NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2018

PHÚC PHẬN ĐÀN ÔNG (TRUYỆN – KỲ 21) BÌNH DƯƠNG

(Tiếp theo kỳ trước)
Không khí sặc mùi thuốc, mùi cồn sát trùng. Khó nhọc mở hé đôi mắt mờ dại nhìn quanh, phải mất  một lúc ông Toàn mới nhận thức được mọi thứ quanh mình. Ra đây là bệnh viện, rặt một màu trắng toát từ trần, tường đến chăn nệm, ga gối…

      Lại còn vô khối dây nhợ, ống dẫn, máy móc quanh người. Quay trở mình không được, chỉ thấy đau ê ẩm khắp người ngợm chân tay. Ông chợt bật lên tiếng gọi, thều thào yếu ớt: "Mẹ thằng Được…"

-  Bà vừa chạy ra ngoài mua vài thứ. Tôi đây, Trực đây! Ông nhận ra tôi chưa…
Khuôn mặt ghé sát bên giường rõ dần. "Ừ, phải rồi cậu Trực…" Ông Toàn khó nhọc lẩm bẩm:
- Trực đấy à! Tớ nằm ở đâu thế này. Sao mình mẩy đau ê ẩm thế.
- Anh nằm yên, bác sĩ dặn không để anh cử động nhiều. Anh không thấy mấy cái đai này đang bó ghì anh xuống giường sao.  Đây là bệnh viện Việt – Đức, Hà Nội. Anh xuống đây hơn ba ngày nay rồi. May mà hôm đó, cả hai xe mình cùng về dưới Lập Thạch. Ngay sau khi anh bị nạn, em đã theo xe cấp cứu đưa anh chạy một mạch về dưới này. Thằng Được và bà Phúc sấp ngửa với ông gần tuần nay rồi. Rõ khổ, thật không may chút nào cả. Xí nghiệp cũng cử người lên thu hồi xe và hàng hóa về đội rồi và cử em ở lại đây với anh.
Ông dần nhớ ra mọi việc, dù chỉ thật lờ mờ khó nhọc….
Bữa đó, đang giữa cung tuyến vận chuyển Lào – Việt, hai anh em ghé qua nhà ông Toàn tính nghỉ lại một hôm trước khi đưa hàng sang Phú Thọ. Chiều tối, trời đang vẫn quang quẻ, bất chợt một cơn giông lốc bất ngờ lật tung một góc mái lá gồi. Đồ đoàn tung tóe. Dọn quấy dọn quá được tàm tạm thì trời sập tối. Đành căng vải bạt che tạm để đấy sáng mai lên mái dặm lại. Sáng ra, bà Phúc cắp thúng đi chợ sớm. Ở nhà, thằng Được lùa vội bát cơm nguội rồi đến trường. Năm nay nó học lớp 10 phổ thông rồi. Ở nhà chỉ có hai anh em, bàn nhau dặm lại mái nhà cho mẹ con bà Phúc rồi chiều cho xe đi tiếp. Ông Toàn dặn Trực:
- Cậu ở dưới này đưa các vạt lá gồi lên cho tớ. Tớ lên lợp lại góc chái kia trước. Đưa lá lên chầm chậm thôi, mỗi dẻ buộc sẵn có đến dăm tay lá là nặng đấy. Cẩn thận đấy, tuổi đít bốn đầu năm đến nơi rồi, không coi thường được đâu.
Mồm dặn bạn vậy, chứ ông năm nay cũng năm mốt, năm hai rồi. Vài ba năm nữa, khi chớm tuổi 55 là ông nghỉ hẳn, không còn được cầm lái nữa. Luật lao động quy định vậy rồi. Từ hồi bước sang tuổi năm mươi, ông cũng tự thấy mình chậm chạp đi nhiều. Bữa nào cứ chạy xe liên tục vài ngày là mệt rã ra. Các phản xạ nghề nghiệp tưởng đã ăn vào máu cũng bắt đầu thấy mất dần cảm giác nhạy bén, nhất là vào các cung đường khó chạy, nhiều cua góc, dốc cao phải lên số về số liên tục. Có bữa, chỉ có lùi xe thôi mà cũng "vài ba đỏ" ông mới điều khiển xe quay đầu gọn đuôi được. Đám lái trẻ bắt đầu gọi "yêu" mấy ông có tuổi trong đội là "mấy khốt khù khờ", còn các vị lãnh đội thì vỗ về "các cụ" bằng cách dành các cung đường ngắn, ít tải trọng cho "các lái già". Thu nhập có thấp đi ít nhiều so với anh em trẻ, nhưng ông Toàn và mấy anh "lái cựu" cũng thầm cám ơn các sếp tâm lý. Họ cũng bắt đầu phải nghĩ đến đoạn cuối nghề nghiệp khi tuổi đời mỗi ngày mỗi cao. Trong đội, số người còn ôm vô lăng như ông Toàn, ông Trực…chỉ còn đôi ba xe. Số khác về tuyến sau làm "bảo dưỡng, duy tu"  cũng kha khá rồi. Dàn lái bắt đầu có sự chuyển dịch nhân số. Xe cộ, máy móc là thứ vô tri vô giác, sửa chữa thay thế duy tu thậm chí thay mới hẳn không có mấy khó khăn. Nhưng hụt hao nhân lực, bổ sung con người lại là việc khác, chuyện khác là việc “to”. Có ngành, có việc quay đi quay lại bỗng thấy phải thay đến hàng lớp người làm. Trong nghề vận tải, nhất là vận tải cơ giới khi nào cũng vậy, thời nào cũng thế bài toán con người không chỉ là vấn đề hàng hóa, sản xuất, vốn liếng lỗ lã…Bài toán nhân lực luôn là bài toán hàng đầu. Chỉ vài ba đợt bổ sung, thay thế nhân lực, đội xe đã chia làm hai tuyến rõ ràng. Tuyến trước bao gồm anh em lái trẻ, học hành bài bản, sức lực căng tràn dẻo bền sung sức chạy đường dài. Tuyến sau các anh em có tuổi chờ nghỉ lái chạy tuyến ngắn, ít tải…Có đầu xe còn bố trí thêm lái một, lái hai hỗ trợ lẫn nhau.


(Mời xem tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào: