NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

YÊU THƯƠNG MỘT ĐỜI (hay NGƯỜI ĐÀN BÀ YÊU)- Kỳ 22.

(Tiếp theo và Hết)
       ……….

 

Kết.

 

       Trên lầu ba căn hộ nhỏ xinh, người đàn bà tuổi vừa bảy mươi lặng ngồi bên cửa sổ. Mái tóc bạc trắng thời gian được chải bới cẩn thận ôm lấy khuôn mặt dịu dàng, hiền khô. Cặp mắt già nua nhìn vô định vào không gian phía trước. Mới sáng ra, trời Sài Gòn như loãng ra dưới nắng hè chói chang. Phía trên khung cửa chiếc điều hòa gắn trên tường thả những luồng không khí mát dịu xuống căn phòng. Chợt Bà ngoái lại khi nghe tiếng chân bước của đứa cháu.

       - Hồng sang khi nào đấy con. Lát nữa con gọi cho thằng Long nói nó chuẩn bị hương hoa, đồ lễ xuống Bình Hưng Hòa thăm mộ ba má nghe con.!

       - Dạ, con bàn với cả mấy nhà hồi hôm rồi. Bá Thanh, Cậu Long con sẽ đưa xe xuống đón dì và chúng con ra nghĩa trang sớm cho đỡ nắng. Dì đừng lo lắng quá.



       Bà hiền lành ậm ừ. Nhanh thế đấy. Ba má con Hồng kẻ trước, người sau từ giã con cháu trong vòng dăm bảy năm vừa qua khi tuổi đã ngoài tám mươi. Con cháu giờ quấn quýt quanh Bà cả. "Mất mẹ, bú dì" ông bà mình ngày xưa nói câu nào đúng câu đó. Giữa thành phố đông đúc dân cư này, dòng tộc Bà giờ đã thành đại gia đình sâu rễ chắc cành. Mấy đứa cháu con bà chị giờ đứa nhiều tuổi nhất cũng ngoài năm mươi, đứa nhỏ nhất cũng hơn bốn mươi cả. Những đứa con lớn của chúng có đứa đã có chồng có vợ. Bà cũng đã có chắt. Con cháu đếm đủ dễ cũng gần hai chục đứa. Nơi quê nhà, chỉ còn gia đình người anh trai thứ đã tám mươi ba tuổi và hai cô em gái ngoài sáu mươi tuổi trông nom nhà thờ gia đình, tộc họ.

       - Dì ơi, con qua đón sắp nhỏ chắt Cụ bên mẫu giáo nhé. Xong xả, con kéo cả nhà sang ăn cơm với ngoại. Dì cứ nghỉ ngơi chờ bọn con nghe.

       - Ừa! Mà Hồng này, con lên lầu trên mở tủ lấy giúp dì chiếc hộp bìa màu đen ở ngăn trên cùng xuống đây.

       - Dạ! Dì chờ con chút.

       Đứa cháu xuống tầng trệt đi rồi mà Bà vẫn lặng im ngồi bên cửa sổ. Trong đôi tay gầy guộc của Bà, chiếc hộp bìa cũ kỹ rung rung. Nhẹ mở nắp đậy, Bà ngắm nhìn những kỷ vật yêu thương nằm đó. Một cuốn sổ tay bìa cứng bọc giấy hoa bạc màu nằm dưới cùng bên cạnh chiếc bút máy Kim Tinh màu đen nắp vàng đã tróc lở lớp mạ. Trên mặt cuốn sổ, một chiếc hộp bọc nhung đỏ chứa đồ nữ trang nhìn cũng biết không phải là sản phẩm của thế kỷ này. Mở nắp, Bà lặng ngắm sợi dây chuyền vàng tây nằm giữa lớp bông gòn nhẹ bấc. Nhặt sợi dây đưa lên trước mặt, Bà ngắm mãi hai chữ T hoa lồng với nhau gắn trên sợi dây mịn hạt đã ngả màu vàng sỉn. Choàng nhẹ sợi dây lên cổ, những ngón tay khẳng khiu của Bà mân mê kỷ vật trong hoài niệm quá vãng. Cặp mắt nhăn nheo chợt mờ lệ, Bà dựa hẳn người vào lưng chiếc ghế xích đu đã lên nước bóng láng. Bà ngồi lặng hồi nhớ lại chuyện xưa.

       Người đàn ông của đời Bà mất cũng đã gần bốn năm rồi. Khi Ông mất, Bà cùng con Hồng bay ra Bắc tiễn đưa ông lên Đài hóa thân Hoàn vũ. Chiếc xe tang đi dọc đường lên Văn Điển. Trong tấm áo dài đen tang tóc, Bà cùng gia đình Ông tiễn Ông đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đám tang, gia đình Ông chuyển cho Bà chiếc hộp này với lời thưa: "Ông cháu dặn lại rằng phải chuyển vật này tới tận tay Bà. Khi còn tỉnh táo, Ông đã ứa nước mắt ôm chiếc hộp này ngày lại ngày trong tay. Chúng tôi không biết rõ trong này có gì, nay xin trao lại để Bà giữ." Đến giờ Bà vẫn không sao quên được hình ảnh vợ người quá cố cứ ôm chặt lấy Bà khóc ngất. "Chị ơi! Giờ chỉ còn chị còn em ở lại. Anh ấy buông tay chị em mình mà đi rồi…" Bà cũng khóc hoài đến không còn đủ nước mắt để khóc, chỉ biết ôm vai từng người thân của ông trong nhà, miệng mấp máy những câu chia sẻ rời rạc. Suốt dọc con đường đưa ông đi, trên chiếc xe chạy ngay sau chiếc xe chở linh cữu ông, trong tâm trí Bà cứ thấy thấp thoáng bóng dáng người thanh niên trẻ tuổi thuở nào gầy guộc gò lưng đèo người yêu trên đèo hàng chiếc xe đạp Phượng Hoàng màu rêu bươn bải nuốt từng cây số trong ráng chiều quạnh quẽ. Chỉ đến lúc chiếc quan tài được đưa vào cửa hầm nhà hóa thân, Bà mới gục xuống tin rằng mình vĩnh viễn mất ông. Khi tỉnh lại giữa đám đông gia đình tang chủ, Bà chỉ kịp nhìn thấy mé trên chiếc ống khói lò thiêu sợi khói trắng mỏng manh vươn lên trời cao. Ông đấy, ông đang vẫy chào vĩnh biệt mọi người đấy. Chắp hai tay thành kính trước ngưc, Bà lẩm nhầm khấn vái: "Anh ơi! Anh đi trước siêu thoát rồi dừng bước chờ em… chờ em…!"

       Trở lại Sài Gòn, Bà lẳng lặng dọn riêng một phòng trên lầu tư. Mấy vợ chồng đám cháu mời giúp Bà một ni cô bên chùa Ấn Quang sang tận nhà để thỉnh nguyện. Nhà tu hành bày Bà xếp một kệ thờ nhỏ, trên ban thờ chỉ bày tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, lư hương, đèn, bình hoa, đĩa trái cây, chuông mõ và nước cúng Phật. Chọn ngày tốt, giờ tốt sư thầy làm lễ khai quang, mở khóa lễ đầu cho Bà. Đều đặn hàng ngày hai buổi sớm tối, Bà ngồi thiền trước bàn thờ Phật tung kinh, gõ mõ theo sách kinh của nhà chùa. Bà học người tu tại gia, tĩnh tâm tụng kinh niệm Phật hàng ngày. Con cháu trong nhà thấy Bà thành kính tụng niệm thay vì trầm mặc buồn khổ cũng thấy mừng. Họ chỉ lo Bà bệnh, rồi héo hắt buồn sầu sống những ngày còn lại cuối đời.

       Giờ thì Bà ngồi đó với những kỷ vật của người đã khuất. Run run nâng trên tay cuốn nhật ký Ông để lại, các ngón tay nhăn nheo lần giở những trang giấy đã ngả vàng màu thời gian. Không cần kính, Bà cũng biết những trang giấy đang mở trước mặt kia viết gì. Bà dường như đã thuộc làu từng trang giấy ghi đặc những nét chữ mềm mại còn giữ màu mực Cửu Long xanh đậm thuở nào.

       …."Ngày…tháng…năm 1971.

       Mấy hôm vừa rồi mệt quá, bỏ không viết nhật ký. Nay mình viết lại những sự việc sau đêm từ chỗ Tuyết trở về. Khi bắt đầu lên xe rời Đan Phượng để về Hà Nội kim đồng hồ đã chỉ hơn mười hai giờ đêm rồi. Con đường đá cấp phối từ  huyện lỵ Đan Phượng ra ngã tư Trôi lờ mờ dưới ánh trăng non đầu tháng. Trên bờ vai còn nguyên hơi ấm khuôn mặt Em với hơi thở nhẹ nhàng. Em cứ hỏi đi hỏi lại mình mãi một câu: "Mình yêu nhau đã gần một năm rồi anh à! Thế Anh định  khi nào cho Em ra mắt Mẹ và gia đình đây?". Câu hỏi đối với mình nửa dễ nửa khó. Dễ vì tình yêu hai đứa không còn phải đôi hồi bàn cãi gì nữa, yêu để thành thân với nhau kia mà. Khó vì mình chưa biết sẽ nói với Mẹ và các anh chị trong nhà thế nào đây. Vừa mới ra trường được hơn năm, nhận công tác cách nhà tới gần trăm cây số, công việc của Tuyết rồi đây cần phải chuyển theo mình hay về Từ Sơn với Mẹ là một  bài toán không dễ tìm ra lời giải. Mẹ mình thì cũ kỹ, "phong kiến" lắm. Không biết Bà sẽ tỏ thái độ thế nào đây.

       Tuyết ơi! Chúng mình yêu nhau giữa thời chiến tranh bom đạn thế này vất vả quá. Vừa quay đầu xe đã thấy nhớ Em rồi. Vị mặn bờ môi khi hai đứa hôn nhau còn thấm đẫm nước mắt. Anh sẽ nghĩ ra cách giải bài toán hóc búa này. Chúng mình, gia đình hai bên như nằm trên bốn đỉnh hình tứ giác lồi trên tấm bản đồ miền Bắc nếu tính đến quê quán, nơi sinh sống và làm việc. Mình không ngại khó, ngại khổ, chỉ ngại tình yêu lại làm Em vất vả nhiều năm. Nhớ hồi đầu đêm, trên đường đạp về Hà Nội đã mấy lần mình suýt va chạm với xe cộ trên đường vì vừa đi vừa ngủ gật. Hú vía. Cho đến lúc ngồi đợi tàu sớm đi Phủ Lý ở ga Hàng Cỏ tay mình vẫn còn hơi run. Sẽ còn bao nhiêu chuyến đi vội vàng, ngắn ngủi như thế này nữa để biến tình yêu thành hạnh phúc chồng vợ? Bên cạnh chiếc đèn dầu phòng không kia là chiếc hộp nữ trang chứa sợi dây chuyền Tuyết đưa đêm nào. Sợi dây chuyền Tuyết đánh từ chiếc nhẫn của Mẹ cho khi rời nhà đi học chuyên nghiệp. Tuyết cứ thủ thỉ mãi:"Em đặt họ đánh thành dây chuyền có đôi chữ T lồng với nhau thế này để giao Anh giữ. Giữ thôi đấy nhé, khi nào cưới Em đeo đấy!"

       Tuyết Em! Anh sẽ giữ cho Em sợi dây chuyền này để ngày cưới chúng mình, Em đeo cho đẹp. Anh yêu Em! Tình yêu của Anh ơi, đêm nay Em có mơ tới ngày mình làm lễ cưới không?..."

       Những dòng chữ cứ nhảy múa, rung rinh trong sâu thẳm tâm hồn Bà. Bà nhớ Ông quá. Nhớ cả ngày ra Bắc thăm Ông năm nào, trên đường vào, Ông còn nhắn vào điện thoại Bà thế này: "Dù biết rằng chúng ta không còn trẻ, nhưng yêu và được yêu ở tuổi này …cũng đáng được gọi là tiên rồi đấy! Nhớ nhé!"

       Bà khẽ mỉm cười, đôi mắt già ậng nước, mấy lọn tóc bạc trắng rủ trước trán rung rung. Ôm chiếc hộp trong lòng, Bà ngả người nhắm mắt thiu thiu.

       Khi vợ chồng con Hồng dắt nhau lên lầu tính mời Bà xuống dùng cơm thì vừa bước vào cửa, anh chồng vội bấm vợ im lặng. Ra hiệu vợ chờ đó, anh chạy xuống tầng trệt ôm vội chiếc máy ảnh Nikon D90 lên. Dưới ráng chiều hắt qua ô cửa kính, hình ảnh người đàn bà tóc bạc đeo sợi dây chuyền có hai chữ T lồng vào nhau, tay ôm chiếc hộp bìa đựng kỷ vật tình yêu hiện rõ trong ống kính quá đẹp. Lấy cự ly góc độ thật ưng ý, anh bấm máy liên tục.

       Con Hồng bước nhẹ qua buồng ngủ của Bà mang tới tấm chăn mỏng, đắp từ vai xuống đầu gối cho Bà. Hai vợ chồng bước dón dén xuống tầng dưới. Hồng vừa đi vừa thủ thỉ với chồng: "Bà sống với tình yêu của mình như vậy đấy. Vợ chồng mình liệu rồi lúc già có được như các cụ không Anh?" Không trả lời câu hỏi của vợ, người đàn ông nhỏ nhẹ:

       - Những tấm ảnh anh vừa chụp hiếm hoi lắm. Anh sẽ đặt tên cho những tấm ảnh này là "Yêu thương một đời " hay "Người đàn bà yêu". Đêm nay, Anh sẽ Post ảnh lên mạng Flickr, diễn đàn của cộng đồng bạn bè yêu nghệ thuật nhiếp ảnh sinh hoạt hàng ngày. Những bức hình này của Bà sẽ mãi neo trên đó như bức tượng đài thiêng liêng về tình yêu vĩnh cửu.

 

Hết.   

0h ngày 25 tháng 6 năm 2013

Không có nhận xét nào: