Kỳ 3 (Tiếp theo kỳ trước)
...Cơn mưa
chiều tối làm con mương dẫn về nhà Út Thương dềnh lên mấp mé ngang thân hàng dừa
nước. Mùa này mưa dập mưa vùi hàng bữa, không khí ậng nước nghe lành lạnh. Trên chiếc ghe nhỏ bồng bềnh giữa kênh nước
tràn bờ dọc đường trở về, Út Thương trông thật bé nhỏ, ướt át giữa cơn mưa trắng
trời. Trong bộ quần áo bà ba đen dính ướt sát người, ngó con nhỏ thật mảnh mai.
Dáng người tròn lẳn đang độ nẩy nở từng đường nét, thân thể nó cứ lồ lộ. Bước
sang tuổi mười tám được đôi ba tháng rồi đó mà nó vẫn cứ trẻ con vậy. Dì Ba,
người đàn bà không chồng con xóm Bàu nhận nuôi con Thương từ hồi nó còn bé xíu, lưu lạc theo chân người bán buôn sông nước không biết
từ hồi nào. Dì gặp và nuôi nó từ lúc con bé mới lên ba bốn tuổi giữa một phiên
chợ nổi trên sông Cái. Ở với Dì từ nhỏ nên dì thương con nhỏ như chính bà từng
giứt ruột sanh nó ra vậy. Con bé ngoan, hiền dễ thương. Ngó dáng vẻ tộc ngộc vậy
nhưng được cái chăm chỉ, ham làm. Vài ba đứa bạn cùng tuổi nó sống dọc con kinh
này cũng vậy, tóc đỏ đuôi gà vì dại nắng chí chóe nghịch ngợm suốt ngày và tính
tình thì ngồng ngộc như nhau. Đứa lớn đứa nhỏ chênh nhau vài ba tuổi, sàn sạt
mười lăm, mười bảy. Con Thương đứng hàng đàn chị trong đám, cũng thuộc hàng đầu
nêu quậy đủ trò.... Qua tuổi dậy thì, ngực đã vun cao rồi mà thích lên là lột
áo cả đám nhảy xuống kinh té nhau chí chóe đến thâm môi thâm miệng, bợt ngón
tay ngón chân đến hồi người lớn phải lớn tiếng la rầy mới chịu lên thay áo sống...Ấy
vậy nhưng chúng thương nhau lắm. Lỡ có đứa nào bệnh bệnh chút không chèo xuồng
đi chợ được là cả đám ỉu sèo như bánh tráng nhúng nước. Bọn con trai trong làng
tầm tuổi ấy cũng chỉ biết đứng từ xa ngóng tới, đố có đứa nào dám xớ rớ. Đụng đến
tụi nó cũng mệt lắm. Nào là ê a kể lể nhà trên xóm dưới, nào là mích người lớn
la sớm la chiều. Biết được cái thế của mình, đám con gái bạn con Thương tuy
không đanh đá xí xớn, nhưng cũng ra dáng ta đây
không chấp chi đám trai cùng tuổi. Riêng đám thanh niên tuổi lớn hơn chút chút
không theo ba má đi làm ăn xa thì cũng khăn gói vào thành phố
kiếm việc làm từ lâu rồi. Trong xóm, đám con gái
nhiều hơn mấy đứa con trai nên bắt nạt chúng nó đâu có dễ. Theo được dăm ba năm
học chữ qua tiểu học rồi thất học như nhau, đám trai gái xóm bờ Kinh Một này
ngoài việc cấy hái ruộng vườn, cũng chỉ biết chèo xuồng đi chợ, quăng lưới bắt
con tôm con cá mỗi ngày...Những ngày mưa gió thế này, ghe xuồng chênh chao sông
nước lặm lụi
kiếm cá từ sáng sớm tới chiều hôm là chuyện
thường.
Đột nhiên, con
Thương thấy mũi ghe chạm mạnh vào vật gì nghe đến "cộc" một tiếng khiến
chiếc ghe lạng nghiêng. Chống vội cây sào ghìm chiếc ghe lại, nó hốt hoảng nhận
thấy có một thân người nằm vắt lên khúc thân cây dừa gãy trôi dọc thân ghe, miệng
còn ngáp ngáp. Không chần chừ đôi hồi, nó buông người nhảy xuống con kinh đang
sôi réo ầm ầm ôm lấy khúc thân cây có người bám trên đẩy ép sát lườn ghe khéo léo lạng xéo chiều
nước áp vào bờ kênh. Nhanh nhảu cột dây ghim chiếc ghe vào hàng dừa nước ven bờ,
nó vần cả người cả khúc thân cây ghé lên mấy thân cây dừa nước sà ngang tầm
tay. Ghé vai luồn tay xốc tới xốc lui một hồi, rồi nó cũng đẩy được người bị nạn
lên bờ kênh ướt lướt thướt. Thân người đàn ông còn hơi ấm, miệng còn mấp máy run
run. Thật may, ngó dọc ngang bờ kênh nó thấy gần đó có chiếc lán bưng lá dừa nước tối um của ai đó dựng bên bờ. Chẳng
đôi hồi gì, nó vận sức vác luôn tấm thân mềm oặt gầy ốm của người bị nạn lên vai nặng nề bước tới chiếc lán.
Trong lán khá khô ráo. Vài thân cây dừa nước ken dày kết lại thành mặt sàn cách
mặt đất hơn gang tay. Trong lán không có đồ đạc gì đáng giá ngoài tấm ván cóc
cáy kê sát vách, nơi con Thương vừa đặt người đàn ông nằm lên. Sâu vào phía
trong lờ mờ sáng tối, con Thương tìm thấy một tấm mùng khô ráo túm gọn
nơi góc lán. Đống mùng bốc lên mùi ẩm ướt hôi hôi. Mặc, có được là tốt rồi. Rũ
tấm mùng, con Thương không ngại ngần gỡ bỏ hết quần áo bên ngoài, chỉ để lại
chiếc quần xà lỏn của người đàn ông rồi lấy cả tấm mùng cuốn chặt anh ta lại. Lục
lọi quanh lán một hồi, cuối cùng nó cũng tìm được chiếc bật lửa cũ kỹ sứt sẹo, ga còn non nửa nằm chỏng chơ trong
chiếc vỏ lon sữa "Ông Thọ" giắt bên cột lán. Vơ vội mấy tấm nhựt trình nhăn nhúm giắt mé
dưới mấy lớp mái lá, con Thương gầy lên một bếp lửa với ít cây que trữ sẵn nơi góc lán
cạnh ba ông đầu rau trên đám tàn tro lạnh húm từ hồi nào. Vắt thật ráo nước bộ
quần áo ngoài của người đàn ông rồi quàng lên vài gọng lá dừa nước gài quanh
vách hơ lên trước bếp lửa, nó quay lại với người bị nạn. Hơi ấm trong lán nhờ đám
lửa nhỏ bùng lên ngàn ngạt. Giờ mới có dịp ngó kỹ quanh nơi nó đặt người
đàn ông nằm xuống. Chiếc
lán này chắc được dựng lên từ lâu rồi mà không được chủ thường xuyên ngó ngàng
đến. Có vẻ người chủ đi làm ăn xa, đôi ba tháng mới về trú tạm. Hoặc có thể,
nơi này cũng chỉ là nơi trú tạm của một chủ thuyền nào đó thường qua lại khúc
sông này kiếm bữa dựng lên. Giữa cơn mưa lạnh nghe chừng đang bớt dần, hơi ấm từ
góc lán mỗi lúc mỗi tỏa rộng, khuôn mặt người đàn ông đã dần bớt thâm tái. Để
người bị nạn nằm đó, Út Thương gỡ chiếc ghe chèo thêm vài quãng về nhà. Dì Ba đang
ngồi đó bên mâm cơm chờ. Trước
con mắt gọi hỏi của dì Ba, nó chỉ nói vội: "Con có chút công chuyện, dì cứ
ăn cơm trước. Cho con xin thêm chén cơm, có người bị nạn ngoài kênh đang chờ
con. Xong việc rồi con về, muộn chút chút dì đừng la con nha..." Miệng
nói, tay mở nắp nồi, nó sới đến ba muổng cơm nóng trên bếp rồi gắp mấy miếng
kho mặn trong chiếc niêu đất treo bên vách bếp vào chiếc hang-go cũ. Trút bộ đồ
ướt sũng đang mặc trên người nó thay nhanh bộ đồ khô rồi quấn vội vuông khăn rằn
lên vai. Làm xong mấy việc vậy nó lại quày quả đi ngay trước khuôn mặt đờ ra vì
ngạc nhiên của dì Ba. Biết tính nó vốn lanh chanh, dì cứ để vậy. Đi đâu, làm gì thì đến
tối lúc lên giường với dì nó cũng tông tốc kể ra hết thôi. Dì còn lạ gì tính
khí con Thương nữa?! Rồi chợt nhớ ra câu nói vội của con Út..."ngoài kinh
có người bị nạn..." dì lại quầy quả chạy theo. Gỡ vội chiếc xuồng ba lá của nhà hàng xóm neo cạnh bến, dì hai tay hai chải quạt nước
rần rần đuổi theo bóng chiếc ghe con Út đang chống sào lướt nhanh phía trước.
Khi con Út khuất bóng sau cánh liếp che cửa chiếc lán thì dì Ba cũng tiếp bến
ngay sau.
….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét