NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

MONG CHỜ NĂM MỚI QUÝ MÃO AN VUI

             Chỉ còn mấy tiếng nữa, năm mới Quý Mão sẽ thay thế năm Nhâm Dần. Đất trời đang chuyển vận, nhà nhà người người cùng chờ đợi những cơ hội mới, may mắn mới. Nói như các Cụ xưa "Tống cựu, nghinh tân". Tuổi này người ở tầm tuổi tôi sẽ bước sang tuổi 75 "tính theo tuổi ta". Tuổi mà thời nay, các cụ Người cao tuổi "gom" vào hội U80. Ấy là cứ tính "non" vậy. Nói vậy để tự biết mình bắt đầu "già hơn" dăm năm trước rồi…

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

CẢM NGHĨ TRƯỚC THỜI ĐIỂM CHUYỂN GIAO NĂM CŨ NĂM MỚI (2022-2023)

         Năm dương lịch 2022 sắp trôi qua đón ngày mới, năm mới 2023. Ngày này năm trước, năm cũ dường như bắt đầu với đôi chút ngập ngừng phút giao niên. Đại dịch COVID-19 chậm chạp rút bớt trước nỗi lo ngại bùng phát trở lại của cư dân trên từng châu lục. May mắn, đất nước Việt nam ta bước từng bước vượt qua hiểm nguy nhờ sự ứng phó cẩn trọng của Nhà nước và toàn dân, nhờ được trợ giúp kịp thời của cộng đồng quốc tế trong nguồn cung Vacxin. Không thể không nói đến năng lực tự thân của một dân tộc dường như đã tích được nguồn kháng thể từ một môi trường nhiệt đới nóng ẩm và không xa lạ nhiều với dịch giã cúm mùa hàng năm.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

TRIỂN LÃM MỸ THUẬT CỦA HAI NHÀ TẠO HÌNH THIỆN NGUYỆN

          15h00 ngày 23/10/2022, tại cơ sở “Nguồn sáng” nơi nuôi dạy các trẻ em khuyết tật tại số 2 phố Đồng Xuân, Tp.Hải Dương khai mở một cuộc triển lãm Mỹ thuật đặc biêt. Cuộc triển lãm mang tên “Ngày sinh nhật” do hai họa sĩ, hai nhà điêu khắc Việt - Mỹ: Đỗ Quốc Vỵ, nguyên giảng viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà nội, Hội viên Hội nghệ sĩ tạo hình Việt nam và Nghệ sĩ Gốm Joel Bennett, Đại học Sataroza – Ca – Hoa kỳ tổ chức nhằm giới thiệu các hoạt động tạo hình của học sinh tự kỷ khiếm thị Hải dương dưới sự hướng dẫn của hai nhà hoạt động mỹ thuật từng chung một mục tiêu giáo dục thiện nguyện cho các trẻ khuyết tật nhiều năm qua tại Hải dương. Ngày khai mạc cuộc triển lãm cũng là ngày để các học trò tri ân thầy Joel Bennett nhân ngày sinh nhật của ông.

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

CHÚNG TA CÒN GẶP NHAU NHIỀU LẦN NỮA...

             Lứa chúng tôi, những cựu học sinh Trường cấp III Hồng Quang niên khóa 1964-1967 ngày đầu nhập trường là vào đầu tháng 9/1964. Năm học ấy trở thành dấu ấn thật sâu sắc trong mỗi người chúng tôi. Khóa chúng tôi  có đến bốn lớp chỉ tụ hội thật đầy đủ duy nhất có mỗi năm đó, khi đang theo học lớp 8/10 hệ giáo dục 10 năm thập kỷ 60 – 70...Chỉ sau đó vài tháng, miền Bắc bước vào cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, các trường học vùng đô thị thực hiện những quy định ngặt nghèo thời chiến. Chúng tôi chỉ còn một hai lớp ít ỏi ở lại học sơ tán cách thị xã 5-7 cây số. Một số bạn bè các lớp sơ tán về các trường cấp 3 các huyện trong tỉnh hoặc theo gia đình, hoặc cùng bố mẹ sơ tán cùng các cơ quan nhà nước...Vậy có nghĩa là, khóa chúng tôi chỉ học chung trường năm học 1964 – 1965. Vậy nhưng hơn 30 năm sau tụ hội lại, chúng tôi vẫn găp nhau với danh nghĩa đồng môn khóa học. Và năm nay, có một cuộc gặp như thế, vừa để kỉ niệm 55 năm ra trường, vừa để cùng chia vui với 20 năm thành lập Hội đồng môn cấp III Hồng Quang (khóa học 1964-1967) thị xã Hải dương.

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

"TỶ PHÚ… THỜI GIAN"

          Thời nay, mấy cụ “Người cao tuổi” lúc “trà dư tửu hậu” thường đắc ý tự nhận mình thuộc hệ “Tỷ phú thời gian”. Ấy là lúc thần thái bình ổn, “chân nhẹ bước cao”, không có mấy lúc ốm vặt, khù khờ, lật đật...ới một câu là “nhập bọn lên đường” xê dịch. Vì thế, phải thêm “đuôi” “trách nhiệm hữu hạn” vào để nhắc các cụ chớ tự đắc quá!

Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

THÊM MỘT LẦN TRỞ LẠI "HUẾ XƯA"

         Nói là trở lại, với một vùng đất vương triều như cố đô Huế cũng chỉ là một thói quen của cách nói, cách cảm nhận; nhất là với một cá nhân khi tới Huế chỉ với một động cơ thường tình...ghé Huế chơi, nhân một chuyến đi. Vậy thôi! Là một kẻ vãng du, cái cảm nhận của người đi để biết, để ngắm xem vốn hời hợt, suy nghĩ cảm nhận chỉ là "khách nhân". Nói là trở lại cũng bởi vì ngay từ những năm tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước đã từng có những chuyến đi tiếp cận vùng đất này hoặc do công việc, hoặc do có dịp theo các đoàn du lịch, tham quan, hội họp...v..v..trước đây nên mọi cảm nhận thu được cũng chỉ thấy lớp vỏ ngoài, những cảm quan vội vã va đập rồi lại dễ dàng trôi qua trong kí ức. Vậy nên, cái có được cũng chỉ nên cho là sơ khái, thấy được biết được cũng chỉ như một thoáng bất chợt bắt lấy hình ảnh ngoại quan...Không dưới hơn chục lần, tôi có dịp đến Huế với tâm thế như vậy. Chỉ khác nhau ở mỗi điểm là ở mỗi dịp đến Huế, tuổi mỗi lúc lại cao hơn lần trước, mà lần này lại là ở tuổi "xưa nay hiếm". Tuổi ngoài bảy mươi rồi không dám nói là già, nhưng cũng không có lại được cảm giác háo hức, tìm kiếm như xưa...

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

"ĐÒ LÊN THẠCH HÃN..."

       Trở lại ĐÀI TƯỞNG NIỆM BẾN HOA bên dòng sông Thạch Hãn khi tuổi đã ngoài Bảy mươi, tôi muốn thêm một lần được thăm lại nơi Em trai tôi - Liệt sĩ Nguyễn Huy Lai (1954 - 1972) đã ngã xuống trong tư thế đối mặt với làn đạn quân thù để thực hiện vẻ vang nghĩa vụ chống Mỹ cứu nước của tuổi trẻ thế kỷ hai mươi trong trận chiến 81 ngày đêm tiến công giải phóng và bảo vệ thành cổ Quảng trị tháng 7 năm 1972. Mười năm trước, khi có mặt tại lễ tưởng niệm 40 năm chiến thắng Quảng trị, tôi đã từng được chứng kiến đồng đội Em làm lễ thả hoa ghi ơn và tưởng niệm đồng đội tại Bến hoa trên dòng Thạch Hãn ghi nhớ công ơn các Liệt sĩ đã nằm lại dưới lòng con sông máu trong trận chiến khốc liệt tháng 7/1972 này; dự chương trình nghệ thuật tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ giưa ngàn vạn đốm sáng hoa đăng thả sáng mặt sông đêm Thạch hãn theo sóng nước trôi xuống từ phía cây cầu sắt lịch sử, viếng nghĩa trang Liệt sĩ Trường sơn, nghĩa trang đường 9, và một vài nghĩa trang địa phương lân cận mong dò tìm ngày mất cụ thể của Em mình...Để rồi ngậm ngùi chấp nhận một thực tế về hài cốt người thân nằm lại dưới lòng sông, lấy ngày mất của hàng loạt nấm mộ có tên trên bờ đa số có ngày mất trùng với sự kiện bên dòng sông Thạch hãn ngày đó làm ngày giỗ chính thức cho con em mình.

Thứ Tư, 11 tháng 5, 2022

VĨNH BIỆT BẠN ĐỒNG MÔN TÔ NGỌC THẮNG

 

 

          Các bạn đông môn CLT12! Chúng ta vừa mất đi thêm một người bạn cùng học. Ông Tô Ngọc Thắng. Đó là một người bạn chân chất, vui vẻ hồn nhiên và khỏe mạnh, xông xáo. Gần như cứ biết bạn học ở đâu là ông bạn đồng môn tìm mọi cách đến thăm, kết nối. Tuy có khoảng thời gian xa cách, nhưng trong chúng ta mỗi người đều từng lưu giữ những hình ảnh thân thiết khi được gặp gỡ lại người bạn thời trai trẻ năm nào. Và hầu như, anh đều là người đến tìm gặp bạn bè mình đầu tiên mỗi khi có điều kiện. Ông Tô Thắng gặp lai tôi tuy có hơn muộn, tầm năm 2010-2012 gì đó...chỉ sau một cú điện báo vội vàng khi có việc đi qua Tp.Hải Dương. Hàn huyên chuyện trò nghỉ ngơi được với gia đình tôi, chỉ "nhõn" trọn một ngày một đêm. Đến vài năm sau, tôi mới có dịp cung với anh Bùi Huy Cấp lên Lạng sơn thăm lại bạn mình. Chuyến thăm có rất nhiều dấu ấn đáng nhớ, được bạn khao một bữa "Khâu nhục" đặc sản nhà làm: và cũng lại chỉ vội vàng được một ngày một đêm rồi lại vội vã chia tay nhau. Rồi lại bẵng đến năm 2017, bạn bè chúng ta lại có dịp gặp lại nhau tại Hải Phong khi Cụ lớp trưởng Nguyễn Đình Đông tròn 80 tuổi, buổi gặp có lẽ đông đảo nhất của cả lớp tính đến thời điểm đó...Gần đây khi bạn bè hẹn hò nhau cùng đi thăm Bà Trúc Mai - nguyên Bí thư chi đoàn CLT12B; ông Thắng còn háo hức đăng kí hai ông bà tham gia....Vậy mà! Việc đang còn đó mà người lại sớm cất bước ra đi. Đau sót, tiếc thương mà không chia sẻ trực tiếp với Bạn và tang quyến được Thôi đành "Thành kính phân ưu" xin CHIA SẺ NỖI MẤT MÁT NÀY VỚI BÀ THẮNG CÙNG TANG QUYẾN! Giờ phút này, trước khi tiễn Ông lên đường đi xa, xin đăng lại những hình ảnh đẹp nhất về Ông tôi còn giữ được. Mong Ông ra đi thanh thản vào cõi Phật. Nam mô adi đà phật!....

Vĩnh biệt Ông Tô Ngọc Thắng...

Bạn bè đồng môn CLT12 mãi nhớ đến Ông!

 









Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

THỜI GIAN NHƯ "BÓNG CÂU"

        Trong sinh hoạt đời thường của người cao tuổi, việc nhớ về những năm tháng đã qua luôn là một thách thức đối với kí ức và tuổi tác. Khi chưa có điểm tựa công nghệ, mọi lưu giữ về thời gian đã qua chỉ trông mong vào trí nhớ và những ghi chép chữ nghĩa. Tuổi càng cao, trí nhớ suy giảm thì kí ức của thời đã qua bị cản trở với thói tật "quên quên, nhớ nhớ". Con trẻ chỉ biết trông cậy vào năng lực hồi nhớ của người cao tuổi để biết về những dấu mốc…"ngày xưa" của cha ông mình. Thật may mắn khi thế giới hiện đại đã cho con người vô số công cụ hữu ích không chỉ hình ảnh mà còn cả âm thanh về những câu chuyện trước đó cả hàng chục năm nhờ vào công nghệ ghi chép văn tự, âm thanh, hình ảnh…Và nhờ thế, kí ức xưa cũ, kỉ niệm qua từng năm tháng… đã có nhiêu phương tiện kỹ thuật hỗ trợ giúp phục dựng lại những dấu ấn của thời gian đã qua. Nhưng cũng bởi vậy, sự tiếc nuối thời gian đã qua lại trở nên ngày càng sâu đậm, thách thức không chỉ với các sự kiện mà còn cả …với "sức khỏe tinh thần". Cá nhân con người không chỉ thấy tâm trạng 'bồi hồi" trước cảnh xưa người cũ, mà còn "day dứt khôn nguôi" khi thời gian trong "thế giới phẳng" được công nghệ hỗ trợ nhiều khi đến mức "nhẫn tâm", "dày vò" với những sự kiện, sự vật đã trôi qua bởi thời gian và tuổi tác. Và rồi càng hiểu rõ hơn quá khứ đã thách thức và rèn giũa đời sống con người, tâm trạng tình cảm đến đâu khi thấm thía câu "Thời gian như bóng câu ngoài cửa" (thời gian qua nhanh; thời gian như bóng câu qua khe cửa - thời gian qua nhanh như bạch mã lướt nhanh qua khe cửa).- (白驹过隙 Hán Việt: BẠCH CÂU QUÁ KHÍCH) (mời tra trên Google). Người Việt còn nói: “Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ”…Hoặc cảm thán đến mức "Chao ôi! Chỉ mới đó thôi! Vậy mà…". Tuổi càng cao, nỗi niềm này càng trở nên nặng nề trong tâm trí…

Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

CÙNG ĐÓN XUÂN VỀ

          Năm Tân Sửu (2021) đang chậm rãi chuyển vận những giờ khắc cuối cùng trước khi "chuyển trạng thái" cho năm Nhâm Dần (2022). Tôi chắc còn nhiều con dân Việt khác đều chưa /không thể quen với khái niệm "bình thường mới" của Tết Việt. Mạch chảy truyền thống văn hóa Việt chắc cũng không tiếp nhận khái niệm này, dù lịch sử đã từng chuyển qua rất nhiều cung bậc trạng thái khác nhau: chiến tranh, hòa bình, giữ nước, dựng nước, rồi...đổi mới, hội nhập. Người Việt chỉ có một khái niệm "Tết" với "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Người già lo giữ nếp nhà, phong tục; người trẻ lo học hành, tu thân nuôi ước mơ phương trưởng, thành đạt... Khái niệm "bình thường mới" không nằm trong màu sắc hoa đào, hoa mai; trong văn hóa ẩm thực, mâm ngũ quả, tục thờ cúng gia tiên trước thềm năm mới....Hai năm liên tục, dịch bệnh có thể gây xáo trộn cuộc sống thường nhật, đe dọa tới sinh mệnh hàng triệu con người, gây bất ổn trong kiếm kế sinh nhai, gây tổn hại nặng nề cho thu nhập cá nhân, lãi lời buôn bán, thậm chí có thể đình đốn kinh tế...nhưng không thể làm "mất Tết" của người Việt. Tết vẫn là Tết, chỉ có thể to lên hay bé đi, vui nhiều vui ít, háo hức chờ đón hay "phập phồng" lo ngại. Vậy thôi. Xưa vào thời binh đao khói lửa, bom đạn cày xới chẳng thấy người Việt "hoãn Tết, bỏ Tết" bao giờ. Bởi tục lệ xưa vẫn còn đó, thóí quen "người già, con trẻ" thêm tuổi được mừng...vẫn vậy!