NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

PHÚC PHẬN ĐÀN ÔNG (TRUYỆN – KỲ 20) BÌNH DƯƠNG

(Tiếp theo kỳ trước)
   Hội trường hôn lễ ào lên tiếng vỗ tay, tiếng cười nói rổn rảng. Trong không khí thật ấm cúng, dân làng Sài Trung chứng kiến lễ dạm hỏi và cấp đăng ký kết hôn đặc biệt chưa từng có ở mảnh đất trung du này.
        Bốn lái xe bưng bốn mâm dẫn lễ, cũng trầu cau, chè rượu, thuốc lá Sông Cầu, kẹo lạc bánh quy… đi sau o Hồng chững chạc trong bộ quần áo Thanh niên xung phong màu xanh rêu bước lên bục gỗ sân lễ. Bà Hậu, khoác tấm áo Simili kiểu thành phố cổ quàng hờ hững tấm khăn vuông len cải hoa cùng bốn bà hội viên hội phụ nữ xã áo tứ thân, khăn mỏ quạ, thăt lưng vải điều răng đen cắn chỉ tươi roi rói xếp ngang hàng đón lễ…Chiếc radio catset kê sát chiếc micro góc sân rổn rảng tiếng quan họ đài "Người ở đừng về"…Ông Phùng, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trịnh trọng đọc và trao Giấy đăng ký kết hôn. Lái Toàn, hôm nay trịnh trọng trong bộ quần áo sơ mi màu xanh xí lâm, quần kaki màu bộ đội. Cô Phúc áo nâu non cổ trái tim mặc bên trong chiếc áo len cộc tay, tóc buộc nơ tím buông dài sau lưng óng ả mặt mũi đỏ bừng cùng đứng bên bàn cô dâu chú rể nâng hai tay đón nhận chiếc khay men trên đặt mảnh giấy đăng ký kết hôn áp triện đỏ rói. Trong tiếng vỗ tay thật dài, mọi người mặt mũi hào hứng phấn khích chứng kiến lễ trao giấy đăng ký kết hôn theo nghi lễ đám cưới nếp sống mới. Thằng cu Được, theo dì Hơn dắt lên với mẹ, đứng hẳn lên ghế mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn đám người lớn đông ơi là đông, mặt mũi nở nang ồn ã vui vẻ. Trong không khí vui tươi, vài đại biểu địa phương, xí nghiệp phát biểu chào mừng rồi hội hôn nhanh chóng vào cỗ cưới. Cỗ món không nhiều, nhưng vào những năm đời sống xã hội rất khó khăn cuối những năm 80 này, phải gọi là to. Thịt lợn luộc thái mỏng vừa phải, bát canh xương hầm khoai tròn, đĩa thịt gà mỏng thôi nhưng tươi ngon, thêm đĩa hoa thiên lý xào tỏi, đĩa dưa muối vàng rượm… cũng “hai bát ba đĩa” như ai! Mỗi mâm một chai “rượu chanh mậu dịch”, tiêu chuẩn tết phân phối của xí nghiệp vận tải mang theo. Thực khách khoảng dăm sáu chục người, tính ra cũng chục mâm. Ông chủ tịch xã vui vẻ nâng chén rượu len lỏi giữa các bàn: "Cũng không dám hoang phí, vẫn đảm bảo tinh thần tiết kiệm, quân dân chính kết hợp…! Vui là chính!..." Giữa cái rét cuối năm, không khí ấm cúng của lễ cưới vùng quê làm ấm lòng cả chủ lẫn khách. Với Toàn và Phúc, họ không thể tưởng tượng trước được một kết cục hạnh phúc đẹp và đáng nhớ đến vậy. Với cả hai, từ bé đã thiếu thốn tình cảm gia đình những gì cộng đồng ưu ái đối cho họ giờ này chỉ có thể gọi bằng sự biết ơn.
Đêm đầu tiên chính thức làm vợ chồng, Toàn và Phúc ấm áp hạnh phúc bên nhau. Trên chiếc giường cánh quạt còn thơm mùi vecni, tấm chăn bông hoa đỏ, chiếc màn trắng mậu dịch do đội xe đem theo tặng làm quà cưới họ thật sự bắt đầu cuộc sống lứa đôi. Ở tuổi ba mươi tám, Toàn mới biết cảm giác thật sự của người làm chủ gia đình. Còn Phúc dù đã ba mốt, ba hai tuổi song cảm giác tân hôn ngọt ngào lại thêm một lần lấy đi của cô nhiều giọt nước mắt biết ơn. Cô bồi hồi nhớ mẹ, nhớ tuổi thơ lam lũ xuôi ngược theo mẹ kiếm tìm cha. Chỉ có cu Được, vốn mệt nhoài vì cả ngày ham vui ầm ĩ ngoài sân ủy ban là đã lăn ra ngủ khì ngay từ sau bữa cơm tối. Căn nhà chìm vào đêm cuối năm yên tĩnh, ngoài kia sương trắng phủ mờ rừng cọ đồi chè miền sơn cước trung du.
Chỉ hơn hai chục ngày nữa, năm Canh Ngọ 1990 sẽ đến, kết thúc năm Kỷ Tỵ 1989 - năm cuối cùng của thập kỷ tám mươi đầy khó khăn, vất vả. Song đối với gia đình bé nhỏ của Toàn, mười ngày phép đơn vị dành cho đôi vợ chồng mới cưới đã như dấu son kết chặt mấy con người lại bên nhau. Với họ, chỉ hạnh phúc mới thật ngọt ngào mà đủ đầy ý nghĩa của hai chữ “gia đình”. Với bà con làng xã, đám cưới không chỉ là niềm vui mà còn mặn mòi “tình làng nghĩa xóm” nơi đất đồi trung du xanh ngắt nương chè, rừng cọ. Họ cũng tự hào lắm chứ, khi được làm nhân chứng sống cho một câu chuyện duyên phúc không chỉ mộc mạc mà còn dầy dặn nghĩa tình…


*
*      *
(Mời xem tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào: