(Kỳ 27)
(Tiếp theo kỳ trước)
.......
Thằng Đán biết được chiếc xe bắt đầu
chuyển bánh là nhờ một cú lắc nên thân khiến gã choàng tỉnh sau giấc ngủ mê
mệt. Dù đã được cột dây vào thành xe mà những cú xóc, lắc… "hứ… hự"
vẫn làm hắn phát hoảng. Chiếc xe chuyển bánh trong tiếng va đập chói tai của đủ
thứ rung lắc, rời rã của những khung, những sàn, những bệ tưởng có thể rời rụng
ngay ra được. Nếu ông Tưởng không "bó" hắn vào khung vách sau ca -
bin bằng dây, hắn có thể rơi lọt xuống đường bất cứ lúc nào. Trời sáng mờ, nặng
trĩu sương rừng. Song từ cái chỗ được coi là an toàn của mình, gã vẫn nhìn thấy
những lỗ chỗ sàn xe, những thanh gầm rung bần bật ngay dưới chân. Nhìn ra phía
trước chỉ thấy mờ sương. Nhìn về phía sau, dưới ánh sáng mờ của chiếc đèn gầm
thì chỉ thấy từng vầng bụi dở đen dở vàng cuộn lên sau xe. Mù mịt, rung lắc
nghiêng ngả. Bụng nghĩ thôi thì phó mặc cho "ông giời", nhưng dạ cứ
bồn chồn vì không biết cái cối xay có bánh này liệu có nghiến thêm cả mình dưới
nền đường không, nếu vô phúc…tuột ráo cả mớ dây buộc ngùng ngoằng này.
Hơn nửa ngày trôi qua trong va đập bầm
dập và xóc muốn tung ruột, chiếc xe bỗng có vẻ đi êm hơn, thuần tính hơn. Thằng
Đán biết đã qua cung đường bị bom cày phá nát. Chiếc xe bỗng dừng lại. Trời
không lóe ra chút tia nắng nào, âm u mù mịt. Đầu óc gã vẫn đang ù lên như nằm
trong thùng sắt lăn trên đường đá hộc. Tai nghe tiếng anh Tưởng mà cứ như tiếng
vọng xa lắc xa lơ nơi nào vẳng đến.
- Chú mày chờ tớ chút nhé. Thêm tý nước
két đã. Mà phải nghĩ cách cho cậu cả lên trên này thôi. Nhỡ gặp mấy thằng C130
"đi chợ trời" lảng vảng thoi cho mấy quả rocket thì nhào xuống không
kịp đâu. Trời mù thế này chưa chắc nó đã "đi tuần đường". Nhưng cứ
"cẩn tắc đỡ áy náy" cái đã.
Sau đó, thằng Đán được cho lên ca - bin
thật. Ông Tưởng quá khéo. Chỉ có vài cành cây cỡ bắp tay và dây rừng thôi mà
ông ấy đan bện thế nào mà rọ không ra rọ, ghế không ra ghế, cũi không ra cũi
găm được lên nửa băng ghế lái sứt mẻ trên ca - bin. Trông thế mà cũng chắc chắn
ra phết. Chỉ phải cái nếu ngó kỹ xuống cái đám lò xo ghế gãy vụn chổng ngược lên
trời, thằng Đán bỗng nổi gai người khi nghĩ nếu không có đám xoắn vặn dây leo
kết thành chỗ ngồi cho nó thì cỗ "bàn tọa" của mình chịu đựng thế nào
với đám bùng nhùng ruột ghế sắt thép gớm ghiếc ấy. Cứ là "nát như tương Bần".
Tuy nhiên, khi leo lên ngồi, cái chỗ của nó lại cao hơn chỗ ông Tưởng gần một
cái đầu. Quăng cho nó chiếc mũ sắt lính lái, anh Tưởng quát khẽ: "Đội vào,
giữ lấy cái gáo". Kính buồng lái chẳng còn mảnh vỡ nào dính được trên đó
đã đành, mà toàn bộ ca - pô phía trước cũng "sơ tán" đâu hết cả, lộ
một đám những máy móc đen xì muội khói dầu mỡ, két nước, cánh quạt và lổn nhổn
những bu - gi ốc ác dây nhợ. Hai cánh cửa ca bin chắc đã bay mất dọc đường,
được ông Tưởng chọn hai cây gỗ bằng bắp chân gác chéo cài phía trong. Có đổ xe
thì cũng không văng được người ngồi trên ca - bin ra ngoài. Ngoái nhìn lại phía
sau, gỗ sàn thùng bệ lởm khởm cái còn cái mất. Góc thằng Đán ngồi đêm trước
cũng sắp bửa ra đến nơi. Bằng một nhát búa tạ, ông Tưởng khiến nó văng nốt
xuống đường. Cả cái xe lúc này trông như cái thuyền mui bằng giấy trẻ con vẫn
gấp chơi, với phần còn lại là chiếc ca - bin rách bươm ngất nghểu phía mũi. Gỡ
miếng bạt còn vương lại trên khung mái, ông Tưởng gấp thành một cái đệm vuông
vức lót lên "cái gọi là ghế" cho thằng Đán ngồi, miệng lẩm bẩm:
"Thế này cũng êm chán rồi". Bẻ gói lương khô làm đôi, ông Tưởng giục
nó: "Tranh thủ ăn đi, từ giờ ra tới Khe Gát mình sẽ đi một mạch".
Cung đường tiếp theo có êm hơn đôi chút.
Đôi chỗ, xe lại chui vào những mái lá xanh rờn. "Những đoạn như thế này,
bọn tớ gọi là đường Trường Sơn có "vung". Thanh niên xung phong và
dân công hỏa tuyến làm cả đấy. Vừa kín đường, vừa lừa được bọn giặc trời".
Bắt đầu thấy có xe phía trước đi vào. Lá ngụy trang giắt đầy quanh xe. Xe chở
bộ đội, thanh niên xung phong, xe chở đạn, chở hàng. Những chiếc xe đi ngược
vào, gặp chiếc Gat 63 của ông Tưởng chỉ khoát tay chào nhanh. Có vẻ họ đã quá
quen hoặc chẳng lạ lẫm gì với cái đám sắt vụn biết đi này trên đường. Hàng
ngày, biết bao lượt xe lúc vào còn nguyên màu lá, khi quay ra đã có nhiều chiếc
rách nát như vậy. Chiến trường là thế, tuyến vận tải Trường Sơn là thế. Cảnh ra
vào tấp nập làm cung đường bớt cái vẻ quạnh hiu bom đạn. Và sức sống con đường,
cũng góp phần làm ấm lòng người ra trận. Chiếc xe ông Tưởng lái phun khói như
một chiếc điếu cày khổng lồ. Thằng Đán ngồi một hồi rồi cũng quen với mùi dầu
ma - zut hôi rình. Nghe nó nói câu đầu tiên hơi méo mó :"Anh đi thế này đã
nhiều chưa?" Anh Tưởng tròn xoe mắt: "Này, chú mày nói lại được rồi
à?"
- Đêm qua, Anh dí súng ngang đầu Em làm
Em tưởng thám báo. Chỉ chờ nó đòm một phát thì nghe được tiếng Anh. Vừa mừng,
vừa ngộp không sao nói được câu gì, đành ra hiệu bằng tay với Anh. Đừng giận
thằng Em nhé.
- Giận cái đếch gì?! Nhìn cái bản mặt
băng bó thế kia, cứ tưởng chú mày vỡ mất tong cái "Đài phát thanh"
rồi. Nhưng mà nói được cũng còn nghe hơi khó đấy. Nói ít thôi, kẻo mệt. Ra đến
binh trạm, phải nhờ mấy cậu quân y làm vệ sinh cái mặt cho cậu, kẻo băng bó mãi
kiểu này, cái mặt chú mày lại thũng ra mất. Tớ làm "lính xế" Trường
Sơn hơn bốn năm rồi, từ cuối sáu tám. Gặp thằng mặt mũi như cậu và cho
"thượng" lên xe như thế này mới là một. Lái xe ra vào liên tục. Ấy là
trong chiến trường này thôi. Chứ trước tớ là lái xe Quốc doanh vận tải Thanh
Hóa đấy. Một mẹ đĩ và ba nhóc rồi còn gì, hai giai một gái. Cứ thau tháu năm
một, đứa lớn nay lên chín tuổi rồi. Mẹ thằng cu làm bên cửa hàng chất đốt của
huyện Quảng Xương. Mẹ đĩ cùng lũ trẻ sống ngay tại tập thể cửa hàng.
Gọi là nói chuyện chứ họ gào lên với nhau mới nghe được rõ lời
trong sủng xẻng sắt thép và hào hển động cơ. Sẩm tối, chiếc xe dừng lại ở binh
trạm Khe Gát, nơi vào ra Trường Sơn của mọi lực lượng chiến đấu và phục vụ
chiến đấu. Tính ra từ lúc xe lăn bánh, đã hơn ba ngày trời trôi qua. Đi liên
tục, ngày đi đêm nghỉ, ban ngày chỉ nghỉ hai ba tiếng dọc đường. Lần đầu tiên
sau hơn tháng trời lặm lội rừng già, thằng Đán biết đến hột cơm và miếng thịt
kho mặn. Lần đầu tiên kể từ khi bước vào trận chiến, nó được tắm táp thỏa thuê
mà không lo sợ tên bay đạn lạc, mìn bom chết người. Anh Tưởng còn đích thân đưa
gã đến hầm bệnh viện dã chiến để rửa và thay băng vết thương. Tay quân y sĩ
tròn mắt nhìn thấy vết thương trên mặt thằng Đán. Đó không phải là vết thương
do đạn nổ "Nếu đạn nổ thế này thì thằng cu này chết là cái chắc! Nhưng bảo
rằng đó là vết tự thương để biến khỏi chiến trường thì không thể tin được vì nó
ngoài sức tưởng tượng". Nghĩ bụng vậy thôi, chứ người y sĩ mặt trận chỉ im
lặng cần mẫn, chậm rãi rửa ráy, dùng dao tiểu phẫu trích cắt bớt những chờm lấn
dư thừa da thịt vá víu quanh vết thương. Khéo léo khâu nhanh những vệt rách hở
chưa kịp liền, làm sạch vết thương rồi băng gạc lại cho thằng Đán với một lớp
thuốc mỡ chống bội nhiễm lên vết thương. Trông có thể gớm ghiếc đấy, nhưng nếu
được phẫu thuật tái tạo tốt, cũng không khó để có được một khuôn mặt dễ nhìn.
Riêng hàm răng, rồi đây cũng phải trồng vào đấy kha khá răng giả, nếu không nói
rằng cần phải làm lại toàn bộ hai hàm răng mới hòng tái thẩm mỹ. Khuôn mặt
thằng Đán trắng toát băng gạc, chỉ hở đôi mắt và mồm miệng, hai cánh mũi mốc
mác. Trông nó khác đến nỗi ông Tưởng suýt xoa khen tay y sĩ: "Này, cậu
xứng đáng là thợ dao kéo cao cấp đấy! Hôm mới gặp nó, anh cứ tưởng ma hiện hình
đấy". Số thuốc được cấp phát cho thằng Đán có lẽ cũng tương đương với ba
cơ số thuốc cá nhân được trang bị khi vào chiến trường. Lủng củng cả thuốc
tiêm, sê ranh, ô xy già, cồn y tế, thuốc uống, thuốc bôi. Lại còn cả một gói
tướng băng gạc nữa.
....
(Mời xem tiếp kỳ sau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét