NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

HOÀI NIỆM TRƯỜNG XƯA.

          Tuổi già, tuổi của những nỗi u hoài, khi nhớ về thời thơ ấu giỏi lắm cũng chỉ nhớ được những dấu vết ngô nghê. Mà cũng không phải ở bất kỳ giai đoạn nào… Thời vô thức ấu trĩ ấy, nếu có nhớ được cũng chỉ có thể nhớ về những bước chân đầu tiên theo chúng bạn tới trường. Cấp Một chỉ là thời của những phát hiện mới mẻ ngoài gia đình. Cấp Hai chính là cấp để lại nhiều dấu ấn nhất vì biết thế nào là tình bạn. Cấp Ba là cấp ngấp nghé sự trưởng thành, bắt đầu e ấp những nhớ nhung trai gái…Cho nên, nếu nói về thời học phổ thông, những suy nghĩ, xét đoán được gợi ra một cách mạch lạc chính là những năm cấp Hai. Những vết khắc đầu đời về chúng bạn, về sự khai tâm phải nằm ở giai đoạn này. Lại cũng nói thêm rằng, giai đoạn ấy chúng tôi đang được sống hoàn toàn trong khung cảnh thanh bình, những năm 1954 - 1964.

          Năm nay, ngôi trường cấp Hai tôi học năm xưa - Trường cấp II Trần Phú, Thị xã Hải Dương- nay là Trường THCS Trần Phú, Thành phố Hải Dương tổ chức kỷ niệm 58 năm thành lập, 55 năm nhà trường mang tên Trần Phú. Cái mốc để tính năm lấy tên trường khi mang tên Trần Phú để làm lễ kỷ niệm, ngoài ý nghĩa chuyển tên trường còn mang một sự hối thúc thời gian. Đã có Thầy Cô giáo, Anh chị học trò không còn nữa. Nhiều Thầy cô giáo, nhiều học sinh lứa đầu tiên đã bước sang tuổi "xưa nay hiếm" thậm chí là "rất hiếm". Nhiều Thầy cô tuổi ngấp nghé 90, đa phần suýt soát 80; nhiều học trò cũ cũng tuổi ngoài 70 cả… Tầm trung trung cũng sắp vào tuổi "xưa nay hiếm", tuổi thất thập. Bởi vậy, từ trong tâm can cuộc gặp gỡ mong đợi ấy mang màu sắc hoài niệm, thậm chí sẽ là sự hiếm hoi cơ hội gặp lại nếu đôi ba năm nữa trôi qua. Chẳng thế, khi tiến hành nghi lễ, nhiều thầy cô chỉ thấy được mờ mờ màu sắc lễ hội, mang máng khuôn mặt đồng nghiệp, học trò. Có đôi ba người vừa thoát hiểm trong gang tấc sau một cơn tai biến, còn chưa lại hồn người. Nói vậy để thấy, sự gặp gỡ đó thiêng liêng đến nhường nào. Trong cuốn sách được in nhân dịp lễ hội trọng đại này có nhan đề thật khó mà quên được "Ơn thầy, Nghĩa bạn, tình Trường không phai" - mượn từ nhan đề một bài viết của một cựu học sinh - có gần 60 bài viết được giới thiệu. Tôi có được vinh dự góp mặt một bài viết. Với tên đề "Trường xưa - hoài niệm còn đó". Xin được trích đăng một phần như sau:
…" Đám trẻ con chúng tôi thời đó - Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, chắc trông phải "lơ ngơ" lắm nếu không nói quá lên rằng rất ..."thộn" so với trẻ con ngày nay. Ngắm lại những bức ảnh gia đình còn giữ được đến giờ, bữa được chụp chung ảnh với Bác cả nhà tôi nhân buổi chia tay bác lên Hà Nội tập trung vào đội bóng "Thanh niên Hà Nội" khi đó (cỡ khoảng tháng 6 - 8/1960) - Tức là chỉ nửa năm trước khi lên học trường cấp II, con trẻ thị xã như tôi mà đứng trong đội hình vẫn quần cộc, đi đất thì biết. Ngày đó, với chúng tôi đi ra khỏi nhà mà dám ra những chỗ như thế này là bạo lắm, bố mẹ biết là có thể "ăn roi" như bỡn. Ấy là ra tới "cổng Trông" gần bến xe khách Thị xã, nay là Khu Triển lãm, trước cửa Máy Sứ; ra đến vườn hoa "Con Cóc", nơi có bốn hay sáu con cóc ngồi quanh bồn nước phun chụm vào một tiểu cảnh- kiểu như vườn hoa nằm đối diện với Nhà khách Chính phủ (trước là Bắc Bộ phủ), một bên là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một bên là Khách sạn Metroponle- Hà Nội ngày nay; hoặc qua chiếc cầu gỗ sang chơi gốc cây Si già trên đảo đất giữa Hồ Bơi - nơi đang là khu đảo giao thông giữa trục đường Tam Giang - Bạch Đằng - Trần Hưng Đạo - Đường Thanh niên ngày nay. Lứa chúng tôi vẫn còn nhớ hình ảnh chiếc Cầu Cất mở lên mỗi lúc có tàu thuyền đi qua....Những bữa trốn mẹ đi tắm sông (chỗ đền Bờ sông- trông chéo sang bến đò Gốc Mít) trước cửa Ngân hàng nhà nước bây giờ. Những chuyến đi đầu trần chân đất ngất ngơ lên tận chân dốc cầu Phú Lương nhặt quả "tanh tách", thứ quả hai đầu nhọn hoắt có màu nâu nhấm tí nước bọt rồi lén bỏ vào sau cổ bọn con gái ...dọa. Hoặc nhặt "quả ké" một loại quả dại có nhiều gai, bỏ lên tóc nhau vò chơi. Mấy trò trẻ con ngày ấy chỉ quanh quanh vậy thôi cũng đủ để vui đùa hết ngày này qua tháng khác.
Trước đó, chúng tôi là học trò của trường nữ tiểu học. Cái tên bắt nguồn từ thuở thuộc địa- Trường con gái. Đang học tiểu học bên trường nam tiểu học, hết lớp hai bọn con trai mấy khu phố 1, 2, 3 được chuyển qua bên "trường con gái", đám con gái nhà ở khu 4, 5, 6 chuyển qua trường nam tiểu học. Phần vì để hợp lý chuyện học hành của trẻ con trên địa bàn thị xã, phần cũng để xóa bỏ sự phân biệt trai gái cho "nam nữ bình quyền"- ấy là sau này trưởng thành mới nghĩ được vậy, chứ hồi đó bọn tôi bước vào cổng trường cấp hai chỉ thấy ...trường có vẻ như bé hơn, với hai dãy nhà mái lá gồi, tường vách vôi rơm quanh trường bao bởi hàng rào "cây găng" chứ không được nhà gạch to tảng như hai trường nam, trường nữ. Dẫu gì thì lên lớp lớn hơn, cách học cách nghĩ, cách chơi cũng khác. Đầu tiên là biết "con trai, con gái" là hai thứ người khác, đứa nào ngồi cạnh con gái là bị bạn trai chế giễu. Còn bạn gái cùng bàn thì ...trộm phấn trên bàn cô cương quyết vạch ranh giới lên bàn. Nhích tay sang, nhẹ thì ngấm nguýt, nặng thì bị "chí" bởi ngọn bút chì, ngòi bút mực. Thậm chí, nếu căng thẳng không giải quyết được thì...thưa cô.
Vậy nhưng ở cái tuổi ấy, trong ngôi trường ấy, có những thứ cho đến tận bây giờ khi đầu hai thứ tóc vẫn thấy mình may mắn được đắm mình thật sự vào tuổi học trò. Chúng tôi từng được cô Bùi Thị Nha đưa lên Hà Nội học múa rối, dù chỉ là rối tay trên tận "Đoàn múa rối nhân dân Trung ương". Đám lít nhít bọn tôi được chọn cùng các anh chị lớp trên - anh Thắng, chị Vĩnh (con Bác Hào- Trưởng ty giáo dục), anh Thanh, anh Du...được các diễn viên của đoàn dạy cho nào là làm con rối, học diễn xuất...và rồi đem được cả một vở rối "Con thỏ ngọc" với tiết mục đồng ca "Trống cơm" mở màn đem về. Cái đoàn rối be bé ấy làm cả trường tự hào, khuấy lên không khí ồn ã cho hội diễn thiếu nhi học sinh thị xã năm ấy. Một mùa nghỉ hè, thày Hoàng Văn Nguyện còn đưa bọn tôi lên tận Côn Sơn cắm trại. Cùng đi có các anh Sái Văn Đồng (sau này nguyên là Giám đốc Sở Thể thao Hưng Yên, anh đã mất năm 1999), anh Tô Đức Chiêu (giờ là nhà văn quân đội, từng là khuôn mặt nổi tiếng của nhà số 4 Lý Nam Đế Hà Nội, trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội) khi đó là phụ trách thiếu nhi. Cái cảm giác nằm dài trên thảm cỏ dưới rừng thông bạt ngàn nức mùi nhựa thơm vẫn còn mãi đến tận bây giờ, mỗi khi có dịp trở lại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ngày đó, những tảng đá mịn nhẵn to tảng trên đỉnh Bàn Cờ vẫn còn. Đêm xuống, bọn tôi đốt lửa trại, anh Chiêu dạy bọn tôi bài hát lửa trại giữa núi rừng nhập nhòa ánh lửa...
Cũng chỉ trong mấy năm cấp hai, bọn tôi được học vẽ, học nhạc ngoại khóa do thày Nguyễn Đức Ái dạy; được thày Nguyễn Văn Dần chăm chút cho cách vẽ bản đồ, làm sa bàn; đám các bạn gái được cô Bùi Thị Nha dạy may vá, thêu thùa....
Lứa chúng tôi, những đứa trẻ chỉ mười một mười hai khi còn tuổi thiếu nhi là lực lượng của phong trào "Thiếu nhi làm kế hoạch nhỏ", khi trưởng thành là lứa đầu của phong trào "Ba sẵn sàng", nhiều anh chị em tham gia "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" trên cương vị người lính, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, công nhân quốc phòng...Chẳng phải đó là lứa người tuổi trẻ bước thẳng vào những va đập khói lửa chiến tranh thời kháng chiến chống Mỹ đó sao?! Nay trong chúng tôi, có nhiều thày giáo, học trò là liệt sĩ, thương bệnh binh. Tuổi trẻ thời đó là vậy….
Tháng 4/2010, nhân dịp kỷ niệm 50 năm cùng học, được sự động viên khuyến khích và góp ý công tác tổ chức của NGUT Hoàng Văn Nguyện, khóa học sinh Trần Phú (niên khóa 1961- 1964) bọn tôi đã tổ chức một cuộc họp mặt rất lớn. Chúng tôi đã mời các thày cô giáo cũ về cùng dự. Cuộc gặp gỡ ngập tràn xúc động và thật hiếm có. Các thày cô giáo: Thày Hoàng Văn Nguyện, thày cô Nguyễn Tự Phú - Bùi Thị Nha, thày cô Nguyễn Thị Hồng Vân - Nguyễn Đình Hòe, thày Nguyễn Thái Riễm, thày cô Bùi Văn Hân – Vương Minh Huấn, thày Trần Quang Mẫn...về cùng dự. Có nhiều giọt nước mắt đã rơi xuống khi mừng mừng tủi tủi, thương nhớ thày cô, các bạn cùng học không còn vì chiến tranh, bệnh tật. Cũng có cả sự bất ngờ vì có thày cô, bạn bè cả 50 năm trời mới gặp lại. Nhân dịp kỷ niệm đó, được sự khuyến khích động viên và góp ý sửa chữa của thày Hoàng Văn Nguyện tôi đã viết ca khúc "Hoài niệm trường xưa". Ca khúc đã được nhóm giảng viên, ca sĩ nguyên là sinh viên trường Văn hóa Nghệ thuật Hải Dương trình bày tại buổi họp mặt 50 năm đồng môn Trần Phú khóa 1961 -1964. Đó là buổi trình diễn đầu tiên, buổi ra mắt của ca khúc nhỏ bé đó….
….Nay, trước kỷ niệm 55 năm nhà trường mang tên Tổng bí thư đầu tiên, được sự giúp đỡ chỉnh lý của Nhạc sĩ Phạm Quang Hiển, hội viên Hội nhạc sĩ Tp.Hà Nội, một bạn học cũ thuở thiếu thời - cũng là đồng môn khóa học 1961 - 1964 trường Trần Phú. Tôi xin tặng ca khúc đã được sửa chữa hoàn chỉnh này tới nhà trường, các thày cô giáo, các anh chị - bạn bè cùng học cùng trường và các thế hệ giáo viên học sinh của Trường Trần Phú như một món quà tinh thần gửi đến ngôi trường Trần Phú thân yêu."….
          Lễ kỷ niệm đã được tổ chức trang trọng tại trường THCS Trần Phú, thành phố Hải Dương vào ngày 12 tháng 4 năm 2015 vừa qua. Cũng tại buổi lễ đầy ý nghĩa này, nhóm nhạc thuộc Câu lạc bộ ca nhạc xung kích Thành phố Hải Dương đã trình bày thành công bài hát "Hoài niệm trường xưa", đem lại ấn tượng sâu sắc và nỗi xúc động nghẹn ngào không chỉ đối với cá nhân tác giả, mà còn đối với toàn bộ khán thính giả có mặt tại buổi lễ kỷ niệm.
          Ca khúc có ca từ như  sau:
Thả nhẹ bước chân hoài niệm phố phường.
Đâu con đường xưa in dấu chân đếm sắc vàng cây thay                               lá.
Bước chân học trò rộn tiếng cười vui.
Con sông êm trôi bên hàng phố nhỏ.
Lặng dấu in vào tuổi thơ tôi.
Thời gian theo cánh chim bay xa.
Tuổi thơ qua tháng năm trôi xa.
Nay ta về bên nhau như ngày thơ bé.
Mái tóc Thày bạc trắng.
Sương nào vương mái tóc trò.
Thời gian nâng cánh chim bay xa.
Tuổi thơ mơ ước cánh diều xa.
Hôm nay ta về bên nhau tìm ngày thơ bé.
Bên sân trường bạc nắng, gốc bàng xưa vẫn đứng chờ.
Ơn mãi người đưa đò, sông ơi chảy mãi.
Tuổi thơ ta ngày nào bên nhau.
Bạn ơi khắc ghi kỷ niệm trường xưa.
                          Hoài niệm xưa.
          Và đây, bản nhạc và những hình ảnh cảm động khi bài hát được cất lên trong buổi lễ đáng nhớ đó. Mời các bạn cùng thưởng ngoạn.








  



 Một ngày đầu tháng 5 năm 2015


Không có nhận xét nào: