NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

PHÚC PHẬN ĐÀN ÔNG (TRUYỆN – KỲ 2) BÌNH DƯƠNG

…..(Tiếp theo kỳ trước)
        Con đường trước mắt tưởng như mất hút giữa màn mưa. Trên buồng lái, Toàn căng mắt nhìn về phía trước, tay ôm vô lăng giữ cho chiếc xe không lạng chệch khỏi tim 


đường. Cơn mưa đến ngay sau hành trình chừng hơn tiếng đồng hồ, khi chiếc xe chỉ vừa mới vượt qua địa phận tỉnh Bắc Ninh. Dù biết sẽ phải vượt chặng đường dài trong mưa khi cơn mưa còn đang lấp ló đâu đó trên bầu trời, song hành trình đã khởi phát phải dấn tới không thể dừng được nữa. Từ xí nghiệp vận tải Uông Bí, Toàn nhận vận đơn chở hàng đi mấy tỉnh miền núi Tây Bắc. Chỉ mới vài tháng trước, anh còn đang thuộc biên chế đội xe số 6, chuyên chở hàng hóa công nghiệp tuyến Quảng Ninh - Khu Bốn. Đất nước vừa hào hởi đón tin vui thống nhất Bắc Nam chưa được mấy năm. Những tháng đầu năm 1981 hàng hóa lưu thông hai miền còn đang rất vất vả. Miền trung gian khó khát hàng hóa, vật tư để sớm ổn định sau chiến tranh. Mọi chuyển động vận tải như hút hết vào tuyến này khiến những con đường đã quá tải vì đáp ứng cho nhu cầu cuộc chiến tranh giải phóng, khi đất nước hòa bình lại càng trở nên chật chội. Mọi chuyện ngỡ ổn định dài lâu và cứ vậy mà làm, đột ngột xí nghiệp nhận chủ trương từ cấp trên chuyển tuyến lo vận tải hàng hóa, vật tư cho vùng núi phía Bắc. Những tưởng sẽ được đi trên những con đường tốt hơn tuyến Bắc Nam từng bị mưa bom bão đạn thời chiến tranh cầy sới. Song không phải?! Những cố gắng tập trung cho tiền tuyến suốt những năm chiến tranh giải phóng đã hút thu toàn bộ nhân tài vật lực phục vụ tiền tuyến lớn. Tuyến đường từ các tỉnh Đông Bắc đi Tây Bắc dù không phải đã bị quên lãng hay xem nhẹ nhưng cũng nằm trong tình trạng xuống cấp kéo dài. Chỉ qua vài chuyến đi, Toàn nhận thấy cánh lái xe của xí nghiệp "chỉ được cái nói đúng" khi cho rằng tuyến đường vận chuyển này là cái "vỏ dừa" dù vừa tránh được cái "vỏ dưa" của tuyến vận tải hàng hóa khu Bốn. Đường xấu hết cỡ. Đoạn thì cấp phối lồi lõm, đoạn lổn nhổn đất đá, đoạn mặt đường bong tróc thảm nhựa như....bánh đa vỡ. Thật kinh khủng! Ấy là chưa kể những đèo dốc cuối tuyến tại các tỉnh miền núi phía Bắc khiến các "tay lái lụa" từng một thời thử thách "đường Trường Sơn xe anh qua" cũng phải nghiến răng trèo trẹo mỗi lúc vào cua. Sau mấy tháng chiến tranh biên giới năm 1979, tuyến đường trước phòng tuyến sông Cầu năm nào cũng còn đang chờ duy tu nâng cấp. Liếc nhìn cột cây số vừa chạy thoáng qua cửa xe, Toàn biết mình mới chỉ vượt được hơn một phần ba con đường vận chuyển. Chiếc xe tải vừa qua khỏi thị xã Phúc Yên với thưa thoáng những mái nhà tranh, nhà ngói nghèo cũ bên đường. Lên xe lúc 5 giờ sáng, sau hơn ba tiếng đồng hồ chuyến đi đã có vẻ chậm so với dự kiến gần một tiếng. Bữa ăn nhẹ khi vừa chạm vào cửa ngõ thị xã Bắc Ninh giúp Toàn đỡ cái đói cồn cào bữa sáng đôi chút nhưng cơn mưa nhão người bên ngoài buồng lái lại làm anh gai lạnh. Chiều tối nay dù gì cũng phải có mặt tại Hà Giang bằng được. Sau đó còn chuyến hàng ngược về nữa, giỏi lắm chỉ được nghỉ khoảng chục tiếng đồng hồ. Nhớ lại khuôn mặt nhăn nhúm vẻ "xuống nước" của ông Tấn đội trưởng đội xe chiều qua, Toàn khẽ mỉm cười. "…Cả đội chỉ còn con IFA-W50 hai cầu này của cậu là ít hắt hơi sổ mũi! Cậu gắng đi chuyến này về rồi tớ để cậu nghỉ duỗi chân duỗi cẳng mấy chuyến. Xe cộ xí nghiệp độ này xuống mã quá, phụ tùng máy móc cũ hỏng không kịp thay thế làm cả đám nằm vạ. Cậu không cố giúp tớ chuyến này khéo toàn đội mất thưởng! Tớ nài nỉ cậu đấy." Quả thật, vài tháng nay xe Toàn đứng đầu sổ điều động. Hết đi Cao Bằng, Lạng Sơn lại Thái Nguyên, Bắc Cạn. Chẳng kịp nghỉ ngơi cho lại người đã lên xe đi tiếp. May mà...ngoài ba mươi vẫn chưa bị "gông khóa" gia đình nên Toàn là người dễ vận động thêm ca thêm chuyến nhất đội. Lắm lúc, nhìn cảnh anh em bạn bè vật lộn mưu sinh gánh gồng vợ con Toàn lại thấy...may vì vẫn "hạ sĩ phòng không". Quen một mình tự do, anh chưa thể hình dung rồi khi mình có gia đình thì sẽ thế nào nữa….

(Mời xem tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào: