NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2019

SẸO NHỤC (TRUYỆN VỪA) - BÌNH DƯƠNG


(Kỳ 30)
(Tiếp theo kỳ trước)
       .......
       Ga Quảng Ngãi rồi. Tiếng ồn ào từ dưới sân ga dội lên ngay từ khi chuyến tàu vừa mới vào khu vực đầu ghi. "Đường thẻ đây!" "Gà luộc nguyên con đây!" "Hủ tíu nam vang! Bún bò à! Mì Quảng đây!" "Bánh bột lọc, bánh bèo, bánh ú đây!"... "Nước nào! Nước sôi đổ bình thủy, nước nguội, nước đá đây!"; "Cà phê! Trà đá! Trà bắc đây! Uống mau kẻo hết nào", "Chè thập cẩm, chè trái cây, chè bưởi à!", "Kẹo cao su, kẹo đường phèn không! Nhíp đánh răng, lược nhựa, cây ngoáy tai, kềm cắt móng, dép Thái đơi!" …..Người lao tới vội vàng, người lách xuống, kẻ chen lên, người nhoài xuống nháo nhào. Tiếng la hét, có cả tiếng chửi thề, gắt gỏng. Tất cả ồn lên cỡ gần hai chục phút. Đoàn tàu cựa mình đi trong chút ánh sáng yếu ớt của ngày chuyển qua tối, bỏ lại dưới sân ga đám người mưu sinh dọc đường tàu vón thành một đám mệt mỏi, nhễ nhại. Theo lời ông già nằm cạnh, thằng Đán nghiêng người một bên lấy chỗ trống cho ông khách mới lên. Dưới vành chiếc mũ lá gồi, trong ánh sáng cuối chiều nhập nhoạng, một khuôn mặt râu ria quai nón sợi đen sợi bạc ngang tàng khỏe mạnh. Trông có vẻ quen quen, thằng Đán nhắm vội mắt.

       - Ơ này, đất trời va nhau hay sao thế này. Thằng Đán đây mà, có phải không? Anh Thông mày đây.
       - Xin lỗi bác, bác nhầm em với người khác rồi. Bác cứ xích vào chút nữa cho thoải mái.
       Cố nghiêng phía mặt nhăn nhúm sẹo về phía người đối thoại, thằng Đán khẽ giọng, tiếng méo méo.
       - Thôi chết, có lẽ tôi nhầm người. Chú em tha lỗi cho nhé, già cả lẩm cẩm thế đấy. Nhập nhoạng thế này, mắt mũi kèm nhem. Tôi chỉ xin ghé nhờ nửa người thôi. Ga sau, ga Diêu Trì là tôi xuống rồi.
       Đôi mắt người đàn ông có tuổi như mờ dại hẳn đi. Khổ sở chép miệng, ông ngồi xây lưng quay vội mặt đi chỗ khác rồi úp cái mũ lá xuống mặt ngồi im. Lát sau đã thấy tiếng ông thầm thì với người kế bên, giọng trầm xuống.
       - Tôi có thằng cháu đóng quân ở trường lục quân Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Bình Định. Một đứa con gái theo chồng là cán bộ miền Nam tập kết, thống nhất theo về Quảng Ngãi quê chồng. Thằng cháu viết thư vận động gia đình tôi vào trong này sinh sống. Tôi đi chuyến này ngắm nghía xem sao rồi ra đón bà ấy và thằng út vào. Mấy hôm trước, tôi còn ghé nhà con cháu chơi mấy ngày với hai thằng cháu ngoại. Ngoài quê tôi, người vào xây dựng kinh tế mới ở trong này cũng kha khá. Thôi thì, rồi cũng theo mấy đứa nó thôi! Ở đâu cứ dễ sống là được. Bỏ quê bỏ quán, bỏ nơi chôn nhau cắt rốn thân thuộc cũng thấy nặng lòng lắm.
       - Ông tính thế phải đấy. Tôi vốn ở Quỳnh Phụ Thái Bình, vào trong nam này cũng được vài năm rồi. Trồng cao su, nuôi lợn ở Đồng Nai cũng được lắm ông ạ! Việc tuy lam lũ vất vả thật, nhưng thu nhập cũng tạm đủ ăn. Trong này trăm người mười làng, kiếm cho có miếng ăn cũng không mấy khó khăn.
       Thằng Đán nhắm mắt vờ ngủ nghe hai người già nói chuyện. Gã thậm chí còn không dám cựa mạnh. Cố ép người nằm nguyên tư thế vậy đến đau cả một nửa người. Hơn sáu tiếng đồng hồ trôi qua. Gần sáng, con tàu tới ga Diêu Trì. Gã cảm thấy ánh mắt ngại ngần của người đàn ông một lần nữa lướt qua mặt. Không còn lời chào hỏi hồ hởi ồn ã lúc mới lên tàu, người đàn ông khẽ giọng chia tay các hành khách còn nửa thức nửa ngủ bên cạnh. Ông rời tàu rồi, thằng Đán lúc ấy mới thấy người mềm ra. Hú vía. Đây là lần đầu tiên, hay không biết còn lần nào nữa đây, việc gặp những đồng nghiệp chiếu bóng bãi ngày nào khiến gã phải lo lắng? Hắn không thể bịn rịn với quá khứ được. Hắn đang cố là người khác. Xin được theo vào công tác trong này, tránh phía Bắc xa ra một bước cũng là một nước cờ mà ông Kính - bố hắn tính toán cho.
       Gần hai ngày sau, thằng Đán đặt chân xuống sân ga Hòa Hưng vào tầm bốn giờ sáng. Moi cuộn tiền lẻ giắt trong chiếc túi nhỏ dưới thắt lưng chiếc quần bộ đội bạc màu được vợ gã khâu cho trước chuyến đi, gã trả tiền người lái xe ôm mau mồm mau miệng. Dừng trước cửa địa điểm xí nghiệp thuê làm đại lý tiêu thụ sản phẩm, hắn bấm chuông. Đường phố đã bắt đầu lác đác xe máy, xe đạp, xe lam đi làm. Gánh hủ tiếu, gánh phở đêm vội bán những bát đồ ăn cuối cùng. Thành phố sắp cựa mình thức dậy. Người bảo vệ già ngái ngủ ra mở chiếc cửa sắt kéo nặng trĩu ở tầng trệt, hướng dẫn hắn lên một căn phòng nhỏ tầng trên. Quăng tấm thân rã rời xuống chiếc giường cá nhân trơ trọi trong phòng, gã để cả quần áo, ngủ vùi. Ngủ đã, ăn uống tắm táp sau, mặc cái bụng có vẻ muốn sôi réo đòi hỏi. Chuyến đi hai ngày, ba đêm lăn lóc trên tàu khách Bắc Nam đã hành xác hắn nhừ tử. Mà hắn cũng cần một giấc ngủ no nê để quên đi cuộc gặp bất thình lình với ông Thông trên tàu. Bánh xà phòng thơm năm nào nhận vội trước giờ lên đường ra tiền tuyến mòn ngót bé tẹo giữa đám bọt trắng xóa trong tâm trí gã. Kỷ niệm đã lùi quá xa và không còn mấy ý nghĩa với cuộc đời gã lúc này. Nặng lòng với quá khứ khó sống lắm.

*
*      *

       Trạm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của xí nghiệp thủy tinh "Làng Tre" được thuê làm trụ sở là căn nhà một lầu, một trệt tọa lạc ngay gần khu Chợ Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình. Mặt tiền khá rộng rãi, gần tám mét. Tầng trệt được bố trí dành phần lớn làm quầy giới thiệu sản phẩm. Dưới đó còn có phòng Giao dịch, phòng Kế toán, kho vận, bộ phận bảo vệ ở phía trong. Trên lầu, ngoài phòng làm việc kiêm chỗ ở của Trạm trưởng còn có phòng Nghiệp vụ, phòng Hành chính. Bốn gian phòng còn lại của tầng lầu là nơi ăn chốn ở của ngót chục cán bộ, nhân viên. Thằng Đán làm nhân viên văn phòng, trực điện thoại, làm kế toán ghi chép xuất nhập hàng vào kho. Khu nhà ở này vốn trước nằm chung với khu gia binh của sỹ quan và binh lính chính quyền ngụy khu vực giáp sân bay Tân Sơn Nhất. Từ đây đi bộ đến phi trường Tân Sơn Nhất khoảng hơn hai cây số mất cỡ ba chục phút. Tới Ngã tư Bảy Hiền chỉ hơn sáu cây số một chút, đi bộ hết một giờ đồng hồ. Vị trí như vậy là khá thuận cho việc đi lại, vận chuyển và giao dịch. Sau giải phóng, chung quanh khu vực chợ Hoàng Hoa Thám phần lớn là doanh trại bộ đội, nhà ở gia đình quân nhân và cán bộ, chiến sĩ đã hết hạn phục vụ quân đội và định cư ở lại thành phố Hồ Chí Minh. Nhà cửa chung quanh đa số nhà ống cũ một tầng, mái tôn. Đôi ba chiếc nhà tầng, cái lớn hai lầu một trệt, còn đa số hai tầng, một lầu một trệt. Chả vậy, nếu để ý kỹ sẽ thấy khu vực này có khá nhiều quán ăn, tiệm phở Bắc. Đặc biệt nhiều cửa hàng thịt chó với vô số biển nhớn, biển bé "Cầy tơ bảy món" "Cờ tây khoái khẩu" hoặc "Đặc biệt cầy tơ". Có quán chỉ vẽ tấm quảng cáo với hình một chú mực nhe răng, ngồi toác miệng cười và đeo toong teng trên cổ một củ riềng tướng. Phia dưới hạ độc hàng chữ "Mộc tồn" hài hước…Thực khách chủ yếu là người Bắc, bộ đội, cán bộ biệt phái công tác phía Nam. Người Sài Gòn những năm này không có mấy người ăn thịt chó. Thằng Đán nghe đám đồng nghiệp, bạn bè kháo nhau rằng, trong này bà con theo đạo Phật rất nhiều, họ kiêng dùng tránh sát sinh. Lại có người bảo rằng, sau rất nhiều năm sinh sống cùng với người ngoại quốc, người Sài Gòn cũng không quen dùng thịt chó nữa, vì các chú khuyển vốn được coi là con vật hết sức thân thiết của người phương Tây. Mà thịt chó thì khá rẻ. Các chủ quán chỉ cần đổi bảy tám ký gạo là được một chú khuyển vừa độ ngon thịt. Thậm chí, có thể thuê người bắt chó hoang đầy rẫy phố sá. Vậy nên, bước chân vào các quán thịt chó ở khu Hoàng Hoa Thám này, người Bắc có cảm giác như ở quê mình vậy. Không khí đượm nét đồng quê. Đến cả mắm tôm, húng quế, lá mơ, giềng mẻ, rượu gạo cũng được chuyển từ Bắc vào. Vẫn kiểu ăn giải chiếu, xếp bằng quen thuộc. Mâm là những chiếc bàn gỗ tạp, tre, nứa chân thấp hai ba chục phân. Vẫn kè kè cạnh bàn rượu những "khẩu ba dô ca", chiếc bằng ống nhôm, duya - ra, chiếc bằng ống tre, ống nứa "quốc hồn quốc túy" xếp ngay cạnh chiếu nhậu. Nếu có khác,  thì đó lẫn giữa những chai rượu gạo miền Bắc nút lá chuối, có cả "lade - bia cọp" và rượu đế Gò Vấp. Tất nhiên, thế nào cũng phải có một xô đá lạnh tướng bên cạnh.
....
(Mời xem tiếp kỳ sau)




Không có nhận xét nào: