(Kỳ 15)
(Tiếp theo kỳ trước)
.......
Ngày qua ngày, cái vất vả gấp gáp cũng
bắt các chú tân binh phải quen dần. Các kiểu mệt mỏi mất dần, mồm miệng bắt đầu
đóng mở tếu táo. Số cây số đi bộ từng chặng bắt đầu dài ra, nhịp nghỉ giữa
chừng cũng bắt đầu ngắn lại. Đầu óc quen dần với việc "đi và đi",
chẳng còn hơi sức đâu mà nhớ nhà nhớ thày u nữa.
Cho đến bữa đoàn quân tấp đến
bên dòng sông rộng giữa đôi bên rừng núi chập chùng thì mọi người mới biết
rằng, chỉ qua một lần chuyển quân nữa thôi bằng thuyền, núi rừng Trường Sơn sẽ
tiếp nhận họ. Đi bộ rã rời, song chưa có ai trong đám lính trẻ nghĩ được rằng,
họ còn phải leo núi nữa. Chưa leo núi, cán bộ đã báo trước "Khổ và mất sức
gấp trăm lần đoạn đi bộ đã qua". Bên bờ con sông nước cuồn cuộn xám ngoét,
lần đầu tiên sau chừng ấy ngày hành quân bộ, đám lính khu Ba được nghỉ ngơi ít
ngày. Còn phải qua một đợt chỉnh cán rèn quân với bổ sung quân trang quân dụng
nữa, chờ lớp tân binh phía ngoài vào thêm, trung đoàn mới hợp quân để đi tiếp.
*
* *
Trận mưa hồi đêm chỉ dứt cơn giận dữ ầm
ào khi bình minh ló rạng. Rừng núi ướt nhễu nước. Quần áo bốc ẩm hôi rình.
Không một tiếng trao qua đổi lại, chỉ thấy tiếng bước chân nhóp nhép úng sũng
trong đôi giày bộ đội bó chặt. Chiếc mũ cối trên đầu cũng hóa nặng trịch. Đoàn
quân đã tiếp tục chuyển động được vài tiếng. Bị dựng dậy giữa cơn mưa như trút,
bộ đội được lệnh hành quân tiếp. Vùng đất lạ lẫm không biết tên - mà có tên đám
lính mới cũng không được biết. Gọi là lính mới là mới theo quân ngũ, chứ ngoài
đám lính trẻ mới bổ sung tháng trước, bọn thằng Đán cũng kể như đã là cánh cựu
trào. Mới hai tháng trước, đoàn quân rời con sông vạm vỡ đi sâu vào những cánh
rừng Trường Sơn xen giữa vô vàn đèo cao dốc hiểm. Họ cứ ngày đi, đêm nghỉ. Hết leo
ngược lên dốc đá trơn trượt sắc lẹm, lại đổ xuống đèo dốc cheo leo. Sau khi đã
phiên chế lại cơ ngũ, đơn vị cũ của gã nay chỉ còn dăm mươi người. A8, B5, C7, D2,
E141 dãy ký tự dài dằng dặc này là phiên hiệu mới của họ. Lính cũ, lính mới làm
quen dần với nhau. Đám cũ, như bọn thằng Đán chủ yếu là công nhân, nhân viên cơ
quan được gọi nhập ngũ. Đám mới, trông trí thức hơn nhiều. Họ sôi động, trẻ
trung và đầy nhiệt huyết. Họ là sinh viên một số trường đại học. Chia tay với
bạn bè cùng học ở giảng đường, họ lên đường khi vừa kết thúc năm thứ ba. Chạm
vào khó khăn của người lính thời chiến mà họ vẫn rất mơ mộng, yêu đời. Có lẽ
lối sống tập thể dưới mái trường đại học đã sớm rèn luyện và cố kết họ lại.
Tươi trẻ, tràn đầy nhựa sống, họ háo hức đem tuổi xuân vào chiến trường, lúc
nào cũng mơ đến ngày chiến thắng trở về để học tiếp, đi tiếp con đường học vấn.
Sống giữa họ, đám lính cũ như thằng Đán trông như những đứa trẻ lớn gộc mà tâm
tính lại già nua. Đám sinh viên, thân mật gọi họ là anh, các "anh giai đinh". Lúc tếu táo,
lại kính cẩn gọi là "các quan bác", các "cụ lính" dù chỉ
chênh nhau đôi ba tuổi. Có đám lính trẻ, đám lính cựu ra chừng đạo mạo,
"lên lão" sớm. Song quen nhau rồi, đám lính cũ bị cuốn vào cái náo
nức cống hiến của bọn trẻ lúc nào không biết nữa. Bắt đầu đã có những thân mật
đồng đội. Vài "quan anh" bắt bạn được với đồng hương cũng nhộn lên.
Mở miệng là "ới đồng hương, đồng khói à!", rồi "nào, dân quê
mình đâu nào!", "quê tớ ấy à, gái đẹp phải biết nhá, có đúng không
ông lão hàng xóm?!". "Cậu nào ở Hà Tây cho tớ nhận đồng hương
nào!". "Ối giời! Gái Hà tây ngực lây mông lở đây. Quý hóa quá, đồng
hương ơi." Tình đồng ngũ trải qua
từng ngày, từng bước hành quân, từng buổi sinh hoạt tập thể gắn họ lại với
nhau. Nỗi nhớ nhà nguôi dần, mọi người coi nhau như anh em trong nhà. Giữa
chặng nghỉ ngắn ngủi, tiếng thì thào chuyện vặt cứ là nhặng xị lên.
- Ngữ này, đằng ấy học chế tạo máy chắc
khó lắm phải không?
- Vâng, bọn em học nặng lắm, đại học Bách
khoa mà. Mỗi năm hàng trăm tiết toán, lý. Có những môn học cứ lên đến giảng
đường là ngợp rồi. Những kết cấu máy, cơ học, động lực học, rồi nào là kết cấu
kim loại, chi tiết máy, vẽ cơ khí…. Rồi tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung,
triết học, chính trị kinh tế học cứ là chất chồng ngập cổ. Có thằng đêm ngủ nói
mớ tiếng nước ngoài nhau nháu, tây không ra tây, ta không ra ta. Thế mà lên
lớp, thày hỏi bằng tiếng Nga trong giờ hội thoại, mặt cứ đần dại ra "câm
văn tịt"?!. "Bốn năm là tám lần thi, một lần tốt nghiệp còn gì là
xuân!"...Thơ sinh viên đấy anh ạ. Giờ ở đây, trên đường vào chiến trường
thế này, em lại nhớ trường hơn nhớ nhà. Lũ bạn em, hồi em nhập ngũ, có thằng
vào giờ đưa tiễn bọn em mà khóc rống lên như trẻ nít. Có đứa, lấy máu viết đơn
tình nguyện mà không được gọi nhập ngũ ủ rũ hàng mấy tuần giời, trông héo hắt
còn hơn cả thất tình. Lũ con gái, đứa nào có người yêu nhập ngũ thì mọng mắt vì
khóc, nhưng đến giờ bọn em lên đường lại trốn biến không thấy mặt. Sợ
"người êu" yếu vía không đi được.
- Chẳng bù cho tớ, học chày vảy không lên
được cấp ba, chăn trâu cắt cỏ, cầm cày theo đít trâu mãi mới đi được công nhân.
Làm cái chân chiếu bóng lưu động đang yên chỗ thì vào đây.
- Ối giời! Ông anh sao mà sướng thế. Suốt
ngày phim ảnh. Này, thế là dân "nghệ" đấy nhé. Em nhớ học suốt ba năm
đại học mà mỗi năm chỉ được xem phim đâu có vài ba lần. Em thích "Thép đã
tôi thế đấy", thích "Sông Đông êm đềm", "Đội cận vệ thanh
niên", "Số phận một con
người", "Bài ca sư phạm". Thích "Bạch mao nữ",
"Hoa mộc lan"…Học ở Hà nội thì xem phim rạp ở "Công nhân",
"Tháng Tám", "Đại đồng", "Dân chủ"…Chỉ hồi đi sơ
tán mới được xem chiếu bóng bãi. Xem chiếu bóng bãi thế mà lại sướng hơn xem
rạp. Còn vui hơn họp chợ phiên.
Được khen, thằng Đán phởn chí kể chuyện
về nghề của gã như thể chưa bao giờ thấy đời thằng công nhân chiếu bóng lại
vinh hanh đến thế. Chuyện lang thang khắp thôn, xóm hết xã này đến xã khác.
Chuyện về những buổi chiếu bóng ngoài trời đông cả nút người. Chuyện về những
cô gái quê mê tài kể chuyện của chàng
chiếu phim đến mức bỏ cả nhà đi theo xin làm chân cấp dưỡng…
Trong đêm, giữa chặng nghỉ hiếm hoi,
thằng Đán thì thào hể hả kể chuyện trước mấy cặp mắt mở tròn xếp dẹt háo hức
của đám lính trẻ "học đường". Giữa lô xô tăng võng, đám lính nghỉ đêm
rầm rì tán chuyện nhà, chuyện quê. Vùng quê heo hút của thằng Đán cứ luẩn quẩn
trước mắt gã. Những nếp nhà thấp nhỏ lô xô giữa đồi cây đất đỏ, khói bếp chiều
hôm bảng lảng xanh mờ...Giờ thì gã không còn ứa nước mắt nước mũi nhớ nhà nữa,
nhưng ngực lại trĩu nặng nỗi nhớ bố mẹ, gia đình, nhớ đội chiếu bóng của gã.
Hình ảnh anh Thông, đứa em gái, cục xà phòng thơm gói vội giữa lớp giấy đánh
máy thuyết minh phim anh Thông giúi cho trước giờ xe chạy cứ nhoang nhoáng ướt
trước mắt gã. Nghĩ đến anh Thông, nó lại nhớ cái cách anh rèn dập nó khi mới
bước vào nghề. Bát cháo hành nóng nấu vội đổ cho nó chặp ốm lăn ốm lóc sau đêm
chiếu bên đò Hội huyện Hà. Mới đó mà đã xa lắc…
....
(Mời xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét