NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)
       Những ngày sau đó, thằng Đán dần lại sức. Tuy chưa trò chuyện gì được nhiều, nhưng nó đã có thể ậm à thành tiếng trong cổ họng. Ăn uống đã chủ động nuốt được, dù còn trệu trạo và chỉ ăn thức ăn nát, mềm. Gò má bên phải cứ mỗi ngày được đắp lá thuốc một lần, bắt đầu có cảm giác râm ran của vết thương lành miệng. Seo Lừ, người bạn đồng hành của nó mà nó dần biết được tên, là người dân tộc Mông. Nó bảo, tuyệt đối kiêng cử động miệng nhiều, dù đôi môi đã hết sưng, đang mềm mại trở lại. Có vậy vết thương mới mau lành da mà không kéo sẹo quá nhăn nhúm, ghớm ghiếc.
       - Tao đang học năm thứ ba trường Đại học sư phạm Vinh, Nghệ An. Khoa Dân tộc nội trú. Hơn một năm học dự bị đại học, đủ để học bù thêm cho hết bậc phổ thông trước đó. Vậy mà học cũng được gần năm năm rồi cơ đấy. Họ Sồng nhà tao sống khắp nơi dọc biên giới phía Bắc giáp Trung Hoa, biên giới phía Tây giáp Lào. Với người Mông ở Nghệ Tĩnh, tao được học thế là nhiều lắm đấy. Sau này học xong, tao về bản dạy cái chữ, dạy văn hóa cho bà con người Mông. Ông già nhà tao là thày cúng. Thày cúng được dân bản quý lắm, trọng lắm. Tao nói tiếng Kinh với mày lúc này, chứ mỗi lần về với bản thăm ông bà già, tao chỉ nói tiếng Mông thôi. Nói tiếng Mông mới tìm được họ hàng, tộc bản người Mông. Giữ được tiếng Mông là giữ được cộng đồng dân tộc Mông mà. Người Mông tao sống trong rừng không sợ chết đâu, bệnh tật đã có cái lá rừng, còn gặp phải thú dữ cũng biết cách tránh. Tao tình nguyện đi bộ đội cũng mãi mới được giải quyết. Theo chính sách động viên, tuyển quân, người dân tộc ít người được miễn nghĩa vụ quân sự. Phải đề nghị mãi, cơ quan tuyển quân mới nhận đấy. Cả khoa tao học, có hàng chục lá đơn tình nguyện mà chỉ được giải quyết có hai thằng.
       Mà thằng Seo Lừ cũng giỏi thật. Sáng sớm ra đã thấy nó đeo súng vào sâu trong rừng hái lá thuốc, kiếm cái ăn, có hôm lội cả suối để bắt cá. Hôm trước, thằng Lừ còn vác về cả con hoẵng con bẫy bằng cách đào hố, chăng gài dây rừng. Nó hì hụi làm thịt con hoẵng bằng con dao găm của Mỹ hẳn hoi, thứ dao chuyên dụng của bọn biệt động quân, lấy được từ xác một thằng thám báo ngụy. Trông cái cách nó làm, thằng Đán cứ phục lăn. Trong vòng chưa đầy buổi trưa, nó đã gọn gàng lóc thịt rồi đào nhanh một cái bếp Hoàng Cầm nhỏ để nướng chín khô toàn bộ số thịt cỡ khoảng hơn chục cân. Giã nát một đám lá rừng mà thằng Đán không gọi được tên, nó ướp toàn bộ số thịt vào năm chiếc ống luồng to tướng. Khéo léo kết dây mây rừng làm cữ, nó làm như đan kết năm chiếc ống với nhau, lại có cả dây đeo. Nó bảo: "Làm thế này để hôm nào bắt đầu lên đường được, chỉ cần đeo như đeo gùi là đem theo gọn gàng". Mấy bữa sau ăn thử, miếng thịt hoẵng vừa mềm vừa thơm, vừa đậm đà như được ngâm tẩm đồ gia vị. Từ trong thực tế chiến trận thằng Lừ nhận biết rất nhanh dấu vết của những hố, hốc bí mật dọc đường hành quân của các đơn vị đã đi qua. Nó thì thào kể cho thằng Đán: "Bộ đội mình có rất nhiều tuyến hành quân qua rừng già. Họ thường bớt lại một số quân lương, thuốc men lấp xuống hố phòng khi lạc rừng hoặc mất liên lạc với đơn vị. Từ những dấu hiệu đặc biệt truyền lại cho nhau, rất nhiều đồng đội bị thương hoặc lạc ngũ sau các trận đánh được nuôi sống, chữa thương bằng những đồ dự trữ đó trong rừng". Chính một trung đội trưởng kỳ cựu của đơn vị thằng Lừ đã truyền lại kinh nghiệm tìm kiếm đồ ăn, thuốc chữa bệnh do những đồng đội vô danh để lại trên đường vào hoặc đường ra chiến tuyến cho nó. Thằng Đán chỉ biết vậy, mỗi khi thằng Lừ lẳng lặng đem về lúc thì thùng lương khô, lúc thì vài hộp thịt, hộp cá, đựng dầy túi lớn, túi bé hai chiếc ba lô con cóc của hai đứa. Hai đứa bảo nhau tiết kiệm, tích cóp trước lấy một ít quân lương. Khi thằng Đán khỏe lại hẳn mới lên đường.
       Có dễ phải chục ngày sau, thằng Đán mới nhúc nhắc đi lại được. Tuy còn yếu, nhưng nhờ thuốc thang, ăn uống chu đáo nên nó khỏe lại nhiều. Thằng Lừ hướng dẫn thằng Đán cách nhận biết và tìm kiếm lá thuốc đắp lên vết thương. Gã đã có thể tự mình làm thuốc, băng lại vết thương bằng hai cặp băng gạc cứng quèo xanh màu lá rừng sau nhiều lần giặt giũ. Trên người thằng Đán, không có vết thương nào đáng kể ngoài một số nốt bầm tím dần cũng hồi lại màu da. Cảm giác nhớ lại về tai nạn gã chỉ còn nhớ mang máng. Gã trôi theo dòng suối chảy siết một lúc thì lần sờ buộc chặt hai dây bên của chiếc ba lô ngang bụng. Xoay ngược chiếc ba lô trở thành cái phao trước ngực, gã ôm chặt lấy và để mặc sức nước gầm réo của dòng suối cuốn đi, đầu óc hoảng loạn chỉ biết cầu ông bà tổ tiên phù hộ không va đập vào các tảng đá dọc đường. Trôi như thế được một ngày một đêm thì gần sáng, trong cái cảm giác lơ mơ nửa ngủ nửa thức, nó bỗng thấy đầu mình đập mạnh vào một vật gì rất mạnh. Chiếc mũ cối đã cứu mạng sống của nó, nhưng ngay lập tức, một cảm giác đau đớn xói thẳng từ má lên óc. Gã chợt thấy người nhẹ bẫng như bay trong không trung. Trước khi cảm nhận được cú va đập thứ hai thì đầu óc nó đen đặc lại, không biết gì nữa, nó đã bị dòng nước hất văng lên bờ cùng một khúc cây tươm nát tua tủa. Nghe thằng Lừ kể lại, nó gặp gã nằm bất tỉnh bên bờ suối, chiếc ba lô còn nguyên trên người, nhưng má phải bị một nhánh cành cụt xóc thẳng vào. Khi rút được cành cụt ra khỏi mặt nó, thằng Lừ kinh hoàng thấy khuôn mặt rách nát, ngâm nước đã bợt trắng đi của nó. May mà cành cây sau khi phá hàm bên phải, vướng phải hàm răng còn lại bên trái thì hết lực, không xuyên đi tiếp nữa, mà cũng chẳng xoay ngang vào hầu, họng, không làm rách lưỡi. Thằng thanh niên mặc nguyên bộ quân phục rách nát chỉ còn thoi thóp. Cái chết đã bất chợt lướt qua kẻ bị nạn. Sơ cứu vội vàng cho nó, thằng Lừ vác nguyên cả thằng Đán cùng chiếc ba lô lên chiếc hang gần đó, nơi mới chỉ trước đó nửa ngày, thằng Lừ phát hiện ra khi từ suối tìm cá đi lên. Chiếc hang nhỏ thôi, nhưng cây mọc che cửa hang khá kín đáo, đủ đứng thẳng người và rộng cỡ gần nửa gian nhà. Lên tới nơi, phải vất vả lắm thằng Lừ mới moi được hàng răng hàm phải vụn nát trong miệng nó ra, thực hiện sơ cứu bằng một mũi thuốc kháng sinh và chống nhiễm trùng. Bằng kinh nghiệm đi rừng, thằng Lừ đã cứu sống thằng Đán bằng cả thuôc tây lẫn lá thuốc nhai nát đắp lên vết thương. Không nhiễm trùng, tránh được hoại thư, gã như được sinh ra lần thứ hai. Nghe chuyện người đồng đội không quen biết cứu sống mình, cánh mũi thằng Đán cay sực lên, nó không biết phải chịu ơn thằng bạn trên trời rơi xuống này thế nào cho đủ đây. Về  phía thằng Lừ, việc cứu người như cái lý người Mông phải thế. Nó còn vui lên vì rồi sẽ có bạn đồng hành. Trở nên thân thiết sau cơn hoạn nạn, hai thằng quấn quýt như anh em suốt ngày. Thằng Lừ ngày nào cũng vào rừng, đem về khi thì ít củ mài, khi thì rau rừng, cá suối. Thằng Đán ở nhà, vịn thành hang tập đi cho sớm lại người.
       Sáng nay, thằng Đán đã dò dẫm được xuống suối. Thằng Lừ đi được một lúc thì thằng Đán kéo chiếc ba lô của thằng Tiệm ra xem. Đồ đạc trong ba lô còn nguyên, được bọc cẩn thận trong tấm tăng màu xám. Hai bộ quân trang, một hộp thuốc cá nhân, vài ba đồ dùng lặt vặt. Giữa các lớp quần áo, thằng Đán tìm thấy một chiếc hộp sắt nhỏ, trước chắc là hộp thuốc tây. Trong đó, một gói nhỏ bằng giấy mìn Clây - mo gấp kín sáu tờ bạc Mười đồng, tờ bạc mà cánh thợ chiếu bóng gọi lóng là tờ "Cụ mượt" màu nâu hồng còn khá mới. Chiếc lọ Penixilin chứa một miếng giấy bạc bao thuốc lá Thăng Long. Mở ra, thằng Đán đọc thấy mấy hàng chữ nắn nót rất đẹp: Chu Quang Tiệm, sinh ngày 14 tháng sáu năm 1948. Địa chỉ: đội Bốn làng Chàng Sơn, Thôn Phú Hòa (Làng Ra) xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây. Tên bố: Chu Văn Sơn, 56 tuổi. Tên mẹ: Phan Thị Ràng, 52 tuổi.
       Tay nắm chặt chiếc lọ thủy tinh trong túi, thằng Đán bước xuống suối, vung tay đập nát chiếc lọ vào tảng đá nhô ra bên bờ. Chiếc lọ vỡ vụn, mảnh rơi lõm tõm xuống nước, cuộn giấy bạc văng xuống dòng suối chảy siết mất hút. Trong lòng, gã thầm khấn thằng Tiệm phù hộ cho chuyến đi trước mắt của mình. Giữa không trung đầy ắp tiếng nước chảy rì rào, nó như thấy thằng Tiệm đứng đó, cao lớn, im lặng. Chợt thấy tiếc đã đập vỡ chiếc lọ, giá cứ để dành đấy để gài mảnh giấy nhân thân mình vào, lỡ có làm sao…Nó lắc đầu dứt khoát không muốn nghĩ tiếp nữa, gì thì việc cũng đã rồi… Vội quay người, nó đi gắng thật nhanh về hang, đầu óc trống rỗng.
       Tối hôm đó, trong lúc chuẩn bị đồ đoàn để lên đường sớm mai, dưới ánh sáng leo lét từ ngọn lửa đốt bằng hạt dầu gai thằng Lừ khoe thằng Đán chiếc dây đeo có chiếc nanh cọp nạm bạc, sau lớp ngực áo quân phục: "Này Đán! Tao với mày từ bây giờ sẽ sống chết có nhau như anh em một nhà. Chiếc nanh cọp này là vật thiêng giữ mạng của chúng minh." Miệng nói, tay làm, nó lấy mũi chiếc dao Mỹ khắc lên mặt sau chiếc nanh hai chữ cái "Đ" và "L" bé xíu đứng cạnh nhau. Thằng Đán nín lặng cảm động, thật không ngờ nó lại được ông trời mang tới một người bạn đồng ngũ quý hóa như thế trong hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm chết người như thế này.
*
*      *

(Còn tiếp)

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)



…..
       (Tiếp theo)
       Trưởng nhóm phát lệnh đi tiếp. Tới kho, nhận mỗi người bốn chục ký gạo, mọi người bắt đầu hành quân về trạm khách thì trời đã gần cuối chiều. Theo chỉ định của nhóm trưởng, cả bọn chia làm ba tốp, mỗi tốp hai người. Việc chia nhỏ nhóm ra để đưa gạo về trạm cốt để phân tán bớt đội hình, không vón lại trên đường, có thể dẫn tới chạm mặt thám báo địch. Thằng Đán và thằng Tiệm tách đội hình đi xuôi triền núi xuống bãi lác dưới thung. Hai nhóm còn lại, một đi tắt lên sườn núi phía Bắc, một cứ thế theo đường cũ đi thẳng. Họ hẹn nhau khoảng sáu giờ chiều sẽ tập kết ở bìa rừng nơi có lán chỉ huy binh trạm. Cái mệt, cái cảm giác đè nặng trên vai của bốn chục cân gạo cộng với súng ống, đạn dược và ba lô trên lưng khiến đôi chân nặng trịch như không buồn cất bước. Đi được gần tiếng đồng hồ, thằng Đán nói với lên phía trước "Nghỉ đã, Tiệm ơi!". Hai thằng tìm một gốc cây hạ gạo và mọi thứ trên lưng xuống. Hai khẩu K44 chụm mũi dựa vào thân cây. Quá mệt, miệng mũi thay nhau thở. Lại khát nữa. Nghỉ được gần nửa tiếng, thằng Tiệm bảo  thằng Đán: "Bi đông cậu hai thằng uống từ sáng đến giờ hết sạch rồi. Cậu và tớ uống cho nốt phần nước còn lại trong bi đông của tớ rồi hai thằng tìm đường xuống suối dưới kia lấy nước suối uống cho mát. Chỉ cần mang một chiếc ba lô của tớ xuống theo thôi, trong túi thuốc còn mấy viên lọc nước." Vũ khí bất ly thân, hai đứa đeo súng lên vai, bỏ chiếc ba lô của thằng Đán và hai bì gạo lại, tìm đường lần xuống khe suối phía dưới. Lần xuống chân núi, khi tới gần bờ suối phía dưới, thằng Tiệm quàng cả hai chiếc bi đông lên cổ, quăng chiếc ba lô lại phía thằng Đán: "Cậu cảnh giới, tớ xuống!". Vừa ôm gọn được cái ba lô đồng đội ném lại, thằng Đán chợt nảy tung người. Phía thằng Tiệm vừa lao xuống, một vầng sáng chói mắt bùng lên, kèm theo một tiếng "Ục" đục gọn. Phía trước thoáng thấy thằng Tiệm gục xuống. Sức ép của trái mìn lá hất thằng Đán văng về phía sau, tay còn đang ôm chặt chiếc ba lô. Thằng Đán chỉ kịp thấy mặt mũi mình tối sầm, nó ngất lịm.
       Lạnh và ẩm ướt. Thằng Đán lờ mờ hé mắt. Chung quanh tối đen như mực. Không thấy đau đớn ở chỗ nào cả, chỉ thấy ngực nặng chịch. Đưa tay lên mặt, thằng Đán đụng vào một đám lầy nhầy, ướt nhớp. Không biết giờ giấc lúc này là mấy giờ nữa. Giơ tay lên giữa bóng đêm, nó hét lên không thành tiếng. Thịt và máu, dính bấy, tanh lợm. Nó lập tức hiểu ra mọi sự. Thằng Tiệm vấp phải mìn, một phần da thịt vỡ tung hắt lại phía sau, vương vào mặt nó. Nôn thốc, nôn tháo. Thằng Đán cứ nôn, cứ nôn mãi cho đến lúc cổ họng chỉ còn nhớt dãi khò khè. Nỗi sợ hãi bom đạn bất chợt ập đến. Nó bật dậy vùng chạy như kẻ mất hồn xuống phía dưới, vai còn vương quai chiếc ba lô. Từ trên bờ, nó lao đại người xuống lòng suối phía dưới chân đem theo cả nỗi sợ hãi trước cái chết mất xác của người đồng ngũ. Con suối đầy nước lồng lên, hút lấy nó và chiếc ba lô, cuốn phăng đi. Thằng Đán chỉ biết ôm chặt lấy chiếc ba lô vào bụng, cây súng và hai cơ số đạn rơi đâu không biết nữa. Nó buông trôi người theo dòng nước lũ gầm réo.
       Sáng ngày hôm sau, các đồng đội quay lại tìm hai chiến sĩ không biết vì lý do gì mà cả đêm không thấy về địa điểm tập kết. Họ chỉ tìm thấy một xác chết tơi tả, nát vụn trên đường xuống suối, cây súng K44 gãy nát báng, cơ bẩm vỡ vụn. Hai bì gạo phía trên dốc còn nguyên. Cố nhặt nhạnh cho hết thân xác vỡ nát của người đồng chí xấu số cho vào tấm tăng tìm thấy trong ba lô thằng Đán, mọi người chôn xác người chiến sĩ bất hạnh bên bìa rừng. Ghi dấu lại cẩn thận, tiểu đội tìm kiếm im lặng vây quanh, bỏ mũ chào vĩnh biệt người đồng đội. Cuộc chiến đấu chưa thực sự bắt đầu, họ đã vấp phải mất mát quá lớn. Hai chiến sĩ đi cùng nhau, không biết đích xác ai mất tích, hai hy sinh. Sau nhiều tháng sáp chiến sau đó, đơn vị họ lại bị tổn hao tiếp. Chỉ huy mặt trận quyết định phiên chế lại đơn vị. Cuộc chiến căng thẳng và máu lửa không đủ điều kiện để đơn vị xác minh thật hư, chỉ biết họ đã vĩnh viễn mất đi hai người đồng đội giữa ngút ngàn Trường Sơn.

*
*      *
       Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, thằng Đán cựa mình, mở mắt. Đầu tiên, nó chợt có ý định đưa tay lên mắt che ánh sáng quá lóa, nhưng không cử động được tay chân như ý muốn. Toàn thân nặng chịch, bất động như bị ép dán chặt xuống đất. Sao nó lại ở đây, nó đang trôi theo dòng suối ngầu bọt trắng kia mà. Mà thôi chết, bóng đen nào đổ xuống mặt nó thế này! Nhắm mắt lại và mở ra đến lần thứ ba thứ tư nó mới nhận ra một khuôn mặt lạ hoắc với đôi lông mày rậm hình lưỡi mác phía trên mặt. Thôi chết! Thám báo rồi. Nó cố nhúc nhắc cánh tay, quờ quạng tìm quanh. Súng đâu, đạn đâu rồi. Cố gắng vô vọng ấy khiến nó mất sức, nó lại chực ngất đi, sau khi mắt đổ đom đóm, nổ hoa cà hoa cải. Trong cơn mộng mị đè nén, nó chỉ sợ hãi nghĩ vội được rằng "Địch, thám báo hay hồn ma?! Mà hồn ma nào vậy, thằng Tiệm chết vụn xác rồi cơ mà!"…Nỗi sợ hãi và cơn đau đâu đó trên mặt lại làm nó lịm đi.
       Một thoáng cảm giác mát dịu, mềm mại phủ lên mặt nó, thằng Đán chậm chạp mở lại mắt. Lần này thì con mắt nó đã nhìn rất rõ mọi thứ trước mặt. Một  thanh niên cùng độ tuổi, mặt mũi hiền khô đang ngồi bên nó, tay cầm chiếc khăn mặt màu xanh xám sấp nước dấp lên mặt gã. Khuôn mặt sắc gọn, đôi mắt sáng rực dưới cặp lông mày thật là đen và rậm rạp. Nước da nâu sậm săn chắc, anh ta mặc bộ quân phục nhàu nát, nghe chừng đã nhiều ngày khoác lên người, nhiều chỗ sờn rách hoặc thấm trắng lớp muối mồ hôi. Chiếc ba lô và khẩu súng nằm kế bên chân. Quân ta rồi.
       - Ôi trời! Cuối cùng thì thằng bộ đội người Kinh bị thương nát tươm mặt mũi này cũng tỉnh rồi. Tao tìm được mày dưới kia, nằm như chết rồi bên bờ suối. Chắc mày may mắn thoát chết, không bị va đập mạnh nhờ chiếc ba lô buộc dây chặt ngang bụng. Ba ngày rồi, sau khi vác mày lên đây, mày hết sốt nóng lại sốt rét. Này uống nước đi! Tao đắp thuốc lên mặt cho rồi đấy. Chịu khó ít bữa sẽ làm sẹo.
       Người thanh niên khéo léo luồn chiếc ống nhựa truyền dịch vào kẽ môi thằng Đán. Lúc này, thằng Đán mới đủ tỉnh táo để nhận diện nơi nó đang nằm. Đó là một hang đá ẩm thấp, không cao, không sâu mà cũng không thật rộng. Trên mặt nó, một lớp những lá lẩu gì vụn bết phủ gần hết phía má bên phải. Băng cứu thương bó gần hết khuôn mặt, chỉ chừa có đôi mắt, hai lỗ mũi và miệng. Nhưng đôi môi thì đang sưng tấy phát tê lên, phồng sưng mọng như hai múi cam. Từ phía trong miệng, thằng Đán cảm nhận được một khoảng trống khá rộng giữa hàm trên và hàm dưới bên phải. Không có cảm giác quen thuộc của hàng răng. Thôi chết, nó mất hết hai hàm răng bên phải sao? Từ trong miệng, qua chiếc ống nhét sâu giữa hai vành môi sưng húp, nó mệt mỏi gắng sức mút nhẹ dòng nước hăng hăng, ngọt ngọt từ đầu ống dây rừng vạt chéo. Dòng nước mát dịu chảy vào họng, truyền cho cơ thể thằng Đán chút nhựa sống mát lành. Người thanh niên dốc ngược đoạn dây rừng, thả vào miệng nó cạn chỗ nước dây leo. Sau đó một thoáng, để thằng Đán nuốt xong hụm nước dây rừng, anh ta lại lúi húi bên chiếc bi đông, rót chút ít thứ nước gì sền sệt. Thằng Đán nhận biết được vị ngọt, bùi của lương khô chiến sĩ. Thì ra nó đang được ăn, hay đúng hơn là mút vào miệng bột lương khô hòa nhuyễn. Dạ dày cảm giác được chất dinh dưỡng rất chiến trận của người lính chiến trường. Nó cảm thấy người mềm ấm hẳn lại, dù việc đụng cựa toàn thân còn rất khó khăn.
       - Chịu khó nằm yên tao tiêm thêm cho mũi kháng sinh nữa. Ống này là ống thứ tư, sau ba ngày mày mê mệt chẳng biết gì. Tao bó thuốc lá rừng cho mày đấy, thằng bộ đội người Kinh ạ. Không thấy đau nữa phải không? Sơ cứu cho mày ngay sau khi đặt mày lên đây, phải khó khăn lắm tao mới gắp được đám răng lổn nhổn, bê bết máu trong mồm mày ra ngoài. Dùng ống tiêm cắm cho mày một mũi chống nhiễm trùng vào vòm miệng, đắp lá lên mặt rồi mà tao vẫn cứ lo mày bị hoại thư. May quá, miếng thuốc ông bà truyền cho cũng cầm máu và cứu được cái khuôn mặt mày. Chỗ má rách nát rồi sẽ đổ sẹo, nhưng thế là tốt lắm đấy, thoát khỏi cái chết rồi. Nhiễm trùng chỗ nào, chứ nhiễm trùng vùng mặt là chết nhanh lắm.
       Thằng Đán chỉ biết chớp mắt ra hiệu mình nghe và hiểu được câu chuyện của người đồng đội. Băng bó thế này, không biết rồi còn ăn uống, nói năng gì được không. Lại chỉ nghe tiếng người thanh niên thì thầm:
       - Đơn vị tao vừa bị một trung đội thám báo tấn công tuần trước. Bọn ngụy gọi máy bay Mỹ đến tăng cường hỏa lực yểm trợ khiến đại đội tao bị chia cắt làm nhiều mảnh. Thương vong và hy sinh nhiều lắm. Tao bị sức ép nằm chết ngất bên mấy thi thể anh em cùng tiểu đội đã hy sinh. Đơn vị chủ động rút khỏi trận địa lúc chập tối, không kịp làm công tác thu dung thương binh, liệt sĩ. Tao tỉnh dậy giữa đêm, một mình tìm đường theo đơn vị. Và rồi, lạc hướng tìm. Từ đây đến trận địa hôm trước cách xa quãng ba, bốn ngày đường rừng rồi. Gặp mày, thế là tao có thêm đồng đội. Đợi mày khỏe lại, chúng mình sẽ tìm đường về với đơn vị. Lạc rừng, lạc hướng, lại mưa như trút mấy hôm thế này, việc đi tìm đơn vị thế là bị chậm lại. Nhưng không sao, tao vốn sống với rừng, ăn làm trong rừng mãi rồi, thế nào tao và mày cũng tìm được đường về với quân mình. Cứ đi về phía tây Trường Sơn, khắc gặp được các đơn vị vào hoặc ra.

       "Đi về phía tây Trường Sơn? Tìm đường về với đơn vị?!", thằng Đán lạnh người. Bỏ rơi thi thể tử sĩ, mất toàn bộ quân trang, quân dụng. Trong điều lệnh chiến trường, đó là những tội rất nặng có thể phải ra trước tòa án quân sự. Không thể như thế được! Có tàn phế suốt đời cũng không thể thế được. Nhưng đi theo người đồng đội mới này, lại có thể sống sót. Như thế cũng còn hơn nếu chỉ một mình chết rũ chết héo giữa rừng già Trường Sơn. Sao thằng này nó tốt với đồng đội và gắn bó với trận chiến thế. Nghĩ chỉ được đến vậy, nó lại cứng người chịu một cơn đau mới. Cơn đau từ vết thương chưa kịp gắn miệng. Thôi, cứ biết vậy đã.
......
(Còn nữa)

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)
       Bãi khách đầu tiên tiểu đoàn thằng Đán gặp trên đường vào mặt trận không ghê gớm như nó tưởng. Chỉ là một bãi đất rộng với nhiều hàng cây thưa gốc giữa rừng già, cỡ gần bằng cái sân vận động thị xã quê nó. Giữa các hàng cây, dấu vết của dây buộc võng cái cũ cái mới chồng siết lên thân cây. Đâu đó giữa đám cây rừng, những chiếc cáng thương chạy qua chạy lại. Có một trạm thương dã chiến ở gần đâu đây. Bóng những chiếc áo blu màu xanh lá phấp phới. Không chỉ có nam giới, mà còn nhiều, khá nhiều những cô gái tải thương, y tá da xanh tái, mắt đen láy lúc nào cũng như cười giữa lấp loáng cây lá. Cánh lính trẻ hoạt bát hẳn. Anh nào anh ấy, không ai bảo ai lén vuốt tóc vuốt tai miệng chỉ chực sẵn sàng mở nụ cười thật tươi khi thoáng thấy những bóng hồng như vậy lướt qua. Lệnh của tiểu đoàn trưởng: "Toàn thể tiểu đoàn đóng quân nghỉ lại tại trạm khách. Từ giờ đến chiều tối, các đơn vị cắt cử chiến sĩ cảnh giới, đề phòng máy bay địch oanh kích và sẵn sàng chiến đấu. Phía trước là tiền phương. Cảnh giác có thể có thám báo địch đột nhập khu vực. Tuyệt đối không được di chuyển tự do giữa các đơn vị, ghi nhớ quy định "đi không dấu, nấu không khói". Tọa độ gần đây có bệnh viện dã chiến, không được ồn ào, gây xáo trộn ảnh hưởng đến đơn vị bạn".
       Đám lính chưng hửng. Đành nuốt hy vọng "đánh đáo lưỡi" với các o "y tế cấp tá" bên bìa rừng. Họ lẳng lặng chuẩn bị tăng võng, đơn vị nuôi quân đào hào khoét hố làm bếp Hoàng Cầm. Buông tấm thân mệt mỏi xuống chiếc võng giữa cây rừng ẩm ướt, thằng Đán ngó suông lên trời. Mây đen ậng nước, vài bữa nghỉ lại dù có duỗi gân cốt, song chưa chắc đã khỏe mạnh gì với thời tiết này.
       - Đồng chí Tiệm, đồng chí Đán!
       - Có! Thưa có!
       - Đêm nay, hai đồng chí được miễn gác. Chuẩn bị kỹ quân trang quân dụng vũ khí. Mỗi đồng chí nhận từ bên hỏa lực hai cơ số đạn. Sáng sớm mai, gặp đại trưởng nhận nhiệm vụ.
       - Rõ! Thưa rõ!
       Không biết nhiệm vụ là gì, nhưng cái đói, cái mệt cũng đến lúc được giải tỏa. Bữa ăn đầu tiên trên chặng nghỉ dọc đường hành quân vất vả sao ngon thế. Vẫn bát sắt cơm lèn chặt chan nước canh rau rừng, ruốc thịt lợn hộp và "ca la thầu" như mọi bữa, nhưng cái ngon như nhân lên gấp đôi. Ăn uống xong, tiểu đội sinh hoạt tư tưởng, nghe thông báo tình hình chiến sự và nhắc nhở kỷ luật chiến trường. Tiếng chát chúa của bom đạn chiến trận ở ngay đâu đó thôi phía bên kia cánh rừng. Giữa các hàng tăng võng, tiếng sột soạt giấy bút, tiếng thì thào to nhỏ. Các chiến sĩ, người dở giấy bút ra viết thư, người thì viết nhật ký. Viết thế thôi, chứ cánh lính thừa hiểu rằng, thư họ gửi đi sẽ âm thầm nằm đợi thật lâu ở đâu đó trên đường quân bưu. Có đến tay người thân cũng cỡ hàng vài ba tháng, thậm chí cả nửa năm. Quân lệnh không cho phép thư từ viết về mặt trận, tuyến đường, địa chỉ đóng quân. Mọi danh tính đơn vị chỉ còn là dãy ký hiệu dài những con số và chữ cái khó hiểu. Địa chỉ hòm thư thay đổi liên tu, chưa kịp thuộc đã thay đổi không biết đằng nào mà lần. Thằng Đán chẳng có việc gì để làm. Từ bé, nó có viết thư cho ai bao giờ. Còn nhật ký ư? việc đó thật quá xa xỉ với cái đầu ít chữ của gã.
        Trời hửng sáng từ lúc nào không biết nữa. Cùng với Chu Tiệm tiểu đội phó tiểu đội 3, thằng Đán tới lán đại đội nhận nhiệm vụ.
       - Các đồng chí qua bên chỉ huy trạm, nhận phân công công tác hôm nay với giao liên. Kiểm tra lại vũ khí, quân trang. Công việc, thời gian ra sao và bao giờ kết thúc nhiệm vụ sẽ tùy thuộc sự điều hành của trạm khách.
       Hai chiến sĩ sang đến lán binh trạm trưởng đã thấy lố nhố người của các tiểu đội, trung đội bạn ở đó. Nhiệm vụ của họ không mấy khó khăn. Giao liên sẽ hướng dẫn các chiến sĩ tới kho quân lương cách trạm nửa ngày đường để nhận lương thực, thuốc men dự phòng cho các đơn vị cùng đóng quân tại bãi khách. Một tốp chiến sĩ, bao gồm cả các y tá của bệnh viện dã chiến  được phiên chế thành nhóm công tác riêng. Số còn lại chia thành ba nhóm. Thằng Đán và cậu Tiệm cùng một nhóm bốn chiến sĩ nữa đi một toán. Công việc cụ thể của họ là nhận gạo dự phòng cho trung đội hậu cần. Mỗi người có nhiệm vụ chuyển về bốn chục ký gạo. Ngay sau khi phân công, mọi người lên đường theo hướng dẫn của giao liên. Hàng một, tổ sáu người im lặng lên đường.
       Bỏ lại đằng sau cánh rừng rậm rạp, các chiến sĩ đã rời khỏi bãi khách được bốn tiếng đồng hồ. Trận mưa hồi đêm vừa dứt để lại một bầu trời xám đặc hơi nước. Mặt trời ở đâu đó giữa những khối mây màu chì thi thoảng để lọt ra vài tia nắng yếu ớt. Không gian se lạnh nhưng ngột ngạt. Bước chân của các chiến sĩ đặt lên bãi lau lác sũng ướt, quần áo giày tất ướt nhèm. Đến giữa trưa, cái oi nồng từ vạt rừng sũng nước bốc lên khiến cho đám chiến sĩ càng thêm mệt mỏi. Trưởng nhóm phát hiệu lệnh, mọi người dừng nghỉ, giở lương khô ra ăn. Theo chỉ dẫn của binh trạm, đường đến kho quân lương còn đi tiếp khoảng hai tiếng đồng hồ nữa. Vượt qua ngọn núi trước mặt kia, họ sẽ tới nơi.
       - Tiệm này, trước khi vào bộ đội, cậu ở đâu.
       - Tớ đang học năm thứ ba Đại học nông nghiệp I. Khóa tớ đi khá đông, cả trường cỡ vài trăm sinh viên. Phần lớn là sinh viên năm thứ ba. Năm thứ tư cũng có, nhưng chỉ nhận người có đơn tình nguyện nhập ngũ, được lọc chọn một cách khắt khe. Ấy vậy nhưng bên quân đội cũng chỉ lấy sinh viên năm thứ tư của hai khoa cơ khí và nông hóa, dược thú y đi thôi. Bọn cơ khí sau khi nhập ngũ đều phiên chế bổ sung vào các đơn vị xe tăng, thiết giáp, quân giới hoặc vận tải quân sự. Bọn nông hóa, hóa dược thú y được đưa vào các đơn vị khí tài, hóa học và một phần vào các đơn vị quân y dược. Riêng đám năm thứ tư này được công nhận tốt nghiệp đặc cách, và được Bộ quốc phòng sử dụng ngay có hàm bậc hẳn hoi. Cuộc chiến tranh này, bọn Mỹ Ngụy đã sử dụng đến chất độc hóa học rồi, cần người thuộc các chuyên ngành này tham gia.
       - Thế nghĩ thế nào mà cậu lại đi học nông nghiệp. Nghề nông thì có cái quái gì đáng học cao đến thế đâu.
       - Cậu đúng là "mít đặc". Nghề nào mà chả cần có học thức, học càng cao càng tốt chứ sao. Hồi đầu mới vào, bọn này "u tì quốc" lắm, tưởng vào nông nghiệp là sẽ được ăn no đẫy diều. Ăn có hơn ở nhà thật, mười sáu ký đấy. Nhưng làm thì chí chết. Mỗi năm hai tháng lao động tự túc lương thực. Nhà trường có hàng chục hec - ta đất ruộng, chuồng trại. Mỗi học kỳ dành một tháng vừa học vừa làm. Cũng cày cấy, gặt hái, vãi phân, phun thuốc. Cứ là tám tiếng một ngày. Có đứa dân thành phố, vào học nông nghiệp tưởng ngon, chỉ đến năm thứ ba đã cầm cày giỏi như thợ cày lão nông chi điền..
       - Khiếp thế cơ á? Ngày trước, học hết cấp hai trường làng, tớ không thi chuyển cấp được, cũng tay vặt, tay diệt sau đít trâu mãi. Thế hóa ra đi học đại học như cậu cũng chỉ có thế thôi à.
       - Cái thằng này, đầu óc vớ vẩn. Để đi cày như cậu thì học ngay ở làng cũng xong. Đây này, học xong, bọn tớ là kỹ sư. Kỹ sư biết chưa?! Thế cậu không biết cái nhà ông Lương Định Của còn là nhà nông học đấy à, nhà bác học về nông nghiệp đấy. Không học sao được như vậy, học hơn bốn năm trời để thành "thợ cày đại học" thì nhà nước đào tạo đại học làm cái quái gì? Nói chuyện với cậu chán chết.
       Thằng Đán nín thít. Học lên đến cấp ba chưa bao giờ là ước mơ của gã. Còn học đại học, quả là chuyện "trên trời" thật. Nó nhìn thằng Tiệm thèm muốn. Ở người thanh niên này, mọi sự đều toát lên sự mạnh mẽ, học vấn. Khuôn mặt vuông vắn, mũi cao, trán rộng. Da ngăm ngăm đậm chất phong trần. Đôi lông mày rậm nằm vắt ngang, xanh rậm đầu hơi giao nhau khiến gốc mũi của cậu ta trông như thấp hẳn xuống. Cánh mũi nở rộng, thơ thới. Đôi môi dày vừa phải, lúc nào cũng mủm mỉm, vành môi phải nói là khá đẹp đối với một thằng đàn ông. Hàm răng chắc khỏe, đều đặn trắng bốc, chiếc cằm đầy đặn với vết chẻ đôi mờ mờ khiến nụ cười lúc nào cũng cởi mở dễ mến.
       - Hồi mới nhập học, bọn tớ chỉ được ở Trâu Quỳ có "nhõn" ba tuần. Quê tớ ở Thạch Thất, Hà Tây. Cách trường có vài chục cây số mà chưa kịp đáo về thăm bố mẹ lần nào thì đã bị "bốc" đi. Trường có cơ sở sơ tán ở tận mãi trên Cao Bằng, mật danh là khu "Chiến thắng". Sinh viên năm thứ nhất phải lên đó học. Năm thứ hai, thứ ba chuyển về Hành Lạc, Tiền Tiến, Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên. Năm thứ tư học nốt khoa học chuyên ngành, thực tập cuối khóa và chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp ở Trâu Quỳ rồi thi tốt nghiệp. Toàn bộ thời gian đào tạo cỡ hơn bốn năm. Cơ sở Cao Bằng cách Hà Nội gần bốn trăm cây số, giáp biên giới với Trung Quốc. Hết đường về nhà. Ô tô chở bọn tớ phải mất ba ngày, ngày đi đêm nghỉ nhờ nhà dân mới tới nơi. Vượt qua cả thị xã Cao Bằng. Khi đó là tháng mười năm sáu mươi bảy, trời đầu đông se lạnh. Tớ nhớ nhất tiếng bom oanh tạc cuối cùng được nghe thấy là bữa xe vừa đổ dốc chực xuống cầu Bằng Giang. Ba chiếc "Ep Bốn" ở đâu không biết ào tới quất xuống cầu một chùm bom. Không biết đám giặc lái Mỹ định đánh mấy chiếc xe chở sinh viên bọn mình hay đánh cầu. Chỉ biết có một nhịp giữa cầu văng xuống sông ngay trước mắt bọn tớ, lúc đang "mắt lợn mắt quạ" nháo nhào tóa xuống hào giao thông ven đường. May mà đoàn xe ba chiếc chở bọn mình không bị dính bom. Nằm bên cầu gần nửa ngày lại quay ra, tìm đường qua ngầm vượt sông do công binh làm dự phòng khi cầu bị oanh tạc. Đêm gần sáng bọn mình mới tới nơi. Bản Nà Pheo, xã Quảng Hòa là nơi khoa Cây lương thực bọn tớ đóng quân, cách thị trấn Quảng Uyên mười cây số. Nhà lá, vách nứa như ở quê, giường sạp tre hai dãy. Lớp học lưng chừng dốc núi. Sáng lên lớp, chiều tối cũng lên lớp tự học, tự nghiên cứu. Năm thứ nhất bọn tớ học khoa học cơ bản. Rồi nào học chính trị, sinh hoạt đoàn thanh niên, học tập quân sự. Chủ nhật nghỉ học thì đi lên rừng chặt củi cho nhà bếp. Mỗi định suất một khối. Ngày thường, bất kể mưa nắng các lớp luân phiên cắt cử người đi chăn bò. Khoa bọn tớ nuôi gần bảy chục con, mỗi ngày đến tổ nào, tổ đó phân công bốn đứa, cả trai lẫn gái dắt bò lên núi. Không có thời gian mà nhớ nhà nữa. Mùa đông rét tái người. Có thằng chịu rét không nổi, lên giảng đường với cả một chiếc màn một quấn quanh người mà tay viết cóng lóng ngóng tới mức không cầm nổi bút viết. Có bữa, tớ nhớ là sau Tết, đang tháng học quân sự, tớ phải một đêm trực nấu ngô bung ăn sáng cho lớp. Thằng Hiệp quê Đức Thọ, Hà Tĩnh sai mình ra giếng lấy nước đổ thêm vào chảo nấu giữa đêm. Ngoài trời giá rét buốt người. Vừa từ bếp nhà ăn bước ra sân, tới giếng buông gàu xuống nghe đánh xoảng một tiếng. Mình chạy vào hét toáng lên: "Giếng cạn hết sạch nước rồi!". Thằng Hiệp cầm đèn bão ra theo, lúc vào mắng mình một chập vì cái tội "ngu lâu": "Thằng thộn, sao mà hết nước được, giếng đóng một lớp băng trên mặt rồi". Hôm sau, cô giáo phụ trách phòng thí nghiệm hóa vô cơ cho bọn tớ biết, đêm hôm ấy, ngoài trời rét tới âm hai độ. Khiếp chưa!
……
(Còn tiếp)

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
       (Tiếp theo)
       Sau mấy tiếng súng CKC và tiểu liên AK 47 chát chúa, thằng Tĩnh chỉ còn biết cắm đầu băng rừng chạy. Đám mấy đứa cùng đi, toàn dân buôn bán đường biên bỏ chạy tán loạn mỗi đứa mỗi hướng. Gặp một hốc cây lát hoa to cỡ hơn hai vòng tay ôm bị sét đánh cháy dở sâu giữa rừng già, gã rúc đại vào. Tiếng đám công an, dân quân địa phương đuổi theo nghe mỗi lúc một xa, họ chuyển dần về phía Tây vùng giáp biên giới Việt Lào, đuổi theo mấy đứa buôn hàng cấm. Hướng truy bắt không còn chĩa vào phía này, thằng Tĩnh nằm móp trên lớp tro ẩm trong hốc, thở dốc đợi đêm xuống. Chuyển ngành sang lực lượng kiểm lâm đã vài năm, những kỹ năng chiến đấu từ thời bộ đội biên phòng đã cứu nó đận này bàn thua trông thấy. Chọn hướng thoát hiểm và vận động hợp lý, nó thoát được vòng người truy bắt. Vừa tham gia kiểm lâm vài năm, theo đám người xấu rủ rê, nó dấn thân vào hoạt động buôn bán hàng cấm từ lúc nào không biết. Lúc đầu là động vật hoang dã, dược liệu quý hiếm, đá quý rồi kể cả mách nước làm nội ứng cho các cuộc kiểm soát vây ráp lâm tặc phá rừng, nó theo đám bạn mới kiếm được khá bộn tiền. Cứ nhiều nhiều một chút là tìm cách chuyển về địa chỉ bố nó chuẩn bị cho ở nhà. Chúng đã thoát được sự truy bắt của các lực lượng chức năng địa phương nhiều lần, khi thì do may mắn, khi thì biết được tầm kiểm soát của lực lượng liên ngành bộ đội, công an và dân quân địa phương. Chuyến này là chuyến vớ vẩn nhất, chỉ vì trong đám đồng bọn có thằng vì quá tham đã "đánh lẻ" chút "hàng trắng", "đá xanh". Bị chỉ điểm phát hiện và thông báo toàn tuyến, chúng đang chuyển vận một lượng hàng lớn động vật hoang dã thì bị chặn bắt. Chắc chắn mấy đứa chậm chân, bị sát thương và bị bắt sẽ khai ra danh tính đồng bọn. Thằng Tĩnh biết chỉ có thể thoát bằng một cách duy nhất, đào thoát khỏi lực lượng về địa phương rồi nhờ bố nó tìm cách gửi vào Tây Ninh hoặc các tỉnh khác vùng Tây Nguyên để trốn tránh. Nếu thành công, nó sẽ thay tên đổi họ cư trú trong đó, "lặn" thật lâu trước khi tìm được cách thoát thân thật an toàn. Nghĩ vậy, nó ẩn mình trong rừng, chờ tối để cắt đường ra Bắc. Luồn tay vào ngực mân mê chiếc dây đeo nanh cọp, nó chợt nhận ra rằng, có lẽ chiếc nanh cứu mạng nó thật. Mấy hôm trước, không hiểu do nguyên cớ gì xui khiến, trước khi lên đường góp mặt vào chuyến đi, nó lại lôi chiếc dây ra từ dưới đáy ba lô đeo lên cổ, lấy đại mấy chỉ vàng tích cóp đem theo. Cẩn thận sờ vào chiếc túi khâu lặn mặt sau quần lót, nó sờ tìm. Mấy chỉ vàng vẫn còn nguyên đó. Ơn trời! trời đã giúp nó, chiếc nanh cọp đúng là vật bảo mạng linh thiêng.
       Đêm xuống, từ kinh nghiệm đi rừng, không khó khăn mấy thằng Tĩnh lần được ra đến đường lộ liên tỉnh Bốn mươi tám. Nếu cứ theo con đường này đi về phía Tây, gặp biên giới Việt Lào, chắc chắn nó không thể thoát được. Phía đó là phía các lực lượng liên ngành đang dồn đuổi, truy bắt đám buôn lậu mà cũng còn giăng lưới lâu. Chỉ có đi về phía đông, cặp vào đường Một để từ đó, dễ dàng ra được phía Bắc với nhiều phương tiện giao thông khác nhau.
       Tảng sáng, thằng Tĩnh bắt được một chiếc xe tải biển số Sài Gòn từ phía Tây đang trên đường về thành phố Vinh. Nhận thằng Tĩnh lên xe, người tài xế xe tải ít nói không hỏi han gì nó nhiều. Song thấy cái bộ dạng nhếch nhác của nó, cỡ chỉ hơn tuổi thằng cả ở nhà, ông đã dừng xe đồng tình cùng nó tạt vào một nhà nghỉ trông khá sang bên đường, ăn uống, tắm rửa đâu đấy rồi mới đi tiếp. Tại gian hàng bán đồ sinh hoạt của nhà nghỉ, thằng Tĩnh mua được một bộ đồ khá đẹp với cái giá không rẻ chút nào. Thay vào, trông nó khác hẳn. Mua thêm một chiếc cặp số nhỏ xách tay, mấy bộ đồ thường mặc hàng ngày, một số món đồ khả dụng, nhìn hắn giống người làm ăn đang đi công chuyện. Lặng lẽ nhận từ tay thằng Tĩnh gói quà gồm nhiều hộp đồ trang điểm phụ nữ mác nước ngoài và quần áo trẻ nhỏ khá đẹp, người lái xe đưa ánh mắt đồng lõa nhìn nó. Ông thừa biết nó là loại người thế nào, không làm ăn tư túi thì cũng tráo trở lưu manh. Duy chỉ có một điều duy nhất ông không biết, mà cũng chẳng bao giờ được biết là mọi chi phí từ nghỉ ngơi, ăn uống, tắm giặt, sắm sanh gã thanh niên đã kín đáo thanh toán trước với bà chủ xinh xắn của nhà nghỉ bằng nguyên một chiếc nhẫn hơn một chỉ vàng. Chiếc xe tải tiếp tục lăn bánh, khi cặp vào gara khách sạn "Sài gòn Kim Liên", trời vừa tối. Hai chú cháu dùng bữa. Giữa bữa ăn có phần sang trọng của khách sạn phù phiếm nhất thành Vinh - "Phượng Hoàng trung đô". Thằng Tĩnh bỏ nhỏ: "Cháu biết ơn chú lắm. Chú cứ nghỉ ngơi thoải mái, cháu đặt chỗ nghỉ cho chú những hai ngày đấy. Khi nào muốn đi chú cứ nói với nhân viên trực quầy lễ tân khách sạn. Đêm nay cháu có việc gấp phải về Hà Nội. Chú cứ thong thả ở lại nghỉ ngơi cho khỏe, khi về cho cháu gửi lời thăm cô và các em." Nâng ly rượu Black Label vàng sánh như mật, người lái xe chạm cốc với nó, nói nhẹ bấc: "Rồi. Đi cho khỏe nghen!". Họ yên lặng ăn uống. Giữa đêm, thằng Tĩnh lên tàu Thống Nhất ra Hà Nội. Từ Hà Nội, nó bắt xe tuyến về nhà. Suốt dọc đường kể từ lúc vào sân ga Vinh rồi trên đường từ Hà Nội về, nó bồn chồn không chạm đến một miếng cơm nào, chỉ láo nháo trệu trạo gói bánh quy kem mua được trước lúc lên tàu. Chỉ mong sớm sớm về tới nhà, nơi mà nó cho rằng, đó là nơi yên ổn nhất đời vào lúc này. Con kiến phải mò tìm về bằng được tổ của nó.
       Song cái đầu chậm chạp cơ mưu của nó không biết một điều rằng, tờ giấy thông báo lệnh truy nã của tổ chuyên án té ra lại còn biết…."chạy" nhanh hơn nó. Vừa về đến nhà, nhìn mặt bố mẹ, nó đã biết rằng, thế là xong rồi, cuộc đời nó thế là thôi rồi. Biết thế, với mấy chiếc nhẫn còn lại trong người, chạy béng vào biên giới Tây Ninh vọt sang Căm - Bốt cho xong. Hoặc cứ phóng đại lên biên giới Tây Bắc, ngụ đâu đó bên đất Lào. Dù gì, thì ý định muộn mằn này của nó cũng đã không thực hiện được.

*

*     *
(Còn tiếp)

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


       …..
       (Tiếp theo)
       - Hôm nay tao mời cái bộ đội đến nhà mà vui cái bụng lắm. Mày và thằng Pử phải uống rượu kết nghĩa làm anh em thôi. Cái lý người Mông tao là thế. Biết ơn người cứu sống mình là phải xin làm người anh em bằng được. Nào nâng bát lên, uống đi thằng cháu! Tao không bắt mày uống say không về được, cái cán bộ nó buồn. Nhưng uống được đến đâu cứ uống, nếu thấy cái đầu say say thì tao giải rượu cho.
       Tĩnh đỡ bát rượu từ tay già Sồng Seo Lừ, miệng khẽ "vâng". Hôm nay dư thời gian để nhìn ngắm, nó thấy ông gìa người Mông trông cũng hiền hiền. Khuôn mặt thật dễ gần, cái miệng cười cười lành khô. Cặp mắt thật đen, ẩn sau đôi lông mày rậm, chạy cắt ngang vầng trán vuông vức cho thấy là người có bản lĩnh. Đuôi lông mày thật dài, nhiều sợi cong vươn ra ngoài lúc cười còn rung rung nhẹ.
       - Ngày xưa, hồi còn trai trẻ, tao cũng đi bộ đội đấy, nhưng sao đỏ chứ không xanh như trên cổ áo mày. Đánh Mỹ đang hăng thì bị thương, phải ra ngoài Bắc dưỡng thương rồi không đi giải phóng được nữa. Giờ được tiêu chuẩn thương tật, cái vết thương dưới thắt lưng này không phạm vào đâu cả, không phá được người tao. Bom đạn giặc giã cả đấy.
       Giọng ông già thật cởi mở. Chỉ tay cho thằng Tĩnh thấy, trên gian giữa có khung treo Quyết định khen thưởng huân chương chống Mỹ, ông cười vui: "Cái cán bộ địa phương bảo tao là người có công đấy. Cựu chiến binh, thương binh hai trên bốn mà. Cán bộ đồn biên phòng quý tao lắm. Cứ có dịp lại ghé qua cho quà, tao vui cái bụng lắm".
       Thằng Xeo Pử hôm nay trông tinh nhanh lên nhiều, dù da mặt còn xanh tái. Tay gắp thịt rừng tiếp thằng Tĩnh, tay rót rượu không để bát vơi, nó chỉ cười góp chuyện với Bố. Chuyện về lần bị nạn giữa rừng, nó chỉ nói, lỡ gặp phải bọn xấu phá rừng, đang chuyển gỗ ra bờ suối thì bị thằng Pử trông thấy. Một thằng giả vờ hỏi thăm đường, khăn quấn ngang trán che gần khuất khuôn mặt. Chưa biết trả lời bọn chúng thế nào thì thằng Pử nghe cú đập chí mạng ngang vai, đổ vật xuống không còn biết trời đất gì nữa. Được các chiến sĩ biên phòng đưa về nhà, còn nằm không đụng cựa, hay biết gì mất đến gần hai ngày nữa mới mở mắt được. Nó khoe: "Ông già nhà Pử giỏi thuốc lắm. Vác dao vào rừng non nửa ngày trời kiếm thuốc lo cho Em, Em mới được thế này đấy."
       - Người Mông chúng tao nằm trên núi thuốc trong rừng, có bị tai nạn, kể cả beo rừng vồ, gấu vật rơi xuống khe cũng không chết ngay mà. Thằng Pử bữa đó gặp được các con bộ đội là gặp vía Giàng đỡ cho đấy.
       Cuối bữa rượu, già A Lừ bước qua gian trái, móc dưới các phiến lá gỗ Pơmu mỏng lợp trên mái, gỡ xuống một chiếc túi vải gai nhuộm đen. Lấy từ túi ra một vòng dây đeo cổ, ông thành kính đặt lên bàn thờ. Thằng Xeo Pử không biết lấy ra từ đâu một con gà trống đen. Tay túm chéo cánh gà, tay rút nhanh từ thắt lưng ra con dao tay lưỡi cong mỏng như lá lúa, siết ngang cổ gà. Một tia máu bắn mạnh vào bát rượu trắng. Nhanh chóng chuyển sang màu hồng, bát rượu được thằng Pử chuyển sang tay già Seo Lừ. Nâng chén rượu ngang trước trán, ông hướng lên bàn thờ. Bàn thờ của người Mông được đặt ở vách hậu gian giữa dùng để thờ cúng quanh năm. Trên đặt ba ống tre để cắm hương: ống giữa thờ ông bà tổ tiên, ống bên phải thờ thần linh trông coi gia đình, ống bên trái thờ thần chăm sóc sức khoẻ mọi người trong nhà. Sau khi khấn vái, già Lừ quay lại phía hai thằng con trai đứng phía sau:
       - Hôm nay, tao khấn ông trời cho hai đứa mày kết làm anh em. Làm anh em để sống chết có nhau, luôn luôn vì nhau. Còn chiếc dây nanh cọp này, tao đeo cho cái bộ đội biên phòng để làm vật thiêng giữ mạng. Xưa, nó cứu tao một lần thời kháng chiến đánh thằng Mỹ - Ngụy đấy.
       Thằng Tĩnh cúi đầu, già Lừ đeo cho nó vòng dây lên cổ. Đó là một vòng dây bện bằng sợi lanh, đen nhánh đính một miếng bạc hình mặt cọp miệng ngậm chiếc nanh vàng ngà đã ngả màu thổ hoàng bóng mịn. Chiếc răng cọp cỡ ngón tay út trông thật oai linh. Thằng Tĩnh miệng cảm ơn, tay đỡ bát rượu tiết gà từ tay thằng Pử, dốc cạn vào miệng phần còn lại. Hai đứa vòng tay ôm vai nhau, tay vỗ vỗ nhẹ phía sau lưng. Thế là chúng, thằng Tĩnh và thằng Pử, từ nay là anh em kết nghĩa. Giữa buổi chiều, bố con già Seo Lừ tiễn thằng Tĩnh tới tận chân núi đầu bản. Hào hởi, vui vẻ, già Lừ oang oang: "Thằng con bộ đội về đơn vị nhé. Thỉnh thoảng ghé qua nhà chơi. Có lễ cúng nào trọng, tao khiến thằng em Pử lên đồn xin cán bộ cho về ăn cơm cúng."
       Đêm đến, trước khi cất chiếc dây vào đáy chiếc ba lô, thằng Tĩnh ngắm kỹ chiếc nanh cọp. Phía mặt sau chiếc nanh, nó thấy có hai nét chữ khắc mờ bằng mũi dao. Chữ "Đ" và chữ "L" đứng cạnh nhau. Định bụng sẽ hỏi ông già Seo Lừ khi có dịp. Giữa chập chờn cơn buồn ngủ sau một ngày cơm rượu và leo núi, nó thiếp đi giữa hình ảnh ông già Seo Lừ cười hiền lành nhìn nó.
       Ấy vậy nhưng, vốn bản tính hời hợt, nó cũng chẳng mặn mà lâu gì với người anh em người Mông của nó. Trong thâm tâm, đôi lúc nó nghĩ về chiếc răng cọp hộ mệnh như một thứ bùa ngải. Bố nó chẳng bảo: "Người dân tộc khó hiểu lắm, coi chừng họ đổ bùa mê thuốc lú cho mà không biết đấy!" Cho đến hơn một năm sau đó, trước khi rời quân ngũ chuyển sang lực lượng kiểm lâm, nó chỉ qua lại gia đình già Sồng Seo Lừ đâu có đôi ba lần, phần lớn do Seo Pử xuống tận đồn mời về. Quan hệ xa hẳn khi thằng Tĩnh chuyển sang hạt kiểm lâm Quỳ Châu, Nghệ An cách nơi đóng quân cũ thời bộ đội biên phòng của nó cả trăm cây số đường núi. Chiếc răng cọp gói trong tấm vải lanh nằm kỹ nơi đáy ba lô, dường như không mấy được thằng Tĩnh quan tâm đến.

*
*       *

(Còn tiếp)

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


…..
(Tiếp theo)
       Sáng sớm hôm sau, giấc ngủ đêm không mộng mị của thằng Tĩnh kết thúc khi tiếng kẻng trực ban vang lên. Tập thể dục, vệ sinh cá nhân xong, cùng tổ ba người gã lên đường tuần biên với trang phục, vũ khí gọn gàng. Trên đỉnh núi cao, sương vắt ngang trắng đục. Hơi thở như những đám khói trắng ngang mặt. Nhận nhiệm vụ và báo cáo trực ban, họ xuất phát.
       Sương đọng thành giọt trên cành lá bên đường, ngọn cỏ dưới chân. Cái cảm giác sương sớm ngái mùi rừng keo dọc đường biên rưng rưng trong mắt. Dưới thung, đâu đó giữa bản người Dao khói bếp như sợi chỉ trắng vắt vẻo giữa màu xanh mờ đất trời sương giăng rụt rè bốc lên cao. Người Mông, người Dao dậy thật là sớm. Họ nắm chút xôi, gói thêm miếng thịt khô muối đặt vào cơi (giỏ mây) buộc ngang dây lưng, tay cầm dao, lưng đeo gùi cứ vậy lên nương. Tổ tuần biên mỗi nhóm ba người, súng khoác vai lầm lũi bước. Dọc đường thi thoảng lại gặp một tốp đồng bào Mông đi làm nương. Thằng Tĩnh đi sau cùng của tổ ba người. Họ đã rời khỏi đồn hơn hai tiếng đồng hồ. Chợt nó nghe đâu đây dưới lòng khe vách đá lởm chởm cạnh đường có tiếng rên nặng nề, nghẹn nước. Nó hỏi với lên phía trước: "Các cậu có nghe tiếng gì không?" Giữa yên lặng cây rừng, mọi người dừng bước căng tai nghe ngóng. "Đó, tiếng rên phía dưới đó". Hùng, tiểu đội trưởng khẽ giọng, tiếng đanh chắc: "Rồi, nghe rồi! Cả nhóm dàn rộng, theo phương án tác chiến đã quy ước, chỉ khi thật cần thiết mới nổ súng. Đồng chí Tĩnh tiếp cận mục tiêu, chúng tôi yểm trợ." Không khí chợt căng lên như dây đàn, cả nhóm nhẹ nhàng từng người theo đội hình chiến đấu lom khom lần xuống. Lòng khe tối om ẩm ướt, nghe rõ tiếng nước óc ách. Càng đến gần mục tiêu, tiếng rên càng rõ dù rất yếu. Chợt thằng Tĩnh khựng lại, cách nó khoảng chừng mươi thước, thân một thanh niên người Mông nằm sấp sóng soài nửa chìm nửa nổi sát mép nước. Một vệt máu thẫm đen loang trên lưng áo màu chàm sẫm. Đầu người thanh niên gối lên hòn đá, mặt nghiêng về phía ba người. Mắt nhắm nghiền, đôi môi tái nhợt. Quanh khe suối không thấy dấu vết va chạm. Kẻ thủ sát đã theo lòng suối lội đi, không để lại dấu chân trên bờ. Trông tư thế người bị thương, có thể đoán anh ta bị chém hoặc đâm từ phía sau, thời gian bị sát hại ước khoảng hơn ba tiếng trước đầu giờ sáng. Thằng Tĩnh bước lại gần, tay vẫn nắm chặt khẩu tiểu liên AK-47 báng gập hướng về phía trước. Người bị nạn còn sống, tuổi mới ngoài đôi mươi, nhưng chắc phải yếu lắm vì mất máu. Đưa mắt về phía đồng đội, gã ra hiệu tiếp tục yểm trợ rồi dùng cánh tay còn lại lật khẽ người bị nạn. Tấm thân mềm oặt trôi khẽ theo lực đẩy, hơi thở có vẻ yếu. Khoác vội súng lên vai, thằng Tĩnh ôm lấy ngang thân người con trai Mông, lấy hết sức bế lên bờ. Đám chiến sĩ sáp lại gần, mắt vẫn theo dõi cảnh giới xung quanh. Đặt khẽ khàng xuống lớp rêu ướt cạnh suối, thằng Tĩnh lấy khăn lau lớp máu bết quanh khóe miệng người bị nạn rồi nhanh chóng dùng dao ngắn xẻ lưng áo sơ cứu. Thấm đẫm một mớ gạc cho vết thương bả vai trái, thấy lộ rõ một vết chém, có lẽ bằng dao. Nhát chém với, không trực diện chỉ đủ  lật một lát phần mềm suốt từ bờ vai xuống lưng, chưa đủ chạm tới xương bả vai. Thân người bị nạn còn ấm, miệng khò khè thở yếu ớt. Băng vội vết thương cho anh ta bằng nguyên cả hai cuộn băng lấy trong túi thuốc cá nhân. Với sự giúp đỡ của đồng đội, thằng Tĩnh vác tấm thân mềm nhũn nặng trịch lên lưng đưa người bị thương lên phía trên. Khe núi tuy hẹp, nhưng không thật sâu và dốc cũng vừa phải. Ba chiến sĩ biên phòng đưa được người thanh niên lên mặt đường. Bằng hai thân cây keo mới trồng cỡ bắp tay, họ lót tấm tăng che võng đem theo, buộc thành chiếc cáng thương. Tiêm một ống thuốc trợ sức và một mũi chống nhiễm trùng cho người bị nạn. Liên lạc với đơn vị cử người bảo vệ hiện trường và bàn giao lại cho an ninh địa phương, họ lên đường. Tiểu đội trưởng Hùng khoác hai cây súng, thằng Tĩnh và cậu Khương đặt chiếc cáng lên vai, cứ cắt rừng xuống thung, tiến về phía có hơn chục nóc nhà của một bản nhỏ người Mông cách đó chừng dăm cây số đường núi. Vừa tới nơi, từ cuối bản đã thấy có người ra đón. Các chiến sĩ được dẫn đến một ngôi nhà trệt tường trình cột gỗ rộng rãi. Từ gian giữa, một ông già người Mông dáng người đậm đạp bước ra. Không nói nhiều, ông bình tĩnh chỉ cho các chiến sĩ nơi đặt người bị thương xuống. Mời các chiến sĩ trở lại ngồi bên bếp lửa gian giữa, ông chậm rãi rót nước mời mọi người. Tiểu đội trưởng Hùng chỉ thằng Tĩnh :"Già Lừ à, đồng chí này tìm được thằng em bị thương dưới suối đó".
       - Ồ thằng cháu tốt quá! Tục người Mông ta, ai cứu người trong nhà, người đó là anh em rồi đó. Tao biết ơn cái bộ đội mà. Mai mốt tao tìm tới nơi mấy cán bộ, xin cho mày làm con cái người Mông.
       Nhìn ông già trạc tuổi bố mình, thằng Tĩnh thưa khẽ:
       - Nhiệm vụ của bộ đội biên phòng thôi, già à. Thấy thằng em vậy, ai chẳng muốn giúp đỡ. Các đồng chí của cháu đây giúp nhiều, chứ mình cháu sao đưa được thằng em về đây.
       Ông già cười hiền, cái cười trên khuôn mặt như không có tuổi. Góc trái trên trán một vết sẹo mờ kéo dài trượt xuống sát đuôi con mắt tinh anh. Giọng nói dù còn vương chút thổ ngữ, nhưng người già này nói tiếng Kinh rất sõi. Thoáng như nhớ ra điều gì, ông nói như dao chặt cột:
       - Hôm nay chúng mày đang đi tuần biên. Tao không giữ ở lại uống rượu được. Hôm khác ta lên đồn xin phép cán bộ, mấy đứa mày phải về bản uống rượu với già này đấy. Thằng Sồng Xeo Pử nhà tao trông mệt thế nhưng nó vốn khỏe lắm đấy. Chỉ ít bữa nữa là nó ngồi dậy thôi. Người Mông chúng tao, về được đến nhà là sống rồi. Trên rừng không thiếu lá thuốc, trong nhà không thiếu cách cứu người. Cám ơn cái bộ đội lắm. Tao không giữ chân chúng mày lâu được. Đi làm cái việc cán bộ nó giao cho đi. Thế nào cũng có bữa mấy đứa phải về nhà tao uống rượu đấy.
       Tiễn mấy anh em tới ngoài cửa, ông già còn dúi tay thằng Tĩnh gói lá to, thơm mùi xôi mới. Chẳng mở ra, nó cũng biết ngoài xôi ra, bên trong thể nào cũng có miếng thịt  nướng cỡ bàn tay. Tục người Mông vậy mà.
       Khi trở về đến đơn vị, các chiến sĩ được biết, đồn biên phòng đã phối hợp với an ninh địa phương vào cuộc điều tra. Bước đầu cho thấy đây là vụ sát hại có yếu tố hình sự, liên quan đến hoạt động buôn bán đường biên. Địa điểm vụ việc xảy ra cách đó gần năm cây số, cách đường biên ba ki lô mét. Sau khi bị sát hại, nạn nhân đã bị đưa xuống khe Vẻn, trước lúc đội tuần biên đi đến thời gian khoảng gần một tiếng đồng hồ. Nếu không có hành động sơ cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong do mất máu. Kẻ xấu vận động dưới con suối dẫn đến lòng khe nên không để lại dấu vết gì đáng kể. Vụ việc được xếp lại, coi như tai nạn dân sự. Nhóm chiến sĩ tuần biên được đơn vị báo cáo cấp trên đề nghị tuyên dương, khen thưởng.
       Sau đó dễ gần nửa tháng, người già dưới bản tìm đến đơn vị cảm ơn mang theo cặp gà đen và vò rượu nương rõ lớn. Ông muốn mời nhóm chiến sĩ tuần biên hôm trước xuống bản uống rượu mừng con trai lành bệnh. Đơn vị biên phòng chấp thuận song nói trước sẽ chỉ cử được một chiến sĩ xuống thăm gia đình. Nhóm bạn cử Tĩnh xuống bản, thay mặt anh em. Hai chiến sĩ cùng đi đột xuất có chuyến công tác về tiểu đoàn, không thể theo xuống bản được.
(Còn nữa)
*
*        *

Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

CÂU CHUYỆN CỦA KẺ MANG NỖI NHỤC TRUYỀN ĐỜI (TRÍCH ĐĂNG) (TIẾP THEO)


(Tiếp theo kỳ trước)
.....
Dẹo dọ lần theo những bậc thang xuống tầng dưới, thằng Tĩnh thấy mẹ nó ủ rũ ngồi góc bàn ăn. Chưa cần thằng con mở mồm, mụ Đán đã lui cui hấp nóng nồi cơm, bát canh chua cho nó. Thằng Tĩnh vục mặt xuống bát cơm, ăn lấy ăn để. Ngót nửa tháng trời vạ vật, đây là bữa cơm ngon nhất đời của nó. Song cái ngon không át nổi cái đói. Cơm trong miệng chưa kịp lùa xuống họng, nó đã gạt vội tay đũa nhồi miếng khác. Mụ Đán nhìn thằng con ăn như lợn húc máng, ruột thắt lại. Khổ cái thân nó. Không biết những ngày vừa qua nó ăn uống thế nào mà nom cái lối ăn đến là thảm. Miệng khuyên con: "Ăn từ từ thôi con, kẻo nghẹn!", tay chỉ chực đón chiếc bát sắp vơi cạn lòng để sới bát khác cho nó. Không khí căn phòng ăn như bị đảo lên lộn xuống giữa những tiếng hít hà, chóp chép của thằng Tĩnh. Chỉ mãi đến khi bát cơm thứ tư vơi đến già nửa, nó mới ăn chậm lại. Trông đôi con mắt của thằng con dại đi vì nỗi sợ hãi và quá bữa, mụ Đán cũng thấy ruột xót quắn lại, dù không ăn miếng cơm nào bữa chiều, vì cố chờ bố con nhà nó. Song mụ lại không thấy muốn ăn uống gì sất cả. Không khí trong nhà từ lúc nó về đã chẳng ra sao rồi, còn thiết ăn uống gì nữa.  Bất chợt, buông bát cơm chỉ còn dính chút ít dưới đáy, thằng Tĩnh gục xuống bàn mếu máo: "Con sợ lắm u ơi, phen này khéo thày con đánh con chết mất". Nghe thế, mặt mụ Đán chợt xám đi, mắt trợn ngước nhìn lên tầng trên lo lắng. Ừ nhỉ! khéo mà bố nó phen này thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với thằng bé mất thôi. Tuy không biết chuyện của con là chuyện gì mà đổ giời đổ đất thế, từ đáy sâu trong lòng mụ như vẳng lên ý nghĩ: "Ra chúng nó biết cả, những lần lão già chết tiệt hành xác mình."
       Nhìn mẹ ngồi ủ rũ, thằng Tĩnh chợt thấy lại trước mắt mình quãng thời gian đã qua như cuốn phim chạy ngược. Nó những muốn trải lòng với mẹ mà cổ cứ nghẹn lại như đá chèn.
       Vào quân ngũ được gần hai năm, thằng Tĩnh đã ngấm đủ sự vất vả của người lính biên phòng. Nơi đóng quân của đơn vị nó là một đồn biên phòng cách cầu treo Hà Tĩnh hai ngày đường. Không biết còn nơi nào thâm sơn cùng cốc hơn không, chứ vị trí đồn giáp biên này vừa cheo leo lại vừa khắc nghiệt. Rét thì cắt da cắt thịt, mùa nóng như nung người. Thời tiết bốn mùa giễu qua đỉnh núi này đủ mọi thời khắc trong ngày. Đêm buốt lạnh trong tiếng gió rít hú, sớm ra sương trắng phủ kín rừng, giơ bàn tay ra như cả vạn mũi kim găm xuống. Đến gần trưa, cái nắng chợt bùng chói đốt nóng muốn cháy thịt vỡ da, mùa gió Lào còn rát bỏng hơn cánh thợ rèn đứng bễ. Chiều xuống, mặt trời còn đỏ lựng hoàng hôn mà hơi núi lạnh lẽo đã bốc lên. Đám lính biên phòng cấm có anh chàng nào dám tắm suối vào giờ đó. Muốn tắm thì cứ giữa trưa mà tắm. Chập tối, ánh đèn vàng đục từ trong nhà hắt ra sân đồn không đủ đẩy đuổi bóng tối vây quanh. Hơn mười giờ đêm trực ban gõ kẻng báo tắt máy nổ, có công việc họp hành đột xuất gì thì cứ việc đốt mấy chiếc đèn bão lên. Bữa nào giao lưu quân dân, sân đồn sáng hẳn lên khi đống củi chất giữa vòng người bắt lửa. Song những dịp như vậy chỉ vài ba tháng mới có một lần. Trai gái dưới bản lên vui với lính biên phòng một phần vì chiếc ti vi LG 50 "inh" lúc nào cũng có thể bắt đủ hai bốn tiếng trên hai bốn. Theo chuyến lên thăm đơn vị của Tư lệnh bộ đội biên phòng hồi Tết, chiếc ti vi đã được "cõng" lên tận nơi này với đủ máy nổ, chảo thu và loa đài. Sinh hoạt văn hóa của đơn vị nhờ vậy mà bớt cách bức, buồn tẻ. Hết giờ chạy máy nổ, chiếc ti vi lại chạy bằng bình điện ăc qui kèm theo. Vì thế, cánh lính biên phòng có cớ ngồi lâu được với đám con gái dưới bản. Ngoài số ít người Kinh từ dưới xuôi lên làm ăn, các bản người Mông, người Dao cư trú quanh đồn khá nhiều. Nói là sống gần đồn, chứ bản người Mông gần nhất cũng cách đồn cả nửa ngày đường, còn người Dao thì ở xa hơn. Người Mông sống trên các đỉnh núi cao và hiểm trở. Còn người Dao, sống nơi lưng chừng núi, gần những thung lũng đá rơi và ngoằn ngèo ruộng bậc thang lớp lớp. Những con suối róc rách chảy quanh năm. Đang hiền lành, nghịch ngợm như đứa trẻ vậy mà lũ về là con suối như muốn lồng lên, bất kham. Rất nhanh chóng, dòng nước hung hãn gầm rú, đục ngầu cuốn phăng mọi thứ trên đường đi. Thằng Tĩnh và đồng đội hết lượt này tới lượt khác đã từng có bữa đi tuần biên kẹt lũ mãi mới về được đồn. Dù đã chuẩn bị đủ lương khô mì gói, nếu không có bà con dân bản, chắc cả đám cũng khốn đốn vì đói giữa rừng.
       Thi thoảng, bữa không đến phiên tuần biên thằng Tĩnh lại hào hởi theo chân đồng đội đi chợ vùng biên. Chợ họp tháng một buổi. Gọi là buổi nhưng cũng diễn ra từ sáng rõ mặt người đến giữa chiều. Bọn thằng Tĩnh phải vượt qua một con đường vắt qua hai sườn núi khá hiểm trở. Khu chợ nằm cách đường biên khoảng 6 - 7 cây số, dưới chân một ngọn núi có bãi cỏ cháy xém gió Lào và lúp súp đám cây gai, cỏ dại khô trốc. Tiếng lao xao, í ới buổi chợ phiên vui ắp dù không thật đông người. Giờ này, mặt trời mới lên được một hai tiếng và sương thì vẫn chưa tan hết. Cái lạnh buốt cuối đông nơi vùng biên tưởng đã quen qua mấy mùa quân ngũ vẫn làm thằng Tĩnh co người lại. Trong mấy lớp áo quần, trông nó và đồng đội như mấy cục vải màu xám. Toàn thân bó trong bộ quân trang mùa đông,  đầu đội mũ bông có tai. Trong tấm áo bông, quần túm ống, chân đi đôi giày đi rừng cao cổ, trông họ nổi bật lên giữa bà con các dân tộc xuống chợ. Đàn ông áo cánh xanh hoặc đen, quần ống rộng, mũ đen. Đàn bà váy xếp nếp, áo thêu sặc sỡ thổ cẩm khăn màu trùm đầu rực  rỡ. Tiếng khèn trầm đục, tiếng kèn lá, sáo Mông réo rắt như tiếng gió, tiếng suối lẩn quất đâu đây giữa tiếng nói cười rộn rã. Chợ người Mông, Dao vui lắm, màu sắc vải vóc, chỉ thêu rờn mắt. Mùi mồ hôi người, mồ hôi ngựa, trâu bò lợn gà cứ vón lại giữa đám người và hàng hóa.
       Từng được tiếp xúc, giao lưu với bà con dưới bản, thằng Tĩnh đến bây giờ vẫn cứ ngỡ ngàng trước váy áo con gái Mông. Từ nước lá chàm, phụ nữ Mông nhuộm vải sợi gai, sợi lanh thành các màu xanh lam, xanh lơ, xanh dương và tím than. Người Mông đen váy áo có màu xanh đen. Người Mông hoa dùng sáp ong vẽ hoa văn lên vải, nhuộm xong để lại đường nét màu trắng trên sắc xanh. Có lần, nhìn phụ nữ Mông hoa vẽ hoa văn lên vải, thằng Tĩnh cứ ngẩn ngơ ngắm mãi cái cách dùng bút chấm sáp ong nóng họ dùng để vẽ lên vải trắng các loại họa tiết hình vuông, dích dắc hoặc các đường nét kỷ hà lặp đi lặp lại rồi đem vải đi nhuộm. Nhuộm xong là cán phẳng mặt vải cho phẳng mịn, sợi ngang sợi dọc dàn đều. Với một cây gỗ tròn, người ta tìm một phiến đá phẳng mặt ven suối, lăn cây gỗ qua lại như thợ xẻ dưới xuôi xẻ gỗ. Mặt vải nhờ đó mà bóng láng, lên nước bắt ánh sáng như mặt gương. Để trang phục thêm bắt mắt, người đàn bà Mông còn đính thêm đồ bạc, kim tuyến, hạt cườm…lên áo quần tạo nên những mảng màu sắc sặc sỡ, uyển chuyển. Các hoa văn đủ dạng hình, vuông có, hình chữ nhật hình trám có bao bọc các ngôi sao năm cánh, sáu cánh, tám cánh. Rồi hoa bí, hoa tỏi, hoa cà, hoa mận, hoa đào, hoa sen, mạng nhện, cánh bướm, vảy cá, lá ngải cứu, cành tùng, búp tre, lưỡi câu, núi sông, đuôi rồng, con ốc, con rắn, sừng dê...màu đỏ tươi sáng, khiến các cô gái Mông đi giữa đám đông nổi trội hẳn lên. Phụ nữ Mông Trắng  áo váy trắng, cổ áo, nẹp áo, ống tay cổ tay ngang váy và gấu váy đính các hoa văn, sọc màu lam hoặc kim sa. Phụ nữ người Mông Đen mặc áo đen, cánh tay thêu họa tiết nổi trên nền đen. Phụ nữ Mông Hoa mặc áo xanh lam, xanh dương hoặc lơ. Quanh vai, ngực, ống tay và thân váy thêm các họa tiết trắng với các hình thêu đỏ, hồng, tím vàng…Phụ nữ Mông Đỏ mặc trang phục màu đỏ rực kết từ các miếng thêu đỏ, hồng và vàng rực rỡ xếp liền nhau. Xung quanh vùng ngực, bụng, ống tay đính thêm các tua hạt cườm, gấu váy ghim diềm đăng ten trắng. Đa số phụ nữ người Mông ở nhà để đầu trần tóc dài hoặc búi quấn lên đầu khiến dáng người họ cao thêm. Khi tới chợ họ quàng hoặc đội khăn lên đầu. Người Mông Trắng quấn khăn trên đầu cao như cái mũ, phía dưới vành đính hạt cườm sặc sỡ. Người Mông Đen quấn khăn vuông rộng to bản màu tím than. Phụ nữ Mông Đỏ lại vấn khăn hẹp trên đầu như cái đĩa. Người Mông Hoa choàng khăn, buộc túm phía sau gáy.  Dõi theo mỗi bước chân đong đưa nếp váy của họ, ánh mắt của các chàng trai người Mông cứ hút theo say đắm. Thanh niên người Mông vận những chiếc áo đen ngắn vạt, ống tay rộng, cổ áo thêu. Ve áo song song đính năm hàng khuy vải vắt ngang thân, tay cầm khèn, hoặc khoác chéo vai. Đàn ông, trai tráng người Mông Đen tay áo một màu tím than. Người Mông Hoa ống tay áo chia thành nhiều lớp như đen nối xanh, đen nối vàng, đỏ liền kề hoặc cách quãng. Người Mông Đỏ áo có thêm viền cổ và thêu ở nẹp áo. Họ đội những chiếc mũ quả dưa tám miếng màu đen hoặc thêu, quanh mũ đính các vòng họa tiết, đỉnh gắn cắc bạc. Có tộc người Mông quanh năm đội mũ lưỡi trai ngắn sát đầu hoặc mũ bốn vành thả xuống khi trời lạnh và gập gọn lên trên đầu vào mùa nóng.
       La cà chơi chợ người Mông trở thành thú vui những ngày nghỉ ít ỏi hiếm hoi của bộ đội biên phòng miền Tây. Thung lũng phía xa xanh ngắt một màu xanh nương lúa nương ngô. Theo vận động của cán bộ và bộ đội biên phòng, người Mông nay đã trồng mận tam hoa và đào không hạt phủ kín nương đồi thay cho cây thuốc phiện xấu xa. Chợ phiên là nơi gặp gỡ, vui chơi của các tộc người Mông, Dao vùng biên. Đi chợ vui như đi hội. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê trong lòng cánh chiến sĩ biên phòng như dịu lại. Rủ nhau sà vào quán chợ, mấy anh em ăn uống vui vẻ với bà con dân bản. Hương rượu ngô chuyền quanh quyện dính cổ họng, những nắm xôi thơm nồng hương nếp nương. "Cái bộ đội hôm nay vui với chúng tao thật say mới về đấy! Không say không được đâu!".
       Ngất ngây vậy, nhưng đám lính biên phòng thừa sức ra về khi buổi chợ vắng dần người qua lại. Cậu y sĩ của đồn, quê vốn vùng rượu Làng Vân nổi tiếng Bắc Hà, từ lâu đã "gà" được cho họ cách uống rượu chống say với người Mông. Một trong mấy chiếc bi đông nước bên người là…một ít dầu ăn. Trước lúc vào chợ, họ đã tranh thủ tợp mỗi người một tớp. Rượu trôi xuống đến dạ dày cứ là "lênh phênh" không tới đáy, bám không dính nổi vách ruột, say sao được?! Cái mánh ấy trở thành "bửu bối" của đám lính trẻ khi đi chơi chợ phiên vùng cao. Cứ là "cười tươi" đến hết buổi chợ.
       Đường về đồn xa thế mà đi mãi cũng về đến nơi. Điểm danh tối xong, thằng Tĩnh không ngồi xem phim truyền hình. Nó tranh thủ viết thư cho bạn gái ở quê, kể về buổi chợ vùng biên đầy ắp sống áo đủ màu và tràn trề những rượu là rượu.
........
(Còn tiếp)

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

HƯƠNG HỒN EM TÔI BÊN DÒNG SÔNG THẠCH HÃN


Gần đến ngày kỷ niệm 40 năm chiến công 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, linh hồn Em tôi nhập vào một cô gái trẻ và thông tin cho gia đình tôi biết về nơi hy sinh. Em tôi nhắn rằng "hãy tới bờ Bắc sông Thạch Hãn, khắc sẽ thấy, sẽ biết".
          Gia đình tôi gồm 8 người cả anh chị em, dâu rể, các cháu…lên đường vào Quảng trị. Xuất phát từ 9 giờ sáng ngày 25/07, chúng tôi đặt chân lên thị xã Quảng Trị vào trưa ngày 26. Chiều hôm đó, cả nhà vào thắp hương tại các nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9 và đền thờ bờ Bắc sông Thạch Hãn. Ngôi đền mới hoàn thành, gồm nơi làm lễ dâng hương, bến thả hoa tưởng niệm liệt sĩ với cụm hành lễ trang trọng bên bờ sông gắn bia đá ghi bốn câu thơ nổi tiếng:
Đò lên Thạch Hãn ơi….chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm
          Ngày 27/7, cả nhà lên đền thờ bờ Bắc thắp hương, đặt lễ chờ đợi. Nhìn dòng sông dập dờn sóng nước, chúng tôi rơi lệ nghĩ đến thân xác tuổi 18 của em trai mình nằm đó, cùng đồng đội lạnh lẽo bốn chục năm qua mà âm dương cách biệt.
          Cho mãi đến hơn 14 h 30, tôi gặp được một thương binh, cựu chiến binh từng chiến đấu ở nơi này. Anh nói: "Ảnh Em trai anh ngoài kia đẹp quá. Hồi đó, tôi là lính thông tin. Đơn vị tôi phải bảo đảm thông tin hữu tuyến qua dòng sông này. Tôi ở phía ngoài kia, nhưng đồng đội tôi trực kỹ thuật trên song này đã hy sinh như em trai anh vậy". Chuyện trò đôi hồi rồi anh đi ra. Đột nhiên, như có ai đó mách bảo, tôi đeo máy ảnh tiến đến phía hành lang phía nam nhìn xuống bến thả hoa. Bất chợt, tôi thấy một nhóm cựu chiến binh đang căng một tấm bạt màu đỏ, in chữ vàng. Biết họ đang chuẩn bị hành lễ, tôi nhào xuống, chụp ngay cảnh này. Trong ống kính, lộ rõ tấm bạt ghi dòng chữ: "Đoàn cựu chiến binh trung đoàn 101, sư 325, quân đoàn 2 Hải Phòng".
          Thấy tôi chụp ảnh, một đồng chí Trung tá tiến tới bắt tay và hỏi:"Đồng chí công tác ở cơ quan nào vậy?!". Tôi chỉ tay xuống dòng sông và đáp ngay:
          - Tôi có chú em hy sinh dưới dòng sông Thạch Hãn này, tôi cùng gia đình tới đây thắp hương cho Em tôi.
          - Thế liệt sĩ ở đơn vị nào vậy.
          - Em tôi cũng ở sư 325, trung đoàn 101 này. Quê Hải Dương.
          - Thế là đồng đội của chúng tôi đấy. Bọn tôi ở Hải Phòng. Trung đoàn chúng tôi có rất nhiều người quê Hải Hưng. Anh gặp đúng đồng đội của liệt sĩ rồi đó.
          Tôi vội gọi toàn thể anh chị em và các cháu trong gia đình lại, xin với đơn vị cho gia đình cùng dự lễ thắp hương tưởng niệm.
          Dưới chân tấm bia tưởng niệm, khói hương nghi ngút. Một hình nhân đồ mã mang quân phục, đầu đội mũ mềm gắn sao, vai đeo súng nằm sấp trên một bệ xốp màu xanh nước biển. Một bè hoa kết thành lá cờ đỏ sao vàng, hơn một chục đài hoa sen giấy hồng xếp thành hình trái tim xung quanh. Các cựu chiến binh, đồng đội của em tôi và con cháu họ xếp thành hai hàng chạy dài xuống bến nước. Vị trung tá đọc văn bản tưởng niệm. Hai hàng cựu chiến binh ngực lấp lánh huân huy chương nghiêm trang giơ tay ngang mũ chào. Lần lượt, từng cặp vợ chồng các đồng đội của em tôi lên dâng hương, gia đình tôi cũng theo chân họ thắp hương, cúi đầu trong nước mắt. Dâng hương xong, hai hàng quân nâng hình nhân và bè hoa hình cờ lên vai như nâng cữu đi theo lá cờ Mặt trận GPMNVN xuống thuyền. Một thuyền gồm các quân nhân đi theo làm đội quân danh dự. Một thuyền gồm các gia đình, người thân, trong đó có gia đình tôi đi theo chiếc thuyền cờ, hoa. Thuyền lễ đi ra giữa dòng sông, từ từ thả bè cờ hoa và hình nhân xuống sông. Trên các thuyền, các cựu chiến binh đưa tay lên mũ chào tiễn biệt, thân nhân các gia đình chắp tay vái biệt, thả hoa xuống dòng nước. Trời Thạch Hãn nặng màu xám, dòng sông vỗ nhẹ sóng đón nhận và đưa hoa, đưa người chiến sĩ trôi đi. Trên thuyền, tôi đứng trên tấm ván bắc ngang hai tay hai máy, một máy nhà một máy của đoàn cựu chiến binh bấm máy liên tục ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng đó. Mấy chiếc thuyền còn quyến luyến mãi bồng bền trên sông không muốn rời xa. Thuyền quay mũi vào bờ, mọi người trên ba chiếc thuyền máy giơ tay vẫy chào tiễn biệt linh hồn các liệt sĩ. Khi yên vị trên bến hoa, lại một lần nữa, các chai rượu thờ và hoa lại được rắc xuống sông. Hình ảnh xúc động đó, rồi đây mãi mãi sẽ đi theo gia đình tôi.
          Chúng tôi chắc chắn rằng, vong nhập về đã báo đúng. Gia đình tôi đã gặp được linh hồn người thân. Giờ đây trong cõi lòng chúng tôi, lòng sông Thạch Hãn là nấm mộ lớn bao chứa thân xác Em tôi và đồng đội của chú ấy.
          Đêm đó, tại bờ Nam sông Thạch Hãn sau khi chứng kiến buổi truyền hình trực tiếp "Quảng Trị sáng mãi niềm tin chiến thắng. Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ và 40 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị và thị xã Quảng Trị" của Đài truyền hình Việt nam. Tôi đã trả lời phóng viên Đài truyền hình Việt nam như sau:
          - Tôi thấy đây là một chương trình được dàn dựng công phu và hết sức xúc động. Gia đình tôi và nhiều gia đình, hàng ngàn gia đình có con em hy sinh tại dòng sông Thạch Hãn này không chỉ thấy tiếc thương mà còn tự hào vì con em mình đã anh dũng chiến đấu và hy sinh xương máu góp công vào chiến tích 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
          Chương trình VTV kết nối đã phát phóng sự này trên VTV1 vào hồi 23h00 ngày 31/07/2012 và 8h 00 ngày 01/08/2012; trên VTV3 vào hồi 9h00 cùng ngày. Tôi xin chọn một số hình ảnh cảm động bên bờ sông Thạch Hãn ngày 27/07/2012 đưa lên trang để bạn đọc cùng xem và chia sẻ với gia đình chúng tôi.






























01/08/2012