
đang lần gỡ chiếc cúc bé xíu của chiếc áo ngực thì Chị giật mình. Có tiếng động
rất khẽ ngoài tấm mành cửa buồng tắm. Trong ánh đèn dầu nhập nhoạng, một khuôn
mặt lộ vẻ căng thẳng ló vào. Chị suýt hét lên thất thanh. Một bàn tay ướt nhẽo bịt
vội tiếng kêu vừa chực thoát ra khỏi miệng, bàn tay còn lại run rẩy vuốt ve bờ
vai trần. Giọng nói khê nặc mùi thuốc lào phều phào bên tai. "Cậu đây, đừng
kêu thế. Ngoan nào!" Chị vội vùng mạnh người, tay ôm chặt bầu ngực vừa lộ
ra non nửa, thoát nhanh cánh tay chỉ chực siết vào của gã đàn ông. "Không!
Không…tôi kêu lên đây này!"
- Thôi! Thôi! không việc gì phải ầm lên
thế. Thấy trời lạnh, Cậu mang cho cháu phích nước nóng đây. Cầm lấy này, tắm
nhanh kẻo lạnh.
Bóng người đàn ông lẩn nhanh vào bóng tối
bên ngoài. Chị biết đó là ai rồi. Lão Đức, bệnh viện trưởng. Ở cái bệnh viện
huyện này, ai cũng biết lão mở mồm là cậu cậu, cháu cháu với Chị. Mọi chuyện mới
đầu tưởng như đùa khi Chị và mấy đứa y, bác sĩ trẻ trong bệnh viện bảo nhau
xưng hô với thủ trưởng già gần bằng tuổi cha mình như vậy. Thế rồi nhân một
hôm, ông chú ruột chị từ quê ra, cùng vợ chồng bà chị gái và các cháu từ trường
sĩ quan kỹ thuật tăng thiết giáp xuống thăm Chị tại bệnh viện. Nhân bữa cơm gia
đình, họ mời ông bệnh viện trưởng cùng dùng bữa. Sau dăm ba chén rượu thuốc đưa
đẩy, ông giám đốc bệnh viện giả lả:
- Ông ạ, con cháu Tuyết nó gọi tôi là Cậu
đấy, tôi thấy cháu nó ngoan nên để nó gọi vậy cho vui.
- Ông thuận cho cháu nó gọi thế thì tôi
cũng mừng. Bố cháu không còn, bà chị tôi lại già yếu. Ở xa, tôi cũng chỉ mong
cháu nó có người nâng đỡ, dựa dẫm.
Chỉ vậy thôi, mà rồi cả viện kháo ầm lên
rằng, cô Tuyết được giám đốc bệnh viện nhận làm con nuôi. Chuyện tưởng chỉ đến
vậy, ai nghĩ lão lại quá quắt thế. Tắm vội tắm vàng cho xong, khi về phòng
nghỉ, tim chị vẫn còn đập thình thịch. Cái cảm giác tởm lợm của hơi thở hôi mùi
thuốc lào nồng nặc và bàn tay dịn mồ hôi nhớp nhúa đặt lên bờ vai của chị cứ
đeo đẳng suốt giấc ngủ chập chờn. Sáng hôm sau đi làm, mới đầu giờ lão đã xuống
khoa, mồm miệng giả lả: "Con cái Tuyết đâu rồi, chiều nay cậu về Sở họp,
có thích quà gì cậu mua cho." Mồm nói trơn tuột như thể không có chuyện
gì, nhưng cặp mắt nửa dò xét nửa đe nẹt của lão cứ dán chặt vào khuôn mặt Chị.
Chị khẽ nói: "Thôi ạ! Không dám phiền Cậu." Cách nói vậy khiến lão
yên bụng, câu chuyện đêm trước Chị đã giữ kín, không nói lại với ai. Lão cười
khẽ "Ừ, không muốn thì thôi. Cậu về đừng có đòi quà đấy nhé!".
Hơn hai tuần sau, mới sáng sớm chị
Nguyệt, bí thư chi bộ phó giám đốc bệnh viện xuống phòng ở tập thể, dựng Chị
dậy hỏi gắt: "Mày có biết thằng Trung đêm qua, hơn mười giờ đêm từ trong
này đi ra bị lão Đức sai mấy đứa bảo vệ bắt giữ giải lên công an huyện
không?"
- Thôi chết! Hôm qua anh ấy ngồi chơi với
bọn em, cả cái Nhung, cái Lành nữa đến mười giờ đêm rồi về có thấy chuyện gì
đâu.
- Chúng mày vô tâm quá. Bạn về thì phải
theo tiễn chứ, ai lại để nó đi một mình vậy. Chúng mày đến là đoảng. Lão Đức
lấy cớ thằng Trung vi phạm nội quy ra vào của bệnh viện điện cho Công an huyện
giữ nó. Khổ thân thằng bé, nằm trong phòng tạm giam của bên công an mất một
đêm. Tảng sáng, thằng Huynh công an huyện gọi điện báo tao, tao vội ra bảo lãnh
cho nó về. Mặt mũi bơ phờ, mắt quầng xuống, nó chỉ nhắn tao tin cho mày biết nó
không hề gì, nhưng buồn lắm. Tao hỏi mấy đứa bảo vệ, bọn nó nói dọc đường, đã
cố tình để nó thoát đi mà nó không chịu. Nó nói, cứ để cơ quan công an xử lý.
Chuyện sau này thế nào, ông Đức phải chịu trách nhiệm. Nó là cán bộ nhà nước đi
công tác, giấy tờ tùy thân đầy đủ không làm gì sai trái cả. Tao vừa cự lão Đức
một trận. Lão còn cợt nhả nói rằng, lão đùa chơi chúng mày. Không ra kiểu gì
cả. Lãnh đạo một đơn vị mà xử ẩu thế, có bữa người ta kiện cho mất ghế.
Cả đêm, Chị nằm khóc dấm dứt. Chắc anh
giận chị lắm. Chị đâu biết cơ sự lại đến nỗi như vậy. Sau khi tốt nghiệp, Anh
theo sự phân công của nhà trường, về công tác tại Ủy ban khoa học kỹ thuật tỉnh
Nam Hà. Xa nhà ngót trăm cây số, còn xa chị có tới hơn tám mươi cây. Mọi khi
anh lên thăm chị, bữa chị ở nhà, bữa chị trực đêm có sao đâu. Khổ thân anh, đạp
xe ngần ấy cây số đến với Chị, vài ba tháng một lần. Khi thì vào dịp nghỉ lễ,
khi thì tiện chuyến công tác về Hà Nội. Lão Đức trời đánh, chắc lão chưa nguôi
việc đêm nào bị Chị cự tuyệt đây. Bên mụ vợ già hơn lão đến dăm tuổi, lại trầu
thuốc lèm bèm khiến lão thấy gái trẻ cứ như mèo thấy mỡ. Đã có lần Chị nghe
người nhà bệnh nhân phàn nàn về việc lão lạm dụng con cái họ khi thăm khám, Chị
đã nửa tin nửa ngờ. Xúc phạm tới anh tức là xúc phạm tới quan hệ của Chị, lão
muốn trả cái nợ đêm nào chăng? Càng nghĩ, Chị càng buồn, càng thương anh. Không
có cách gì để nhắn tin cho Anh biết, chắc Anh buồn và giận chị lắm. Có thể, Anh
cho rằng, trong đêm chị biết chuyện Anh bị giữ ngoài công an huyện mà không dám
ra can thiệp để anh về.
….
- Thôi mà Em, đừng khóc nữa. Em khóc mãi
thế này làm Anh buồn thêm. Cơ quan lại tiếp tục sơ tán, Anh thu xếp mãi mới có
dịp đến với Em thế này. Đừng tự trách mình nhiều thế. Chuyện lão Đức bày trò
với Anh, Anh cũng quên rồi. Anh biết, lão cố tình gây chuyện để ngăn trở quan
hệ chúng mình. Muốn gì thì quan hệ của chúng mình cũng cần công khai ra. Em hãy
để Anh lên gặp hai bác Cương, Loan để anh xin phép anh chị cho mình tìm hiểu
nhau. Nếu thuận lợi, qua anh chị thưa chuyện với Mẹ và các bác, các chú trong
quê. Dạo này, máy bay địch bắn phá vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh rát quá, chưa thể
cùng em về quê thăm mẹ được. Nhưng có các anh chị ngoài này, chắc các bác, các
chú và mẹ cũng thuận thôi.
Ngồi sau chiếc xe đạp Phượng Hoàng của
Anh, Chị im lặng nghe anh nói. Con đường đá dăm dã chiến nối ngoại thành Hà Nội
với Thuận Thành - Bắc Ninh chậm rãi trôi dưới vành xe. Họ hẹn gặp nhau ở Hà Nội
lúc hai giờ chiều rồi lên xe đạp qua cầu Long Biên sang Gia Lâm. Từ Gia Lâm, họ
xuôi đường Năm qua cầu Bươu, rẽ vào đường đi Thuận Thành. Bữa chiều hai đứa ăn
vội ở cửa hàng ăn Trâu Quỳ. Bữa ăn không có gì nhiều ngoài mấy miếng đậu kho và
bát canh rau muống. Gạo mậu dịch trơn tuột chẳng dính chút cám nào, hôi mùi lưu
kho. Thời chiến, mấy ai ngồi ăn cửa hàng ăn mậu dịch, ngoài những người khách
vãng lai như họ. Rời con đường đá dăm, họ lên mặt đê sông Cầu. Trời đã cuối
chiều, họ cứ vậy chầm chậm đạp xe vô định, đi trong rủ rỉ yêu thương mà quên cả
thời gian. Xóm làng ven đê yên bình, hàng tre chắn sóng xanh mướt rì rào gió
lộng. Trên sông, thi thoảng bóng những chiếc thuyền buồm nâu chở hàng hóa khẳm
mạn lướt xuôi dòng. Họa hoằn lắm mới thấy vài chiếc xe thồ, xe bò kéo đi ngược
lại. Chiều dần buông những tia nắng cuối cùng, phía xa, nhấp nhô đồi núi xanh
mờ. Họ cứ đi chầm chậm, vừa đi vừa thủ thỉ chuyện trò, không cần biết đến thời
gian đang trôi. Lâu lắm rồi, họ mới lại có lần đi bên nhau, có với nhau một đêm
trắng yêu thương.
- Mình cứ đi mãi thế này sao Anh?
- Ừ! Đi suốt đêm, đi đến lúc thấy cần
phải để Em quay về thì dừng lại. Chúng mình chỉ còn đêm nay thôi mà. Mai Em lại
đi làm, Anh sẽ ở lại Hà Nội thêm một buổi sáng nữa rồi xuôi tàu đi Phủ Lý để về
cơ quan.
- Thế thì mệt chết. Hay mình quay ngược
trở lại Hà Nội đi Anh. Để kiếm xem có tìm được chỗ nào cho Anh nghỉ đỡ. Em về
cơ quan cũng gần mà Anh cũng tiện ra ga đi Nam Hà? Đi Anh, nghe Em đi nào.
Không phải không muốn đi bên Anh thế này thâu đêm đâu. Nhưng cứ đi mãi trên con
đê này cũng có gì vui đâu, lại đêm hôm, nhỡ có sao thì…
- Suốt mấy tháng giời mình mới có dịp gần
nhau thế này. Chưa được trọn một ngày, Anh tiếc lắm. Nhưng thôi, Em nói phải
đấy, mình quay về Hà Nội vậy. Đêm hơi lạnh rồi, Em ôm lấy Anh cho ấm.
Chị ngoan ngoãn nghe theo Anh, vòng tay
ôm chặt lấy người Anh, áp chặt thân hình mềm mại của mình vào tấm lưng ấm áp
của Anh. Họ chầm chậm quay về phía Hà Nội. Dù đang còn những lo ngại về việc
máy bay Mỹ có thể quay lại ném bom miền Bắc bất cứ lúc nào trong những tháng
cuối năm 1972 này, phía Hà Nội vẫn hắt lên trời đêm quầng ánh sáng mờ mờ. Trời
đêm như hùa vào nỗi yêu thương của đôi tình nhân. Họ ôm nhau miệt mài trên từng
vòng quay của chiếc xe đạp, nuốt dần từng cây số. Qua thị trấn Gia Lâm, bóng
cây cầu Long Biên đan chéo trời đêm bằng những nhịp thép khỏe khoắn góc cạnh
chờ họ ở phía trước. Trong đêm vắng, họ leo lên dốc cầu hứng ngọn gió đêm giá
buốt. Áp phía sau sưởi ấm lưng Anh là khuôn ngực mềm mại của Chị, họ im lặng
nghe nhịp đập yêu thương của nhau. Dưới gầm cầu, tiếng dòng sông Hồng rì rầm
xuôi chảy. Trên luồng đi dành cho xe cộ và người đi bộ chỉ thấy loáng thoáng
đôi chiếc xe đạp thồ chất ngất rau cỏ mải miết tiến vào nội thành, vài ba khách
bộ hành gồng gánh trên vai im lặng vịn lan can cầu rảo bước. Hà Nội thở nhẹ
bước vào giấc ngủ đầu đêm. Đổ dốc đầu cầu, họ đạp xe xuống phố. Đường phố Hà
Nội về đêm thật yên tĩnh. Loáng thoáng ánh đèn phòng không rót xuống mặt đường
từng quầng sáng đủ soi sáng phố xá. Nhà mặt phố lỗ chỗ ô cửa chầm chậm lướt
qua. Chợt Chị khẽ khàng:
- Mình cứ theo đê sông Hồng lên Nhật Tân
đi Anh. Em đang giữ chìa khóa nhà chị Phượng bên khoa sản đây. Chị Phượng dặn
Em qua nhà lấy giúp Chị ấy và các cháu mấy bộ quần áo. Đi sơ tán về quê ngoại
cách bệnh viện mấy cây số, mấy mẹ con chị ấy thi thoảng có việc gì toàn nhờ Em
ghé Hà Nội lúc thì lấy gạo phiếu, lúc mua ít hàng hóa theo sổ mua hàng mỗi khi
Em theo xe cấp cứu đưa bệnh nhân về bệnh viện Bạch Mai. Thành thử, nhà chị
Phượng thành nơi nghỉ ngơi của Em với cái Nhung qua đêm mỗi khi theo xe đưa
bệnh nhân đi. Qua đấy nghỉ đến sáng rồi Em ra xe tuyến đi Đan Phượng, Anh đi
làm gì ở nội thành thì làm. Chiều ra ga Hàng Cỏ đi Phủ Lý cho đỡ mệt.
…..
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét