(Kỳ 7)
(Tiếp theo kỳ trước)
.....Sau tiếng cọt kẹt nơi cửa ra vào,
căn phòng lại đen đặc lại. Lão Đán biết mụ vợ đã len lén xuống tầng dưới. Bóng
tối làm dịu đi đôi chút cái khối nóng sực trong lồng ngực lão.
Không phải chỉ mới từ bây giờ, mà từ hồi
còn là đứa trẻ nhóc, tóc vàng cháy nắng đồi, cái thân còm của thằng Đán luôn có
cảm giác chỉ được an toàn mỗi khi màn đêm buông xuống. Đêm tối có nghĩa là
không còn bị lũ trẻ trâu bắt nạt, mẹ nó cũng nguội cơn bực bõ bí bách và sẽ
chẳng còn ai hạch sách, quát nạt nó nữa. Ngay cả mỗi khi ông bố tạt về cuối
tháng, bữa cơm rượu chiều tối hình như cũng làm dịu đi cái sự cách bức cha con,
nó vốn biết thừa bố nó chẳng ưa gì nó. Trong đêm tối, thằng Đán thấy mình được
tự do. Khi biết rõ bố mẹ nó mệt mỏi chẳng còn để mắt đến nó là nó lủi ra khỏi
nhà thật nhanh. Cái chỗ làm nó có cảm giác yên ổn chính là cái hốc tối om dưới
gốc đa to cỡ cả chục người ôm, tuổi dễ đến gần trăm nơi bờ giếng thơi đầu làng.
Trong bóng đêm đặc quánh, nó ngồi thu lu đầu óc lơ ngơ tận hưởng sự an toàn của
đứa trẻ không mấy khi được chiều chuộng, đối xử ngang bằng giữa trang lứa. Ai
cũng có thể bắt nạt được nó, chỉ cần người lớn to tiếng, nghiến răng trợn mắt,
hoặc bạn bè cùng học rút ngón nắm tay lại là nó tự thấy mình thật nhỏ bé và dễ
bị đập nát bét như con gián vậy. Trong những phút gian nguy ấy, phản xạ tức
thời của nó là nhắm chặt mắt mũi lại, hai tay ôm cứng lấy vành tai bụng mong
sao trời tối cho nhanh để nó hoà ẩn vào bóng đêm, lẩn tránh mọi người. Thường
thì cứ đêm xuống là nó lỉnh ra đó, ngồi chán một mình rồi lại khẽ khàng lẩn vội
vào nhà như con chuột. Lũ em nó có đứa biết có đứa không, nhưng cũng chẳng đứa
nào mách mẹ làm gì. Những cuộc rúc hốc cây như thế cũng đâu có mấy thú vị. Đơn
giản chỉ vì nó muốn ngồi một mình, đầu óc lan man ước ao khi thì có được chiếc
quần tây màu xám như thằng Tèo con lão chủ nhiệm hợp tác, lúc lại mơ có được
chiếc xe thiếu nhi Liên Xô màu xanh của thằng cu Nhớn con bà cán bộ Thuế trên
huyện … Những thứ mà nó biết thừa chẳng khi nào được quyền cầm nắm sờ mó, khỏi
nói đến việc có được của riêng mình.
Cuộc sống lãng nhách kiểu đó thường chỉ có
dịp bừng khởi mỗi khi có đám chiếu bóng lưu động về làng. Trong đám trẻ con bu
quanh mấy anh công nhân chiếu bóng, đố đứa nào thấy mặt thằng Đán. Sức mấy mà
nó được diễm phúc đứng lẫn vào đó, chỉ cần vào gần là khắc có đứa nhe nanh, nắm
đấm con con giơ lên dậm doạ, thậm chí có đứa còn kéo tai túm tóc nó lôi ra làm
nó hãi đến vãi đái. Chỗ của nó thường là ở trên cành đa, một mình nép sau tán
lá rậm rạp đưa cặp mắt thèm thuồng nhìn vọng xuống phía dưới nơi đám trẻ trâu
xăng xái giúp các chú "chớp bóng" dựng cột, căng tấm màn trắng, kéo
dây mắc hai chiếc loa sắt lên hai cây xoan góc sân giếng. Tiếng "a lố! a lồ!"
thử loa đài khuấy rộn lên chút ồn ào hiếm hoi nơi phố núi. Đêm xuống, phải cỡ
tám chín giờ buổi chiếu mới bắt đầu. Thằng Đán biết vậy và nó tụt xuống, chạy
quàng về nhà, lãnh vài cán chổi oằn người của mẹ nó về tội "bữa cơm tới
mồm mà còn la tha tận đẩu tận đâu, khát cổ bỏng họng gọi cũng chẳng thấy thưa!".
Lùa thật nhanh mấy bát cơm nguội, lựa lúc mọi người đang mải dọn dẹp để ra bãi
giếng xem phim, nó lại nhanh chân lỉnh ra gốc đa bờ giếng, leo thật nhanh lên
chỗ ngồi quen thuộc, đợi buổi chiếu bắt đầu. Trong bóng tối quây trùm của cành
lá, nó nửa nằm nửa ngồi giữa chạc ba, nhấm nháp cái dư vị của kẻ một mình một
cõi. Mắt hướng về khoảng sáng trước mặt, nơi có tiếng ồn ào như chợ vỡ những
tiếng trẻ nít nô đùa chí chóe và tiếng người lớn gọi trẻ con hoà với tiếng hai
chiếc loa sắt rỉ rả, khọt khẹt lúc thì thông báo về bộ phim sắp tới giờ chiếu,
lúc thông báo tin chiến sự, tin thu nộp thóc lúa nghĩa vụ, tin huy động dân
công...Người nó chỉ giãn ra khi giọng chú thuyết minh đùng đục gióng lên:
"Buổi chiếu sắp bắt đầu sau ít phút nữa, yêu cầu bà con và các cháu thiếu
nhi trật tự, ổn định chỗ ngồi. Hôm nay đội chúng tôi phục vụ bà con bộ
phim…" Từ xa, từ cái chỗ tối tăm của riêng nó, tâm trí nó cuốn theo những
tối sáng nhoang nhoáng của màn ảnh phía xa. Vài ba tháng một lần, nó cùng bà
con lối xóm được xem "chớp bóng" lưu động một tối. Lần nào cũng vậy,
nó ẩn mình trên cành đa, ánh mắt khâm phục nhìn chăm chắm vào nơi có ngọn đèn
vàng hạt đỗ bé tí, chỗ mấy người công nhân đứng máy "làm xiếc" với
cái hộp có con mắt sáng loà nhả ra bao hình ảnh động đậy biết kể chuyện đời.
Trong đầu óc bé tí của nó, công việc đó thật là tài giỏi và thiêng liêng, nhen
nhúm mong ước nhớn lên được làm cái anh công nhân chiếu bóng lưu động. Nhà nó
rồi cũng quen với cái kiểu cách mất tăm của nó mỗi khi ngoài bãi giếng có chiếu
phim cho đến lúc nó lớn khỏi cái tuổi trèo cây, cởi truồng tắm sông.
Sau nhiều bỡ ngỡ ở tuổi mới lớn, nó thôi
không trốn lên cành đa xem phim nữa mà dần dà cũng đánh bạo trà trộn vào đám
đông, nơi bọn trẻ cùng lứa bắt đầu vỡ tiếng như nó bắt đầu giở trò gạ gẫm gái
làng hàng đêm. Nó cũng dần biết chòng ghẹo đám con gái, rình mò nhìn trộm lũ
đàn bà con gái tắm giếng, tắm sông. Đêm nào có chiếu bóng ngoài bãi nó cũng
biết len lách, sờ soạng bọn gái làng mới lớn, nín chịu để lũ con gái mắng nhiếc
om sòm mỗi khi sán lại gần. Trong đám đông hỗn độn, đêm tối như đồng loã với
chúng để lũ giai non giở ra bao trò tai
quái, chim chuột. Song cu cậu cũng đâu thay đổi được gì về thứ bậc không thành
văn trong hàng trẻ trâu ngày nào. Nó luôn phải đi sau hưởng sau chúng bạn, nhằn
lại những thứ bọn mạnh hơn, lớn hơn bạo hơn nhè ra. Mà thật ra thì trong mắt
đám con gái mới lớn trong làng, cái bản mặt thằng Đán đâu có đáng chấp làm gì.
Vóc người nó có to cao lên thật, nhưng vẫn bị lũ đồng môn, đồng niên coi chẳng
hơn mấy đứa con nít. Có thể do cái mặt ngơ ngáo, mất khôn của nó báo hại nó
chăng? Nếu nó có bạo tay lần sờ, sàm sỡ mân mó chút xíu thì đám con gái cũng
chỉ coi nó như thằng ôn con miệng chưa hết hôi mùi sữa ham vui bắt chước theo
đòi bằng cái kiểu len lén hèn hạ của nó. Có đứa con gái bạo gan săn mặt còn túm
chặt lấy tay nó giữ nguyên trên người, để mặc mấy ngón tay ẽo ợt của thằng Đán len
lén loạng quạng rờ rẫm, coi như vớ đại được món đồ chơi hạng bét, chẳng bõ mắng
mỏ làm gì. Gặp lúc được như vậy, cái bản mặt thằng Đán dại ra, mắt mũi nhòe
nhoẹt, mồm miệng đầy rãi nhớt...Cứ thế, thằng Đán lớn lên trong cái bầu không
khí làng quê uể oải mà hưởng chút vui vẻ dư thừa của đám đàn anh đàn ang trong
làng. Nếu gọi là có chút quan hệ, thì nó chỉ thật sự thấy mình có giá mỗi khi
đội chiếu bóng về làng. Nó im lặng, lân la quanh chiếc xe bò kéo của đội, dè
dặt ghé tay mắc dây, trồng cột với mấy anh thợ máy chiếu và há hốc mồm nghe mấy
anh trêu ghẹo gái làng mình. Hình như cũng quen với cung cách của nó mà mỗi khi
về làng nó chiếu phim, hôm nào không thấy cái mặt nó đâu là đám chiếu bóng lưu
động lại ngóng trước ngó sau. Nó như chân "điếu đóm" tự nguyện cùng
đám trai làng quanh quẩn bên mấy cái máy chiếu tróc sơn của đội. Bác già làm
máy nổ còn đặt cho nó cái tên ngồ ngộ "cái củ bugi nguội " mỗi khi
thấy nó có mặt săng sái giúp bác thùng nước giếng đổ thêm vào hộp nước làm mát
của chiếc máy nổ dã chiến, lúc chạy cứ rung lên sần sật. Hoặc quanh quẩn bên
tay thuyết minh nghe hóng chuyện "Tam quốc", chờ bữa cơm chiều trước
buổi chiếu của đám thợ được dọn ra bên gốc đa làng. Người làng và đám thanh
niên sau này chẳng mấy ai ngạc nhiên khi học xong lớp bảy, ở nhà được hơn hai
năm theo sau đít trâu "tay vặt, tay diệt" thằng Đán được bố nó nhờ
người quen trên tỉnh xin cho đi thoát ly, làm một chân công nhân đội chiếu bóng
lưu động huyện bên. Nhờ vậy mà nó biến dạng khỏi mắt người làng. Đám bạn cùng
lứa với nó cũng quên dần cái dáng lui khui lòng khòng hèn kém thường ngày của
thằng Đán. Khi chiến tranh phá hoại mở rộng, đám bạn trẻ trâu của gã có khối
người khoác ba lô ra chiến trường. Còn gã, nhờ tài chạy chọt của họ hàng,
nghiễm nhiên ở lại hậu phương ngày này qua ngày khác rong ruổi khắp các làng xa,
xã gần bên huyện bạn. Chiến tranh và chiến trường có vẻ như chừa gã lại. Hình
như cũng vì vậy mà người ta thấy rất ít khi nó về thăm nhà. Nếu có về, thì tối
sậm mặt người họ mới thấy bóng nó, mà rồi sớm hôm sau, chưa nhìn rõ mặt người
lại hối hả đi ngay. Người ta bảo nhà nó không muốn để làng xóm móc mói vì sao
nó được ưu tiên không phải nhập ngũ trong thời buổi bom đạn ầm ào cuốn hút sức
trẻ. Song cũng có tiếng đồn thổi dai dẳng rằng, gia đình thằng Đán lý lịch có
chút vết nhọ gì đó nên nó có xung phong tình nguyện đi bộ đội cũng chắc gì được
đi?!... Ông bố nó ngày càng thưa thớt đi về, khuôn mặt lúc nào cũng đượm chút u
uất. Những chuyện vậy cứ như chút gió xào xạc trên ngọn đa đầu làng, giữa chốn
xóm núi hiu hắt rồi cũng mau chóng nhòe đi. Thời chiến mà, ai dỗi hơi theo mãi
mấy cái chuyện của ông nọ bà kia?
*
* *
(Mời xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét