NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

SẸO NHỤC (TRUYỆN VỪA) - BÌNH DƯƠNG


(Kỳ 39) - Kỳ cuối và Hết.
(Tiếp theo kỳ trước)
       .......
       Chưa bao giờ cái ngõ nhỏ ấy lại chứng kiến một đám ma kỳ lạ đến vậy. Ngoài con cái trong nhà, bà con nội ngoại, đám tang có rất ít người dự. Không truy điệu ầm ĩ, không nhiều vòng hoa, không mấy tiếng khóc. Âm thanh duy nhất nghe được là dàn bát âm điện tử ê a, não nề phát ra từ chiếc catset cũ kỹ của đám kèn điếu. Sau những nghi lễ vội vã, người ta đưa người quá cố đi hỏa thiêu. Thằng Tĩnh được hoãn thực hiện lệnh triệu tập đến cơ quan điều tra cho đến hết bữa giỗ tuần đầu.

       Sau đám tang, thằng Tĩnh lặng lẽ theo hai chiến sĩ quân cảnh lên chiếc xe kín mui màu xám. Mụ Đán sau lễ giỗ bốn mươi chín ngày cũng khăn áo lên sống với vợ chồng thằng con thứ hai trên Hà Nội. Tòa nhà đóng kín cửa, rao bán.

*
*       *
Kết.

       Chiều vắng. Những tia nắng cuối chiều đã nhạt, trước căn nhà hai tầng có nóc tum hình vòm trong ngõ vắng có một người đàn ông dừng đỗ chiếc xe máy Honda cũ kỹ đời tám mươi. Xuống xe, tháo chiếc mũ bảo hiểm nặng nề khỏi đầu, người đàn ông nhìn quanh tìm người đi qua để hỏi thăm. Đó là một ông già tuổi ngoài bảy mươi với khuôn mặt dài ngoẵng, râu ria để rậm rì che vành môi vẩu lộ rõ hàm răng chiếc còn chiếc mất lởm khởm vàng khè. Vành miệng rộng như người bị dao rạch, hàm dưới lại quai ra khiến khuôn mặt trông man trá, dị hợm đến khó chịu. Thời trẻ, chắc đó là một khuôn mặt không mấy thật thà. Ánh mắt láo liên, trông qua đã không mấy đáng tin.
       - Nhà ông định hỏi ai?
       - Tôi hỏi bác khí không phải, đây có phải nhà ông Đán, xưa làm chiếu bóng lưu động huyện Hà không?
       - Ông tìm đúng nhà rồi đấy. Nhưng thằng cha chết thảm cách nay gần nửa năm rồi. Con đi tù, vợ cũng không còn ở đây nữa đâu. Mà ông hỏi thăm cái thằng "B quay" ấy làm gì. Cho đến lúc chết, chắc hắn không biết được rằng, những người biết đến cái "chiến tích hèn hạ" ấy của nó còn sống rất nhiều quanh đây. Giấu diếm với ai chứ với anh em thương bệnh binh, cựu chiến binh từng vào sống ra chết nơi chiến trường từ nam ra bắc như chúng tôi giấu sao được. À! Mà nếu có muốn mua nhà thì xem đấy, gần nửa năm rồi, chẳng có ma nào hỏi mua cả. Người ta cứ đồn cái nhà này có ma đấy, ai đến xem rồi cũng phẩy tay bỏ về.
       Trả lời người đàn ông lạ mặt là một thương binh nặng. Ông cụt một chân đến sát háng, còn chân kia cụt đến trên đầu gối. Tay phải cụt đến vai, tay trái mất đến khuỷu. Khuôn mặt khắc khổ. Vầng trán rộng, hói bóng lại thêm một vết lõm sâu phía trên mắt trái. Chiếc xe lăn chở ông nửa ngồi, nửa nằm được một cháu gái mười hai mười ba tuổi đẩy đằng sau. Nói xong câu chuyện, ông cháu người thương binh chậm chạp tiến sâu vào ngõ trong.
       Người đàn ông ngắm kỹ ngôi nhà mặt tường đã mốc rêu. Trên nóc, chiếc mái vòm tróc vữa cóm róm giữa đám nhà cửa chung quanh. Hai cánh cửa sắt kéo phía ngoài đã tróc lở hết màu sơn, sét rỉ. Bên trong hai cánh cửa gỗ de hồng bạc màu vecni đóng im ỉm bị khóa chéo bằng hai nẹp gỗ đóng chặt. Chiếc khóa cửa móc bằng dây xích xe đạp cũng thế, rỉ vàng và cáu bẩn. Trên tường, miếng giấy vuông, chắc vốn là thông báo bán nhà đã vàng ệch không còn rõ chữ. Một bên góc, dù được ghim đinh vào tường, vẫn rách ra, để tấm giấy phất phơ trông như chỉ chực rơi.
       Người đàn ông chụp lại chiếc mũ bảo hiểm lên đầu, nổ máy chiếc xe cũ, ù ù mệt mỏi đi ra đầu ngõ. Ngoài phố, ánh đèn thành phố vừa bật lên, ánh sáng còn yếu ớt giữa những tia nắng cuối chiều. Ông ta, cứ như cái cách hỏi thăm tìm người quen chắc ngày xưa cũng từng làm nghề chiếu bóng lưu động.
       Trên đường, tiếng xe cộ đi lại nhộn nhịp. Mạch sống thành phố tỉnh lẻ cứ thế chầm chậm trôi đi. Cư dân thành phố nay cũng khác xưa khá nhiều. Người gốc gác chính danh chẳng còn bao nhiêu. Thành phố mở rộng thêm về nhiều phía. Những gia đình có chút của ăn của để dưới những huyện nghèo đang gặm nhấm từng phần đất mới lan ra của thị xã bé nhỏ xưa. Cuộc sống mải miết cứ thế dày thêm nhiều chuyện mới. Chuyện những năm tháng xưa mãi rồi cũng đi vào quên lãng.
       Đêm xuống, thành phố dần vắng người qua lại. Dù đã lên thành phố cả hàng chục năm, cái cách "đèn đường còn sáng, đèn nhà đã tắt sớm" của vùng đô thị vốn mang dáng dấp thị xã nghèo xưa vẫn vậy. Giữa những vùng tối sáng nhà cửa, cây cối tiếng vài ba cánh chim đêm nhẹ nhàng quạt gió, thành phố rồi lại như mỗi ngày, ngủ sớm dậy sớm...

Đầu thu, tháng 7 - 2012.
Đọc lại, sửa chữa và bổ sung
Thượng tuần tháng 8, năm 2018.
Bình Dương



Không có nhận xét nào: