Kỳ 7
(Tiếp theo kỳ
trước)
…
Vậy là trên thuyền chỉ còn ba mạng, người tài công già lưng còng gập suốt ngày lui cui dưới
hầm máy lấm lem dầu mỡ, con Hơn và thằng Tư. Qua bữa trưa, giữa lúc vào cuối
chiều con Hơn đang xõa tóc gội đầu sau khoang cuối lái thì nó cảm giác có ai đó
đứng phía sau. Hơi thở gấp gáp, hào hển giữa tiếng nấc cụt cố nén, mùi rượu đế
sặc lên...Ngay người hất mạnh làn tóc dày đen về phía sau, nó chỉ kịp nhận ra
ông chủ đang ở rất gần. Chưa kịp hỏi han gì thì nó thấy miệng mình bị cả một
bàn tay thô ráp bịt chặt. Mồm miệng cố ú ớ vùng
vẫy nhưng con Hơn không thể làm gì kịp. Rất nhanh chóng, nó thấy mình bị vật ngửa
ra, khuôn mặt tái tím của thằng đàn ông đã ở rất gần.
Phựt, phựt...hàng
nút áo chiếc bà ba mang trên người con nhỏ chợt bị
giật tung ra. Khuôn ngực trẻ trung, tròn trịa vừa qua tuổi dậy thì phơi lộ rắn chắc. Cong người tránh bàn tay đang run rẩy rờ mó của cơn
ham hố đàn ông, song nó cũng không tránh được một cái vung tay nổ đom đóm mắt từ
phía trước mặt. Tối tăm mặt mũi, nhưng nó cũng kịp nhận biết chiếc quần đang mặc
dưới thân bị xé toang và lột ra. Hai chân cố khép lại, nó cong người chống trả.
Bỗng nghe tiếng "Bộp! Bộp! Hự..." nặng nề. Thân xác thằng đàn ông
đang đè lên phía trên chợt giật lên và chuồi sang bên, bàn tay bịt miệng con
Hơn duỗi lỏng ra như bị ai giằng giật. Mở vội mắt, giữa loạng choạng tầm chiều
tối nó thấy thằng Tư tay còn cầm chặt cán chiếc vồ gỗ nhồi than, mắt vằn đỏ đứng
đó. Giật vội tấm màn cửa khoang cầu tiêu bên cạnh quấn vội vào người, nó lao tới
ôm lấy thằng Tư hốt hoảng: "Tư, mày giết lão già dê rồi!" Dưới nền khoang, sau vài cơn co giật lão chủ thuyền duỗi
dài người, từ sau ót dòng máu đỏ đặc sánh nổi bọt tràn ra loang rộng...
Cho đến
lúc dạt được vào bên một bè cá, con Hơn mới biết mình còn sống. Thằng Tư không
biết trôi hướng nào. Nó chỉ biết hai đứa bíu ríu siêu vẹo sợ hãi vừa lết, vừa
bò lên khoang trên rồi cùng nhau buông người xuống dòng sông ngầu đục phù sa
đang cuồn cuộn chảy siết phía dưới. Chiếc khăn quấn vội ngang hông tuột trôi
theo dòng lúc nào không biết, trời nước đang xuôi về đêm, đâu đó trên sông tiếng
máy thuyền rì rầm kèm bóng thuyền bè hối hả lướt đi, từng cơn sóng cứ nhồi dô
ép lại đè xuống thân hình đứa con gái run rẩy vụng về quài tay quạt nước trôi theo. Không biết thằng Tư giờ này trôi nổi ra sao, nhưng con Hơn biết thừa thằng nhỏ vốn
sợ nước, có khi còn không biết bơi... Dòng sông chảy siết mùa nước nổi cứ lạnh
lẽo cuốn nó trôi rất nhanh...Trôi mãi, trôi mãi. Giữa đêm bám vội được tay vào khung quây chiếc bè cá nhà ai dồn đầy lục bình thả sát ven bờ, con Hơn mới hãm được đà trôi theo dòng dừng lại. Lạnh run người vì sợ
cũng có, vì ngấm nước quá lâu cũng có nó hốt hoảng hoang mang không biết mình
trôi đến đâu nữa. Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, xung quanh đêm tối mịt mùng mờ đặc. Con Hơn chịu không xác định được phương hướng và cứ định bám
vậy đến sáng. Chợt đâu đó, một chiếc thuyền thúng trờ tới. Trên thúng, một bà
già trầu tay giơ cao chiếc đèn chai lúc lắc cúi người giơ cánh tay
còn lại về phía con Hơn. Giúp con nhỏ leo
lên thúng, người đàn bà nhìn thân thể lõa lồ, run rẩy của nó chợt hiểu phần nào
câu chuyện. Lẳng lặng đưa nó vào chiếc lán gỗ cuối bè, bà vỗ về chăm sóc ủ ấm cho
nó. Biết gặp được người tốt giang tay giúp dập, con Hơn mệt quá, ngất xỉu...
Cuối con nước,
con Hơn xin phép bà Sáu Mãi lên bờ. Nó vẫn chưa hết ám ảnh về câu chuyện vừa xảy
ra vài tháng trước. Bà Sáu cũng không có ý giữ con nhỏ ở lại. Câu chuyện mất mạng
bí ẩn của một tay chủ thuyền buôn than lan theo thuyền bè trên dòng sông ngầu đỏ
phù sa như còn ồn ã đâu đó. Bà không gạn hỏi con Hơn, song linh tính cũng ngờ
ngợ có điều chi đó không lành. Bà đồ rằng con nhỏ sẽ còn kinh động vì câu chuyện
đã xảy ra nhiều năm nữa bởi thấy nó ngày ngày nhốt mình trong góc lán, câm nín
suốt ngày và mê sảng ú ớ hết đêm này qua đêm khác. Chuyện ai bỏ đó, không hỏi
không hay...Bà chỉ khuyên nhủ nó, có đi thì tìm chỗ thật xa theo đường lộ mà đi, tránh xa các bến bãi tàu thuyền. Con
Hơn nghe bà, ôm bọc khăn gói quần áo bà Sáu cho thật chặt trong lòng, ngồi xe
lôi tìm bến kiếm xe rời khỏi khúc sông. Với khoen vàng hơn một chỉ tích cóp từ
dăm bảy năm lăn lộn làm thuê làm mướn vẫn cột chặt giấu sau mớ tóc dày nó trôi
dạt đến vùng đất mới. Lại trôi nổi làm mướn, hết việc nọ việc kia. Khi thì phụ
giúp việc nông, khi thì nhận việc vặt trông nhà nó cứ la tha từ nơi nọ đến nơi
kia. Cả chục năm như vậy, nay rày mai đó. Mãi rồi thì dạt về chốn này...Tuy
cũng sống cạnh vùng sông nước, song ổn định hơn với túp nhà trét vách đất bưng
mái dừa nước này. Vài ba năm sau, Dì Hơn gặp và nhận con Thương nuôi đỡ cho đỡ
cô quạnh. Cái con nhỏ gặp được dì như có số. Bữa mới gặp trông nó nhỏ thó, dăm
bảy tuổi mà quắt queo, đen đúa quần áo thủng trên rách dưới ngó chỉ đáng tuổi lên năm. Giữa buổi chợ
rau quả, nó cứ lếch thếch đi theo dì. Dì dừng chân nó cũng dừng theo. Qua buổi,
không thấy ai kiếm gặp con nhỏ cả. Thấy bất thường, dì giữ nó lại hỏi han. Giọng
lí nha lí nhí, con nhỏ nói dăm ba câu không đầu không cuối, ngó tồi tội. Động
lòng thương xót phận người, dì dắt nó theo về nhà. Ở với dì dăm bữa thấy không
có ai hỏi thăm dò kiếm chi, dì để nó ở lại với mình luôn. Đến cái tên, cũng
là do dì đặt đại cho nó. Được
cái con nhỏ tính nết hiền lành dễ thương. Lớn lên chút chút, dì cũng chăm cho học
hành lấy dăm ba con chữ lấy vốn rồi thấy nó lớn lên lộc ngộc không theo được trường lớp nên
thôi luôn. Ban đầu con nhỏ cứ ngập ngừng "má má, con con", sau dì ngại
người ngoài hiểu nhầm chuyện con cái không cha không mẹ nên kêu nó gọi mình là
dì. Biết bao nhiêu người đàn ông, bao cuộc gán vá bà con lối xóm thương dì ghép
đôi cho mà dì chẳng muốn đậu với ai cả. Trong thâm tâm, nỗi ám ảnh về màn bức hại
và máu mê năm nào đã làm lạnh lòng Dì. Có con Thương, cuộc sống của dì đỡ quạnh
quẽ vậy là được rồi.
Quay đi ngoảnh lại, vậy mà hai dì con đã sống bên nhau cả chục năm trời. Đôi
khi, dì cũng chợt rối lòng nghĩ quẩn liệu hai dì con còn sống bên nhau được bao
lăm, khi con Thương sắp đến tuổi dựng vợ gả chồng đến nơi rồi?!...Chỉ nghĩ vậy
vậy thôi mà lòng Dì chợt trùng xuống, nỗi cô đơn trống trải đâu đó cứ dập dờn
tâm trí....
…
(Mời xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét