NHA TRANG MÙA THU

NHA TRANG MÙA THU
MẮT BIỂN MÙA THU

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

PHÚC PHẬN ĐÀN ÔNG (TRUYỆN – KỲ 22) BÌNH DƯƠNG

(Tiếp theo kỳ trước)
Làm bạn với bà Phúc trước sau cũng gần hai chục năm rồi mà hai ông bà vẫn mỗi chốn mỗi nơi. 
     Vài ba tháng vợ chồng mới gần gụi nhau được đôi ba ngày. Ông cứ theo xe chạy suốt. Công việc của ông Toàn và anh em đội xe không có ngày, tuần rõ rệt. Cứ có kế hoạch là chạy. Không thứ bảy chủ nhật rành mạch như các nghề khác. Chỉ có nghỉ bù, nghỉ lễ tết, thậm chí có năm nghỉ lễ tết xí nghiệp cũng "mượn" để chạy "chiến dịch". Nghỉ phép cũng thế. Chia lốt nhau ra mà nghỉ. Không bố trí nghỉ được thì trả bằng lương, thưởng. Cứ vậy hết năm này qua năm khác. Hơn chục năm trời ăn ở với nhau mà bà Phúc chẳng đậu thêm được đứa trẻ nào. Duy nhất "dính" được một lần thì…"chửa ngoài dạ con" phải bỏ. Sau lần ấy, bà không có thai nữa. Cũng đi hết bệnh viện nọ kia, "vái" hết các loại "thày, bà" mà cũng không "bói" thêm được "quả" nào. Ông Toàn an ủi vợ "Bác sĩ họ vẫn bóng gió là do tôi, bà đừng nghĩ ngợi nặng nề làm gì. Cái số mình nó vậy. Mình có thằng Được làm con là đủ rồi. Dù gì nó cũng mang máu huyết của bà. Đừng buồn làm gì!". Mỗi lần nghe ông thủ thỉ vậy bà chỉ thở dài, nước mắt ngắn nước mắt dài. Mong mãi để có với nhau đứa con mà chẳng được. Quay đi quay lại, vào tuổi "bốn chín chưa qua, năm ba đã tới" lúc nào chẳng hay….
Phần mái lá bị gió giật tốc lật ngang lật ngửa đã dặm lại gần kín. Chỉ còn một góc bằng cái mẹt nhỡ nữa là xong. Giờ thì cần bó chặt đoạn chồng nóc này trước đã..
- Quăng thêm lên đây bó lạt nữa Trực ơi! Mà này…Ối!
Vừa quay người gọi với xuống dưới, vừa nghiến răng siết chặt mối lạt giang ghì cây dóc đè dải lá chồng nóc cho thật chặt chẽ thì ông chợt nghe tiếng "Phựt…". Trời đất quay cuồng trước mắt rồi…tối om…
Bên giường, tiếng cậu Trực thì thầm kể:
- Lúc nghe tiếng anh kêu giật thét lên, em chỉ kịp ngẩng đầu lên thì đã thấy anh lộn xuống rất nhanh. Có lẽ lực kéo lớn đã tạo nên cú quăng người mạnh đến thế. Anh rơi xuống sân nghe nặng như bao gạo từ trên cao ném xuống. Phần thân dưới giáng xuống nền sân, chỉ thấy anh giật người lên rồi nằm đó bất động. Em bế vội anh lên. Chị Phúc vừa về đến đầu sân chỉ kịp gào lên "Ông ơi!..." rồi ngất ngay tại chỗ. Gọi được người đến lo cho chị, em chỉ còn biết vác xốc anh trên vai chạy vội ra bãi để xe. Cứ thế, để anh gối lên bọc quần áo nằm bên ghế lái em chạy một mạch gần hai chục cây số sang bệnh viện tỉnh Phú Thọ. Sơ cứu nhanh xong, bệnh viện cho xe cấp cứu chuyển anh về Hà nội. Em gửi xe lại đó, theo anh về đây. Đến nơi, em vội báo cáo ngay về cho xí nghiệp biết đầu đuôi sự tình. Trong ngày, họ cho người lên thu hồi xe và hàng về xí nghiệp, điện liên hệ với lãnh đạo bệnh viện Việt Đức để xử lý công việc chăm sóc anh và cho phép em ở lại lo cho anh. Hôm sau, chị Phúc về dưới này. Lãnh đạo xí nghiệp cũng cho người xuống làm việc cụ thể với khoa cấp cứu chấn thương. Có thêm chị Phúc, hai chị em thay nhau thức đêm trông nom anh. Lắm lúc tưởng anh "đi"… luôn. Bác sĩ đã sử lý cố định cột sống cho anh. Ca anh khá nặng, cột sống bị chấn thương. Qua hội chẩn chuyên ngành, họ quyết định mổ cột sống đặt nẹp vít giữ định dạng vùng tổn thương. Họ nói việc hồi phục được dựa rất nhiều vào thể trạng, điều kiện sinh hoạt và tiền sử bệnh tật của bệnh nhân. Anh tỉnh thế này là mừng rồi. Em cũng chỉ ở thêm với anh được một hai ngày nữa là cùng…Em về rồi sẽ tìm cách giữ liên hệ với anh và gia đình sau…
Bà Phúc vừa về tới. Thấy ông Toàn đã tỉnh lại đôi chút, bà lại sụt sùi ấm ức khóc. Tay bóp nhẹ bàn tay nhỏ mềm của vợ, ông Toàn mấp máy miệng: "Thôi mà, thôi mà, tôi thấy ổn ổn rồi…Thằng Được về lại trên kia chưa?!"
- Con nó về sáng sớm nay rồi. Về còn đi học, cuối học kỳ rồi…Kia, ông bác sĩ điều trị cho bố nó tới kia rồi…
- Bệnh nhân tỉnh được thế này là tốt rồi. Bác bị chấn thương cột sống khá nặng. Tuy nhiên, chưa đến mức bị đổ hoặc dồn xô vật lý cột sống. Bác  chịu khó cố định thêm vài bữa nữa. Phác đồ điều trị đã lên xong rồi. Tuổi bác, gặp ca này là hơi vất so với thể trạng. Chịu khó tuân thủ tốt, đáp ứng thuốc tốt thì cải thiện được nhanh thôi. Có điều phải chịu khó…

(Mời xem tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào: